Bạn biết gì về bệnh tình dục Chlamydia?

Bạn biết gì về bệnh tình dục Chlamydia?
Thời gian đọc: 4 phút

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, có khoảng 127 triệu ca nhiễm Chlamydia mới trong độ tuổi từ 15 – 49 vào năm 2016. Nếu bệnh nhân không được điều trị đúng lúc, bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nếu bạn còn nhiều điều chưa rõ về căn bệnh này, hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cảnh báo: Trong bài viết có chứa một số hình ảnh và nội dung nhạy cảm, mong bạn cân nhắc trước khi xem.

Vi khuẩn Chlamydia lây nhiễm như thế nào?

Vi khuẩn Chlamydia lây nhiễm như thế nào?
Nguồn ảnh: Healthline

Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, được gây ra bởi vi khuẩn Chlamydia trachomatis. Chlamydia được tìm thấy trong dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo và dịch hậu môn. Bệnh có thể gây ảnh hưởng tới cổ tử cung, dương vật, trực tràng (bên trong hậu môn) và cổ họng.

Bạn có thể nhiễm Chlamydia nếu:

  • Quan hệ tình dục với người đã mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su cho những món đồ chơi này khi có người khác dùng đến;
  • Lây từ người mang thai sang em bé trong khi sinh bằng đường âm đạo.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm vi khuẩn Chlamydia không?

Cách duy nhất để biết có mắc Chlamydia hay không là đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm.

Nhiều người nhiễm bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Do đó, họ không hay biết rằng mình đang mắc bệnh. Vì vậy, người bệnh có thể lây truyền Chlamydia ngay cả khi không có bất kỳ dấu hiệu mắc bệnh nào. Đôi khi Chlamydia có những dấu hiệu nhẹ khó nhận biết, hoặc dễ nhầm lẫn với bệnh khác.

Nếu các triệu chứng bùng phát, chúng thường xuất hiện trong vòng từ 2 – 6 tuần sau khi tiếp xúc nhưng cũng có thể xuất hiện lâu hơn.

Các triệu chứng khi xuất hiện có thể khác nhau tùy vào nơi bị nhiễm trùng.

Những triệu chứng của bệnh có thể xuất hiện

Hãy nhớ rằng: Hầu hết những người nhiễm Chlamydia đều không xuất hiện triệu chứng bệnh.

Cổ tử cung/Âm đạo

  • Âm đạo đau rát, ngứa ngáy khó chịu;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
  • Dịch âm đạo có dấu hiệu bất thường về màu sắc và mùi;
  • Chảy máu sau khi quan hệ hay giữa hoặc ngoài các kỳ kinh nguyệt;
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo;
  • Đau nhức phần bụng dưới hoặc lưng dưới.

Dương vật và tinh hoàn

  • Xung quanh vùng niệu đạo (phần đầu dương vật) đau rát, ngứa ngáy khó chịu;
  • Dương vật chảy mủ hoặc dịch loãng/trắng đục;
  • Cảm giác nóng rát khi tiểu tiện;
  • Đau và sưng ở một bên hoặc cả hai bên tinh hoàn.

Hậu môn (Trực tràng)

  • Trực tràng (vùng gần mông) đau rát, ngứa ngáy;
  • Trực tràng chảy máu hoặc tiết dịch;
  • Ruột co thắt đau quặn khi đại tiện.

Khác

  • Cổ họng có thể đau rát hoặc sưng hạch nhưng thường không xuất hiện triệu chứng gì;
  • Vùng quanh mắt có thể sẽ chuyển màu đỏ, ngứa ngáy hoặc chảy dịch;
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi tiểu tiện hoặc quan hệ;
  • Đau vùng bụng dưới.

Xét nghiệm bệnh Chlamydia như thế nào?

Với người có âm đạo, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo, lấy mẫu tế bào cổ tử cung. Tại một số phòng khám, bác sĩ có thể yêu cầu lấy mẫu nước tiểu để xét nghiệm. Để đảm bảo kết quả chính xác, bạn không nên tiểu tiện trong vòng 1 – 2 giờ trước khi xét nghiệm.

Với người có dương vật, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm mẫu nước tiểu.

Bạn sẽ được xét nghiệm bằng cách lấy mẫu dịch cổ họng hoặc trực tràng nếu triệu chứng Chlamydia xuất hiện tại những vùng này trên cơ thể.

Người đang mang thai có thể truyền bệnh cho thai nhi trong quá trình sinh nở. Hãy thông báo ngay với nơi khám tiền sản của bạn nếu bạn đang mang thai và chưa được xét nghiệm Chlamydia.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Nhiễm Chlamydia có thể được điều trị và chữa khỏi bằng một liều kháng sinh duy nhất.

Bạn tình của bệnh nhân cũng nên được xét nghiệm và điều trị. Nếu không thì có khả năng họ sẽ lại lây nhiễm bệnh cho người bệnh. Bệnh nhân cũng nên chủ động thông báo bệnh tình với tất cả bạn tình.

Điều quan trọng là phải kiểm tra lại sau khi ngừng điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ lâm sàng để tái xét nghiệm định kỳ.

Người nhiễm Chlamydia nên kiêng quan hệ tình dục trong 7 ngày sau khi ngừng điều trị để ngăn chặn lây nhiễm bệnh cho các bạn tình của mình.

Nếu không được điều trị, Chlamydia có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe vô cùng nghiêm trọng:

  • Với người có cổ tử cung, nhiễm trùng gây viêm vùng chậu, có thể dẫn đến vô sinh, đau vùng chậu mãn tính hoặc tử vong do thai ngoài tử cung;
  • Với người có tinh hoàn, Chlamydia không được điều trị có thể làm giảm khả năng sinh sản và gây đau và sưng tinh hoàn.

Thông qua bài viết trên, VYA hy vọng bạn đã có đầy đủ kiến thức về bệnh Chlamydia, đồng thời luôn biết tự bảo vệ và giữ an toàn cho bản thân mình trong mọi tình huống. Hẹn gặp lại bạn trong các bài viết khác của VYA!

Người thực hiện: Hà, Kim Cương, N., T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://teenhealthsource.com/stisetc/chlamydia-details/

https://www.plannedparenthood.org/learn/stds-hiv-safer-sex/chlamydia/chlamydia-symptoms

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây