Tranh luận xoay quanh song tính và toàn tính

Tranh luận xoay quanh song tính và toàn tính
Thời gian đọc: 10 phút

Xã hội càng phát triển, sự đa dạng của con người lại càng được đón nhận tích cực, cởi mở. Đa dạng xu hướng tính dục cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Khi những nhãn dán càng đa dạng, tất yếu cũng sẽ càng có nhiều những tranh luận xoay quanh những khái niệm liên quan. Một trong số đó không thể không kể đến sự mơ hồ giữa hai thuật ngữ Song tính và Toàn tính. Những ý kiến xoay quanh hai xu hướng tính dục này là gì? Liệu chúng có phải là một hay là những xu hướng hoàn toàn khác biệt? Tại sao lại có rất nhiều những góc nhìn khác nhau về vấn đề này? Nào, hãy cùng Vietnam Youth Alliance (VYA) bóc tách những tranh luận xoay quanh chủ đề này nhé!

Những kiến thức cơ bản

Những kiến thức cơ bản về song tính và toàn tính
Nguồn ảnh: The Oxford Blue

Song tính (Bisexual) là gì?

Khái niệm

Song tính (Bisexual, viết tắt là Bi) là một xu hướng tính dục ở con người. Người song tính có thể được định nghĩa là những người có trải nghiệm hấp dẫn về mặt tình cảm/tình dục chỉ với hai giới bất kì.

Trên thực tế, với sự phát triển của đa dạng các nhãn tính dục khác nhau, cách hiểu “song tính” có thể vượt ra khỏi phạm vi chỉ 2 giới. Nhà hoạt động cho quyền của người song tính Robyn Ochs định nghĩa song tính làcó trải nghiệm hấp dẫn về mặt tình cảm/tình dục với nhiều hơn một giới”. Bà cũng bổ sung rằng sự thu hút này không cần phải xảy ra trong cùng một thời điểm. Đồng thời, người song tính không nhất thiết có  trải nghiệm hấp dẫn bởi các giới theo cùng cách thức, mức độ.

Khi đề cập đến xu hướng tình cảm, ta có thể dùng cụm “Song ái”– “Biromantic”. Thuật ngữ này dùng để chỉ một người có trải nghiệm hấp dẫn về mặt tình cảm với hai giới bất kỳ. Tương tự như từ “bisexual”, “biromantic” cũng có thể được gọi tắt là “bi”.

Sự đa dạng trong cộng đồng

Theo nghiên cứu năm 2016 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention – CDC), có 5,5% nữ giới và 2% nam giới cho biết họ là người song tính. Điều này cho thấy song tính là nhóm đông đảo nhất trong cộng đồng LGBT ở cả 2 giới. 

Bởi có nhiều sự khác biệt giữa các cá nhân, song tính chỉ là một thuật ngữ tổng quan. Có những người có trải nghiệm hấp dẫn bởi cả nam và nữ nhưng không gắn nhãn song tính cho mình. Thay vào đó, họ có thể dán nhãn dị tính, đồng tính, hoặc không dán nhãn xu hướng tính dục. Số khác cảm thấy bị hấp dẫn với nam và nữ, nhưng chỉ quan hệ với một giới nhất định. Thậm chí, họ cũng có thể hoàn toàn không quan hệ tình dục. Một số người song tính có thể có tình cảm mãnh liệt với một giới hơn giới còn lại. Vì sự hấp dẫn tình dục rất phức tạp và khó đoán, người song tính có thể trải qua những cảm xúc khác nhau tùy thuộc vào những người khác nhau.

Toàn tính (Pansexual) là gì?

Hiện nay vẫn chưa có sự nhất trí về định nghĩa của cụm “toàn tính” (Belous & Bauman, 2017). Điều này xuất phát từ việc người toàn tính thường tự định nghĩa bản thân theo nhiều cách phức tạp (Lapointe, 2017).

Những khái niệm đầu tiên về bản chất của toàn tính thường hướng đến việc không dán nhãn (anti-label) hoặc không định danh (anti-identity) xu hướng tính dục của bản thân. Quan niệm này giành được sự ủng hộ ở đông đảo người trẻ tuổi không muốn dán nhãn bản thân mình (Callis, 2014; Galupo và cộng sự, 2017; Gonel, 2013). Một số ý kiến khác cũng cho rằng toàn tính thể hiện sự đa dạng về mặt tình dục. Theo cách hiểu này, toàn tính không phải là một khái niệm rõ ràng, có thể phân loại cụ thể.

Tuy nhiên, Toàn tính (Pansexual, viết tắt là Pan) thường được định nghĩa một cách tổng quan là sự hấp dẫn tình dục/tình cảm với tất cả các giới, hoặc không phân biệt giới. Sự hấp dẫn này dựa trên cơ sở “hearts not parts” (Galupo và cộng sự., 2017; Gonel, 2013). Điều này có nghĩa là người toàn tính không bị thu hút dựa trên cơ giới/giới tính của đối phương. Tương tự, Toàn ái (Panromantic) có thể được định nghĩa là sự hấp dẫn tình cảm với tất cả các giới/không phân biệt giới (Pearce, 2012; Yule và cộng sự, 2017).

Với xu hướng tính dục của họ, người toàn tính/toàn ái thường được xem là có sự công nhận rõ ràng với tất cả bản dạng giới khác nhau.

Phân biệt hai thuật ngữ

Song tính có nghĩa là sự thu hút với hai giới riêng biệt. Toàn tính, mặt khác, có nghĩa là sự thu hút với tất cả các giới/không phân biệt giới. “Hai giới” và “tất cả các giới” là nền tảng để phân biệt hai xu hướng tính dục này.

Ví dụ, một người song tính có thể trải nghiệm sự thu hút với hai giới khác nhau. Họ có thể bị người linh hoạt giới, nam giới, hoặc phi nhị nguyên giới thu hút. Tuy nhiên, họ lại không có trải nghiệm hấp dẫn bởi nữ giới. Ngược lại, một người toàn tính được thu hút bởi tất cả các giới theo mức độ tương đương.

Ở cả hai xu hướng tính dục này vẫn có sự tương đương nhau. Người song tính và toàn tính đều có thể có những trải nghiệm khác nhau ở mỗi giới khác nhau. Ví dụ, họ có thể cảm thấy hấp dẫn tình cảm với một giới. Thế nhưng, họ lại trải nghiệm sự thu hút tình dục ở một giới khác.

Về mặt xã hội, đôi khi từ “song tính” và “toàn tính” có thể được dùng với nét nghĩa tương tự nhau.

Những tranh luận xung quanh việc phân biệt Song tính và Toàn tính

Những tranh luận xung quanh việc phân biệt Song tính và Toàn tính
Nguồn ảnh: Heckin’ Unicorn

Ý kiến #1: Hai thuật ngữ này trùng lặp lẫn nhau

Song tính và toàn tính có sự tương đồng, nhưng không giống nhau hoàn toàn. Người toàn tính có thể trải nghiệm sự hấp dẫn với tất cả các giới. Ngược lại, người song tính trải nghiệm sự hấp dẫn với hai giới riêng biệt. Vì lẽ này, khái niệm toàn tính rộng hơn song tính rất nhiều. Người toàn tính đôi khi có thể tự dán nhãn bản thân là song tính. Trong một vài trường hợp, điều này xuất phát từ việc “song tính” được công nhận rộng rãi hơn. Một người có trải nghiệm hấp dẫn bởi tất cả các giới cũng có thể sử dụng nhãn song tính.

Bởi sự nhập nhằng này, nhiều người trong cộng đồng LGBT cho rằng hai thuật ngữ này trùng lặp nhau. Việc lựa chọn nhãn Song tính hoặc Toàn tính là tùy thuộc vào góc nhìn cá nhân của từng người.

Mặc dù có sự trùng lặp, hai thuật ngữ này vẫn có sự khác biệt nhất định. Nhãn dán toàn tính thể hiện sự “mù giới” (gender-blind), tức không chú ý đến giới của đối phương. Trong khi đó, người song tính không mù giới. Đồng thời, nhãn song tính cũng không thể hiện sự thu hút với tất cả các giới/không phân biệt giới.

Ý kiến #2: Hai thuật ngữ này gần giống nhau

Nghiên cứu năm 2016 của CDC Hoa Kỳ chỉ ra rằng song tính là nhãn dán phổ biến trong cộng đồng LGBT. Một nghiên cứu của hai tác giả Nikki Hayfield và Karolína Křížová tại Đại học West of England khảo sát người toàn tính/toàn ái sinh sống tại Anh Quốc cũng chỉ ra thực tế tương tự. Tuy nhiên, một điều thú vị mà nghiên cứu này chỉ ra đó chính là: rất nhiều người được khảo sát cho biết họ dùng hai thuật ngữ “pan” và “bi” thay thế lẫn nhau. Một vài ví dụ có thể được dẫn ra từ nghiên cứu này, như:

  • Một người Mỹ toàn tính phi nhị nguyên giới, 35 tuổi, cho rằng đây là “hai mặt của cùng 1 vấn đề”;
  • Đồng thời, một người Anh toàn tính nữ hợp giới, 48 tuổi, cho rằng hai thuật ngữ là “đồng nghĩa”;
  • Và một người Anh toàn tính hợp giới nêu quan điểm “Có rất ít sự khác biệt giữa song tính và toàn tính”.

Kết quả của nghiên cứu này cũng tương tự với những nghiên cứu trước đó tại Hoa Kỳ. Điều này chỉ ra rằng cả người song tính và toàn tính hiểu và xác định tính dục của họ theo những cách rất gần giống nhau (Galupo và cộng sự; 2017).

Ý kiến #3: Hai thuật ngữ này hoàn toàn khác nhau

Nghiên cứu của hai tác giả Nikki Hayfield và Karolína Křížová cũng cung cấp một góc nhìn thú vị. Một số người (toàn tính) tham gia khảo sát đã chỉ ra những điểm khác biệt lớn ở cả hai thuật ngữ này. Họ hoàn toàn từ chối việc sử dụng “song tính” như một nhãn dán. Đồng thời, nhóm này nhận định rằng nhãn “toàn tính” là “phù hợp nhất”. Với họ, thuật ngữ “song tính” được cho là ủng hộ hệ nhị nguyên giới. Một người tham gia khảo sát chia sẻ, “Theo ý kiến cá nhân của tôi, song tính là cả nam và nữ. Trong khi đó, toàn tính là tất cả mọi giới.”

Theo cách hiểu này, có một sự khác biệt rõ rệt giữa song tính và toàn tính. Song tính ở đây là sự hấp dẫn chỉ với nam và nữ. Toàn tính, ngược lại, mở rộng cho mọi giới, kể cả những nhãn phi nhị nguyên (Lapointe, 2017).

Chìa khóa giải mã: “Chiếc ô song tính”

Chìa khóa giải mã: "Chiếc ô song tính"
Nguồn ảnh: Greatist

Khái niệm

Trong quá trình nghiên cứu, thuật ngữ “chiếc ô song tính” được ra đời nhằm thể hiện sự tương đồng nhất định trong đặc điểm và trải nghiệm của những người tham gia khảo sát (Galupo và cộng sự; 2015). Thuật ngữ này bao trùm tất cả các nhân dạng đa tính (plurisexual identities). Một vài ví dụ trong “chiếc ô song tính” có thể kể đến bao gồm:

  • Song tính;
  • Toàn tính;
  • Queer;

Khái niệm này được đề ra nhằm mục đích gắn kết những cá nhân có những trải nghiệm chung. Sự đa dạng tính dục trong họ có thể tìm thấy những điểm tương đồng, như:

  • Không thuộc hệ nhị nguyên nam nữ;
  • Trải nghiệm kỳ thị đa dạng, phức tạp;

Từ sự chia sẻ này, những cá nhân có thể đoàn kết với nhau dưới cùng một “chiếc ô” chung. Điều này trao quyền lợi cho họ, tạo cơ hội để họ lên tiếng, cung cấp nền tảng để họ có thể hoạt động trên một quy mô lớn hơn, thay vì chỉ hoạt động theo từng cá nhân riêng lẻ.

“Chiếc ô song tính” với Song tính và Toàn tính

Song tính và toàn tính thường được nhóm với nhau do cùng trải nghiệm sự thu hút với nhiều giới. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có những cách hiểu khác nhau về sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này: chúng ta có thể cảm thấy nhãn này hợp với mình hơn nhãn khác. Do vây, sự khác biệt giữa song tính và toàn tính thay đổi dựa trên quan điểm cá nhân.

Sự khác biệt lớn nhất giữa hai thuật ngữ này thường đến từ việc giải thích các tiền tố trong ngôn ngữ. Tiền tố “bi” ngụ ý việc bị hấp dẫn bởi 2 giới. Thông thường, “hai giới” này là nam và nữ. Trong khi đó, tiền tố “pan” mang nghĩa bị hấp dẫn bởi mọi giới, nhị nguyên và phi nhị nguyên. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, “bisexual” cũng có thể được dùng để chỉ sự thu hút với nhiều hơn 1 giới, bao gồm cả giới phi nhị nguyên. Điều này đã phần nào phá vỡ ranh giới giữa toàn tính và song tính. Khi đó, cả hai từ “bisexual” và “pansexual” có thể được dùng tương đương nhau.

Một số người cho rằng cả hai thuật ngữ khác nhau dựa trên yếu tố thời đại và ngôn ngữ. Con người phụ thuộc vào những vốn từ sẵn có để miêu tả sự phát triển tính dục của bản thân. Trong một vài cộng đồng, người toàn tính có thể phổ biến hơn với người trẻ. Lý do là bởi thế hệ trẻ có sự tiếp xúc với người phi nhị nguyên giới và từ “pansexual”, trong khi những thế hệ trước đã quen thuộc với việc sử dụng nhãn “bisexual” suốt thời gian vừa qua.

Kết luận

Kết luận về sự khác nhau giưa song tính và toàn tính
Nguồn ảnh: iStock

Toàn tính, ở một mức độ nào đó, vẫn có những nét tương đồng với song tính. Ranh giới giữa 2 khái niệm này đôi khi rất mờ nhạt. Tại Hà Lan, phần lớn giới trẻ quan niệm rằng rằng ranh giới này cực kỳ linh hoạt, phụ thuộc rất nhiều vào những bối cảnh cụ thể khác nhau.

Vì sự mập mờ này, đưa ra một sự khác biệt rạch ròi giữa song tính và toàn tính là không hề đơn giản. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn một cách hiểu đơn giản hơn: hãy tôn trọng sự khác biệt trong mỗi chúng ta, những nhãn dán của mỗi cá nhân, dẫu là toàn tính, song tính hay bất kỳ tính dục nào đi chăng nữa.


Sự khác biệt giữa song tính và toàn tính phụ thuộc hoàn toàn vào quan điểm của mỗi chúng ta. VYA tin rằng dẫu định nghĩa của bạn là gì, nhãn dán của bạn ra sao, chúng ta đều có thể tôn trọng sự đa dạng và hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Chỉ có chính bản thân chúng ta mới thật sự hiểu chúng ta là ai, bị hấp dẫn thế nào. Vì vậy, hãy tự tin với nhãn dán mà bạn đã chọn cho chính mình. Lời cuối cùng, VYA hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo nhé!

Người thực hiện: Hà, Phương, Vân Khanh, Như Trần


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.thetrevorproject.org/trvr_support_center/bisexual/ 

https://lgbtq.arizona.edu/sites/default/files/BisexualPansexualResourceGuide_May2018.pdf 

https://www.apa.org/pi/lgbt/resources/bisexual

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/healthyliving/bisexuality

https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/15299716.2021.1911015?needAccess=true 

https://www.medicalnewstoday.com/articles/bisexual-vs-pansexual#differences

https://www.verywellmind.com/what-is-pansexual-5075602

https://www.webmd.com/sex/pansexuality-what-it-means 

https://www.webmd.com/sex/what-is-bisexual 

http://www.oulgbtq.org/what-do-bisxual-pansexual-mean.html 

https://www.tandfonline.com/doi/pdf/10.1080/15299716.2021.1911015?needAccess=true 

https://ccgsd-ccdgs.org/pansexual-awareness/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

2 Responses

  1. I have read so many articles on the topic of
    the blogger lovers except this article is genuinely a
    fastidious piece of writing, keep it up.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây