Giang mai – triệu chứng nào cần phải lưu tâm?

Giang mai – triệu chứng nào cần phải lưu tâm?
Thời gian đọc: 6 phút

Bệnh giang mai từ lâu đã là một “kẻ thù” nguy hiểm; nó đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng, người bệnh. Căn bệnh này hầu như không xuất hiện triệu chứng; điều này có thể khiến chúng ta chủ quan không được chữa trị kịp thời. Điều này khiến bệnh tiến triển nặng và dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy làm sao để nhận biết cũng như điều trị bệnh giang mai? Chuẩn bị giấy bút nào, vì hôm nay Vietnam Youth Alliance chúng mình sẽ cùng bạn “mổ xẻ” căn bệnh này nhé!

Lưu ý: Bài viết có hình ảnh nhạy cảm, bạn vui lòng cân nhắc trước khi xem.

Bệnh giang mai lây nhiễm như thế nào?

Xoắn khuẩn giang mai được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh, như:

  • Tinh dịch;
  • Dịch nhờn dương vật (tiết ra trước khi xuất tinh);
  • Chất dịch âm đạo;
  • Dịch hậu môn.

Bạn có thể nhiễm giang mai nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ;
  • Dùng chung kim tiêm với bệnh nhân giang mai;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng/dùng bao cao su. Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về cách vệ sinh đồ chơi tình dục;
  • Niêm mạc hoặc các vết trầy xước ngoài da tiếp xúc trực tiếp với vết loét giang mai (“săng”);
  • Lây từ người mang thai sang thai nhi trong lúc mang thai.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm bệnh giang mai không?

Khi đi vào cơ thể con người, xoắn khuẩn gây bệnh giang mai sẽ đi vào thời kỳ ủ bệnh (từ 1 đến 6 tuần). Vào thời điểm này, người bệnh có thể không biết họ đã bị nhiễm bệnh; người bệnh lúc này hoàn toàn không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Cách duy nhất để nhận biết bản thân có nhiễm bệnh giang mai hay không là tiến hành xét nghiệm. Tuy nhiên, ở giai đoạn ủ bệnh, việc xét nghiệm cũng có thể không phát hiện bệnh. Đồng thời, người mắc bệnh giang mai có khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác kể cả khi không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Trong giai đoạn này, vì không biết mình đã mắc bệnh, bệnh nhân có thể sẽ truyền bệnh cho những đối tác tình dục của bản thân.

Những dấu hiệu thường gặp

Ở cơ thể nữ, giai đoạn ủ bệnh kết thúc với những dấu hiệu của việc nhiễm trùng (3 đến 4 tuần sau khi nhiễm bệnh). Biểu hiện của giai đoạn này chính là những vết loét cứng, không đau. Những vết loét này chính là phản ứng của hệ miễn dịch chống lại xoắn khuẩn giang mai và có thể được tìm thấy ở miệng, bộ phận sinh dục trong và ngoài, và lỗ hậu.

Ở cơ thể nam, dấu hiệu dễ thấy đầu tiên là vết loét cứng ở gốc và đầu dương vật. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xuất hiện ở miệng, bìu dái, và miệng lỗ hậu. Những triệu chứng và tiến triển của bệnh khá tương tự ở cơ thể nữ.

Vết loét cứng phát triển từ sự viêm nhiễm và có hình tròn. Chúng có thể không đau vào thời kỳ đầu của bệnh. Nếu không được điều trị, vết loét có thể kèm theo phát ban giang mai ở những nơi khác.

Các giai đoạn và triệu chứng tương ứng của giang mai

Nội dung bị ẩn

Bấm vào để xem

Có 4 giai đoạn nhiễm trùng giang mai. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào mỗi giai đoạn.

Đặc biệt lưu ý: Bệnh giang mai không có triệu chứng nổi bật, thường bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng, mệt mỏi, đau cơ,… Bạn nên tìm đến các chuyên gia y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác nhất.

Giai đoạn 1 (từ 10 đến 190 ngày đầu tiên kể từ khi mắc bệnh)

Giang mai kỳ đầu bắt đầu khi vết loét cứng hình thành trên da hoặc niêm mạc bệnh nhân. Giai đoạn đầu này không gây bất tiện nghiêm trọng nào; các vết “săng” hầu như không gây đau đớn vì cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cũng có thể bị viêm dần và biến đỏ hoặc xanh –một dấu hiệu của sự viêm nhiễm mạnh. Kể cả khi các vết loét này có tự lành, người bệnh vẫn còn mắc bệnh và có khả năng truyền bệnh

Trong tuần đầu của những triệu chứng đầu tiên, phản ứng viêm của hạch bạch huyết và mạch máu quanh vết loét bắt đầu (viêm cứng hạch ở một khu vực). Viêm hạch bạch huyết có rất nhiều hình dáng khác nhau. Nếu ở miệng, chúng có thể gây viêm amiđan và làm sưng cổ họng, khiến cho việc nuốt và hô hấp trở nên khó khăn. Những triệu chứng này có thể dẫn tới những khó khăn đáng kể trong giao tiếp và ăn uống. Viêm cứng hạch vùng sinh dục cũng gây khó khăn trong việc đi lại và đại tiện. Nếu không được điều trị, bệnh sẽ tiếp tục chuyển biến sang giai đoạn kế tiếp.

Giai đoạn 2 (từ 4 đến 10 tuần sau giai đoạn 1)

Vùng da quanh vết loét cứng sẽ phát triển các vùng đốm và lở loét, đường kính từ 10 đến 15 mm. Người bệnh có thể bị phát ban trên diện rộng ở da hoặc niêm mạc, gây ra cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Có ba loạt phát ban có liên quan đến bệnh giang mai, gồm:

  • Phát ban đào: các đốm phát ban đỏ/hồng có cạnh mờ hoặc rõ, đường kính từ 5 đến 50 mm;
  • Nốt phát ban sần: các nốt phát ban nhỏ hình nói màu hồng, bong ra ở phía trên;
  • Phát ban mụn nước: các nốt phát ban có hốc mủ.

Bệnh nhân ở giai đoạn này cũng có thể xuất hiện tình trạng hói đầu một phần hoặc toàn bộ. Ban đầu, chất lượng của lớp tóc phủ sẽ kém đi; sợi tóc sẽ mỏng và rụng dầu. Khi quá trình này tiến triển, bệnh nhân sẽ có các khoảng rụng tóc lớn trên phần da đầu.

Những triệu chứng trên có thể tự biến mất; tuy nhiên, người bệnh giang mai vẫn cần được điều trị. Nếu không, bệnh sẽ tiếp tục tiến triển sang giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 3 (1 năm hơn kể từ khi nhiễm bệnh)

Đây là giai đoạn “ủ bệnh” của xoắn khuẩn giang mai; gần như không có triệu chứng nào xuất hiện trong giai đoạn này. Người bệnh có thể hoặc không lây nhiễm bệnh cho người khác trong thời điểm này, nhưng bệnh vẫn sẽ chuyển biến sang giai đoạn tiếp theo. Lúc ấy, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ bị tấn công nghiêm trọng.

Giai đoạn cuối của bệnh giang mai (10 tới 20 năm sau khi phát bệnh)

Giai đoạn này có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng về tim, não, gan, mắt và xương. Những mô Gummas sẽ phát triển trên một vài bộ phận cơ thể; đây là những khối u mủ, thường chảy máu và dịch bạch huyết. Chúng thường xuất hiện trên mặt, tạo thành những vết sẹo trên da của bệnh nhân.

Xét nghiệm bệnh giang mai ra sao?

Xét nghiệm máu được dùng để kiểm tra khả năng mắc bệnh giang mai.

Nếu muốn xét nghiệm, hãy trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc nên xét nghiệm vào thời điểm nào. Thông thường, có thể mất 2 – 12 tuần để bệnh giang mai xuất hiện trong máu và cho ra kết quả xét nghiệm chính xác.

Người đang mang thai có thể truyền bệnh giang mai cho thai nhi trong thời kỳ mang thai. Nếu đang mang thai và chưa được xét nghiệm bệnh giang mai, hãy trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tiền sản.

Cách điều trị giang mai nếu nhiễm bệnh

Bệnh giang mai có thể được chữa khỏi bằng cách tiêm penicillin. Nếu bị dị ứng với penicillin, bạn có thể được chỉ định kháng sinh ở dạng thuốc viên. Bệnh nhân nên sử dụng hết các liệu trình được chỉ định, kể cả khi các triệu chứng bệnh biến mất trước khi hoàn thành việc điều trị. Đối tác tình dục của người bệnh cũng nên được xét nghiệm/điều trị; điều này sẽ đảm bảo không có sự lây nhiễm chéo giữa bệnh giang mai sau này.

Điều quan trọng là bệnh nhân phải làm xét nghiệm theo dõi sau khi đã hoàn tất việc điều trị để đảm bảo điều trị có hiệu quả. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ lâm sàng về việc khi nào nên tái xét nghiệm.


Đọc đến đây hẳn các bạn đã hiểu được phần nào về sự đáng sợ của bệnh giang mai rồi nhỉ? Tuy vậy, căn bệnh lây truyền qua đường tình dục này có thể được điều trị dễ dàng qua từng giai đoạn nếu được phát hiện sớm. Nên nếu nghi ngờ bản thân nhiễm bệnh thì đừng ngại ngần mà hãy tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm bạn nha!

Người thực hiện: Hà, Lê Khánh Tú, T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây