HPV: Virus tình dục nguy hại có thể bạn chưa biết

HPV: Virus tình dục nguy hại có thể bạn chưa biết
Thời gian đọc: 6 phút

Cũng như giang mai, nhiễm trùng roi hay u mềm lây, HPV là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Thế nhưng, đáng buồn rằng hiện nay vẫn chưa có liệu pháp điều trị căn bệnh này hiệu quả. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể phòng và chống HPV hiệu quả? Sau đây, Vietnam Youth Alliance xin gửi tới các bạn một bài viết vô cùng bổ ích xoay quanh căn bệnh này nhé!

Cảnh báo: Trong bài viết có chứa một số hình ảnh và nội dung nhạy cảm. Mong bạn cân nhắc trước khi xem.

HPV là gì?

HPV là từ viết tắt của “Human Papilloma Virus” – virus papilloma sinh sống trên cơ thể người. Khoảng 40 trong 100 loại HPV gây nên các bệnh lây nhiễm cơ quan sinh dục và hậu môn người.

Hệ miễn dịch ở người có thể tự tiêu diệt virus HPV trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu virus không bị tiêu diệt hoàn toàn, nó sẽ tiếp tục tồn tại trong cơ thể. Điều này có thể gây ra một số các vấn đề về sức khỏe.

Loại HPV nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc sinh dục. Những nốt u này có thể xuất hiện trên dương vật, hậu môn, trong và ngoài âm đạo. Trong một số trường hợp, chúng có thể phát triển ở vùng miệng hoặc cổ họng.

Loại HPV nguy cơ cao có thể thay đổi các tế bào cổ tử cung, dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chúng cũng là nguyên nhân gây các bệnh ung thư ở:

  • Hậu môn;
  • Dương vật;
  • Miệng;
  • Âm hộ (khu vực bên ngoài âm đạo).

Đa số những người nhiễm HPV thường không có các triệu chứng rõ ràng của bệnh. Thậm chí, một số lượng lớn người nhiễm bệnh còn không biết mình mắc phải HPV.

HPV lây nhiễm như thế nào?

Genital warts in a woman
Nguồn ảnh: Mayo Clinic

HPV không chỉ lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục. Nó có thể lây truyền qua những tiếp xúc ngoài da, đặc biệt ở vùng sinh dục của người bệnh. Những hành động có thể khiến bạn mắc phải HPV có thể kể đến như:

  • Cọ xát bộ phận sinh dục trần với nhau;
  • Kích thích bạn tình bằng tay hoặc miệng;
  • Quan hệ tình dục qua đường âm đạo hay hậu môn;

Đồ chơi tình dục cũng có thể là một nguồn lây nhiễm HPV cho bạn nếu không được sát khuẩn kỹ lưỡng và đeo một chiếc bao cao su mới cho mỗi lần sử dụng.

Một điều cần lưu ý đó chỉnh là mục cóc HPV rất khó phát hiện. Chúng thường không xuất hiện đủ dày đặc hoặc rõ ràng để có thể quan sát được. Dẫu vậy, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm HPV và khiến cho người khác bị nhiễm mụn cóc.

Nếu người mang thai mắc phải HPV, khả năng cao đứa trẻ cũng sẽ bị lây nhiễm HPV. Virus sẽ lây truyền trong quá trình sinh sản bằng đường âm đạo.

Xét nghiệm bệnh ra sao?

Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu cho những loại HPV nguy cơ thấp (HPV gây mụn cóc). Bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh cho bạn bằng cách quan sát các nốt sưng xuất hiện xung quanh vùng sinh dục và hậu môn để xác định xem liệu nguyên nhân của những nốt mụn đó có phải là do HPV nguy cơ thấp gây ra hay không.

Hiện tại cũng chưa có xét nghiệm nào có thể phát hiện ra sự thay đổi của tế bào gây ra bởi HPV ở trong dương vật, miệng hoặc cổ họng. 

Phết tế bào cổ tử cung (PAP)

Trong loại hình xét nghiệm này, các tế bào cổ tử cung sẽ được thu thập bằng một bàn chải nhỏ. Những mẫu tế bào này sẽ được kiểm tra xem liệu sự thay đổi trong tế bào cổ tử cung liên quan đến HPV nguy cơ cao hay không. Bình thường, những biến đổi này sẽ tự biến mất. Tuy nhiên, bác sĩ cũng sẽ theo dõi sát sao tiến trình của bệnh. Điều này nhằm đảm bảo rằng virus không còn tồn tại trong cơ thể bạn nữa.

Nếu HPV nguy cơ cao vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ thể, các bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra những hướng điều trị hợp lý cho sức khỏe của bạn nhất.

Ngoài ra, ở HPV nguy cơ cao (chỉ được tìm thấy ở trong cổ tử cung), bạn có thể sử dụng xét nghiệm DNA. Xét nghiệm PAP định kì vẫn có thể sàng lọc đầy đủ với hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, loại hình này có độ nhạy thấp, khoảng 40 – 75%. Kết quả xét nghiệm cũng phụ thuộc chủ quan vào người đọc kết quả. Từ tháng 10/2016, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành khuyến cáo sử dụng xét nghiệm HPV DNA cho phụ nữ từ 25 tuổi.

Xét nghiệm PAP ở trực tràng (mông) cũng đã có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, loại hình này không thật sự phổ biến. 

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị cho HPV. Đa số virus HPV sẽ tự biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, không có cách nào để biết chắc chắn liệu virus đã thật sự biến mất hay chưa.

Mụn cóc (wart) do HPV

Mụn cóc do HPV - HPV: Virus tình dục nguy hại có thể bạn chưa biết
Nguồn ảnh: https://www.mayoclinic.org
  • Nếu bạn có xuất hiện mụn cóc, nó có thể điều trị bằng nitơ lỏng, laser hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các loại kem đặc hiệu để chữa trị mụn cóc tại nhà. Để loại bỏ mụn cóc một cách hiệu quả, bạn nên kết hợp nhiều phương pháp điều trị;
  • Hầu hết mụn cóc sẽ tự ngừng bùng phát sau 1,5 – 3 năm. Một số người chỉ bị phát mụn 1 lần. Tuy nhiên, kể cả khi bạn không nhận thấy dấu hiệu bùng phát, bạn vẫn có thể lây truyền virus cho đối tác tình dục của mình.

Ung thư

Nếu xét nghiệm PAP chỉ ra rằng HPV đã gây ra một số thay đổi cho các tế bào cổ tử cung của bạn, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đã bị ung thư. Bạn sẽ cần xét nghiệm PAP thường xuyên hơn để theo dõi tiến trình của bệnh.

Những thay đổi này thường sẽ tự biến mất. Nếu không, bạn sẽ được đưa đến một chuyên gia để được kiểm tra cũng như điều trị bằng những phương pháp chuyên sâu hơn.

Giảm khả năng nhiễm/truyền bệnh

Vì bao cao su không che phủ được toàn bộ khu vực có khả năng bị nhiễm HPV, việc sử dụng bao cao su không bảo vệ bạn khỏi bệnh này hiệu quả như đối với hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, chúng vẫn làm giảm khả năng lây truyền và nguy cơ nhiễm bệnh.

Người có cổ tử cung nên đi xét nghiệm PAP hằng năm kể cả khi đã ngừng quan hệ tình dục. Bạn chỉ nên dừng lại khi bác sĩ có chỉ định khác.

HPV nguy cơ thấp hoàn toàn có thể lây nhiễm kể cả khi người bệnh không phát mụn cóc. Hãy tránh tiếp xúc kề da với ai đó đang phát mụn có thể giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Hiện nay, có 2 vắc-xin có thể giúp bạn ngăn ngừa HPV. Thế nhưng, chúng không thể bảo vệ bạn khỏi tất cả các chủng virus:

  • Vắc-xin Gardasil có thể phòng ngừa được 2 chủng HPV gây ung thư cổ tử cung. Đồng thời, loại vắc-xin này cũng phòng ngừa được 2 chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục;
  • Vắc-xin Cervarix giúp phòng ngừa 2 chủng HPV có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung.

Căn bệnh HPV vừa không có triệu chứng rõ ràng, lại còn dễ lây nhiễm! Nghe thì có vẻ rất nguy hiểm đấy nhỉ? Nhưng đừng quá lo lắng nè! Nắng đã có mũ, mưa đã có ô, còn sức khỏe tình dục đã có Vietnam Youth Alliance đây rồi! Mong rằng bài viết này đã phần nào giúp các bạn hiểu thêm về căn bệnh này, từ đó không còn quá lo lắng cũng như tìm được cách bảo vệ bản thân hiệu quả hơn!

Người thực hiện: Louis 


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://ppt.on.ca/facts/hpv/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây