Chúng mình chắc rằng ai trong chúng ta cũng có những mối quan hệ rất đỗi bình thường – từ với gia đình cho đến với bạn bè, với người thương. Nhưng lỡ đâu vào một ngày nào đó, bạn đột nhiên cảm thấy hoang mang trước những dấu hiệu tiêu cực trong các mối quan hệ của mình thì sao? Làm thế nào để nhận biết một mối quan hệ có hại bây giờ? Đừng lo lắng, VYA đã đến bên bạn rồi đây, hãy cùng chúng mình giải đáp những thắc mắc nhé!
Những dấu hiệu bạn đang trong mối quan hệ có hại
Những hành động độc hại, tiêu cực có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Hầu hết mọi người và phần lớn các mối quan hệ sẽ có một trong những dấu hiệu không lành mạnh dưới đây – nhưng điều ấy không có nghĩa mối quan hệ của bạn thật sự độc hại đâu. Một mối quan hệ có hại sẽ được xác định dựa trên tần suất, cường độ các hành động không lành mạnh và những hậu quả, tổn thương xảy ra. Sau đây là những dấu hiệu cảnh báo một mối quan hệ có hại:
Thiếu vắng những cuộc trò chuyện, sự đồng thuận và cảm giác đơn độc trong mối quan hệ
Giao tiếp là một trong những yếu tố quan trọng nhất ở bất kì mối quan hệ nào, dù là với gia đình, bạn bè hay người yêu của bạn. Bạn biết không, thiếu vắng những cuộc trò chuyện cũng đồng nghĩa với việc mất đi nền tảng để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Vì thế, hãy cố gắng chia sẻ những chuyện tốt lẫn xấu với đối phương nhé!
Bên cạnh đó, những dấu hiệu cảnh báo mối quan hệ đã xuất hiện những hạn chế về giao tiếp là khi hai bên không thể trò chuyện về những chủ đề khó nói, có nhiều hiểu lầm tưởng chừng như chẳng thể giải quyết được hay thậm chí họ hầu như không bao giờ đồng tình với ý kiến đối phương. Đôi khi mọi chuyện còn trầm trọng đến nỗi hai bên không tôn trọng sự đồng thuận trong quan hệ tình cảm, tình dục.
Hãy tự hỏi mình một cách thật lòng rằng: bạn có đang thoải mái thể hiện cảm xúc của mình với đối phương chưa? Nếu câu trả lời là không, có lẽ bạn nên tìm hiểu lý do tại sao. Hãy thử lắng nghe lời khuyên từ các chuyên gia – những người có thể cung cấp cho hai bạn một không gian an toàn để cùng nhau giải quyết những vấn đề về việc chia sẻ, giao tiếp.
Ghen tuông thái quá
Một chút hờn ghen trong tình cảm là chuyện thường tình. Thế nhưng, việc ghen tuông sẽ trở nên thiếu lành mạnh khi nó diễn ra liên tục, thái quá và dẫn tới việc một người muốn “sở hữu” tất cả của người còn lại. Bên cạnh đó, nếu nửa kia luôn khiến mình phải cảm thấy ghen tuông thì đó cũng có thể là dấu hiệu của mối quan hệ độc hại.
Quá dựa dẫm vào đối phương khi gặp vấn đề về tâm lý hoặc bị lợi dụng
Thật tồi tệ nếu ai đó khiến bạn nghĩ bạn phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ hay nghĩa vụ của bạn là làm họ cảm thấy vui. Thậm chí họ còn đổ lỗi cho bạn về những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn và khiến bạn cắn rứt, buồn phiền. Những ví dụ bao gồm việc đe dọa tổn thương chính bản thân họ hoặc những người khác nếu bạn không làm theo lời họ hay khi bạn muốn buông bỏ mối quan hệ. Đôi lúc, đối phương có thể ép bạn làm những điều mà bạn không hề muốn bằng cách ép buộc, nói rằng điều đó thật sự quan trọng với họ hoặc nếu bạn không làm chuyện đó, họ sẽ cảm thấy bị tổn thương.
Bạo hành tinh thần
Bạo hành bằng lời nói như đe dọa, sỉ nhục, hạ thấp giá trị
Hạ thấp giá trị (thông qua những hành động mang tính xúc phạm, coi thường) là khi người nào đó, thông qua hành động và phát ngôn của họ, khiến bạn cảm thấy xấu hổ và tồi tệ về chính bản thân mình. Đó có thể là hành vi bôi nhọ, chửi rủa, sử dụng từ lóng xúc phạm, miệt thị, hay có những bình luận thô lỗ về người thân của bạn hoặc phê phán, chỉ trích bạn một cách nặng nề. Nếu một người lấy bạn ra làm trò đùa dù chỉ vì mục đích đùa vui nhưng lại khiến bạn cảm thấy thật tồi tệ thì đó cũng là một hành động hạ thấp giá trị của bạn. Qua thời gian, hành động này còn có thể khiến bạn mất đi tự tin vào bản thân.
Hủy hoại danh dự, nhân phẩm là hành vi có chủ đích phá đi danh dự, thành tựu và thành công mà bạn đạt được. Hành vi này bao gồm cả việc ngăn không cho bạn thực hiện những điều quan trọng, có ý nghĩa đối với bạn. Mặt khác, những lời nói xấu sau lưng, việc lan truyền tin đồn và đe dọa công khai thông tin cá nhân của bạn cũng được xem là những hành vi hủy hoại danh dự, nhân phẩm.
Thao túng tâm lý để làm giảm giá trị của bạn, khiến bạn trở nên dựa dẫm vào họ về mặt tinh thần, tài chính
Thao túng là khi ai đó cố gắng nắm quyền kiểm soát các quyết định, hành động cũng như cảm xúc của bạn. Khá khó để phát hiện sự thao túng vì nó thường diễn ra một cách gián tiếp. Nếu ai đó cố gắng thuyết phục bạn làm những điều khiến bạn không thoải mái, hoàn toàn mặc kệ bạn cho đến khi họ có được điều mình muốn hay người đó cố gắng gây ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, rất có thể họ đang có ý định thao túng bạn đó!
Khi một người đe doạ chấm dứt tình cảm nhằm mục đích kiểm soát người còn lại thì mối quan hệ ấy đã trở nên độc hại. Bạn sẽ chẳng thể an tâm trong chuyện yêu thương hẹn hò khi cứ phải liên tục lo lắng rằng liệu mình có làm gì khiến đối phương muốn chia tay không.
Bạo hành thể chất
Trong một mối quan hệ, khi đối phương có khuynh hướng bạo hành về thể chất thì ta chẳng còn lý do gì để tiếp tục ở lại cả. Nếu một người liên tục nói những lời lẽ đe dọa hay sử dụng bạo lực để điều khiển và thao túng người còn lại thì chắc chắn đó không phải là một mối quan hệ lành mạnh đâu. Bạo hành thể chất có thể là những cú tát, đánh đập, đấm, đá, xô đẩy cho đến ép buộc quan hệ tình dục.
Trên thực tế, việc bạo hành về mặt thể chất thường bắt đầu khi cả hai đã thân quen một cách khá chậm rãi, nhưng thậm chí nếu dấu hiệu ban đầu chỉ là một cú xô mạnh bạo thì bạn cũng không đáng bị như thế.
Những biểu hiện bạo lực này rất hiếm khi chỉ xảy ra một lần, mà thường là tiền đề cho những hành động còn tồi tệ hơn trong tương lai. Vì thế, hãy nói ngay với những người thân thiết có khả năng giúp đỡ bạn thoát khỏi mối quan hệ bạo lực này một cách nhanh nhất.
Bạo lực tình dục, cưỡng hiếp
Đôi khi, chuyện tình cảm diễn ra khá tự nhiên và việc quan hệ tình dục có thể khá vui vẻ. Tuy nhiên, nếu bạn đang dành rất nhiều cảm xúc và nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ lâu dài nhưng lại chợt phát hiện ra nửa kia của mình chỉ muốn sự thân mật về thể xác, hẳn bạn sẽ rất suy sụp và mối quan hệ này trở nên mất cân bằng và không còn lành mạnh nữa. Yêu thương lâu dài cần cả sự gần gũi cả về thể chất, cảm xúc lẫn tinh thần. Đôi lúc sẽ tốt hơn nếu ta bỏ qua niềm vui trong chuyện “giường chiếu” để tìm kiếm một mối quan hệ dài lâu, bền chặt và thỏa mãn về mặt cảm xúc.
Cùng VYA điểm danh những dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh nhé!
Nếu bạn là người đồng tính, song tính hay chuyển giới…
Bạn có thể đang bị bạo hành, hay lạm dụng nếu bạn có quan hệ với một người:
- Đe dọa tiết lộ xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của bạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc hàng xóm láng giềng;
- Nói với bạn rằng chính quyền sẽ không giúp đỡ những người đồng tính, song tính hay chuyển giới;
- Cho rằng việc bạn buông bỏ một mối quan hệ (tình cảm) nào đó đồng nghĩa với việc bạn đang thừa nhận rằng các mối quan hệ đồng tính, song tính và chuyển giới là lệch lạc, sai trái;
- Thanh minh, bao biện cho hành vi bạo hành của họ vì họ cho rằng bạn “không thật sự đồng tính, song tính hay chuyển giới”;
- Nói với bạn rằng đàn ông có những hành động bạo lực là chuyện hết sức bình thường.
Cám ơn bạn đã đồng hành cùng VYA trong bài viết này. Mình biết ai cũng mong muốn tất cả mối quan hệ của mình đều lành mạnh và vui vẻ; nhưng nếu chuyện không như ý muốn thì bạn cũng đừng buồn nhé. Bạn có quyền buông bỏ mối quan hệ có hại và bắt đầu xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, tích cực mới cho mình. Điều quan trọng nhất là bạn phải luôn nhớ yêu thương và trân trọng bản thân mình đó.
Tài liệu tham khảo
3 Responses
I offer the opportunity to get a big jackpot only here slot138
I offer the opportunity to get a big jackpot only here linkmain168
I offer the opportunity to get a big jackpot only here maxim178