Tính nữ độc hại: khi những kiềm hãm bị phớt lờ

Thời gian đọc: 12 phút

Mỗi khi nhắc đến chủ đề về bình đẳng giới, cụm từ “tính nam độc hại” lại xuất hiện. Sự phổ biến của cụm từ này, đôi khi, có thể dẫn đến hiểu lầm rằng nguyên nhân của sự bất bình đẳng giới chỉ đến từ một phía. Thế nhưng, sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Trong cuộc sống thường nhật, ngoài tính nam độc hại còn có sự xuất hiện của “tính nữ độc hại”.

Đã có rất nhiều sự thảo luận liên quan đến tính nam độc hại. Thế nhưng, tính nữ độc hại lại là một chủ đề khá mới mẻ. Điều này đã dẫn đến rất nhiều câu hỏi thú vị xoay quanh vấn đề này. Đâu là những lần “vô tình chạm mặt” với tính nữ độc hại trong cuộc sống? Những ảnh hưởng của tính nữ độc hại lên xã hội? Liệu ta có đang vô tình tiếp tay cho điều này? Đến với bài viết ngày hôm nay của Vietnam Youth Alliance, hãy cùng chúng mình tìm hiểu về chủ đề “tưởng lạ mà quen” này nhé!

Tính nữ độc hại là gì?

Tính nữ độc hại là gì?
Nguồn ảnh: Luminis Health

Trong cuộc đấu tranh cho quyền lợi của người nữ, “tính nữ độc hại” đang dần được xem trọng. Theo những nhà nữ quyền, khái niệm này đồng nghĩa với việc tuân thủ tuyệt đối các chuẩn mực giới nữ tính nhằm “trở thành một người phụ nữ thực thụ”.

Xem xét các định nghĩa khác nhau về tính nữ độc hại, ta có thể khái quát định nghĩa này như sau: “Tính nữ độc hại thường được hiểu như là những chuẩn mực giới được mong đợi ở người nữ, quy định họ phải “dịu dàng”, “ít nói”, và “phục tùng” sự thống trị và thái độ hung hãn ở người nam“.

Tuy nhiên, định nghĩa này chỉ được rút ra khi xem xét độc lập trên khía cạnh giới. Định nghĩa này không bao hàm các vấn đề như giai cấp, chủng tộc, tính dục,… Dù vậy, đây là những yếu tố quan trọng, làm phức tạp hóa thứ bậc giới (gender hierarchy). Vì thế, “tính nữ độc hại” cũng có thể được hiểu như cách tiếp cận sự nữ tính trong xã hội mang tính ràng buộc và độc đoán quá mức.

Nguyên nhân gây ra tính nữ độc hại

Nguyên nhân gây ra tính nữ đôc hại
Nguồn ảnh: Harper Bazaar

Những định kiến từ xã hội

Để thật sự hiểu về tính nữ độc hại, việc xem xét góc nhìn mang tính áp đặt về “sự nữ tính” từ xã hội là cần thiết. Gán phụ nữ với các vai trò mang tính phục tùng, xem nhẹ hành vi bạo lực ở nam giới đối với người nữ, quá chú trọng ngoại hình là những ví dụ điển hình cho cách xã hội nhìn nhận “sự nữ tính”. Nhà báo tự do Katie Anthony cũng bổ sung: “Đây là cách người phụ nữ bảo vệ giá trị của họ, trong một chế độ phụ hệ dựa trên việc phụ nữ phải hứng chịu sự thống trị của nam giới”.

Bà cũng lưu ý rằng tính nam độc hại cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến tính nữ độc hại, vì nó “khiến cho phụ nữ bị khóa chặt vào việc thực hiện các nghĩa vụ của giới nữ”. Các nguyện vọng và đặc tính cá nhân ở người nữ thường bị xem nhẹ, như mong muốn được tự chủ hoặc thực hiện hoạt động tình dục theo sở thích. Đồng tình với ý kiến này, nhà tâm lý học xã hội phi nhị nguyên Devon Price cho rằng: “Vấn đề cốt lõi chính là những ràng buộc về vai trò giới ở cả người nam và người nữ.”

Tự phân biệt giới giữa nữ giới

Thế nhưng, nguyên nhân của tính nữ độc hại không chỉ dừng lại ở định kiến từ xã hội. Nữ giới thường được cho là hay có chiều hướng công kích lẫn nhau. Điều này có thể xảy ra ở mọi nơi: tại nhà, nơi làm việc,… Sự gây hấn thụ động này không hề dễ nhận ra: rất nhiều người nhầm tưởng đây là sự tử tế, chân thành, “chỉ muốn tốt cho nhau”.

Định kiến này thường được thể hiện trong các tình huống mẹ chồng nàng dâu, bạn thân giả dối, chị em trong nhà, sếp nữ và đồng nghiệp nữ,… Theo trích dẫn của Wall Street Journal, tỷ lệ người lao động nữ bị đối xử thiếu văn minh bởi đồng nghiệp nữ cao hơn khoảng 14% đến 21% so với bởi đồng nghiệp nam. Môi trường làm việc của người nữ không chỉ bị ảnh hưởng bởi tính nam độc hại. Thay vào đó, mâu thuẫn giữa nữ giới với nhau cũng là một yếu tố then chốt.

Biểu hiện của tính nữ độc hại

Các biểu hiện cần chú ý
Nguồn ảnh: Jovana Mugosa

Những biểu hiện xuất phát từ định kiến văn hóa, xã hội

Có rất nhiều những biểu hiện khác nhau của tính nữ độc hại. Một vài những biểu hiện khái quát bao gồm:

  • Phụ huynh quả quyết muốn xỏ tai cho một em bé gái để em ấy “trông xinh đẹp”;
  • Chỉ chọn những món đồ “mềm mại”, “ngọt ngào” để tặng cho người nữ mà không để tâm đến sở thích cá nhân của họ;
  • Cho rằng người nữ phải có con và làm mẹ mới được xem là “phụ nữ đích thực”;
  • Quan niệm phụ nữ là “phái yếu” và không nên tham gia những hoạt động mạnh;

Người nữ cũng biểu hiện hành vi độc hại

Những biểu hiện của tính nữ độc hại không chỉ xuất phát từ xã hội mà đôi khi còn từ chính những người nữ. Những biểu hiện này có thể bao gồm:

Tin rằng nữ giới không bằng nam giới

  • Đề cao ý kiến của nam giới hơn nữ giới;
  • Ưu tiên nhu cầu và ý muốn của nam giới trên nhu cầu của bản thân và người nữ khác;
  • Né tránh công tác lãnh đạo và các vị trí có thẩm quyền;
  • Tin rằng nữ giới không giỏi bằng nam giới trong việc nắm giữ vai trò lãnh đạo;
  • Với cùng một hành vi, luôn cho rằng nữ giới phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nam giới;
  • Quy chụp những người mang giới nam là “mít ướt” mỗi khi họ thể hiện cảm xúc.

Tự phân biệt giới

Khi người nữ đồng tình với các ý kiến hoặc thực hiện hành vi tiêu cực lên người nữ khác, đó là sự tự phân biệt:

  • Không tin tưởng, không tôn trọng ý kiến, hạ thấp những người nữ khác;
  • Có những hành vi gây hấn thụ động (đảo mắt, bình phẩm người khác, nói xấu sau lưng,…);
  • Gọi các người nữ khác là “ đàn bà con gái”, “đồ chân yếu tay mềm”,…;
  • Có biểu hiện phá hoại (nói dối để trục lợi, đưa ra những lời khuyên sai lệch, cười cợt người khác vì công việc hay các quyết định họ đưa ra, thao túng tình hình khiến cho người khác bị hiểu lầm,…);
  • Ghen ghét và khó chịu với những người nữ khác;
  • Ganh đua với người nữ khác qua vẻ ngoài, tầm ảnh hưởng, công việc hoặc tính dục.

Cũng phải lưu ý rằng, trường hợp một người nữ thể hiện những đặc điểm của tính nữ độc hại, có thể họ cũng là một nạn nhân của sự áp bức nữ giới hoặc sự tự phân biệt giới. 

Nhận thức của xã hội về tính nữ độc hại

Vấn đề nhận thức tính nữ độc hại trong xã hội
Nguồn ảnh: Spectrum South

Khác với tính nam độc hại, tính nữ độc hại thường hiếm khi được quan tâm. Việc xã hội vẫn còn xem nhẹ việc sự nữ tính có thể được dùng để lợi dụng và thao túng người khác có thể là một nguyên nhân cho điều này. Đồng thời, trong bối cảnh xã hội hiện nay tập trung vào việc nhận diện hành vi, chế độ gia trưởng cũng như những bất lợi nó đem lại cho nữ giới trong cuộc sống, việc nói về tính nữ độc hại trong thời điểm này dường như đi ngược xu hướng chung và khó được chấp nhận.

Vì sao tính nữ độc hại lại ít được quan tâm?

Tính nữ độc hại và những hành vi liên quan thường không được định nghĩa rõ ràng cũng như ít bị lên án bởi hai lý do:

  1. Ít có sự thảo luận về hành vi tiêu cực và độc hại liên quan đến sự nữ tính. Tính nữ độc hại cũng không được xem xét một cách toàn vẹn theo góc nhìn xã hội.
  2. Hành vi tính nữ độc hại không có tính truyền thống và ăn sâu như tính nam độc hại. Nguyên nhân là bởi trong quá khứ, người nữ không có được những quyền lợi như ngày nay.

Vì sao tính nữ độc hại rất khó bị phát hiện?

Đồng thời, các hành vi tính nữ độc hại thường ít được thảo luận kỹ càng. Lý do có thể là:

  • Vấn đề thường xuất phát từ sự thù oán, tức giận và bất an mang tính cá nhân;
  • Các hành vi kiểm soát, thao túng độc hại thường được xem là “bình thường”;
  • Hành vi độc hại được ngụy trang bằng sự quan tâm, giúp đỡ, “muốn tốt cho đối phương”;
  • Khó bị phát hiện trước khi nó gây ra thiệt hại nặng nề cho nạn nhân;
  • Hành vi độc hại thường chỉ nhắm đến người nữ. Vì thế, nam giới thường ít nhận ra sự tiêu cực của tính nữ độc hại;
  • Người thực hiện hành vi độc hại không nhận ra hành vi độc hại của bản thân;
  • Người có hành vi độc hại tin rằng mình bị phân biệt giới mỗi khi bị chỉ trích.

Tính nữ độc hại và phân biệt giới 

Tính nữ độc hại và phân biệt giới 
Nguồn ảnh: Human Parts

Có một điều chúng ta cần chú ý: Tính nữ độc hại và phân biệt giới không giống nhau. Thế nhưng, chúng cũng đồng thời có mối quan hệ mật thiết với nhau. Điều này có thể nhận biết thông qua ví dụ với môn bóng đá. Sự phân biệt giới thường cho rằng người nữ quá “yếu đuối” và “ngoan hiền”. Vì thế, nữ giới không thể tham gia các môn thể thao cạnh tranh như bóng đá. Trong khi đó, tính nữ độc hại quy chụp người nữ chơi thể thao thường “luộm thuộm”, “không nữ tính”.

Một mặt, sự phân biệt giới là lấy đi địa vị và quyền lợi của người nữ. Mặt khác, tính nữ độc hại định nghĩa tính nữ một cách nông cạn. Tính nữ độc hại khiến cho nữ giới cảm thấy vai trò của bản thân bị xem nhẹ trong những hoạt động cơ bản của con người hoặc những sở thích trung tính. Hai yếu tố trên khiến cho nữ giới bị bó buộc trong khuôn mẫu vô cùng chật hẹp, khó chịu.

Ảnh hưởng tiêu cực của tính nữ độc hại

Ảnh hưởng tiêu cực của tính nữ độc hại
Nguồn ảnh: Her campus

Khuyến khích việc im lặng chấp nhận bạo lực và sự áp đặt để tồn tại

Tính nữ độc hại thúc đẩy việc chịu đựng bạo lực và sự áp đặt trong im lặng. Theo đó, sự phục tùng là yếu tố quan trọng của người nữ trong xã hội. Cụ thể, để được chấp nhận, người nữ phải coi việc phục tùng nam giới là hiểu nhiên. Tính nữ độc hại chấp nhận rằng bạo hành thể chất là sự phô diễn quyền lực giới nam. Đồng thời, nó cũng được dùng để biện minh cho chế độ phụ quyền và “nghĩa vụ” của giới nữ.

Ví dụ: Những người nữ với tư tưởng độc hại, trong trường hợp có chứng cứ đầy đủ về việc chồng họ lạm dụng tình dục con cái, sẽ quyết định không trình báo và ngó lơ sức khỏe tinh thần của con để bảo vệ vị trí là một người vợ của mình.

Tính nữ độc hại kìm hãm vai trò của nữ giới

Có rất nhiều trường hợp người nữ đánh giá thấp, chê bai, gây khó khăn cho những người nữ khác. Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là:

  • Mẹ chồng bắt nạt và chèn ép con dâu;
  • Nữ giới lớn tuổi có thái độ tiêu cực với việc theo đuổi con đường học tập, sự nghiệp;
  • Người mẹ cảm thấy tự ti, có thái độ giận dữ với người con gái đang ở tuổi vị thành niên;

Người nữ mang tư tưởng độc hại, cùng người nam theo chế độ nam quyền, đều ủng hộ suy nghĩ “nữ giới là thành phần dự bị trong xã hội với thành tựu duy nhất là làm vợ và làm mẹ”. Những lý do cho định kiến và thái độ gay gắt của họ thường không có sức thuyết phục. Những đối tượng họ thường nhắm đến gồm:

  • Người nữ đang sống theo ý muốn của bản thân, tôn trọng và ưu tiên bản thân;
  • Người nữ chỉ sinh con gái;
  • Những người nam quan tâm đến con cái và việc gia đình;
  • Người nữ có chồng, bạn đời ân cần quan tâm;

Các tiêu chuẩn độc hại này là hệ quả của một môi trường phát triển trong xã hội trọng nam khinh nữ. Để xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực này, giúp đỡ nữ giới nhận ra tiềm năng, giá trị bản thân là một việc làm rất quan trọng. Mọi cá nhân đều phải có quyền phát huy tiềm năng và theo đuổi đam mê. Từ đó, họ sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Tính nữ độc hại lợi dụng “sự yếu ớt”

Một số cá nhân có thể lợi dụng “sự yếu ớt” của mình để trục lợi. “Vấn đề chỉ phụ nữ mới hiểu” thường được dùng là lý do để trốn tránh các nghĩa vụ nhất định. Những hành vi như thế này gây ảnh hưởng xấu đến sự nhìn nhận và tin cậy dành cho người nữ. Khi đó, người nữ thường bị coi là “không phù hợp”, “không đủ mạnh mẽ” cho một số công việc.

Có rất nhiều cách để giúp xóa bỏ định kiến này. Thay vì tiếp tay cho quan niệm “Phụ nữ là phái yếu”, chúng ta có thể bắt đầu nhìn nhận và xem trọng mong muốn, dự định cũng như là định hướng cá nhân của người nữ. Khi đó, khả năng của một người sẽ không chỉ được đánh giá dựa trên một quan niệm cổ hủ.

Làm gì để ngăn chặn hành vi tính nữ độc hại?

Làm gì để ngăn chặn hành vi tính nữ độc hại?
Nguồn ảnh: She The People

Có rất nhiều cách khác nhau để ngăn chặn tính nữ độc hại. Tùy vào từng giới, bạn có thể chọn cách tiếp cận vấn đề sao cho phù hợp. Một số gợi ý dưới đây có thể giúp bạn tránh những hành vi thường gặp của tính nữ độc hại.

  • Tránh áp đặt những hình mẫu độc hại về giới;
  • Không chen ngang, cắt lời người nữ khác trong môi trường làm việc. Thay vào đó, hãy tỏ thái độ tôn trọng ý kiến của họ;
  • Không lăng mạ người nữ vì những sở thích của họ;
  • Hãy giao tiếp với nhau trên tinh thần thẳng thắn, không lảng tránh hoặc nói bóng gió;
  • Tránh cách nói “phái yếu”;

Một sự thật ít biết đó chính là tính nữ độc hại cũng có thể ảnh hưởng đến nam giới. Điều này xảy ra khi chúng ta không coi trọng sự thể hiện nữ tính của người nam trong xã hội và áp đặt một cách nặng nề những khuôn mẫu về người đàn ông điển hình. Nhận thức được những hành vi có thể vô tình gây ảnh hưởng đến nam giới cũng có thể giúp giải quyết những định kiến liên quan đến tính nữ độc hại. Hãy TRÁNH sử dụng những suy nghĩ, cách nói như:

  • “Đàn ông chẳng thể hiểu được chuyện này đâu”;
  • “Đàn ông là những kẻ trăng hoa và lăng nhăng”;
  • “Anh bị gì thế? Mạnh mẽ lên! Đàn ông lên!”;
  • “Cậu là con trai mà không thích môn thể thao nào à?”;

Tổng kết

Tổng kết
Nguồn ảnh: The Holly Spirit

Tính nữ độc hại được hình thành bởi sự mặc cảm ăn sâu vào tiềm thức trong một quá trình lâu dài. Để loại bỏ tình trạng trên, chúng ta cần phải hiểu rằng: sự thành công không hữu hạn! Chúng ta hoàn toàn có thể cổ vũ những người nữ khác trong xã hội mà không hề làm bản thân bị thiệt thòi. Sự bình đẳng đem đến một lợi thế to lớn cho tất cả nữ giới. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có được một môi trường làm việc và những mối quan hệ lành mạnh với người nữ.

Khi khát vọng thành công bị biến tướng thành sự xô đẩy, chèn ép nữ giới thái quá, đó là lúc chúng ta cần dừng lại.


Đọc đến đây, VYA tin rằng bạn đã có câu trả lời cho riêng mình về nữ tính độc hại, cũng như có thêm kiến thức về hiện trạng mới mẻ này. Dù là tính nam độc hại hay tính nữ độc hại, chúng đều đi ngược lại với quan điểm của bình đẳng giới, đi ngược lại với những gì chúng ta đang đấu tranh mỗi ngày. Hãy cùng nhau đẩy lùi những sự độc hại này ra khỏi cuộc sống, cũng như tiếp tục đồng hành với VYA qua các bài viết sau nhé.

Theo dõi trang Facebook của Vietnam Youth Alliance ngay hôm nay để cập nhật thêm tin tức về cộng đồng LGBT cũng như giáo dục giới tính nhé!

Người thực hiện: Thomas Nguyen, Châu V., X.T., Vân Khanh, Phan Chi, Như Trần, T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.hormona.io/toxic-femininity-exists-what-is-it-and-what-you-need-to-know/

https://minerva-access.unimelb.edu.au/bitstream/handle/11343/254288/Final%20Toxic%20Femininity%20Submission.pdf

https://www.wsj.com/articles/undermined-at-the-office-how-women-can-cope-with-mistreatment-from-female-colleagues-1534956915

https://studybreaks.com/thoughts/toxic-femininity/

https://humanparts.medium.com/toxic-femininity-is-a-thing-too-513088c6fcb3 

https://hackspirit.com/toxic-femininity/ 

https://madisonmentalhealthcounselor.com/toxic-femininity-and-masculinity?fbclid=IwAR3Q_3e0FjroMfAtHWs1ya-ispFVt92ECNiy9dj0sqW3UfaMpQAF4nQ34VM 

https://www.news18.com/news/buzz/women-vs-women-toxic-femininity-is-real-and-its-time-to-talk-about-it-1952023.html 

https://www.premiumtimesng.com/opinion/456023-toxic-femininity-a-barrier-to-gender-equality-by-chinna-okoroafor.html 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

22 Responses

  1. Hello there, just became aware of your blog through Google, and found that it’s truly informative.
    I am gonna watch out for brussels. I will appreciate if you continue this in future.
    Numerous people will be benefited frpm your writing.
    Cheers!

    My webpage – sites.google.Com

  2. Hello There. I found your blog using msn. This iis a really well written article.
    I’ll be sure to bookmark it and return to read more of your useful info.
    Thanks for thee post. I will definitely return.

    Take a look aat my homepage; Elliott

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây