Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bạn có đang an toàn? (Phần 1)

Thời gian đọc: 21 phút

“Quan hệ không bao mới sướng!”, “Tôi giữ thân như ngọc, trước giờ chỉ quan hệ có một lần, không thể nào mắc bệnh.”, “Mình chỉ quan hệ với một người duy nhất, làm sao lây nhiễm được?”, “Tụi mình chỉ “quay tay” cho nhau và quan hệ bằng miệng thôi, không thâm nhập thì không nhiễm bệnh đâu.”,…

Bệnh lây truyền qua đường tình dục dường như là một trong những vấn đề không mấy ai muốn nhắc đến, nhưng là một trong những loại bệnh vô cùng phổ biến. Năm 2018, có 87 triệu ca mắc bệnh lậu mới trên toàn thế giới và 127 triệu ca Chlamydia mới. Bây giờ chính là lúc bạn nên bắt tay tìm hiểu về các bệnh tình dục cũng như chú ý đến quan hệ an toàn rồi đó. Còn chần chừ gì nữa, hãy cùng VYA tìm hiểu về một số bệnh lây truyền qua đường tình dục và cách để quan hệ an toàn nhé!

Cảnh báo: Trong bài viết có chứa một số hình ảnh và nội dung nhạy cảm, mong bạn cân nhắc trước khi xem.

Tất cả những thông tin ở bài này chỉ nên được sử dụng với mục đích tham khảo chứ không nên thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hay những người hành y chuyên nghiệp.

* Chúng mình biết rằng không phải là ai cũng sử dụng những từ như thế này để nói về cơ thể của bản thân (ví dụ như những người chuyển giới). Vì thế, chúng mình ủng hộ việc bạn sử dụng từ ngữ phù hợp nhất với mình nhé!

** Những người có cổ tử cung thường được coi là nữ trong khi những người có tinh hoàn thường được xem là nam ngay sau khi vừa được sinh ra. Tuy nhiên, người có tinh hoàn lẫn người có cổ tử cung không nhất thiết phải xác định mình là nam hay nữ theo những đặc điểm sơ cấp đó.

Mục lục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là bệnh truyền từ người này sang người khác thông qua quan hệ tình dục. Cụ thể hơn, nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng xâm nhập và phát triển trong hoặc trên cơ thể khi quan hệ qua đường âm đạo, hậu môn và miệng.

Các bệnh lây qua đường tình dục điển hình

Bệnh giang mai (syphilis)

Annular Secondary Syphilis | NEJM
Nguồn ảnh: The New England Journal of Medicine (NEJM)

Bệnh giang mai lây nhiễm như thế nào?

Xoắn khuẩn giang mai được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, như: tinh dịch, dịch nhờn dương vật* (tiết ra trước khi xuất tinh), dịch âm đạo* và dịch hậu môn.

Bạn có thể nhiễm giang mai nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ hoặc dùng chung kim tiêm với bệnh nhân giang mai;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến;
  • Niêm mạc (lớp màng phủ lên bề mặt các bộ phận bên trong cơ thể, như: âm vật, quy đầu, hậu môn, miệng) hoặc các vết rách, trầy xước ngoài da tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai (hay còn gọi là “săng”); 
  • Lây từ người mang thai sang thai nhi trong lúc mang thai.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm bệnh giang mai không?

Cách duy nhất để nhận biết bản thân có nhiễm bệnh giang mai hay không là tiến hành xét nghiệm.

Một số người mắc bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào và có thể không hay biết về bệnh tình của mình. Người mắc bệnh giang mai có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác kể cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào cả.

Những triệu chứng có thể xuất hiện

Đặc biệt lưu ý: Bệnh giang mai không có triệu chứng nổi bật, thường bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, mệt mỏi, đau cơ,…

Có 3 giai đoạn nhiễm trùng giang mai. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi giai đoạn.

Giai đoạn sơ cấp:

  • 10 – 90 ngày sau khi mắc bệnh giang mai;
  • Ở vùng trên hoặc gần nơi giang mai mới xâm nhập vào cơ thể (dương vật, âm đạo, hậu môn, mông, miệng hoặc cổ họng) có thể xuất hiện một vết loét không gây đau đớn gọi là “săng” (chancre);
  • Nhiều người không chú ý đến vết loét này vì nó không gây ra đau đớn gì;
  • Các vết loét có thể tự lành, nhưng người bệnh vẫn còn mắc bệnh;
  • Để chữa khỏi bệnh giang mai, bệnh nhân cần trị liệu. Nếu bệnh không được điều trị, nó sẽ tiếp tục chuyển biến sang giai đoạn kế tiếp.

Giai đoạn thứ cấp:

  • 4 – 10 tuần sau khi vết “săng” xuất hiện;
  • Ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, ngực hoặc lưng của người bệnh xuất hiện hiện tượng phát ban;
  • Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị đau cơ và khớp, sưng hạch bạch huyết và rụng tóc loang lổ;
  • Những triệu chứng này sẽ tự biến mất, nhưng người bệnh vẫn còn mắc bệnh;
  • Để chữa khỏi bệnh giang mai thì cần phải điều trị. Nếu bệnh không được điều trị, nó sẽ tiếp tục chuyển biến sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn tiềm ẩn sớm/muộn:

  • Một năm hoặc hơn sau khi bị nhiễm trùng lần đầu;
  • Không có triệu chứng nào xuất hiện trong giai đoạn này. Người bệnh có thể hoặc không lây nhiễm bệnh cho người khác trong thời điểm này, nhưng bệnh vẫn sẽ chuyển biến sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn thứ ba:

  • Những người mắc bệnh giang mai nhưng chưa từng áp dụng phương pháp điều trị có thể bước vào giai đoạn này 10 – 20 năm sau khi họ mắc bệnh lần đầu tiên;
  • Giai đoạn này có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng về tim, não, gan, mắt và xương. 

Xét nghiệm bệnh ra sao?

Xét nghiệm máu được dùng để kiểm tra khả năng mắc bệnh giang mai.

Nếu muốn xét nghiệm, hãy trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc nên xét nghiệm vào thời điểm nào. Thông thường, có thể mất 2 – 12 tuần để bệnh giang mai xuất hiện trong máu và cho ra kết quả xét nghiệm chính xác.

Người đang mang thai có thể truyền bệnh giang mai cho thai nhi trong thời kỳ mang thai. Nếu đang mang thai và chưa được xét nghiệm bệnh giang mai, hãy trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tiền sản.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Bệnh giang mai có thể được chữa khỏi bằng cách tiêm penicillin, hoặc kháng sinh ở dạng thuốc viên nếu bệnh nhân bị dị ứng với penicillin. Bệnh nhân nên tiêm tất cả các mũi tiêm hoặc uống tất cả các loại thuốc được chỉ định trong thời gian điều trị bệnh, ngay cả khi các triệu chứng đã biến mất trước khi hoàn thành việc điều trị.

Các bạn tình của người bệnh cũng nên được xét nghiệm và điều trị, nếu không thì có khả năng họ sẽ lại lây nhiễm bệnh giang mai cho người bệnh.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải làm xét nghiệm theo dõi sau khi đã hoàn tất việc điều trị để đảm bảo điều trị có hiệu quả. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc khi nào nên tái xét nghiệm.

Điều quan trọng là phải làm xét nghiệm theo dõi sau khi đã hoàn tất việc điều trị để đảm bảo điều trị có hiệu quả. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc khi nào nên tái xét nghiệm.

HIV/AIDS

Nguồn ảnh: Medium

HIV là viết tắt của “Virus gây suy giảm miễn dịch ở người” (Human Immunodeficiency Virus), một loại virus ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ thể khó chống lại nhiễm trùng. 

HIV là virus có thể dẫn đến AIDS, tức “Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải” (Acquired Immune Deficiency Syndrome). Thời gian để HIV tiến triển đến giai đoạn AIDS phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm nguồn lực tài chính, mức độ hỗ trợ và mức độ tiếp cận các dịch vụ y tế. Người nhiễm HIV có thể sống một thời gian dài trước khi được chẩn đoán mắc AIDS.

HIV/AIDS lây nhiễm như thế nào?

Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm HIV, bất kể tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tầng lớp xã hội hay xu hướng tính dục nào. HIV tồn tại ở mọi quốc gia trên thế giới.

HIV được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bệnh, như: tinh dịch, dịch âm đạo, dịch hậu môn, máu và sữa mẹ.

Bạn có thể nhiễm HIV nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ hoặc dùng chung kim tiêm với bệnh nhân HIV/AIDS;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến;
  • Lây từ người mang thai sang thai nhi trong lúc mang thai hoặc khi cho con bú nếu không dùng thuốc ngừa lây nhiễm;
  • Dùng dụng cụ chưa khử trùng đâm hoặc cắt vào da khi xăm mình hoặc xỏ khuyên;
  • Bạn không thể nhiễm HIV từ muỗi hoặc qua hôn, ôm, chạm, dùng chung khăn hoặc ngồi chung bồn cầu hoặc thủ dâm.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm HIV/AIDS không?

Cách duy nhất để biết có mắc HIV/AIDS hay không là đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm. Đa số bệnh nhân đều không có biểu hiện của HIV nhưng vẫn có thể truyền bệnh.

Khoảng một tuần sau khi nhiễm virus, một số người có thể gặp các triệu chứng giống như cúm (sốt, đau nhức, đau họng,…) và/hoặc phát ban cơ thể (thường khỏi trong vòng 1 – 2 tuần).

Những triệu chứng có thể xuất hiện 

Mỗi giai đoạn của HIV/AIDS xuất hiện những triệu chứng bệnh khác nhau:

Giai đoạn phơi nhiễm HIV:

Giai đoạn khi mới tiếp xúc với nguồn lây bệnh, có nguy cơ bị nhiễm;

Không phải cứ phơi nhiễm với HIV (có tiếp xúc qua đường tình dục, đường máu với người nhiễm HIV) là sẽ bị HIV.

Giai đoạn cửa sổ:

Là khoảng thời gian giữa thời điểm phơi nhiễm HIV (virus xâm nhập vào cơ thể) cho đến khi phát hiện HIV bằng các xét nghiệm. Sự phát triển của kháng thể HIV hầu hết có thể được phát hiện ra trong vòng 23 – 90 ngày sau khi nhiễm bệnh;

Trong thời gian này, khi thực hiện xét nghiệm HIV sẽ cho ra kết quả âm tính mặc dù đã thực sự bị nhiễm bệnh; 

Bạn vẫn có thể truyền virus cho người khác trong giai đoạn cửa sổ.

Giai đoạn nhiễm trùng cấp tính (nhiễm trùng tiên phát):

Giai đoạn khi người bệnh vừa tiếp nhận các chất dịch cơ thể từ người nhiễm trước đó, virus giai đoạn này sinh sôi rất nhanh và lây lan khắp cơ thể; 

Khả năng lây truyền virus HIV trong thời gian này là cao nhất vì số lượng virus trong máu rất cao;

Các triệu chứng có thể nhẹ và dễ bị nhầm lẫn, xảy ra sau khoảng 2 – 4 tuần sau khi phơi nhiễm với virus HIV. Thời gian của các triệu chứng trung bình là 28 ngày và ngắn nhất là 1 tuần:

  • Sốt nhẹ từ 37,5 độ C đến 38 độ C, kèm theo ớn lạnh là một trong những triệu chứng HIV phổ biến nhất;
  • Nổi hạch cổ, nách và bẹn;
  • Viêm họng;
  • Đau nhức người, đau đầu, đau các khớp;
  • Phát ban đỏ ở da – triệu chứng phổ biến nhất khi nhiễm HIV trong vòng 2 đến 3 tuần sau khi bị virus xâm nhập;
  • Các triệu chứng ít gặp hơn ở giai đoạn này gồm: Giảm cân không rõ nguyên nhân, bị nấm, tưa miệng hay nhiễm trùng, rối loạn kinh nguyệt.

Giai đoạn mãn tính (giai đoạn ẩn):

Giai đoạn không biểu hiện triệu chứng và có thể kéo dài nhiều năm;

 Trong giai đoạn này virus có trong cơ thể nhưng không tấn công hệ miễn dịch, việc điều trị trong giai đoạn này rất quan trọng;

Giai đoạn này vẫn có khả năng lây lan bệnh.

Giai đoạn AIDS:

Giai đoạn này thường diễn ra sau nhiều năm từ khi bị lây nhiễm HIV. Ở giai đoạn này người bệnh vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác. Các triệu chứng trong giai đoạn này rất khác nhau, chủ yếu là biểu hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội:

  • Khởi phát của các triệu chứng có thể là giảm cân vừa phải và không giải thích được, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát (viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa), viêm da, loét miệng, phát ban da;
  • Đặc trưng của sự mất sức đề kháng nhanh là sẽ nhanh chóng bị nhiễm vi nấm gây nấm miệng hoặc nhiễm vi khuẩn gây bệnh lao;
  • Sau đó, các virus tiềm ẩn sẽ được kích hoạt gây tổn thương ngày càng nặng và đau đớn như: bệnh zona, ung thư hạch bạch huyết,…
  • Viêm phổi do nấm cũng phổ biến và thường gây tử vong.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Hiện tại chưa có cách điều trị HIV khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều cách làm hạn chế virus phát triển cũng như chống lại các bệnh lý ác tính gây ra bởi virus HIV/AIDS.

Xét nghiệm HIV như thế nào?

Thời điểm trả kết quả xét nghiệm HIV chính xác nhất là sau khi phơi nhiễm với virus HIV từ 2 – 3 tháng.

Một số loại xét nghiệm thường dùng để phát hiện HIV:

  • Xét nghiệm axit nucleic (NAT): thường có thể phát hiện nhiễm HIV trong vòng từ 10 – 33 ngày kể từ khi tiếp xúc với HIV.
  • Xét nghiệm kháng nguyên – kháng thể thực hiện bằng máu tĩnh mạch có thể phát hiện nhiễm HIV từ 18 – 45 ngày sau khi tiếp xúc với HIV. Xét nghiệm kháng nguyên – kháng thể được thực hiện bằng máu từ ngón tay có thể phải mất nhiều thời gian hơn để phát hiện HIV, thường từ 18 – 90 ngày sau khi tiếp xúc với HIV. Trong trường hợp cần làm xét nghiệm để khẳng định chắc chắn không bị nhiễm HIV thì xét nghiệm kháng nguyên – kháng thể bằng máu tĩnh mạch sẽ được ưu tiên lựa chọn. Xét nghiệm kháng thể thường mất từ 23 – 90 ngày để phát hiện nhiễm HIV một cách đáng tin cậy. 

Hầu hết các loại xét nghiệm nhanh và các loại xét nghiệm làm tại nhà đều là xét nghiệm kháng thể. Nói chung, các loại xét nghiệm kháng thể sử dụng máu tĩnh mạch có thể phát hiện HIV sớm hơn kể từ khi bị nhiễm bệnh so với các xét nghiệm bằng máu từ ngón tay hoặc bằng dung dịch uống.

Ngoài ra ngày nay, chúng ta còn có rất nhiều phương pháp xét nghiệm HIV đem đến độ chính xác cao khác với thời gian chờ kết quả ngắn và thao tác đơn giản.

Làm gì khi bị phơi nhiễm với HIV?

  • Nếu cơ thể bị các vết thương chảy máu: Cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước, để vết thương chảy máu trong thời gian ngắn sau đó rửa kỹ bằng xà phòng, sát trùng bằng các dung dịch sát khuẩn trong thời gian ít nhất là 5 phút;
  • Nếu phơi nhiễm qua tiếp xúc niêm mạc mắt: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% liên tục trong vòng 5 phút;
  • Qua niêm mạc miệng, mũi: Rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCL 0,9% và súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9% nhiều lần.

Liên hệ ngay cơ sở y tế để được điều trị chống phơi nhiễm. Dùng thuốc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay sau khi tiếp xúc rất quan trọng vì có thể ngăn ngừa nhiễm virus HIV. Hiệu quả của điều trị sẽ cao nhất trong vài giờ đầu sau khi phơi nhiễm, giảm dần theo thời gian và có thể không có hiệu quả sau mốc 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.

Trường hợp kết quả xét nghiệm virus HIV là âm tính

Kết quả xét nghiệm virus HIV là âm tính đồng nghĩa với việc bạn chưa có kháng thể HIV tại thời điểm xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu bạn có kết quả âm tính trước 3 tháng của giai đoạn cửa sổ thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn trở lại và tái xét nghiệm.

Trường hợp kết quả xét nghiệm virus HIV là dương tính

Nếu kết quả xét nghiệm virus HIV là dương tính thì bạn đã nhiễm HIV nhưng không có nghĩa là đã tới giai đoạn AIDS. Kết quả không xác định được chính xác thời điểm bạn nhiễm virus HIV hay khả năng virus phát triển thành bệnh AIDS. Dương tính với virus HIV chỉ đồng nghĩa với sự xuất hiện của virus trong máu, sữa mẹ, dịch hậu môn, tinh dịch hoặc dịch tiết âm đạo và có thể lây từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục không an toàn hoặc kim tiêm sử dụng chung. Người mang thai có thể truyền virus sang con trong thời kỳ mang thai hoặc giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ/ giai đoạn cho con bú.

Tuy nhiên bạn khoan cảm thấy tuyệt vọng nhé! Nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời, đời sống tình dục hay chuyện tình yêu của bạn đâu. Những tiến bộ của y học trong điều trị HIV giúp những người bị nhiễm virus có chất lượng cuộc sống tốt hơn và có tuổi thọ bình thường hoặc gần như bình thường. Bạn có thể giúp ngăn ngừa HIV tiến triển thành AIDS bằng cách đi khám bác sĩ thường xuyên, uống thuốc và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Đối với hầu hết mọi người, khi nhiễm virus HIV đều không ảnh hưởng đến khả năng làm việc, đi học hoặc giao tiếp xã hội. 

Nhiễm vi khuẩn Chlamydia

Image result for chlamydia
Nguồn ảnh: Healthline

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục được gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis.

Bệnh có thể gây ảnh hưởng tới cổ tử cung, dương vật, trực tràng (bên trong hậu môn) và cổ họng.

Vi khuẩn Chlamydia lây nhiễm như thế nào?

Chlamydia được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, như: tinh dịch, dịch âm đạo và dịch hậu môn.

Bạn có thể nhiễm Chlamydia nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến;
  • Lây từ người mang thai sang em bé trong khi sinh bằng đường âm đạo.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm vi khuẩn Chlamydia không?

Cách duy nhất để biết có mắc Chlamydia hay không là đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm. 

Nhiều người khi nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào và không hay biết rằng mình đang mắc bệnh. Vì vậy người bệnh có thể lây truyền Chlamydia ngay cả khi không có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh nào.

Nếu các triệu chứng bùng phát, chúng thường xuất hiện trong vòng từ 2 – 6 tuần sau khi tiếp xúc nhưng cũng có thể xuất hiện lâu hơn.

Các triệu chứng khi xuất hiện có thể khác nhau tùy vào nơi bị nhiễm trùng.

Những triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện

Hãy nhớ rằng: Hầu hết những người nhiễm Chlamydia đều không xuất hiện triệu chứng bệnh.

Cổ tử cung/Âm đạo:

  • Âm đạo đau rát, ngứa ngáy khó chịu;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
  • Dịch âm đạo có dấu hiệu bất thường;
  • Chảy máu sau khi quan hệ hoặc giữa các kỳ kinh nguyệt;
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo;
  • Đau nhức phần bụng dưới hoặc lưng dưới.

Dương vật:

  • Xung quanh vùng niệu đạo (phần đầu dương vật) đau rát, ngứa ngáy khó chịu;
  • Dương vật tiết dịch;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
  • Đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn.

Hậu môn (Trực tràng):

  • Trực tràng (vùng gần mông) đau rát, ngứa ngáy; 
  • Trực tràng chảy máu hoặc tiết dịch;
  • Ruột co thắt đau quặn khi đại tiện.

Cổ họng:

  • Cổ họng có thể đau rát hoặc sưng hạch nhưng thường không xuất hiện triệu chứng gì.

Xét nghiệm bệnh Chlamydia như thế nào?

Nếu bạn là người có âm đạo, bác sĩ lâm sàng sẽ kiểm tra âm đạo và lấy mẫu tế bào cổ tử cung của bạn. Tại một số phòng khám, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm. Để đảm bảo kết quả chính xác, bạn không nên tiểu tiện trong vòng 1 – 2 giờ trước khi xét nghiệm.

Nếu bạn là người có dương vật, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm mẫu nước tiểu.

Bạn sẽ được xét nghiệm bằng cách lấy mẫu dịch cổ họng hoặc trực tràng nếu triệu chứng Chlamydia xuất hiện tại những vùng đó trên cơ thể.

Người đang mang thai có thể truyền bệnh chlamydia cho thai nhi trong quá trình sinh nở. Hãy thông báo ngay với với nhà cung cấp dịch vụ tiền sản của bạn nếu bạn đang mang thai và chưa được xét nghiệm chlamydia.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Nhiễm Chlamydia có thể được điều trị và chữa khỏi bằng một liều kháng sinh duy nhất.

Bạn tình của bệnh nhân cũng nên được xét nghiệm và điều trị. Nếu không thì có khả năng họ sẽ lại lây nhiễm bệnh giang mai cho người bệnh. Bệnh nhân cũng nên chủ động thông báo bệnh tình với tất cả bạn tình (cả hiện tại và quá khứ).

Điều quan trọng là phải kiểm tra lại sau khi ngừng điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc tái xét nghiệm.

Người nhiễm Chlamydia nên kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày sau khi ngừng điều trị để ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho các bạn tình của mình.

Nếu không được điều trị, Chlamydia có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe vô cùng nghiêm trọng. Đối với những người có cổ tử cung, nhiễm trùng gây viêm vùng chậu, có thể dẫn đến vô sinh, đau vùng chậu mãn tính hoặc tử vong do thai ngoài tử cung. Còn đối với những người có tinh hoàn, Chlamydia không được điều trị có thể làm giảm khả năng sinh sản và gây đau và sưng tinh hoàn.

Mụn rộp sinh dục (Herpes)

Image result for herpes
Nguồn ảnh: WebMD
Mụn rộp sinh dục là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến thường lây truyền qua đường tình dục.

Nguyên nhân dẫn đến mụn rộp là do một loại virus có tên là HSV (Virus Herpes Simplex). HSV có 2 loại:

  • HSV1: thường gây ra mụn rộp trên miệng. 
  • HSV2: thường gây ra mụn rộp quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Loại mụn rộp có thể cảm nhận và nhìn thấy được còn được gọi là phát mụn rộp. Nhiều người mắc mụn rộp không bao giờ bị phát mụn rộp.

Mụn rộp sinh dục lây nhiễm như thế nào?

Từ người khác nếu người này đang phát mụn rộp hoặc gặp triệu chứng ngứa râm ran báo hiệu một đợt phát mụn rộp. Tuy nhiên, một người chưa từng bị phát mụn rộp vẫn có thể lây truyền bệnh.

Tiếp xúc da kề da với người đã mắc bệnh, không nhất thiết qua quan hệ tình dục.

Hôn môi với người mắc mụn rộp ở miệng hoặc dùng miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị mắc bệnh trong lúc quan hệ tình dục bằng miệng.

Khi bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người lành và người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nhau hoặc khi người bị mụn rộp ở miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người lành qua quan hệ tình dục bằng miệng.

Chạm vào mụn rộp sau đó chạm vào một bộ phận lành lặn trên cơ thể, bộ phận đó có thể bị nhiễm virus. 

Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến.

Lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm mụn rộp không?

Nhiều người mắc mụn rộp chưa từng phát mụn rộp.

Nếu sắp phát mụn rộp, những nốt mụn thường xuất hiện 2 – 20 ngày sau khi nhiễm virus. Da có thể ngứa ran trước khi những nốt mụn nổi lên.

Khi bị phát mụn rộp, người bệnh thường cảm thấy như bị cúm, đau cơ và khớp, tiểu buốt.

Xét nghiệm bệnh mụn rộp sinh dục như thế nào?

Hãy gặp bác sĩ lâm sàng ngay lập tức nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường trên bộ phận sinh dục hoặc xung quanh vùng miệng của bạn. Bác sĩ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu dịch từ vết loét và xét nghiệm. Đây là cách xét nghiệm mụn rộp phổ biến nhất. 

Ngoài ra, mụn rộp sinh dục có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu, phân tích mẫu máu để sớm phát hiện kháng thể kháng HSV-1 và HSV-2. Tuy nhiên, phương pháp này không hữu dụng vì nó không thể cho bạn biết thời điểm và vị trí của những vết loét xuất hiện trên cơ thể bạn. 

Phải làm thế nào khi phát bệnh?

Nếu phát hiện nhiễm bệnh, bạn nên:

  • Liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trong vòng 72 giờ để được khám và cho thuốc;
  • Giữ cho vùng bị mụn sạch sẽ và khô ráo;
  • Mặc quần áo vừa vặn, đồ lót bằng vải bông và không mặc đồ lót lúc ngủ;
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời;
  • Ngồi đi tiểu trong bồn nước ấm hoặc đổ nước lên vùng kín trong lúc đi tiểu nếu đi tiểu buốt;
  • Chườm túi nước đá vào mụn rộp để giảm đau;
  • Rửa tay sau khi chạm vào vùng nổi mụn rộp, tránh chạm vào miệng hoặc mắt sau khi chạm vào mụn rộp, tránh làm thể lây lan mụn rộp sang vùng khác trên cơ thể, đồng thời giặt khăn đã sử dụng trước khi sử dụng lại.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Mặc dù không có cách chữa mụn rộp sinh dục dứt điểm, nhưng một số phương pháp điều trị hiện hành có thể hạn chế những vết mụn rộp phát triển.

Một số người dùng thuốc kháng virus thường xuyên để giảm cường độ nổi mụn cũng như giảm rủi ro lây bệnh cho người khác.

Bác sĩ lâm sàng có thể kê đơn cho bạn loại thuốc đặc trị khi xuất hiện mụn rộp. Bạn nên sử dụng loại thuốc này sớm nhất cơ thể hoặc trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Thuốc sẽ giúp bạn bớt khó chịu và hạn chế phạm vi nổi mụn.

Theo thời gian, các đợt nổi mụn sẽ xuất hiện với tần suất thấp và cường độ nhẹ hơn (khoảng một lần nổi mụn rộp trong vòng từ một tới vài tháng). Cứ 10 người thì sẽ có 1 người gặp triệu chứng mụn rộp một lần duy nhất.

Bạn sẽ có khả năng cao nổi mụn rộp khi:

  • Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng hoặc bệnh;
  • Ăn uống, ngủ nghỉ một cách thiếu khoa học;
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài;
  • Đến kỳ kinh nguyệt;
  • Đang sử dụng một số loại thuốc nhất định;
  • Đang mang thai;
  • Dương tính với virus HIV hoặc có bệnh lý ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.

Viêm gan B

Signs---Symptoms-7
Nguồn ảnh: HealthyLives

Viêm gan B là một loại bệnh lây truyền qua đường tình dục do một loại virus gây ra. Bệnh dẫn đến những ảnh hưởng nhất định đến gan.

Viêm gan B lây nhiễm như thế nào?

Virus viêm gan B được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo, dịch hậu môn và máu.

Bạn có thể nhiễm viêm gan B nếu:

  • Quan hệ tình dục với người bị nhiễm bệnh mà không có biện pháp bảo vệ;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến;
  • Dùng chung kim tiêm hoặc dụng cụ y tế với người nhiễm bệnh. Rửa vật dụng bằng thuốc tẩy không có tác dụng ngăn ngừa bệnh;
  • Lây từ mẹ sang con trong khi sinh bằng đường âm đạo.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm viêm gan B không?

Cách duy nhất để biết có mắc viêm gan B không là đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm.

Hầu hết những người nhiễm bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào và không hay biết rằng mình đang mắc bệnh. Vì vậy người bệnh có thể lây truyền viêm gan B ngay cả khi họ không có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh nào.

Triệu chứng viêm gan B thường xuất hiện khi đã nhiễm bệnh từ 6 tuần tới 6 tháng.

Một số triệu chứng điển hình:

  • Mệt mỏi;
  • Đau bụng;
  • Vàng da;
  • Ăn uống không ngon miệng;
  • Buồn nôn, nổi mẩn đỏ trên da;
  • Đau nhức xương khớp;
  • Nước tiểu có màu vàng sẫm;
  • Phân màu xanh xám, sẫm màu.

Khoảng 90% những người nhiễm viêm gan B loại bỏ virus trong cơ thể trong vòng 6 tháng và phát triển khả năng miễn dịch tự nhiên đối với virus này. Do đó, về sau, cơ thể của họ được bảo vệ khỏi việc nhiễm viêm gan B và họ không thể truyền bệnh cho người khác được nữa.

Khoảng 3 – 10% những người nhiễm viêm gan B không loại bỏ được virus trong người. Đó là những người nhiễm viêm gan B mãn tính, đôi khi được gọi là “người còn mang mầm bệnh”. Điều này có nghĩa là họ “sống chung” với virus viêm gan B và có thể lây truyền sang người khác. Hầu hết những người nhiễm viêm gan B mãn tính không có triệu chứng nhưng có khả năng mắc các bệnh về gan sau này.

Xét nghiệm viêm gan B như thế nào?

Xét nghiệm máu được dùng để kiểm tra khả năng mắc viêm gan B.

Nếu bạn muốn xét nghiệm viêm gan B, hãy yêu cầu làm xét nghiệm đó. Xét nghiệm toàn bộ hay xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục không đồng nghĩa với xét nghiệm viêm gan B, hãy cẩn thận và đừng nhầm lẫn.

Người đang mang thai có thể truyền bệnh viêm gan B sang thai nhi. Hãy thông báo ngay với với nhà cung cấp dịch vụ tiền sản của bạn nếu bạn đang mang thai và chưa được xét nghiệm viêm gan B.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Nếu có kết quả dương tính với viêm gan B thì một vài xét nghiệm máu khác sẽ được tiến hành để đánh giá khả năng làm việc của gan.

Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị dứt điểm viêm gan B. Tuy nhiên, hầu hết hệ miễn dịch của những bệnh nhân đã “loại bỏ” virus trong vòng 6 tháng sẽ bảo vệ họ khỏi sự tấn công của virus lần nữa. Để xác định được cơ thể bạn “loại bỏ” virus hay chưa, bạn phải thực hiện tái xét nghiệm máu.

Viêm gan B mãn tính làm tăng nguy cơ tổn thương gan, bao gồm xơ gan và ung thư gan. Những người không loại bỏ sạch virus trong cơ thể (người còn mang mầm bệnh) nên sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh và gặp bác sĩ lâm sàng để kiểm tra thường xuyên.

Bạn cũng nên chủ động thông báo bệnh tình của mình với bạn tình (cả ở hiện tại và quá khứ).

Bạn đã suy nghĩ lại về quan điểm “tình dục không bao mới là thích nhất” chưa? VYA hy vọng với phần 1 của bài viết, bạn đã hiểu thêm một chút về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và biết được tầm quan trọng của quan hệ tình dục an toàn. 

Hãy đón đọc phần 2 của VYA nhé, ở đó chúng mình sẽ giới thiệu thêm về một số loại bệnh khác, cũng như đưa ra những thông tin sơ lược về tình dục an toàn. Biết đâu sau nội dung ấy, bạn sẽ muốn bắt đầu mỗi “cuộc yêu” của mình bằng câu hỏi “Cậu đã xét nghiệm bệnh tình dục chưa?” thì sao?


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây