Bệnh lây truyền qua đường tình dục: Bạn có đang an toàn? (Phần 2)

Thời gian đọc: 20 phút

Có phải những bệnh lây qua đường tình dục đều giống y như nhau hay không? Triệu chứng của bệnh HPV gồm những gì? Làm sao để chữa bệnh lậu? Những câu hỏi thú vị nhưng cũng rất nhạy cảm này đều xuất phát từ mong muốn thấu hiểu và bảo vệ cơ thể của chính bản thân chúng ta cũng như của người khác. Thế nhưng ở Vietnam Youth Alliance (VYA), chúng mình cũng hiểu là các bạn rất dễ gặp phải những thông tin sai sự thật về bệnh lây truyền qua đường tình dục, dẫn đến những ngộ nhận không đáng có. Tiếp nối phần 1 của bài viết, VYA xin một lần nữa gửi đến các bạn những thông tin khái quát về các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất và kèm với đó là vài hướng dẫn về tình dục an toàn nhé!

Cảnh báo: Trong bài viết có chứa một số hình ảnh và nội dung nhạy cảm, mong bạn cân nhắc trước khi xem.

Tất cả những thông tin ở bài này chỉ nên được sử dụng với mục đích tham khảo chứ không nên thay thế cho lời khuyên từ bác sĩ hay những người hành y chuyên nghiệp.

* Chúng mình biết rằng không phải là ai cũng sử dụng những từ như thế này để nói về cơ thể của bản thân (ví dụ như những người chuyển giới). Vì thế, chúng mình ủng hộ việc bạn sử dụng từ ngữ phù hợp nhất với mình nhé!

** Những người có cổ tử cung thường được coi là nữ trong khi những người có tinh hoàn thường được xem là nam ngay sau khi vừa được sinh ra. Tuy nhiên, người có tinh hoàn lẫn người có cổ tử cung không nhất thiết phải xác định mình là nam hay nữ theo những đặc điểm sơ cấp đó.

Mục lục

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là gì?

Bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs/STIs) có thể hiểu là bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người thông qua các hành vi tình dục, bao gồm cả giao hợp âm đạo và quan hệ tình dục bằng miệng hay hậu môn. Một số loại bệnh thậm chí không hề có bất kỳ triệu chứng nào cả.

Các bệnh lây qua đường tình dục điển hình

Bệnh lậu

Nguồn ảnh: Diseases Lab

Bệnh lậu, hiểu theo một cách đơn giản, là bệnh lây truyền qua đường tình dục do một loại vi khuẩn gây ra. 

Bệnh lậu có thể gây ảnh hưởng tới cổ tử cung, dương vật, trực tràng và cổ họng của người nhiễm bệnh.

Vi khuẩn lậu có thể được phát hiện trong một số chất dịch cơ thể nhất định của người mắc bệnh như tinh dịch, dịch âm đạo* và dịch hậu môn. 

Bệnh lậu có thể gây vô sinh và nhiều biến chứng khác nếu không được chữa trị kịp thời. 

Bệnh lậu lây nhiễm như thế nào?

Bạn có thể nhiễm bệnh lậu nếu:

  • Quan hệ tình dục không sử dụng các biện pháp an toàn;
  • Sử dụng chung đồ chơi tình dục với người nhiễm bệnh lậu mà không sát khuẩn kỹ càng và sử dụng một chiếc bao cao su mới mỗi lần sử dụng;

Nếu người mắc bệnh lậu mang thai, đứa trẻ có thể nhiễm bệnh lậu trong quá trình sinh sản bằng đường âm đạo.

Làm sao để biết bản thân có nhiễm bệnh lậu không?

Cách duy nhất để nhận biết xem bạn có nhiễm bệnh lậu hay không chính là thông qua xét nghiệm. 

Bệnh lậu có thể không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào ra ngoài, và bạn vẫn có thể truyền bệnh lậu cho người khác kể cả khi những triệu chứng của bạn không rõ ràng. 

Đa số người có tinh hoàn sẽ có các triệu chứng của bệnh sau khoảng 1 tuần nhiễm bệnh. Trái lại, người có cổ tử cung thường không có triệu chứng hoặc những triệu chứng đó có thể không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn với bệnh nhiễm trùng bàng quang hay âm đạo.

Đồng thời, triệu chứng của bệnh có thể thay đổi tùy thuộc vào vùng bị nhiễm bệnh.

Những triệu chứng có thể xuất hiện

Ở cổ tử cung:

  • Đau khi tiểu tiện;
  • Chảy máu giữa các kỳ kinh nguyệt;
  • Thay đổi trong quá trình tiết ra các dịch âm đạo;
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo.

Ở dương vật:

  • Dịch tiết ra từ dương vật khá đặc, có màu vàng xanh;
  • Đau khi tiểu tiện;
  • Đau hoặc sưng ở tinh hoàn.

Ở hậu môn:

  • Đau hoặc ngứa ở trực tràng (hậu môn);
  • Chảy máu hoặc tiết dịch lạ từ trực tràng;
  • Đau đớn khi đại tiện.

Ở cổ họng:

  • Có thể bị đau họng hoặc sưng hạch bạch huyết nhưng thường vùng này không thể hiện các triệu chứng của bệnh.

Hãy luôn ghi nhớ rằng, bệnh lậu thường không thể hiện các triệu chứng của bệnh ra ngoài nhé!

Xét nghiệm bệnh như thế nào?

Nếu bạn có âm đạo, bác sĩ lâm sàng sẽ khám âm đạo và lấy mẫu thử ở cổ tử cung của bạn. Tại một số phòng khám, bạn có thể được kiểm tra bằng cách đi tiểu vào cốc.

Nếu bạn có dương vật, bạn sẽ được xét nghiệm bằng cách lấy mẫu nước tiểu trong cốc. 

Bệnh lậu ở cổ họng hoặc trực tràng được xét nghiệm thông qua một chiếc gạc có dạng tăm bông dài để lấy mẫu.

Người đang mang thai có thể lây truyền bệnh lậu sang em bé trong quá trình sinh thường (sinh qua âm đạo). Nếu bạn đang mang thai và chưa được xét nghiệm bệnh lậu, hãy liên hệ với người cung cấp dịch vụ chăm sóc tiền sản của mình. 

Lưu ý: 

  • Xét nghiệm Phết tế bào cổ tử cung (PAP) không phải là xét nghiệm bệnh lậu, mặc dù hai xét nghiệm này thường được thực hiện cùng một lúc;
  • Nếu bạn muốn được xét nghiệm bệnh lậu, hãy yêu cầu một cách cụ thể. Đừng cho rằng bạn sẽ được xét nghiệm bệnh lậu cho dù bạn yêu cầu được xét nghiệm “tổng quát” hay “với tất cả các loại bệnh tình dục” đi chăng nữa;
  • Để đảm bảo rằng kết quả của bạn chính xác, không được tiểu tiện trong 1 – 2 giờ trước khi làm xét nghiệm.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Lậu có thể được chữa bằng kháng sinh. Bạn nên dùng hết thuốc được kê của mình, kể cả khi các triệu chứng biến mất trước khi bạn sử dụng hết toa thuốc.

Để đảm bảo rằng bạn không lây lậu cho đối tác của mình, hãy đợi 7 ngày sau khi bạn đã dùng hết thuốc rồi mới quan hệ trở lại.

Việc chữa trị lậu là rất quan trọng. Nếu không được chữa trị, lậu có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe:

  • Ở những người có cổ tử cung, những vấn đề này bao gồm viêm vùng chậu, một bệnh có thể dẫn tới vô sinh, những cơn đau vùng chậu kéo dài và mang thai ngoài tử cung;
  • Ở những người có tinh hoàn, lậu không được chữa trị có thể làm giảm khả năng sinh sản, gây đau nhức và làm sưng tấy tinh hoàn.

HPV 

Genital warts in a woman
Nguồn ảnh: Mayo Clinic

HPV là từ viết tắt của “Human Papilloma Virus” – virus papilloma sinh sống trên cơ thể người. Khoảng 40 trong số 100 loại HPV là thủ phạm của các bệnh lây nhiễm ở cơ quan sinh dục và hậu môn ở người.

Hệ miễn dịch ở người có thể tự tiêu diệt virus HPV trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, nếu virus không bị tiêu diệt hoàn toàn, nó sẽ tiếp tục tồn tại trong cơ thể và gây ra một số các vấn đề về sức khỏe.

  • Loại HPV nguy cơ thấp: có thể gây ra mụn sinh dục – những nốt u nhỏ xuất hiện trên dương vật, hậu môn hay bên trong và ngoài âm đạo. Trong một số trường hợp, những mụn cóc trên có thể phát triển ở vùng miệng hoặc cổ họng.
  • Loại HPV nguy cơ cao: có thể thay đổi các tế bào ở cổ tử cung, dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, loại HPV này cũng là nguyên nhân gây các bệnh ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư miệng và ung thư âm hộ (khu vực bên ngoài âm đạo).

Đa số những người nhiễm HPV thường không có các triệu chứng rõ ràng của bệnh. Thậm chí, một số lượng lớn người nhiễm bệnh còn không biết mình mắc phải HPV luôn cơ!

HPV lây nhiễm như thế nào?

HPV không chỉ lây nhiễm qua con đường quan hệ tình dục mà nó còn có thể lây truyền qua những tiếp xúc ở phía ngoài da, đặc biệt là ở vùng sinh dục của những người mắc bệnh. Những hành động như cọ xát bộ phận sinh dục trần với nhau, kích thích bạn tình bằng tay hoặc miệng, và quan hệ tình dục qua đường âm đạo hay hậu môn đều có thể khiến bạn mắc phải HPV.

Đồ chơi tình dục nếu không được sát khuẩn kỹ lưỡng và đeo một chiếc bao cao su mới cho mỗi lần sử dụng cũng có thể là một nguồn lây nhiễm HPV cho bạn.

Có thể bạn sẽ không phát hiện ra những mụn cóc sinh dục HPV của bạn tình vì các nốt mụn này thường không xuất hiện đủ dày đặc hoặc rõ ràng để có thể quan sát được. Dẫu vậy, người bạn tình đó vẫn có thể lây nhiễm HPV, khiến cho bạn bị nhiễm mụn cóc sinh dục.

Nếu người mang thai mắc phải HPV, khả năng cao đứa trẻ cũng sẽ bị lây nhiễm HPV trong quá trình sinh sản bằng đường âm đạo.

Xét nghiệm bệnh ra sao?

Hiện nay chưa có xét nghiệm đặc hiệu cho những loại HPV nguy cơ thấp (HPV gây mụn cóc). Bác sĩ lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh cho bạn bằng cách quan sát các nốt sưng xuất hiện xung quanh vùng sinh dục và hậu môn để xác định nguyên nhân của những nốt mụn đó có phải là do HPV nguy cơ thấp gây ra hay không.

Trong xét nghiệm Phết tế bào cổ tử cung (PAP), các tế bào từ cổ tử cung sẽ được thu thập bằng một bàn chải nhỏ. Những mẫu tế bào trên sẽ được kiểm tra để xem có xuất hiện sự thay đổi nào trong tế bào cổ tử cung liên quan đến HPV nguy cơ cao hay không. Thường thì những sự thay đổi này sẽ tự biến mất, nhưng các bác sĩ sẽ theo dõi sát sao tiến trình của bệnh để chắc chắn rằng virus không còn tồn tại trong cơ thể bạn nữa. Trong trường hợp HPV nguy cơ cao vẫn tiếp tục tồn tại trong cơ thể bạn, các bác sĩ sẽ xem xét và đưa ra những hướng điều trị hợp lý cho sức khỏe của bạn nhất.

  • Nếu bạn có cổ tử cung, bạn nên đi xét nghiệm Pap hằng năm kể cả khi bạn đã ngừng quan hệ tình dục và chỉ nên dừng lại khi bác sĩ có chỉ định khác cho bạn;
  • Hiện nay có tồn tại xét nghiệm Pap ở trực tràng (mông) tuy nhiên xét nghiệm này không thật sự phổ biến;
  • Ngoài ra, đối với HPV nguy cơ cao (loại chỉ được tìm thấy ở trong cổ tử cung), bạn có thể sử dụng xét nghiệm DNA. Xét nghiệm Pap định kì vẫn có thể sàng lọc đầy đủ với hầu hết các trường hợp, nhưng độ nhạy thấp, dao động từ 40 – 75% và phụ thuộc vào chủ quan của người đọc kết quả. Phương pháp xét nghiệm DNA có độ nhạy cao, từ 90 – 95%. Từ tháng 10/2016, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành khuyến cáo sử dụng xét nghiệm HPV DNA cho phụ nữ từ 25 tuổi;
  • Hiện tại chưa có xét nghiệm nào có thể phát hiện ra sự thay đổi của tế bào gây ra bởi HPV ở trong dương vật, miệng hoặc cổ họng.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị cho HPV. Đa số virus sẽ tự biến mất, tuy nhiên, không có cách nào để biết chắc chắn liệu virus đã thật sự biến mất hay chưa.

Mụn do HPV:

  • Nếu bạn có xuất hiện mụn cóc, nó có thể điều trị bằng nitơ lỏng, laser hoặc phẫu thuật. Ngoài ra còn có loại kem đặc hiệu để chữa trị mụn cóc tại nhà. Để loại bỏ mụn cóc một cách hiệu quả, bạn nên kết hợp nhiều phương pháp điều trị;
  • Hầu hết mụn cóc sẽ tự ngừng bùng phát sau 1,5 đến 3 năm. Một số người chỉ bị phát mụn 1 lần. Tuy nhiên kể cả khi bạn không nhận thấy dấu hiệu bùng phát, bạn vẫn có thể lây truyền virus cho đối tác của mình.

Ung thư:

  • Nếu xét nghiệm Pap chỉ ra rằng HPV đã gây ra một số thay đổi cho các tế bào ở cổ tử cung của bạn, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn đã bị ung thư. Bạn sẽ cần xét nghiệm Pap thường xuyên hơn để theo dõi những tế bào đó. Những thay đổi ở trên các tế bào thường sẽ tự biến mất. Nếu chúng không biến mất, bạn sẽ được đưa đến một chuyên gia để được kiểm tra cũng như điều trị bằng những phương pháp chuyên sâu hơn.

U mềm lây

Image of molluscum contagiosum
Nguồn ảnh: Mayo Clinic

U mềm lây là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến và có thể được lây truyền qua đường tình dục. Đây là nguyên nhân của những vết mụn nhỏ, sáng bóng, cứng và có hình vòm trên da, với một lúm tụ mủ ở chính giữa nốt mụn.

U mềm lây lây nhiễm ra sao?

Không chỉ có thể lây nhiễm thông qua con đường quan hệ tình dục, u mềm lây còn có thể lây nhiễm qua những tiếp xúc ngoài da, đặc biệt là khi bạn có tiếp xúc bên ngoài với vùng sinh dục của người nhiễm bệnh. Những tiếp xúc bao gồm việc chà xát cơ quan sinh dục trần với nhau, dùng ngón tay hoặc miệng để kích thích cơ quan sinh dục, cũng như quan hệ tình dục bằng đường âm đạo hoặc hậu môn đều có thể khiến bạn mắc phải u mềm lây. Thậm chí, việc tiếp xúc với cơ quan sinh dục người nhiễm bệnh rồi chạm vào cơ quan sinh dục của bản thân hoặc người khác cũng là một cách lây nhiễm bệnh u mềm lây.

U mềm lây cũng có thể lây nhiễm thông qua việc sử dụng chung đồ chơi tình dục với người khác mà không sát khuẩn kỹ càng và sử dụng một chiếc bao cao su mới trước mỗi lần sử dụng. Đồng thời, việc sử dụng chung bọt biển, dao cạo râu, khăn tắm chung với người bị nhiễm bệnh cũng có thể khiến cho bạn nhiễm u mềm lây.

Khi một vùng cơ thể bạn có hiện tượng nhiễm u mềm lây, các bạn đừng nên cạo hoặc chạm vào vùng này, vì nếu như không cẩn thận, bạn có thể làm cho những vùng khác trên cơ thể nhiễm virus đó!

Vì những nốt u mềm lây có thể lan khắp nơi trên cơ thể, nên những người tham gia các môn thể thao có tiếp xúc ngoài da là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh u mềm lây nhất. Đồng thời, hãy nhớ rằng nếu người mắc bệnh đang mang thai thì có khả năng cao là đứa trẻ trong quá trình sinh sản bằng đường âm đạo cũng sẽ có khả năng nhiễm bệnh nhé!

Làm sao để biết bản thân có mắc/nhiễm u mềm lây hay không?

Bệnh có thể gây ra những vết mụn nhỏ, sáng bóng, cứng và có hình vòm trên da, với một lúm tụ mủ ở chính giữa nốt mụn. Nốt u mụn này thường có cùng màu với da bạn. Thường thì những nốt này sẽ không gây cho bạn bất kỳ sự đau đớn nào, ngoại trừ đôi lúc bạn sẽ cảm thấy khá ngứa ngáy.

U mềm lây có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể của bạn, trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân. Khi bạn mắc phải u mềm lây thông qua tiếp xúc tình dục, những vết sưng thường xuất hiện xung quanh vùng sinh dục, đùi, mông, và bụng dưới.

Xét nghiệm bệnh ra sao?

Không có phương pháp xét nghiệm nào dành riêng cho bệnh u mềm lây. Bác sĩ chẩn đoán bạn có bị nhiễm loại virus đó không bằng cách xem xét những khối u bạn có thể có ở trên da.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Những khối u mềm không có tác hại lâu dài đối với sức khỏe của bạn. Nó sẽ tự biến mất trong 6-12 tháng và không cần thiết phải bị loại bỏ.

Một số người chọn cách loại bỏ những khối u mềm đó vì họ không muốn việc virus lan đến những bộ phận khác của cơ thể hoặc lây cho bạn tình. 

  • U mềm lây thường có thể được điều trị bằng cách làm đông bằng nitơ lỏng (tương tự cách trị mụn cóc). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng thuốc bôi dạng kem hoặc nhờ bác sĩ cạo bỏ những vết u mềm bằng dụng cụ;
  • Đối với những người bị suy giảm hệ miễn dịch (ví dụ: người mắc bệnh ung thư, HIV, từng phẫu thuật cấy ghép, v.v), bệnh u mềm lây có thể khó chữa trị hơn, cũng như dễ lây nhiễm đến những bộ phận khác của cơ thể và mất nhiều thời gian để hồi phục hơn.

Nhiễm trùng roi

Nguồn ảnh: Medical Institute for Sexual Health

Nhiễm trùng roi là một bệnh lây nhiễm qua đường tình dục do một loại ký sinh trùng chỉ có thể được quan sát thông qua kính hiển vi gây ra. Bệnh này có thể gây ảnh hưởng tới âm đạo, lỗ tiểu, cổ tử cung và phần bao quy đầu của dương vật (nếu bạn chưa thực hiện tiểu phẫu cắt bao quy đầu).

Trùng roi lây nhiễm như thế nào?

Trùng roi có thể được tìm thấy trong một số dịch cơ thể nhất định như tinh trùng, dịch tiết ra trước khi xuất tinh, cũng như dịch âm đạo và hậu môn. Bạn có thể nhiễm trùng roi trong lúc quan hệ tình dục qua đường âm đạo với người mắc bệnh mà không có các biện pháp bảo vệ. Đồng thời, việc sử dụng chung đồ chơi tình dục mà không sát khuẩn kỹ càng và đeo một chiếc bao cao su mới cho mỗi lần sử dụng cũng có thể khiến bạn nhiễm bệnh đấy! Và cũng nên nhớ rằng những người mang thai nếu mắc bệnh cũng có thể lây bệnh cho đứa trẻ trong quá trình sinh sản bằng đường âm đạo đấy!

Làm sao để biết bản thân có nhiễm trùng roi không?

Hãy nhớ rằng những triệu chứng của bệnh nhiễm trùng roi thường không rõ ràng. Cách duy nhất để biết liệu bạn có bị nhiễm trùng roi hay không là thông qua xét nghiệm. Một số người khi mắc bệnh thường không thể hiện những triệu chứng ra bên ngoài, vì thế họ không hề biết mình đã nhiễm bệnh và có khả năng lây nhiễm cho người khác. Hầu hết những người có tinh hoàn sẽ không thể hiện những triệu chứng khi mắc bệnh. Cũng như vậy, hầu hết những người có cổ tử cung cũng không thể hiện những triệu chứng hoặc những triệu chứng đó có thể bị nhầm với bệnh nhiễm trùng bàng quang hoặc âm đạo.

Những triệu chứng có thể xuất hiện

Ở âm đạo/cổ tử cung:

  • Dịch tiết âm đạo có mùi lạ hoặc trông khác biệt so với bình thường;
  • Đau/chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo;
  • Tiểu tiện đau hoặc thường xuyên hơn hẳn bình thường;
  • Đỏ hoặc ngứa xung quanh âm hộ (khu vực xung quanh lối vào của âm đạo).

Ở dương vật:

  • Dương vật tiết dịch lạ;
  • Đau rát khi tiểu tiện;
  • Đỏ tấy hoặc kích ứng ở quanh phần đầu dương vật.

Xét nghiệm bệnh ra sao?

Nếu bạn có âm đạo, bác sĩ lâm sàng sẽ khám âm đạo và lấy mẫu cổ tử cung của bạn để xét nghiệm.

Lưu ý:

  • Xét nghiệm Phết tế bào cổ tử cung (PAP) không phải là xét nghiệm nhiễm trùng roi, mặc dù đôi khi nó được thực hiện cùng một lúc;
  • Nếu bạn muốn được xét nghiệm nhiễm trùng roi, hãy yêu cầu cụ thể. Đừng cho rằng bạn sẽ được xét nghiệm bệnh nhiễm trùng roi kể cả khi bạn có yêu cầu được xét nghiệm “tổng quát” hoặc “với tất cả các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục”;
  • Các xét nghiệm cho những người có dương vật không phải lúc nào cũng có sẵn. Tuy nhiên, nếu đối tác của bạn được chẩn đoán bị nhiễm trùng roi, bạn cũng sẽ được điều trị tương đương;
  • Sản phụ khi mắc bệnh có thể truyền trùng roi cho con trong quá trình sinh sản qua đường âm đạo. Nếu bạn đang mang thai và chưa được xét nghiệm nhiễm trùng roi, hãy nói chuyện với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tiền sản của bạn.

Cách điều trị nếu nhiễm bệnh

Bệnh nhiễm trùng roi có thể được chữa khỏi bằng thuốc. Bạn nên dùng hết số thuốc được kê đơn ngay cả khi các triệu chứng của bạn biến mất trước khi bạn dùng hết.

Bạn tình của bạn cũng nên được điều trị. Nếu không, có khả năng bạn sẽ bị tái lây nhiễm từ bạn tình. Để chắc chắn rằng bạn không lây bệnh nhiễm trùng roi cho bạn tình, hãy đợi 7 ngày sau khi dùng thuốc xong rồi mới quan hệ tình dục lại.

Điều quan trọng là bạn cần phải điều trị nhiễm trùng roi nếu mắc phải. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng roi có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Ở những người có buồng trứng, bệnh nhân có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh như: u cổ tử cung (tế bào bất thường trong cổ tử cung); nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI); vô sinh; bị nhiễm HIV nếu bạn có quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV;
  • Ở những người có tinh hoàn, bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng roi không được điều trị có thể làm giảm khả năng sinh sản và gây sưng tấy ở vùng sinh dục (reproductive tract);
  • Những người mang thai không được điều trị có thể dẫn đến sinh non.

Giảm khả năng nhiễm/truyền bệnh

Bạn có ít hoặc không có khả năng lây/truyền bệnh hơn nếu:

  • Đưa ra các quyết định sáng suốt. Hãy trò chuyện với đối phương của bạn về các bệnh lây truyền qua đường tình dục và cả việc sử dụng các công cụ tình dục an toàn hơn;
  • Sử dụng bao cao su cho dương vật và dương vật giả khi quan hệ đường âm đạo hoặc hậu môn, sử dụng găng tay latex khi quan hệ bằng tay, sử dụng bao cao su/màng chắn miệng khi quan hệ bằng miệng để làm giảm nguy cơ bị lây hoặc lây truyền bệnh;
  • Nếu bạn sử dụng chung đồ chơi tình dục với người khác, hãy đảm bảo chúng luôn được diệt khuẩn hoặc đeo bao cao su mới khi có người khác sử dụng;
  • Làm xét nghiệm bệnh tình dục khi bạn hoặc đối tác của mình có một đối tác mới. Hoặc nếu bạn thường xuyên có đối tác mới, hãy làm xét nghiệm mỗi 3-6 tháng;
  • Nếu bạn dương tính với bệnh tình dục, hãy làm theo chỉ dẫn của bác sĩ về cách chữa trị và những liệu trình sau đó;
  • Bạn tình của bạn cũng nên đi xét nghiệm và điều trị. Nếu không, họ có tái lây nhiễm cho bạn;
  • Đối với những bệnh có sự trợ giúp của thuốc, sau khi bạn đã dùng hết thuốc được kê, việc đi xét nghiệm lại là rất quan trọng. 

Đối với đặc thù từng bệnh

Vì bao cao su không che phủ được toàn bộ khu vực có khả năng bị nhiễm HPV và U mềm lây nên việc sử dụng bao cao su không bảo vệ bạn khỏi 2 bệnh này hiệu quả như đối với hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục khác. Tuy nhiên, chúng vẫn làm giảm khả năng lây truyền và nguy cơ nhiễm bệnh.

HPV nguy cơ thấp hoàn toàn có thể lây nhiễm kể cả khi người bệnh không xuất hiện mụn cóc (phát mụn). Hãy tránh tiếp xúc kề da với ai đó đang phát mụn có thể giảm nguy cơ lây truyền bệnh. Hiện nay, có 2 vắc-xin có thể giúp bạn ngăn ngừa HPV nhưng chúng không thể bảo vệ bạn khỏi tất cả các chủng virus:

  • Vắc-xin Gardasil có thể phòng ngừa được 2 chủng HPV dẫn tới ung thư cổ tử cung và 2 chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục;
  • Vắc-xin Cervarix giúp phòng ngừa 2 chủng HPV có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung.

Đối với u mềm lây, để ngăn ngừa lây lan các vết u mềm đến những phần khác của cơ thể và giảm thiểu việc để lại sẹo, bạn hãy hạn chế những vết sưng do bệnh gây ra.

Nguồn ảnh: Verywell

Làm sao để có đời sống tình dục an toàn?

Khoan đã, nhưng tình dục an toàn là gì?

Quan hệ tình dục có thể rất thú vị và sảng khoái nhưng lại đi kèm với những rủi ro như nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc mang thai ngoài ý muốn. Quan hệ tình dục an toàn chính là cách chăm sóc bản thân và cả bạn tình của bạn để cả hai có một đời sống tình dục an toàn và thoải mái nhất.

Tham khảo một cách trọn vẹn về tình dục an toàn tại đây bạn nha!

Có cách nào đơn giản mà an toàn khi quan hệ tình dục không?

Câu trả lời là có, chỉ cần bạn sử dụng bao cao su.

Bao cao su ngoài

Condom use 101: Basic errors are so common, study finds
Nguồn ảnh: NBC News

Bao cao su bên ngoài, hay bao cao su, là một lớp phủ mỏng thường được làm từ latex – nhựa của cây cao su, được dùng để bao phủ dương vật (cương cứng hoặc không) hoặc đồ chơi tình dục khi quan hệ tình dục qua miệng, âm đạo hoặc hậu môn.

Hiệu quả phòng tránh thai của bao cao su latex là 97%, có nghĩa là, trong 100 người sử dụng bao cao su đúng cách một năm thì chỉ có 3 người mang thai.

Bao cao su chứa chất diệt tinh trùng cũng có cùng mức hiệu quả như trên.

Bao cao su ngoài có thể bị sử dụng sai cách, nên thực tế khả năng tránh thai ngoài ý muốn của bao cao su ngoài là khoảng 86%.

Tìm hiểu thêm về bao cao su ngoài, bao gồm cách sử dụng đúng cách tại bài viết này của VYA nhé!

Bao cao su trong

The insertion of a female condom
Nguồn ảnh: Mayo Clinic

Bao cao su trong là một túi mềm được đeo lỏng bên trong âm đạo hoặc hậu môn khi quan hệ tình dục.

Bao cao su trong giảm rủi ro có thai ngoài ý muốn và nhiễm các bệnh lây lan qua đường tình dục.

Để có thai, tinh trùng phải thâm nhập vào âm đạo, bơi đến tử cung và thụ tinh vào trứng rụng từ buồng trứng trong kỳ kinh nguyệt. Bao cao su ngăn chặn tinh dịch, loại dịch tiết chứa hàng triệu tinh trùng được xuất vào âm đạo để gặp trứng.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục, hay gọi tắt là STI, để có thể được truyền từ cơ thể này sang cơ thể khác, dịch cơ thể (dịch hậu môn, dịch âm đạo, tinh dịch hoặc máu) của người nhiễm STI phải tiếp xúc với niêm mạc (ở dương vật, miệng, hậu môn hoặc âm đạo) trên cơ thể người khác. Bao cao su ngăn việc tiếp xúc này xảy ra.

Hiệu quả phòng tránh có thai ngoài ý muốn của bao cao su trong lên đến 95%, có nghĩa là, trong 100 người sử dụng bao cao su trong đúng cách một năm thì chỉ có 5 người mang thai.

Bao cao su trong có thể bị sử dụng sai cách, nên thực tế khả năng tránh thai ngoài ý muốn của bao cao su trong là khoảng 80%.

Tìm hiểu thêm về bao cao su trong, bao gồm cách sử dụng đúng cách tại bài viết này của VYA nào!

Tấm bảo vệ miệng

Related image
Nguồn ảnh: Planned Parenthood
Tấm bảo vệ miệng là biện pháp tuyệt vời để bảo vệ bạn khi quan hệ bằng miệng. Tấm bảo vệ miệng có thể được dùng cho cả quan hệ bằng miệng với âm đạo và với hậu môn. Những tấm la latex vuông vắn sẽ là người bạn tốt nhất trong việc bảo vệ bạn khỏi những căn bệnh lây lan qua đường tình dục (STIs) như mụn rộp và HPV.

Tấm bảo miệng là một tấm vuông mỏng thường làm từ latex, nó tạo nên một lớp màng vật lý giữa môi/miệng/lưỡi của bạn và âm hộ/âm đạo/hậu môn của bạn tình. Miếng bảo vệ miệng rất dễ dàng để sử dụng, có thể dùng bao cao su hoặc một một tấm nhựa dẻo như là tấm bảo vệ.

Tại sao ta nên sử dụng tấm bảo vệ miệng?

Tấm bảo vệ miệng có thể bảo vệ bạn không bị lây nhiễm các bệnh lây lan qua đường tình dục, bởi vì nó giảm đi diện tích tiếp xúc giữ da với da và ngăn sự trao đổi dịch cơ thể (nước bọt, dịch hậu môn, dịch âm đạo, tinh dịch,…) của người với người.

Cách sử dụng tấm bảo vệ miệng

  • Dùng một tấm latex phủ lên phần cơ thể mà bạn chuẩn bị dùng miệng để thực hiện quan hệ;
  • Trước khi bạn đặt tấm bảo vệ lên, nên dùng một chút chất bôi trơn lên cơ thể bạn tình, điều này giúp cảm giác được tự nhiên hơn;
  • Sẽ thoải mái hơn nếu bạn dành ra một chút thời gian để uốn nắn tấm bảo vệ theo hình thể của phần cơ thể được bảo vệ trước khi quan hệ (ví dụ: ấn tấm bảo vệ theo nếp gấp của âm hộ)

Image result for instruction to use dental dams
Nguồn ảnh: Healthline

Cách để tự làm tấm bảo vệ miệng nếu không thể tìm mua

Cắt bỏ vòng đàn hồi của bao cao su không sử dụng và cắt dọc theo chiều dài của bao, sau đó dùng phần cao su đã được cắt thành hình chữ nhật đó làm tấm bảo vệ miệng.

Nhựa không dùng cho lò vi sóng cũng có thể được cắt và sử dụng như tấm bảo vệ miệng.

Nếu như bạn không thích vị của latex hay nhựa, hãy cân nhắc dùng các loại bao cao su hoặc chất bôi trơn có mùi vị riêng.


VYA cho rằng một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta cần ghi nhớ đó chính là nhìn nhận bệnh tình dục dưới con mắt của sự săn sóc. Nếu bạn dương tính với bệnh tình dục, hãy tìm hiểu về nó để biết cách chăm sóc bản thân sao cho tốt hơn. Nếu bạn không (hoặc chưa) nhiễm bệnh tình dục, hãy biết cách bảo vệ bản thân mình! Nếu người thân bạn có bệnh tình dục, hãy hiểu những hạn chế trong cuộc sống thường ngày của họ nhé. Qua cả hai phần của chủ đề, VYA hy vọng bạn có thể thu thập được kiến thức mới hữu ích cho chính bản thân mình và những người xung quanh. Hãy nhớ, an toàn là trên hết!


Tài liệu tham khảo

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

2 Responses

  1. Hello there, I found your web site by way of Google
    at the same time as looking for a comparable matter, your website came
    up, it looks good. I’ve bookmarked it in my google bookmarks.

    Hi there, just turned into alert to your blog thru Google,
    and found that it is truly informative. I am gonna be careful
    for brussels. I will appreciate in case you continue this in future.
    Lots of other people will likely be benefited from your
    writing. Cheers!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây