Khi nào nên công khai tính dục?

Thời gian đọc: 8 phút

Trước đây, những định kiến khiến nhiều người thuộc cộng đồng LGBT không công khai tính dục của mình. Để tránh bị gièm pha, họ lựa chọn che giấu bản chất thật và sống theo “chuẩn mực” xã hội. Hiện nay, dù xã hội đã có cái nhìn thoáng hơn, công khai vẫn còn là một vấn đề khiến nhiều người phải đau đầu. Qua bài viết này, mong rằng Vietnam Youth Alliance có thể phần nào gỡ mối tơ vò về vấn đề này trong lòng bạn nhé!

Khoan đã, công khai là gì cơ?

Illustration of coming out
Nguồn ảnh: Teo Georgiev

Công khai (hay còn gọi là “come out”) là một quá trình thấu hiểu, chấp nhận và trân trọng bản dạng giới/xu hướng tính dục của chính mình. Việc này bao gồm khám phá tính dục của mình và chia sẻ điều đó với người khác. Quá trình này có thể tiến triển lâu dài và cũng có thể diễn ra đột ngột. Bước đầu tiên thường là tự không khai với chính bản thân mình. Trong quá trình công khai tính dục, việc học cách chấp nhận những cảm xúc và suy nghĩ của bản thân là một bước rất quan trọng.

Công khai… nên hay không nên?

Công khai là một việc không hề dễ dàng. Xã hội từ lâu đã đặt ra nhiều “định nghĩa”, “chuẩn mực” về xu hướng tính dục hay bản dạng giới. Từ đó, mọi người nghĩ rằng họ phải hẹn hò với người khác giới và cư xử đúng với những tiêu chuẩn giới.

Những người trong cộng đồng LGBT thường đối mặt với sự kỳ thị và bị cô lập. Chính thực trạng này đã dẫn đến nỗi lo sợ phải công khai tính dục; họ có thể gặp phải rất nhiều phản ứng tiêu cực, như:

  • Không phải ai cũng hiểu và chấp nhận tính dục của họ ngay lập tức;
  • Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có thể bị sốc, lúng túng, hay thậm chí giận dữ;
  • Một số mối quan hệ có thể sẽ không còn được như trước nữa;
  • Gặp phải sự kỳ thị, quấy rối, bạo lực;
  • Một số người, đặc biệt là người trẻ, có thể bị đuổi khỏi nhà hay cắt nguồn tài chính.

Những lợi ích của việc công khai

Hành động che giấu bản thân có thể là con dao hai lưỡi. Tuy được bảo vệ khỏi những định kiến, người thuộc cộng đồng LGBT lại phải che dấu nhân dạng của mình. Công khai sẽ mang lại sự tự do và thanh thản trong tâm hồn. Bạn sẽ cảm thấy như cuối cùng mình cũng đã có thể thành thật với bản thân, và còn chưa kể tới sự ủng hộ, động lực khi tìm thấy cộng đồng của mình. Ngoài ra, công khai cũng giúp bạn:

  • Được sống một cuộc sống rộng mở và trọn vẹn hơn;
  • Phát triển các mối quan hệ theo chiều hướng chân thành, thân thiết và thoải mái hơn;
  • Hạnh phúc và tự tin về bản thân khi được mọi người yêu quý vì con người thật của mình;
  • Không bị căng thẳng, lo lắng quá mức vì gánh nặng phải giấu diếm;
  • Được là một phần của cộng đồng LGBT, giúp phá vỡ những hiểu lầm và định kiến về LGBT;
  • Góp phần tạo ra một môi trường dễ chịu hơn cho những người LGBT trẻ tuổi đi sau.

Trước khi nghĩ đến công khai, hãy trả lời những câu hỏi sau đây

Đúng là được sống thật với bản thân sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, trên thực tế, việc dám nói và sống đúng với con người thật lại là một câu chuyện rất khác. Vì có thể bạn sẽ phải đối mặt, chiến đấu với chính bản thân mình hoặc mọi người xung quanh. Rủi ro trong việc công khai là điều luôn tồn tại và không thể tránh khỏi. Vậy thì làm thế nào để có thể giảm thiểu điều đó? Dưới đây là một số câu hỏi sẽ giúp bạn giải đáp về công khai tính dục nhé!

Đây có phải là lựa chọn của bạn không? 

Đừng ép bản thân làm việc này nếu bạn cảm thấy không thoải mái. Mặc dù bạn có thể nhận được những phản hồi tiêu cực hoặc tích cực, điều quan trọng hơn là bạn nên cảm thấy thoải mái với quyết định công khai của bản thân.

Bản thân bạn đã hiểu biết đủ về LGBT chưa?

Phần lớn những phản ứng tiêu cực của người khác về LGBT là do hiểu biết sai lệch trong quá khứ; hoặc do định kiến với hình ảnh của cộng đồng bị phản ánh thiếu chính xác trên phương tiện truyền thông. Cho nên “hiểu biết đủ” ở đây có nghĩa là bạn không chỉ tìm hiểu thông tin, kiến thức đáng tin cậy, mà còn chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những câu hỏi hay hiểu lầm thường gặp về LGBT. Chỉ khi có kiến thức đúng và đủ về LGBT thì bạn mới có thể truyền đạt thông tin và giải thích thắc mắc, từ đó cải thiện cách nhìn nhận về LGBT của mọi người xung quanh.

Lý do công khai tính dục của bạn là gì? 

Hãy chỉ công khai nếu bạn cảm thấy thoải mái, đủ tự tin và có một động cơ tích cực cho việc này. Đừng bao giờ công khai trong một cơn giận dữ, cãi vã, hay bất kì một tình huống tiêu cực nào.

Bạn sẽ tự định dạng bản thân như thế nào?

Thời gian đầu sau khi mới công khai, sẽ có những người chưa thực sự sẵn sàng tự giới thiệu mình là người đồng tính, song tính, chuyển giới hay xu hướng tính dục và bản dạng giới nào khác. Điều này hết sức bình thường.

Có thể bạn chỉ cần công khai rằng mình cảm thấy bị thu hút bởi người cùng giới; hay là thấy khó chịu với việc người khác hỏi han về người yêu, về việc lập gia đình. Bạn có thể công khai rằng bạn đang có tình cảm với một người cùng giới cụ thể nào đó.

Những tên gọi hay nhãn không quan trọng bằng những những cảm xúc trong chính bạn. Hãy tập trung hơn đến cảm xúc của mình, bởi nói nhiều về những cảm xúc và trải nghiệm thì tốt hơn là chỉ đơn giản thông báo rằng bạn là người đồng tính hay song tính. 

Những người xung quanh bạn có những tín hiệu tích cực nào?

Bạn có thể tự đoán xem những người mà mình sắp công khai có quan điểm thế nào về LGBT. Hãy thử chủ động thăm dò thái độ của họ bằng cách hỏi hay đề cập với họ về những thông tin liên quan đến cộng đồng LGBT. Nếu họ có thái độ tích cực, khả năng cao là họ sẽ có thái độ tích cực với tính dục của bạn. Bạn cũng cần tiếp tục thăm dò xem họ có đang hiểu lầm và có những định kiến về LGBT hay không. Một vài ví dụ có thể bao gồm:

  • Cho rằng LGBT là “bệnh”;
  • Nghĩ rằng người thuộc cộng đồng LGBT có thể được xác định ngay từ vẻ bề ngoài;
  • Nhầm lẫn giữa người đồng tính và người chuyển giới;

Có ai ủng hộ và giúp đỡ bạn được không?

Ảnh minh họa công khai tính dục
Nguồn ảnh: Kevin Aloui

Nếu từng công khai với ai trước đó và nhận được sự ủng hộ, bạn có thể nhờ người đó trợ giúp cho lần công khai này.

Nếu bạn công khai lần đầu, bạn có thể nhờ trợ giúp từ:

  • Những người LGBT đang sống công khai;
  • Trung tâm làm về quyền LGBT;
  • Cơ sở hay đường dây tư vấn về LGBT;
  • Những người quen biết có quan điểm tích cực về LGBT.

Nếu bạn thấy căng thẳng và lo lắng quá mức trước khi công khai, hãy nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tham vấn đáng tin cậy để ổn định tâm lý trước.

Đây có phải thời điểm thích hợp chưa?

Lựa chọn thời điểm thích hợp là điều rất quan trọng. Hãy lưu ý xem người mà bạn định công khai đang có trạng thái tinh thần ra sao; hãy đặt câu hỏi: liệu họ có đang lo lắng hay suy nghĩ về điều gì không? Nếu họ đang có những khó khăn riêng, họ sẽ khó mà tiếp nhận chia sẻ của bạn một cách bình tĩnh. Vậy nên hãy lựa chọn thời điểm mà tâm lý của bạn cảm thấy đã thật sự sẵn sàng và mọi người cũng đang có tâm trạng tốt.

Bạn có đủ kiên nhẫn chứ?

Khi nhận diện và công khai với chính mình, bạn sẽ cần thời gian để làm quen với điều đó. Những người xung quanh cũng tương tự như vậy. Việc công khai với họ sự thật về bản thân chứng tỏ bạn còn quan tâm đến người đó. Nếu họ có phản ứng quá mạnh, hãy hiểu rằng có thể cũng vì họ quan tâm bạn mà thôi. Hãy giữ tâm ý đó trong suốt quá trình bạn cố gắng tìm cách công khai với họ.

Đừng mong đợi sự thông hiểu và thừa nhận ngay lập tức từ đối phương. Thay vào đó, đôi bên nên cố gắng trò chuyện kiên nhẫn và tôn trọng quan điểm của nhau. Sau đó mới từ từ giải quyết khúc mắc.

Các lưu ý

  1. Tự tin với bản thân. Trước khi mong chờ được người khác chấp nhận, bạn cần phải chấp nhận chính mình;
  2. Sẵn sàng đón nhận khó khăn. Vì bạn cần nhận ra rằng về lâu dài thì bạn sẽ hạnh phúc hơn;
  3. Quyết định người đầu tiên sẽ công khai. Người đầu tiên luôn quan trọng;
  4. Chuẩn bị cho người nghe: các thông tin, kiến thức về LGBT để có thể chia sẻ và hiểu nhau hơn. Tìm hiểu quan điểm của họ về đồng tính nói chung;
  5. Đoán trước câu hỏi mà người kia có thể đặt ra. Đặc biệt những câu hỏi liên quan tới nhận dạng như “Làm sao con/anh/chị/em/bạn chắc chắn mình là đồng tính?”. Hãy nghĩ tới phương án trong những tình huống xấu nhất có thể xảy ra;
  6. Chọn thời điểm thích hợp. Nó phải là lúc bạn cảm thấy muốn được nói ra chứ không phải vì áp lực;
  7. Chọn không gian thích hợp, riêng tư và thoải mái;
  8. Mở đầu câu chuyện một cách trực tiếp nhưng chậm rãi. Nhấn mạnh điều bạn sắp nói là điều quan trọng với bạn và với cả người kia, bạn đang rất nghiêm túc, và bạn mong chờ người kia có thể chia sẻ, thấu hiểu cùng bạn;
  9. Không có một “lời công khai” nào là “chuẩn”. Bạn sẽ biết cách chọn nói ra như thế nào là tốt nhất. Hãy nhớ, tập trung mô tả lại những cảm xúc và trải nghiệm mà bạn từng trải qua hơn là chỉ đơn giản nói bạn là người đồng tính.

Điều quan trọng

Sau khi công khai, hãy dành chút thời gian để tiếp nhận thông tin & phản hồi lại.

  1. Nếu người kia nghĩ rằng bạn đồng tính là lỗi của họ, hãy giúp họ tháo bỏ cảm giác đó;
  2. Đừng dùng “không” để phản đối ý kiến người kia. Ngược lại, hãy bày tỏ rằng bạn hiểu ý kiến đó, nhưng lặp lại và giải thích suy nghĩ của bạn sau đó;
  3. Nhấn mạnh rằng đây là một sự thật và hoàn toàn tự nhiên. Điều đó không ảnh hưởng gì tới mối quan hệ giữa hai người và bạn vẫn là chính bạn;
  4. Nếu có người nào đã ủng hộ bạn, hãy kể về việc đó;
  5. Những tiếp xúc như nắm tay, ôm có thể xóa đi sự xa cách;
  6. Đừng kết thúc một cách đột ngột cuộc nói chuyện như “chúng ta đừng nói về việc này nữa”. Hãy nên mở ra cơ hội cho những chia sẻ trong tương lai. “Có lẽ chúng ta cần nói chuyện thêm, nhưng những gì hôm nay mà con/mình nói là rất nghiêm túc và con/mình mong ba mẹ/bạn hãy suy nghĩ và hiểu”.

Công khai là một quá trình, chứ không đơn thuần chỉ là một lời được nói ra.


Bài viết này có thể hữu ích với các bạn khi quyết định sống thật với bản thân. Trong quá trình “bước ra ngoài ánh sáng”, đừng vội nản chí hay thất vọng khi vấp phải những khó khăn. Hãy luôn nhớ mục đích cuối cùng: Sống một cuộc sống của chính mình, và sống đúng với bản thân mình. Như vậy, bạn sẽ luôn có thêm động lực và sức mạnh để vượt qua. Vietnam Youth Alliance chúc mọi người may mắn!


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây