Bảo vệ bản thân khỏi mụn rộp sinh dục ra sao?

Bảo vệ bản thân khỏi mụn rộp sinh dục ra sao?
Thời gian đọc: 5 phút

Sau quan hệ tình dục, vùng miệng hoặc bộ phận sinh dục bị nổi mụn rộp, lở loét có phải là một tình trạng nghiêm trọng, đáng sợ? Nguyên nhân có đến từ cơ thể, cách ăn uống, kỳ kinh nguyệt, kỳ thai, hay thậm chí là HIV? Có thể chữa khỏi hay không nếu bệnh nhân nhiễm phải Herpes? Quay lại với chủ đề nóng hổi “STDs: những bệnh lây qua đường tình dục”, hôm nay Vietnam Youth Alliance (VYA) chúng mình sẽ cung cấp cho các bạn thông tin, nguyên nhân và cách phòng chữa bệnh về căn bệnh Herpes – một loại virus gây bệnh lây lan qua đường tình dục có khả năng gây ra những triệu chứng trên.

Các vết mụn rộp sinh dục
Nguồn ảnh: WebMD

Mụn rộp sinh dục là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến thường lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân dẫn đến mụn rộp là do một loại vi-rút có tên là HSV (Virus Herpes Simplex). HSV có 2 loại:

  • HSV1: thường gây ra mụn rộp trên miệng;
  • HSV2: thường gây ra mụn rộp quanh bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.

Loại mụn rộp có thể cảm nhận và nhìn thấy được còn được gọi là phát mụn rộp. Nhiều người mắc mụn rộp không bao giờ bị phát mụn rộp.

Mụn rộp sinh dục lây nhiễm như thế nào?

  • Từ người khác nếu người này đang phát mụn rộp hoặc gặp triệu chứng ngứa râm ran báo hiệu một đợt phát mụn rộp. Tuy nhiên, một người chưa từng bị phát mụn rộp vẫn có thể lây truyền bệnh;
  • Tiếp xúc da kề da với người đã mắc bệnh, không nhất thiết qua quan hệ tình dục;
  • Hôn môi với người mắc mụn rộp ở miệng;
  • Dùng miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người bị mắc bệnh trong lúc quan hệ tình dục;
  • Khi bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người lành và người bệnh tiếp xúc trực tiếp với nhau;
  • Khi người bị mụn rộp ở miệng tiếp xúc với bộ phận sinh dục hoặc hậu môn của người lành qua quan hệ tình dục;
  • Chạm vào mụn rộp sau đó chạm vào một bộ phận lành lặn trên cơ thể;
  • Dùng chung đồ chơi tình dục với người đã mắc bệnh mà không sử dụng các biện pháp khử trùng hoặc không đeo bao cao su;
  • Lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm mụn rộp không?

Hầu hết người bệnh không biết bản thân đã nhiễm HSV do không có dấu hiệu hay triệu chứng bệnh nào. Cũng có thể với họ, những triệu chứng xuất hiện không rõ ràng. Do đó, nguy cơ bệnh nhân lan truyền bệnh sang người khác là rất cao.

Những nốt mụn thường xuất hiện 2 – 20 ngày sau khi nhiễm vi-rút. Da có thể ngứa ran trước khi những nốt mụn nổi lên.

Khi bị phát mụn rộp, người bệnh thường cảm thấy như bị cúm, đau cơ và khớp, tiểu buốt.

Một vài triệu chứng khi nhiễm vi-rút bao gồm:

  • Đau rát hoặc ngứa ngáy. Người bệnh sẽ cảm thấy đau và nhạy cảm tại bộ phận sinhh dục trong suốt thời gian nhiễm bệnh;
  • Mụn sưng đỏ nhỏ hoặc mụn nước trắng li ti. Những vết mụn xuất hiện từ vài ngày đến vài tuần sau khi nhiễm vi rút;
  • Vết loét. Những vết loét xuất hiện do mụn nước vỡ ra và chảy dịch hoặc chảy máu khiến người bệnh đau ngứa, khó chịu;
  • Đóng vảy. Da sẽ đóng vảy khi vết loét lành lại;
  • Đi tiểu buốt.

Một số triệu chứng khác có thể nhầm lẫn với bệnh cảm cúm gồm: sốt, sưng bạch hạch, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn.

Lưu ý:

  • Dù nhiễm vi rút HSV, một vài bệnh nhân không xuất hiện vết loét hay bất cứ triệu chứng nào. Do đó, nguy cơ lan truyền bệnh sang người khác là rất cao;
  • Vi rút HSV cũng có thể lây lan qua mắt dẫn tới tình trạng viêm giác mạc. Việc đó khiến người bệnh đau mắt, mắt tiết dịch và cảm giác cộm ở mắt;
  • Trong đợt phát mụn rộp đầu tiên, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng như bệnh cảm cúm bao gồm sưng hạch bạch huyết ở háng, đau đầu, đau nhức cơ và sốt.

Xét nghiệm bệnh mụn rộp sinh dục như thế nào?

Hãy gặp bác sĩ lâm sàng ngay lập tức nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu bất thường trên bộ phận sinh dục hoặc xung quanh vùng miệng của bạn. Bác sĩ tiến hành kiểm tra, lấy mẫu dịch từ vết loét và xét nghiệm. Đây là cách xét nghiệm bệnh phổ biến nhất.

Ngoài ra, mụn rộp sinh dục có thể được phát hiện qua xét nghiệm máu, phân tích mẫu máu để sớm phát hiện kháng thể kháng HSV-1 và HSV-2. Tuy nhiên, phương pháp này không hữu dụng vì nó không thể cho bạn biết thời điểm và vị trí của những vết loét xuất hiện trên cơ thể bạn.

Phải làm thế nào khi phát bệnh?

Nếu phát hiện nhiễm bệnh, bạn nên:

  • Liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trong vòng 72 giờ để được khám và cho thuốc;
  • Giữ cho vùng bị mụn sạch sẽ và khô ráo;
  • Mặc quần áo vừa vặn, đồ lót bằng vải bông và không mặc đồ lót lúc ngủ;
  • Hạn chế tiếp xúc với ánh mặt trời;
  • Ngồi đi tiểu trong bồn nước ấm hoặc đổ nước lên vùng kín trong lúc đi tiểu nếu đi tiểu buốt;
  • Chườm túi nước đá vào mụn rộp để giảm đau;
  • Rửa tay sau khi chạm vào vùng nổi mụn rộp, tránh chạm vào miệng hoặc mắt sau khi chạm vào vùng da nhiễm bệnh, tránh làm thể lây lan vi-rút sang vùng khác trên cơ thể, đồng thời giặt khăn đã sử dụng trước khi sử dụng lại.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Mặc dù không có cách chữa mụn rộp sinh dục dứt điểm, nhưng một số phương pháp điều trị hiện hành có thể hạn chế những vết mụn rộp phát triển.

Một số người dùng thuốc kháng vi-rút thường xuyên để giảm cường độ nổi mụn cũng như giảm rủi ro lây bệnh cho người khác.

Bác sĩ có thể kê loại thuốc đặc trị cho bạn khi xuất hiện mụn rộp. Bạn nên sử dụng thuốc sớm nhất có thể hoặc trong vòng 72 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên. Thuốc sẽ giảm bớt khó chịu và hạn chế phạm vi nổi mụn.

Theo thời gian, các đợt nổi mụn sẽ xuất hiện với tần suất thấp và cường độ nhẹ hơn (khoảng một lần nổi mụn rộp trong vòng từ một tới vài tháng). Cứ 10 người thì sẽ có 1 người gặp triệu chứng mụn rộp một lần duy nhất.

Lưu ý

Bạn sẽ có khả năng cao nổi mụn rộp khi:

  • Cơ thể mệt mỏi, căng thẳng hoặc bệnh;
  • Ăn uống, ngủ nghỉ một cách thiếu khoa học;
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài;
  • Đến kỳ kinh nguyệt;
  • Đang sử dụng một số loại thuốc nhất định;
  • Đang mang thai;
  • Dương tính với HIV hoặc có bệnh lý ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.

Tóm lại, ngăn ngừa, phòng bệnh bằng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn luôn hơn chữa bệnh. Nhưng bạn cũng đừng quá lo lắng nếu người thân, bạn tình hay thậm chí bản thân có triệu chứng căn bệnh Herpes. Hãy tìm ngay đến bác sĩ để xét nghiệm kể cả khi bạn chỉ đang nghi ngờ. Và luôn nhớ, có kiến thức về các bệnh lây qua đường tình dục trước hết chính là một phương pháp tối ưu để bảo vệ bản thân và sức khỏe tình dục nhé.

Người thực hiện: Lê Khánh Tú, Hieu Ho


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây