Thuế băng vệ sinh – Sự bất công dành cho phái nữ và sự đấu tranh chống lại điều ấy

Thời gian đọc: 11 phút

Trong khi nhiều loại sản phẩm đều được miễn thuế thì băng vệ sinh, một sản phẩm thiết yếu dành cho phụ nữ lại bị đánh thuế tại nhiều quốc gia với mức từ 7% đến 20%. Băng vệ sinh hoàn toàn chịu mức thuế còn cao gấp 2 tới 3 lần mức thuế của các sản phẩm nhu yếu khác.

Thậm chí, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama còn trả lời khi được hỏi lý do khiến các sản phẩm băng vệ sinh luôn bị áp thuế ngang các mặt hàng xa xỉ: “Tôi nghĩ chắc do người làm luật chỉ toàn đàn ông.” Có lẽ đây là câu trả lời chính xác nhất giải thích vì sao băng vệ sinh luôn được “ưu ái” mức thuế trên trời trong khi bao cao su lại được miễn thuế tại Mỹ và một vài quốc gia khác.

Tại Mỹ, mỗi bang – mỗi quốc gia thu nhỏ, sẽ có một danh sách các sản phẩm được miễn thuế, chẳng hạn như son dưỡng môi, dầu gội đầu, giấy ăn, hay cả bao cao su. Tính tới thời điểm này, chỉ có vỏn vẹn 5 bang trong tổng số 50 bang toàn Hoa Kỳ miễn thuế hoàn toàn cho băng vệ sinh, còn lại băng vệ sinh vẫn chịu mức từ 4% tới 7% tùy bang.

Việc áp thuế này không khác gì một tội ác của các nhà lập pháp dành cho những phụ nữ nghèo cả. Họ sẽ phải cân nhắc chọn lựa xem nên mua gì, cái gì cần thiết hơn, và dĩ nhiên là ưu tiên tuyệt đối cho thực phẩm, cho toàn bộ gia đình mà bỏ qua việc chăm sóc bản thân. Nếu không có băng vệ sinh trong những ngày “đèn đỏ” quả thực là cản trở phụ nữ trong mọi mặt từ cuộc sống tới công việc, nguy hiểm hơn, khi tình trạng này kéo dài, nữ giới có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới nhiễm trùng vùng kín như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc nhiễm khuẩn âm đạo.

Tại Úc, cuộc đấu tranh bền bỉ này đã kéo dài gần 20 năm. Năm 2000, chính phủ Úc đã thông qua thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) đã quyết định miễn thuế 10% cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, bao gồm kem chống nắng, bao cao su, hoặc chất bôi trơn,… nhưng băng vệ sinh và các sản phẩm hỗ trợ kỳ kinh nguyệt như cốc nguyệt san hoặc tampon lại hoàn toàn không có tên trong danh mục.

Theo cựu Bộ trưởng Y tế Michael Wooldridge, băng vệ sinh hay cốc nguyệt san không hề giúp ngừa một căn bệnh nào nên không nằm trong danh sách miễn thuế, trong khi đó, bao cao su có thể ngăn các bệnh lây truyền qua đường tình dục nên chính phủ mới miễn thuế cho bao cao su. Lãnh đạo các đảng phái đều né tránh hoặc xem nhẹ vấn đề này, đẩy trách nhiệm tới các bang hoặc vùng lãnh thổ.

Trong suốt những năm qua, các nhà hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ đã lập ra hàng loạt chiến dịch kêu gọi miễn thuế cho các sản phẩm trong kỳ kinh nguyệt. Gây được tiếng vang nhất là chiến dịch vận động online Axe The Tampon Tax (Miễn thuế băng vệ sinh!) và Stop taxing my period! (Đừng đánh thuế kỳ “dâu” của tôi!) thu được hơn 180.000 chữ ký. Cuối cùng, vào cuộc họp tháng 10/2018, chính phủ Úc nhất trí miễn thuế băng vệ sinh và các sản phẩm tương tự dành cho phụ nữ, đồng nghĩa cũng chấp nhận tổng thu nhập quốc gia mỗi năm giảm 35 triệu USD (hơn 812 tỷ VND). Chính sách này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 1/2019.

Ở Đức, pháp luật quy định hai mức thuế: 7% dành cho các nhu yếu phẩm cần thiết cho hàng ngày và 19% dành cho các sản phẩm xa xỉ. Các sản phẩm như trứng cá hồi, nấm truffle hay tranh sơn dầu chỉ bị áp mức 7% thế nhưng băng vệ sinh lại có mức thuế lên tới 19% – tương đương với xa xỉ phẩm, giá trị còn cao hơn cả loại nấm đắt nhất thế giới – nấm truffle?

Đại diện tạp chí Neon and einhorn kêu gọi nữ giới lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, vì tampon là thứ cần thiết, giúp giữ vệ sinh cho phụ nữ. Nhóm người này kêu gọi chính quyền giảm mức thuế xuống còn 7% – bằng với mức thuế của các mặt hàng thiết yếu. Nếu số người ký tên ủng hộ chiến dịch trên đạt 50.000 người, Quốc hội Đức sẽ phải mở phiên họp thảo luận và tìm hướng thay đổi.

Cũng để phản đối bất công này, The Female Company, một công ty sản xuất tampon tại Đức, đã cho ra mắt cuốn sách “The Tampon Book” – một cuốn sách 46 trang về các chủ đề liên quan đến “bà dì” cũng như thuế băng vệ sinh tại Đức, đồng thời đính kèm thêm 15 chiếc tampon. Như vậy khi mua cuốn sách này, các chị em vừa được trang bị kiến thức sức khỏe, lại được mua tampon giá ưu đãi chỉ bị áp thuế 7%.

Chiến dịch của công ty vô cùng khôn ngoan vì không chỉ góp phần tăng doanh số của hãng mà còn được coi là một chiến dịch quảng cáo tài tình, được trao giải Grand Prix cho hạng mục PR tại Liên hoan quảng cáo Cannes. Đặc biệt, chiến dịch này góp phần thổi bùng lên ngọn lửa phản đối thuế băng vệ sinh cao vô lý và thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Đức. Vào tháng 10/2019, chính phủ Đức đưa ra kế hoạch giảm thuế băng vệ sinh từ 19% xuống còn 7%, bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Đây rõ ràng là một tin vui dành cho phụ nữ Đức sau một thời gian dài đấu tranh đòi quyền lợi.

Còn với nước Pháp, ngày 11/11/2015, khoảng 100 người đã tụ họp tại Thủ đô Paris để tiến hành chiến dịch phản đối chính phủ Pháp đánh thuế băng vệ sinh.

Đây là động thái mới nhất bày tỏ sự giận dữ chính phủ đến từ phái nữ với chính sách đánh thuế rất nặng lên băng vệ sinh – vật dụng cần thiết của các chị em. Người tham gia biểu tình đều cầm cờ sặc sỡ và giơ cao biểu ngữ “Không đánh thuế lên tử cung của tôi” hay “Mỗi lần tôi chảy máu chính quyền sẽ chiến thắng”,…

Nhà hoạt động nữ quyền Georgette Sand đã mở chiến dịch này thông qua mạng xã hội, mỗi người tham gia đều mặc chung màu áo đen và đỏ để thể hiện nỗi bức xúc của mình sau khi Hạ viện Pháp không thể thông qua dự luật sửa đổi nhằm cắt giảm thuế VAT từ 20% xuống còn 5,5% lên các loại tampon (một dạng nén của BVS) và các sản phẩm phụ nữ khác. Lý do khiến dự luật không thể thông qua là do các nghị sĩ cho rằng sẽ làm chính phủ mất nguồn thu 60 triệu USD/năm.

Ở các quốc gia khác

Tuy là một quốc gia kém phát triển nhưng Kenya (Đông Phi) là quốc gia đầu tiên bãi bỏ thuế đánh vào các sản phẩm dành cho kỳ nguyệt san của phụ nữ từ năm 2004. Theo chân Kenya còn có Malaysia, Ấn Độ và Canada.

Tại châu Âu, Scotland là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình phát băng vệ sinh miễn phí cho học sinh, sinh viên, với con số ước tính là hơn 395.000 người.

Nghịch lý: Nhu yếu phẩm nhưng giá trên trời 

Tình trạng người thu nhập thấp không có điều kiện để sử dụng băng vệ sinh vẫn còn xảy ra khắp nơi trên thế giới. Thậm chí, rất nhiều nữ sinh phải nghỉ học trong ngày “đèn đỏ” vì không đủ điều kiện mua sản phẩm vệ sinh khi tới thời kỳ kinh nguyệt.

Vậy nên, một nhóm học sinh trường Trung học Clementine Chamberlain ở thành phố Carmel, bang California đã khởi động chiến dịch cung cấp băng vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái vô gia cư.

Các bạn trẻ đã dùng phương tiện thông tin đại chúng và các hội đồng trường học để kêu gọi quyên góp và phân phát băng vệ sinh miễn phí cho những trường hợp thiếu thốn khả năng chi trả cho nhu yếu phẩm này.

Từ tháng 9/2018, nhóm đã thu được hơn 6000 băng vệ sinh các loại. Aminah Khalil, nữ sinh trường trung học Carmel cho biết: “Thường mọi người chỉ nghĩ quyên góp thực phẩm, thuốc men hay quần áo. Nhưng băng vệ sinh cũng là đồ dùng thiết yếu đối với phụ nữ và trẻ em gái trong giai đoạn dậy thì”. Hiện chiến dịch đang được hưởng ứng mạnh mẽ trên mạng xã hội tại Mỹ và đang lan rộng ra nhiều bang khác ngoài California.

Còn ở Ấn Độ, người phụ nữ trong ngày “đèn đỏ” chỉ sử dụng những miếng vải sờn, rách làm “băng vệ sinh”. Thực trạng đáng buồn này xảy ra ở khắp đất nước đông dân thứ hai thế giới này, theo một nguồn thống kê không chính xác thì hiện có khoảng 300 triệu phụ nữ Ấn không thể chi trả cho những miếng băng vệ sinh chất lượng, đảm bảo an toàn cho ngày “dâu” của mình được. Trong đó, cứ 5 em học sinh thì có ít nhất 1 em phải nghỉ học trong thời kỳ kinh nguyệt.

Đứng trước thực trạng đó, ông Arunachalam Muruganantham, sau khi nhìn thấy vợ mình dùng những chiếc “băng” tự chế đã suy nghĩ tới việc sản xuất ra một loại băng vệ sinh giá thành rẻ mà chất lượng.

Ban đầu, ông thực hiện khá đơn giản. Ông mua một cuộn bông, sau đó cắt thành hình chữ nhật, theo kích thước của miếng băng mẫu vốn được mua ở cửa hàng tạp hóa. Ông làm ra 1 miếng trong vòng 2 ngày và tất nhiên, người thử nghiệm đầu tiên là vợ ông, bà Shanti Muruganantham. Thế nhưng, bà Shanti không hài lòng và bảo rằng miếng băng này có chất lượng dở tệ.

Dù nhận được phản hồi không vui, ông không những không nhụt chí, mà còn tiếp tục nghiên cứu sâu hơn. Ông đã thử làm lại với những nguyên liệu khác. Có điều, vấn đề lớn nhất lúc này, đó là ông phải chờ đợi cả tháng mới nhận lại được phản hồi của người vợ. Ông Maruga cũng đề nghị các nữ sinh y khoa thử nghiệm sản phẩm của anh, nhưng họ quá xấu hổ đến nỗi không thể đưa ra phản hồi.

Vậy nên, ông quyết định tự thử nghiệm bằng cách tự dán miếng băng vào quần lót, rồi đeo bên thân một ‘tử cung’ giả chứa máu động vật và máu sẽ theo ống dẫn sẽ chảy xuống miếng băng đã được dán. Khi ông đi bộ hay hoạt động, máu sẽ chảy ra. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng cơ thể sẽ xuất hiện mùi hôi lạ, máu còn vương ra quần áo,…và ông Muruganantham bị hàng xóm gọi là người lập dị.

Ông Muruganantham vẫn tiếp tục bí mật nghiên cứu. Sau hai năm miệt mài, cuối cùng, ông cũng đã tìm được nguyên liệu phù hợp nhất và hoàn tất quy trình sản xuất. Sau 4, 5 năm, ông đã chế tạo 3 máy sản xuất miếng băng. Giờ đây những phụ nữ nghèo ở giai cấp thấp có thể sử dụng miếng băng vệ sinh an toàn và rẻ hơn 50% so với các hãng khác.

Hiện tại, sau 18 năm kể từ khi bắt đầu đi trên con đường sự nghiệp với phát minh của mình, ông Muruganantham đã mang tới công ăn việc làm cho hàng nghìn người với 877 chi nhánh sản xuất băng vệ sinh của ông ở 27 bang Ấn Độ. Tổng số lượng máy sản xuất lên tới 1300 máy. Có 17 quốc gia đã nhập khẩu máy sản xuất của ông. Một điều đặc biệt, đó là ông Muruga từ chối giao thương với các tập đoàn. Đây là lý do tại sao phát minh này được gọi là “vượt ngoài thương mại”.

Không chỉ có hai trường hợp trên, trên thế giới còn rất nhiều hành động ý nghĩa để giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn không đủ khả năng chi trả cho các sản phẩm vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt. Và hiện tượng mức giá thành của các sản phẩm này quá cao vẫn là điều còn tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Bất bình đẳng giới: Mắc vấn đề sức khỏe là bị đuổi việc

Cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng vẫn luôn diễn ra, có nhiều trường hợp phụ nữ bị đuổi việc vì mang thai hoặc có vấn đề sức khỏe trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc trước kinh nguyệt. Trong bài sẽ chỉ nhắc tới trường hợp tiêu biểu về việc bị sa thải do mắc hội chứng tiền kinh nguyệt (Premenstrual syndrome/PMS).

Một nhân viên trực tổng đài 911 bị sa thải vì hội chứng tiền kinh nguyệt.

Năm 2016, Alisha Coleman với tư cách là người tiếp nhận các cuộc gọi 911 đã bị sa thải sau khi làm việc tại trung tâm trong gần một thập kỷ. Giờ đây, với sự giúp đỡ của Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), Coleman đang kiện chủ cũ của mình vì sự phân biệt đối xử bất hợp pháp tại nơi làm việc, cho rằng cô bị sa thải vì có hai vụ chảy máu tràn trong kỳ rong kinh khi cô còn đang làm việc.

Theo ACLU, Coleman làm việc trong trung tâm hỗ trợ tại Viện Bobby Dodd ở Fort Benning, Georgia nhưng đã bị sa thải vào năm 2016 vì “gặp phải hai sự cố khởi phát đột ngột, chảy máu quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt”. Mitch Coleman cho biết những kỳ rong kinh của cô là một triệu chứng của tiền mãn kinh.

Một sự cố đầu tiên trong kỳ rong kinh của Coleman đã xảy ra vào tháng 8 năm 2015. Coleman vô tình làm rỉ máu kinh nguyệt lên ghế văn phòng của cô và được quản lý của cô bảo phải nghỉ làm và thay quần áo. Vài ngày sau, người quản lý trang Coleman và giám đốc nhân sự của Viện Bobby Dodd, đã đưa cho cô một văn bản báo cáo kỷ luật, cảnh báo cô rằng cô sẽ bị sa thải nếu còn làm bẩn một chiếc ghế khác do chảy máu tràn trong kỳ rong kinh.

Sự cố thứ hai được báo cáo xảy ra vào ngày 22 tháng 4 năm 2016 khi Coleman đứng dậy từ bàn làm việc để đi vệ sinh và làm rỉ một ít máu kinh nguyệt lên thảm. Ngày 26 tháng 4, cô ấy đã bị sa thải. Lý do được nêu ra cho việc sa thải cô là do cô không thực hiện các tiêu chuẩn về vệ sinh cá nhân và duy trì vẻ ngoài gọn gàng, sạch sẽ trong khi làm việc.

Vào ngày 17 tháng 8, ACLU tuyên bố sẽ thử lại vụ khởi tố của Coleman, sau khi nó bị bãi bỏ tại một tòa án quận vào tháng Hai. Trong phiên tòa đầu tiên, Coleman không được đại diện pháp lý bởi ACLU và tòa án quận đã bác bỏ lập luận của cô rằng tiền mãn kinh của cô “có liên quan đến việc mang thai hoặc sinh con” theo Đạo luật Phân biệt đối xử Khi mang thai. Theo bản tóm tắt kháng cáo của ACLU, tòa án quận gọi các triệu chứng tiền mãn kinh của cô ấy là “kinh nguyệt quá mức”.

ACLU tuyên bố trong một bản tóm tắt gửi lên Tòa án phúc thẩm Circuit Eleventh nêu ra tòa án cấp dưới không công nhận rằng các giai đoạn và phản ứng phụ của tiền mãn kinh được bảo vệ theo Quyển VII của Đạo luật Dân quyền. Pháp luật nghiêm cấm phân biệt đối xử tại nơi làm việc trên cơ sở giới tính. 

Ông Andrea Andrea Young, giám đốc điều hành ACLU tại Georgia: “Việc sa thải một người phụ nữ để tranh thủ thời gian làm việc là một sự xúc phạm đến mọi phụ nữ tại nơi làm việc. Một kỳ rong kinh là điều mà gần như tất cả phụ nữ sẽ trải qua, đặc biệt là khi họ đến tuổi tiền mãn kinh, và Alisha đã phải chịu sự sỉ nhục, bị hạ thấp và sa thải vì điều đó. Điều đó là sai trái và bất hợp pháp theo luật liên bang. Và chúng tôi đang đấu tranh chống lại nó”.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

16 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây