Cùng “teen” chinh phục tuổi dậy thì

Thời gian đọc: 27 phút

“Dậy thì? Cái gì cơ?” Đa phần các teen đều khá bỡ ngỡ, hoảng loạn trước những thay đổi tâm – sinh lý của tuổi dậy thì. Những cơn đau bụng khi “đến tháng”, lần đầu trải nghiệm cảm giác thủ dâm, hay việc liên tục so sánh hình thể của người khác với bản thân đều là những trải nghiệm phổ biến khi teen lần đầu phải đối mặt với sự thay đổi chóng mặt từ trong ra ngoài như vậy. Điều này có thể gây ra tâm lý xấu hổ ở các bạn tuổi vị thành niên, dẫn đến việc các em thường ngại tìm kiếm sự giúp đỡ khi bắt đầu bước vào giai đoạn tuổi dậy thì.

Dù vậy, nếu bạn đang bối rối vì có người thân đang chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì thì cũng đừng nên lo lắng quá nhé! Ở bài viết ngày hôm nay của Vietnam Youth Alliance, chúng mình sẽ đồng hành cùng các bạn trên con đường tìm hiểu về tuổi dậy thì và giải đáp những thắc mắc “không biết ngỏ cùng ai” này nhé!

Mục lục

Dậy thì là gì?

Dậy thì là gì?
Nguồn ảnh: WomanLog

Dậy thì là khi các em trở thành một người trưởng thành về mặt thể chất. Trong tuổi dậy thì, cơ thể của các em sẽ trải qua rất nhiều sự thay đổi và những cảm xúc của các em sẽ thường bộc lộ một cách mạnh mẽ hơn; 

Tuổi dậy thì thường bắt đầu trong độ tuổi từ 8 đến 14. Những người mang đặc điểm giới tính sinh học nữ (thường dậy thì trong giai đoạn từ 10 – 14 tuổi) thường dậy thì sớm hơn những người mang đặc điểm giới tính sinh học nam (thường dậy thì trong giai đoạn từ 12 – 16 tuổi);

Dậy thì diễn ra theo từng giai đoạn dài và kéo dài trong nhiều năm chứ không xảy ra cùng một lúc. Các em có thể sẽ gặp một số dấu hiệu của tuổi dậy thì khi còn bé, mặc dù những sự thay đổi rõ rệt có thể mất nhiều năm sau mới xuất hiện. Mỗi cơ thể đều khác nhau, vì vậy giai đoạn dậy thì của mỗi người cũng sẽ xảy ra khác nhau. Mỗi người cũng sẽ có một mức độ dậy thì riêng biệt, không giống với bất cứ ai.

Dậy thì sớm, dậy thì muộn

Dậy thì sớm, dậy thì muộn
Nguồn ảnh: https://dribbble.com

Dậy thì sớm

Dấu hiệu

Dậy thì sớm là khi:

  • Người mang đặc điểm giới tính sinh học là nữ có dấu hiệu dậy thì trước 8 tuổi;
  • Người mang đặc điểm giới tính sinh học là nam có dấu hiệu dậy thì trước 9 tuổi;
  • Khi cơ thể còn nhỏ, một vài dấu hiệu nhất định của tuổi dậy thì có thể xuất hiện. Tuy nhiên, những dấu hiệu còn lại có thể không xuất hiện sớm như vậy, như người mang giới tính sinh học là nữ có thể có kinh nguyệt trước 8 tuổi nhưng không phát triển về ngực;
  • Hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia y tế nếu con em bạn xuất hiện những dấu hiệu của dậy thì sớm.

Nguyên nhân

Dậy thì sớm không phải lúc nào cũng có nguyên nhân rõ ràng. Đó có thể chỉ là xu hướng phát triển chung (yếu tố di truyền) của các em mà thôi. Đôi khi, dậy thì sớm có thể là do:

  • Vấn đề ở não, ví dụ như là khối u;
  • Não bị tổn thương do nhiễm trùng, phẫu thuật hoặc xạ trị;
  • Vấn đề ở buồng trứng hoặc tuyến giáp;
  • Rối loạn liên quan đến gen, như là hội chứng McCune – Albright,…

Dậy thì sớm gây ảnh hưởng tới người mang giới tính sinh học nữ với những nguyên nhân không rõ ràng. Đối với người mang giới tính sinh học nam, dậy thì sớm thường ít phổ biến hơn nhưng lại đi kèm với những vấn đề sức khỏe tiềm tàng.

Hậu quả của dậy thì sớm

  • Vóc dáng thấp bé;
  • Có vấn đề về nhận thức hành vi;
  • Hoạt động tình dục sớm;
  • Căng thẳng.
 

Dậy thì muộn 

Dấu hiệu

Dậy thì muộn là khi:

  • Người mang đặc điểm giới tính sinh học là nam không có dấu hiệu phát triển tinh hoàn khi đã 14 tuổi;
  • Người mang đặc điểm giới tính sinh học là nữ chưa phát triển ngực khi đã 13 tuổi, hoặc đã có phát triển ngực nhưng kinh nguyệt chưa xuất hiện khi đã 15 tuổi.

Nguyên nhân

Cũng như dậy thì sớm, dậy thì muộn cũng thường không có nguyên nhân rõ ràng. Điều này có thể xảy ra do di truyền trong gia đình. Nhìn chung, dậy thì muộn thường phổ biến hơn ở những người mang giới tính sinh học nam.

Đôi khi nguyên nhân gây ra dậy thì muộn có thể là:

  • Một bệnh lý lâu dài, như là u xơ nang, béo phì hoặc bệnh về thận;
  • Suy dinh dưỡng, có thể do rối loạn ăn uống, hoặc do u xơ nang hoặc cơ thể không hấp thu gluten;
  • Vấn đề ở buồng trứng, tinh hoàn, tuyến giáp hoặc tuyến yên;
  • Rối loạn phát triển sinh dục, như là hội chứng kháng androgen;
  • Do di truyền, như là hội chứng Kallmann và hội chứng Klinefelter;
  • Vấn đề về nhiễm sắc thể;
  • Rối loạn di truyền;
  • Các căn bệnh mãn tính;
  • U ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi ở não;
  • Tuyến yên hoạt động kém (suy tuyến yên);
  • Tuyến giáp hoạt động kém (suy tuyến giáp);
  • Sự phát triển bất thường của cơ quan sinh sản;
  • Tập thể dục quá nhiều;
  • Ăn quá ít (bệnh chán ăn tâm thần).

Những thay đổi trong giai đoạn dậy thì

Những thay đổi trong giai đoạn dậy thì
Nguồn ảnh: Rebecca Green

Nội tiết tố 

Khi cơ thể đến độ tuổi nhất định, não sẽ sản sinh ra một loại nội tiết tố đặc biệt giúp kích thích những sự thay đổi ở tuổi dậy thì. Đó là nội tiết tố gonadotropin (GnRH). Khi GnRH di chuyển tới tuyến yên (tuyến có hình hạt đậu nằm ở dưới não), tuyến này giải phóng vào máu hai loại nội tiết tố khác nữa. Đó là nội tiết tố luteinizing (LH) và nội tiết tố follicle – stimulating (FSH). 

Chúng ta đều có cả hai loại nội tiết tố này trong cơ thể. Và tùy thuộc vào giới tính sinh học của cơ thể mà những nội tiết tố này sẽ hoạt động ở những cơ quan khác nhau.

  • Đối với cơ thể có giới tính sinh học nam, những nội tiết tố này đi qua máu và kích thích tinh hoàn bắt đầu sản xuất testosterone và tinh trùng. Testosterone là nội tiết tố tạo ra hầu hết những sự thay đổi ở cơ thể nam khi dậy thì. Còn tinh trùng là một thành phần không thể thiếu của quá trình sinh sản;
  • Đối với cơ thể có giới tính sinh học nữ, FSHLH nhắm đến buồng trứng, nơi chứa trứng để tham gia vào quá trình sinh sản. Nội tiết tố này kích thích buồng trứng bắt đầu sản xuất một loại nội tiết tố khác được gọi là estrogen. Estrogen, cùng với FSHLH, làm cho cơ thể người có giới tính sinh học nữ trưởng thành, cũng như sẵn sàng cho việc mang thai.

Tâm lý và tâm trạng tuổi dậy thì

Tâm lý… cái gì cơ?

Ở tuổi dậy thì, các nội tiết tố bên trong cơ thể sẽ tác động lên đồng thời cả ngoại hình bên ngoài cũng như cảm xúc bên trong các em.Vì thế, cảm xúc của các em cũng trải qua những thay đổi lớn như cơ thể bên ngoài vậy.

Dậy thì có thể đem đến ham muốn tình dục

Trong giai đoạn dậy thì, các em có thể có những suy nghĩ về ham muốn tình dục. Em có thể cảm thấy bị thu hút về tình cảm bởi những người xung quanh nhiều hơn (hay còn gọi là “cảm nắng”). Đôi khi các em sẽ nhận ra rằng bản thân có hứng thú về tình dục nhiều hơn (còn được gọi là “ham muốn”). Khi trở nên trưởng thành hơn, những cảm xúc này sẽ dần ít đi. 

Một số người thủ dâm để giải tỏa cảm giác căng thẳng này và khám phá khả năng tình dục của bản thân. Một số người thì lại chọn cách để cảm giác đó qua đi. Cả hai cách đều là những hành động bình thường trong độ tuổi dậy thì.

Dậy thì có thể là giai đoạn vô cùng bối rối trong cuộc đời của các em
  • Cảm xúc của em dường như vượt ngoài tầm kiểm soát. Trong một khoảnh khắc, các em có thể cảm thấy mình như đang ở trên chín tầng mây, để rồi lại cảm thấy ngập trong buồn bã, chán nản ngay sau đó;
  • Các em có thể cảm thấy lo lắng về ngoại hình khi cơ thể của các em thay đổi quá nhiều trong suốt tuổi dậy thì;
  • Các em có thể trở nên quá nhạy cảm hoặc buồn bã. Một số em có thể trở nên tức giận, dễ mất bình tĩnh hơn bình thường đối với bạn bè, gia đình của các em.

Đối mặt với những cảm xúc này là một thử thách rất khó khăn cho các em. Bạn nên cố gắng tránh làm tổn thương hoặc khiến cho các em tức giận. Tuy nhiên, đồng thời hãy cho các em hiểu rằng gia đình hay bạn bè xung quanh không phải là nguyên nhân của những cảm xúc thất thường này. Não bộ của các em đang cố gắng thích nghi với tất cả những sự thay đổi chóng mặt từ ngoài vào trong, và việc này có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của các em. Những hãy cho các em biết rằng chuyện này không có gì đáng lo cả, vì bạn sẽ luôn ở bên các em.

Giờ sao đây? 

Trải qua những việc như vậy thực sự rất khó khăn, nhưng hãy cho các em biết rằng các em không cần phải xử lý mọi chuyện một mình

Hãy khuyến khích các em trò chuyện với những người lớn tuổi mà em tin tưởng để giúp em hiểu được cảm xúc của mình. Cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, anh chị em, họ hàng, giáo viên hay thậm chí cả những tư vấn viên đều có thể an ủi và hỗ trợ cho em. 

Tham gia vào các hoạt động vui vẻ và lành mạnh có thể giúp em giải quyết sự căng thẳng và cảm xúc của bản thân. Ngoài ra, điều này còn giúp em giải phóng năng lượng của chính mình. Các hoạt động thể chất, viết lách, âm nhạc, nghệ thật hay chỉ đơn giản trò chuyện với bạn bè đều là những cách tuyệt vời để các em giải tỏa cảm xúc và cảm thấy tích cực hơn về bản thân.

Ngoại hình 

Đối với tất cả các em

Các em có thể sẽ nổi mụn trứng cá (hoặc mụn nhọt) trên mặt hoặc trên cơ thể. Nếu mụn làm các em cảm thấy căng thẳng hoặc gây ảnh hưởng tới cuộc sống của các em, hãy cùng các em tới gặp bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn thêm.

Cơ thể các em có thể sẽ toát nhiều mồ hôi và có mùi, vì thế hãy hướng dẫn các em tắm và sử dụng những chất khử mùi nhiều hơn, tùy vào nhu cầu và mong muốn của các em.

Các em sẽ mọc lông nách và vùng kín của các em sẽ xuất hiện lông mu.

Tay và chân của các em có thể sẽ mọc nhiều lông hơn và chúng có thể sẽ trở nên đậm màu hơn.

Các em có thể cảm thấy đau ở tay và chân khi cơ thể bắt đầu phát triển.

Càng phát triển, cơ thể sẽ càng thay đổi trên nhiều phương diện. Các em sẽ tăng cân, và khi ấy em sẽ bắt đầu để ý những thay đổi lớn trên cơ thể mình.

Đối với những em mang đặc điểm giới tính sinh học nam

Giọng nói của các em sẽ trở nên trầm hơn. Quá trình thay đổi có thể khiến cho đôi lúc giọng các em sẽ bị ngắt quãng giữa chừng, nhưng đây hoàn toàn là một quá trình bình thường và sẽ dần biến mất. Yết hầu (phần lồi ở thanh quản) của các em sẽ trở nên lớn hơn và rõ ràng hơn;

Dương vật và tinh hoàn dần dần trở nên dài và to hơn.

Lông có thể sẽ xuất hiện trên mặt, ngực và lưng.

Ngực và vai sẽ nảy nở, trở nên rộng hơn.

Núm vú của các em có thể bị sưng trong giai đoạn dậy thì. Điều này có thể giống với sự phát triển vùng ngực của những người mang giới tính sinh học nữ. Dù vậy, giai đoạn này cuối cùng sẽ tự biến mất. Điều này xảy ra với khoảng một nửa số người mang đặc điểm giới tính sinh học nam và có thể kéo dài từ một vài tháng đến một vài năm.

Đối với những em mang đặc điểm giới tính sinh học nữ

Các em sẽ có kỳ kinh nguyệt.

Ngực của các em sẽ phát triển và trở nên lớn hơn, và quá trình phát triển này sẽ bắt đầu chỉ với một chút cảm giác sưng dưới núm vú. Đôi khi một bên ngực có thể phát triển nhanh hơn bên còn lại.

Bởi vì những điều này mà các em sẽ nhận thấy sự gia tăng của khối lượng mỡ trong cơ thể, cũng như thỉnh thoảng cảm thấy đau nhức dưới núm vú khi ngực bắt đầu to ra. Đây là những hiện tượng hết sức bình thường.

Thông thường khoảng 2 đến 2 năm rưỡi sau khi ngực bắt đầu phát triển thì các có kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Đây là một dấu hiệu nữa cho thấy tuổi dậy thì đang tiến triển và các nội tiết tố tuổi dậy thì đã và đang hoạt động bên trong cơ thể.

Hông trở nên rộng hơn và cơ thể các em sẽ trở nên dẻo dai hơn.

Âm hộ của các em có thể thay đổi về màu sắc và phát triển lớn hơn.

Tăng cân là một phần của quá trình phát triển cơ thể. Vì thế, việc ăn kiêng để để giảm cân có thể ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển này của cơ thể các em. Nếu các em có thắc mắc hoặc lo lắng về cân nặng của mình, hãy hướng dẫn các em trò chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

Tìm hiểu thêm về chu kỳ kinh nguyệt cùng VYA tại đây nha!

Điều gì sẽ xảy ra trong tuổi dậy thì nếu các em là người liên giới tính?

Người liên giới tính là người sinh ra với đặc điểm sinh học không theo chuẩn giới tính sinh học nam hay nữ. Do có rất nhiều biểu hiện liên giới tính nên giai đoạn dậy thì của mỗi người liên giới cũng khác nhau.

  • Một số người liên giới tính – như những người mắc hội chứng kháng nội tiết tố nam androgen (những người mang cặp nhiễm sắc thể XY nhưng cơ thể không tiếp nhận nội tiết tố nam androgen) hay hội chứng Turner (những người chỉ có một nhiễm sắc thể X thay vì XX hay XY) sẽ bước vào tuổi dậy thì muộn hơn bình thường hoặc không trải qua bất kỳ các biểu hiện nào của tuổi dậy thì, như mọc lông; 
  • Những người liên giới tính khác – như những người mắc hội chứng Swyer (còn gọi là hội chứng XYY hoặc hội chứng siêu nam), sẽ không trải qua giai đoạn dậy thì trừ khi họ sử dụng những liệu pháp nội tiết tố thay thế; 
  • Những người với hội chứng Hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH) (một hội chứng rối loạn hiếm gặp ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục nữ) thường sẽ không biết mình là người liên giới tính cho đến tuổi dậy thì. Đến tuổi dậy thì, người mắc hội chứng trên sẽ không có kinh nguyệt như bình thường.

Trong một số trường hợp, cơ thể của các em sẽ có những thay đổi sinh học không khớp với bản dạng giới của các em. Ví dụ:

  • Một số em mắc hội chứng Klinefelter hay hội chứng AIS có thể sẽ phát triển ngực lớn như nữ trong tuổi dậy thì;
  • Một số em mắc hội chứng thiếu hụt enzyme 5-alpha-reductase có thể sẽ có giọng nói trầm hơn và mọc râu;
  • Một số người có thể quyết định sử dụng nội tiết tố hay phẫu thuật để giúp cơ thể của họ khớp với bản dạng giới, tuy nhiên một số còn lại thì không. Vì thế, hãy cho em biết rằng các em có quyền quyết định hoàn toàn lên cơ thể của mình.

Nếu các em là một người liên giới tính, tuổi dậy thì có thể sẽ khiến các em cảm thấy cô đơn hay bối rối vì các em có thể hoàn toàn không biết bất cứ ai đã hay đang trải qua những thứ giống em. Một số người liên giới tính nhận thấy rằng việc trò chuyện, chia sẻ kinh nghiệm với người khác có thể giúp họ cảm thấy thoải mái và bớt cô đơn hơn. Hãy nhắc nhở rằng: trở thành một người liên giới tính không phải là một điều đáng xấu hổ. Không một cơ thể nào là sai trái hoặc không phù hợp chỉ vì một vài người muốn áp đặt những suy nghĩ và định kiến hà khắc của họ lên các em.

Những việc cần chuẩn bị

Những việc cần chuẩn bị
Nguồn ảnh: Boots

Trò chuyện với các em về những thay đổi của cơ thể

Khi nói chuyện với về vấn đề dậy thì, điều quan trọng nhất là phải trấn an các em. Các em phải trải qua rất nhiều những thay đổi phức tạp về tâm – sinh lý trong thời kì này, vì thế nên các em rất dễ cảm thấy bất an và cô độc.

Những câu hỏi thường gặp

Không có gì đáng ngạc nhiên nếu các em có nhiều thắc mắc khi đang tìm hiểu về tuổi dậy thì. Điều quan trọng là bạn phải đảm bảo rằng các em có đủ thời gian và cơ hội cần thiết để đặt câu hỏi. Đồng thời, hãy trả lời chúng một cách trung thực và chi tiết nhất có thể.

Một số câu hỏi phổ biến gồm:

Q1: Cục bướu bên trong ngực em là gì?

Các em mang đặc điểm giới tính sinh học nữ có thể sẽ để ý những cục bướu nhỏ, đôi khi khá mềm dưới núm vú khi ngực của các em bắt đầu phát triển. Đây là một điều hoàn toàn bình thường. Cảm giác cứng hay mềm này sẽ biến mất theo thời gian khi ngực tiếp tục phát triển.

Q2: Tại sao ngực của em quá nhỏ (hoặc quá to)?

Kích thước ngực của mỗi người luôn khác nhau. Hãy trấn an các em rằng: dù to hay nhỏ, mọi bộ ngực đều đẹp. Các em thường sẽ không tin vào điều này do thời gian cũng như mức độ phát triển của ngực sẽ thay đổi tùy ở mỗi em. Hình dạng và kích cỡ ngực của các em sẽ thay đổi song song với sự phát triển của các em. Nhưng cuối cùng, kích cỡ không ảnh hưởng tới sự hấp dẫn hay khả năng cho con bú nếu các em trở thành mẹ sau này.

Q3: Tại sao dương vật của em nhỏ (hoặc quá to)?

Đối với các em mang đặc điểm sinh học của nam, các em có thể sẽ chú ý đến dương vật nhiều hơn. Vì không phải tất cả các em sẽ dậy thì cùng một lúc hay với cùng một mức độ, các em có thể sẽ cảm thấy dương vật của mình quá nhỏ hoặc quá to. Kích thước dương vật sẽ thay đổi khi các em tiếp tục phát triển. Dương vật cũng có nhiều kích thước và hình dáng khác nhau, nhưng khi cương cứng thì sự khác biệt về kích thước của dương vật sẽ không dễ nhận biết bằng như khi chúng ở trong trạng thái bình thường.

Q4: Em chưa có lông mu?

Tất cả mọi người đều sẽ phát triển lông mu, mặc dù một số em em sẽ phát triển muộn hơn bình thường. Cũng giống như kích cỡ của ngực hay chiều cao, độ rậm của lông mu cũng có những sự khác biệt tùy mỗi người.

Q5: Em mang có giới tính sinh học là nam, vì sao ngực em lại phát triển?

Một số em mang đặc điểm giới tính sinh học nam sẽ trải qua sự phát triển ngực tạm thời trong thời kì dậy thì. Tình trạng này được gọi là gynecomastia – nữ hóa tuyến vú, xảy ra bởi sự thay đổi nội tiết tố trong tuổi dậy thì. Nó sẽ tự biến mất sau khoảng từ vài tháng đến vài năm.

Q6: Sao em chưa có kinh nguyệt?

Giống như với mọi thay đổi ở tuổi dậy thì, kỳ kinh nguyệt xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau với các em mang đặc điểm giới tính sinh học nữ. Các em thường có kinh nguyệt sau khoảng 2 đến 2,5 năm kể từ khi bắt đầu dậy thì. Vậy nên, nếu các em bắt đầu dậy thì chậm hơn những em khác thì khả năng cao các em sẽ có kỳ kinh nguyệt muộn hơn các bạn đồng trang lứa. Một số em không có kinh nguyệt cho đến tận năm 16 tuổi. Đây là một điều vô cùng bình thường, dù cho đôi khi các em sẽ cảm thấy lo lắng vì các bạn bè xung quanh đều đã có kinh nguyệt.

Nói chuyện với các em có đặc điểm sinh học nam

Sự cương cứng thường đến một cách bất ngờ trong giai đoạn dậy thì và không nhất thiết phải mang yếu tố kích thích tình dục. Khi trải qua việc cương cứng, các em có thể sẽ cảm thấy xấu hổ và nghĩ rằng tất cả mọi người sẽ để ý đến nó (mặc dù khả năng là rất thấp). Hãy nói với các em rằng: việc cương cứng và xuất tinh (hay mộng tinh) vào tuổi dậy thì là hoàn toàn bình thường. Hãy để các em tự thay và giặt ga trải giường của riêng mình nếu điều đó làm các em cảm thấy thoải mái hơn.

Một số em sẽ cảm thấy lo lắng về kích thước dương vật của mình và bắt đầu so sánh với những em khác. Bạn nên trấn an các em rằng kích cỡ dương vật không ảnh hưởng tới sự nam tính hay khả năng quan hệ tình dục của em. Và có thể, các em sẽ ý thức về ngoại hình của mình trước những người khác hay quan tâm hơn vào vấn đề vệ sinh cá nhân và chải chuốt.

Nói chuyện với các em có đặc điểm sinh học nữ

Điều quan trọng là hãy nói chuyện với các em có đặc điểm giới tính sinh học nữ về kinh nguyệt trước khi các em thực sự trải qua điều này. Đối với những em lần đầu tiên có kinh nguyệt, việc thấy mình “chảy máu” ở cơ quan sinh dục có thể là một trải nghiệm đáng sợ.

Hãy bắt đầu bằng việc chia sẻ với các em về những điều có thể sẽ xảy ra và trấn an các em rằng những những chuyện đó là hoàn toàn là bình thường trong suốt quá trình trưởng thành. Nếu được, hãy sử dụng một cuốn sách minh họa để giải thích rõ hơn về sự sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt cho các em. Sau đó, bạn hãy trao đổi với các em về việc sử dụng băng vệ sinh hoặc tampon, cũng như cách vệ sinh cá nhân trong suốt kỳ kinh nguyệt.

Đồng thời, bạn hãy dạy các em cách để giảm đau trong kỳ kinh nguyệt. Thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện, các em có thể khiến cho những cơn chuột rút, tức ngực hay chướng bụng trong kỳ kinh nguyệt bớt đau đớn hơn. Đồng thời, tập thể dục cũng là một điều hữu ích vì đây là một hoạt động thể chất cần thiết để duy trì cân nặng cho cơ thể ở mức độ khỏe mạnh.

Những lời khuyên khác khi nói chuyện với các bạn trẻ

Hãy để các em biết rằng bạn luôn có thời gian để trò chuyện. Và cũng nên nhớ rằng, cách bắt đầu một cuộc trò chuyện cũng rất quan trọng. Việc của bạn là hãy cùng các em thảo luận về các vấn đề của tuổi dậy thì một cách cởi mở nhất có thể. Đôi lúc, bạn sẽ cảm thấy quá ngượng và ngại ngùng khi bàn đến một số vấn đề nhạy cảm, nhưng đổi lại, các em sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi được hướng dẫn.

Việc trò chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu bạn thật sự tự tin và hiểu rõ về vấn đề được nói đến. Vì vậy, trước khi giải đáp những câu hỏi của các em, hãy chắc chắn rằng câu hỏi của riêng bạn đã được giải đáp. Đồng thời, việc luyện tập cũng rất cần thiết nếu bạn chưa thoải mái với việc trò chuyện về tuổi dậy thì cho lắm. Cuối cùng, hãy để cho các em biết rằng: trao đổi với nhau về các vấn đề ở tuổi dậy thì có thể rất khó khăn, nhưng đó là điều cần thiết nên có. 

Kinh nguyệt ư? Không phải lo!

Nói chuyện với các em về chu kỳ kinh nguyệt

Một vài thứ mà các em mang đặc điểm giới tính sinh học nữ cần và có thể sẽ muốn biết gồm:

  • Kỳ kinh nguyệt là gì và tần suất của kỳ kinh nguyệt;
  • Số lượng máu xuất hiện cũng như kỳ kinh nguyệt thường kéo dài bao lâu;
  • Kỳ kinh nguyệt có gây đau đớn không;
  • Cách sử dụng và vứt băng vệ sinh cũng như tampon;
  • Nên làm gì nếu em có kinh nguyệt lúc xa nhà (ở trường học hoặc đi cắm trại);
  • Các em có thể đi bơi nếu đang đến kỳ kinh nguyệt hay không;
  • Các em nên sử dụng băng vệ sinh hay tampon trước.

Nếu các em không mong muốn trò chuyện với bạn về chủ đề kinh nguyệt, bạn có thể tìm một người lớn đáng tin cậy khác để các em có thể chia sẻ một cách thoải mái. Đồng thời, nếu bạn cảm thấy các em có nhu cầu cần trò chuyện với một người lớn mang đặc điểm giới tính sinh học nữ khác mà gia đình bạn không có, hãy thử nhờ các dì, chị lớn tuổi cũng như bạn bè để được giúp đỡ.

Băng vệ sinh và tampon

Băng vệ sinh cũng như tampon chính là những vật bất ly thân cho các em kể cả khi ở nhà hay ra ngoài.

Trước khi các em có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên, hãy cho các em biết về những điều cần lưu ý khi sử dụng băng vệ sinh và tampon, như:

  • Băng vệ sinh và tampon trông như thế nào;
  • Các loại băng vệ sinh và tampon;
  • Cách sử dụng băng vệ sinh và tampon;
  • Cách vứt, bỏ băng vệ sinh và tampon.

Khi các em ra ngoài, hãy nhắc các em mang theo băng vệ sinh và tampon. Ví dụ, các em có thể cất một vài miếng băng vệ sinh hay tampon ở trong túi vệ sinh cá nhân trong cặp hoặc balo. 

Các bạn nên hướng dẫn các em sử dụng băng vệ sinh trước khi sử dụng tampon để các em tập làm quen dần dần. Tampon có thể được dùng ở mọi lứa tuổi nhưng sẽ mất một thời gian để luyện tập và làm quen dần với nó.

Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt

Việc theo dõi chu kỳ kinh nguyệt bằng một ứng dụng cũng như lịch hoặc nhật ký rất tốt cho các em. Điều này giúp các em hiểu được chu kỳ kinh nguyệt của mình. Nếu các em có chu kỳ kinh nguyệt khá đều đặn, một cuốn lịch có thể giúp các em biết rằng khi nào kỳ kinh nguyệt của mình sắp đến để các em có thể chuẩn bị cho những lần đi chơi qua đêm, cắm trại hay bơi lội.

Được biết về dấu hiệu và các cơn đau khi đến kỳ kinh nguyệt

Khi chu kỳ kinh nguyệt chuẩn bị đến, các em có thể trải qua rất nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm đau vùng ngực, mụn hay tóc nhờn, bết. Ngoài ra, các em cũng có thể cảm thấy đau bụng.

Các cơn đau trong kỳ kinh nguyệt là điều bình thường. Trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt, các em có thể cảm thấy đau bụng, đau lưng hay đau chân. Một vài cách giảm đau các em có thể thử là:

  • Uống thuốc giảm đau;
  • Chườm nóng bụng;
  • Đi bộ hoặc các hoạt động thể thao nhẹ;
  • Ăn các bữa phụ (giúp giảm sưng và đau dạ dày);
  • Nghỉ ngơi và thư giãn bằng cách kê cao hai chân, hoặc các em có thể thử nằm nghiêng và co chân lại;
  • Mát – xa nhẹ bụng dưới;
  • Uống đồ uống nóng như sữa ấm hoặc trà thảo dược.

Tham khảo bài viết của VYA về các sản phẩm cho ngày hành kinh tại đây

Mộng tinh phải xử lý thế nào?

Nếu như việc hành kinh ở đầu tuổi dậy thì luôn khiến các em có giới tính sinh học là nữ cảm thấy bối rối, thì những em có giới tính sinh học là nam cũng không kém phần lo lắng khi lần đầu trải nghiệm việc mộng tinh. Đây là một trong những cột mốc biểu hiện sự trưởng thành, đánh dấu giai đoạn dậy thì ở các em. Mộng tinh là một hiện tượng vô cùng tự nhiên, vì thế nó gần như không thể bị kiểm soát trong suốt giai đoạn dậy thì. Một biểu hiện thường thấy nhất của mộng tinh chính là: Vào những buổi sáng khi mới thức dậy, các em vô tình phát hiện dưới quần mình đột nhiên có một lớp chất nhầy. Lớp chất nhầy đó chính là tinh trùng, vì thế việc vệ sinh kỹ càng sau khi mộng tinh là vô cùng cần thiết. Việc này đơn giản hơn nhiều so với sau mỗi lần hành kinh: chỉ cần tắm rửa thật kỹ cùng với xà phòng, sau đó cho quần áo bẩn vào máy giặt và đem đi phơi là xong.

Và cũng đừng quên rằng, tuy mộng tinh rất phổ biến, nhưng không phải ai cũng trải qua điều này trong suốt quá trình dậy thì đâu nhé!

Phổ biến kiến thức tiêm phòng HPV và viêm gan B 

Phổ biến kiến thức tiêm phòng HPV và viêm gan B 
Nguồn ảnh: Baluchis

HPV

HPV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất hiện có. Thật mừng là hiện nay y học đã phát minh ra vắc xin bảo vệ chúng ta khỏi sự tấn công của một số loại virus gây nên loại bệnh này.

Vắc xin HPV giúp phòng được một số loại HPV nhất định có thể gây ung thư hoặc mụn cóc sinh dục. Mọi người trong độ tuổi 9 đến 45 đều có thể tiêm phòng HPV để bảo vệ bản thân khỏi những vấn đề kể trên. Độ tuổi thích hợp nhất để tiêm phòng là 11 đến 12 tuổi, vì khi đó cơ thể của các em sẽ được bảo vệ toàn diện nhiều năm trước khi các em bắt đầu thực hiện các hoạt động tình dục. Nhưng gạt chuyện tuổi tác sang một bên, bạn luôn luôn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi quyết định tiêm phòng HPV nhé!

Các nghiên cứu đều cho thấy rằng vắc xin HPV rất an toàn. Tác dụng phụ thường thấy nhất của nó chỉ là đau tạm thời và nổi mẩn đỏ khi tiêm vắc xin mà thôi. 

Vắc xin viêm gan B 

Viêm gan B lây lan dễ dàng qua đường tình dục, vì vậy tiêm vắc xin là cách an toàn và hiệu quả nhất để bảo vệ bản thân khỏi loại bệnh này.

Vắc xin bảo vệ cơ thể khỏi virus viêm gan B bằng cách tạo ra kháng thể giúp nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các kháng thể này sẽ chống lại virus nếu nó xâm nhập vào cơ thể. Sự hiệu quả của vắc xin đã góp phần làm giảm số lượng người mắc bệnh viêm gan B mỗi năm. Hiện tại, vắc xin viêm gan B sẽ được tiêm phòng cho trẻ em ngay sau khi sinh, và chiến lược tiêm phòng này đã bắt đầu được khuyến nghị từ năm 1991.

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm. Bạn có thể dễ dàng bị lây thông qua việc quan hệ tình dục mà không có các biện pháp bảo vệ, cũng như tiếp xúc với máu hoặc nước tiểu của người nhiễm bệnh. Nếu bạn chưa bao giờ tiêm vắc xin viêm gan B, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tiêm phòng vắc xin đúng cách.

Vắc xin viêm gan B an toàn với hầu hết mọi người. Đa số trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn đều không gặp bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe sau khi tiêm vắc xin. Trên thực tế, có hơn 100 triệu người ở Hoa Kỳ đã tiêm vắc xin viêm gan B. Giống như tất cả các loại thuốc khác, vắc xin có thể có một số tác dụng phụ nhẹ như đau nhức, đỏ, sưng, ngứa xung quanh nơi tiêm hoặc sốt nhẹ. Nhưng những tác dụng phụ này thường không nghiêm trọng và biến mất khá nhanh. Chỉ có một số ít người có các triệu chứng của việc bị dị ứng với vắc xin viêm gan B.

Thảo luận và hướng dẫn các em tự bảo vệ bản thân

Thảo luận và hướng dẫn các em tự bảo vệ bản thân
Nguồn ảnh: Freepik

Bạn nên nói với con em mình về những cách để giữ an toàn cho bản thân ở mọi nơi, như không đi theo người lạ và học thuộc lòng số điện thoại cũng như địa chỉ nhà. Đồng thời, hãy nhắc nhở con em mình rằng không chỉ người lạ, mà thậm chí người thân thiết đều có thể gây nguy hiểm cho chúng ta.

Hãy trò chuyện với các em mình về vấn đề tình dục và mang thai nhé! Những chủ đề mà các bạn có thể bàn bạc, trao đổi gồm những việc cần làm trước khi quan hệ tình dục hay cách xử lý nếu chẳng may mang thai. Ngoài ra, bạn cũng có thể thảo luận với các em về cách chuẩn bị cho việc quan hệ tình dục, các biện pháp tránh thai, các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) và ảnh hưởng của việc có con khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tham khảo các bài viết của VYA về Kiến thức thai sản, Quan hệ lành mạnh, STDsSức khỏe tình dục

Tuy nhiên, đừng gói gọn cuộc nói chuyện giữa hai bên chỉ trong vấn đề tình dục, vì tình yêu cũng là một vấn đề đáng để bàn đấy. Nếu các em không hiểu rõ về bản chất của tình yêu, các em sẽ dễ trở thành nạn nhân của việc bị lạm dụng, thao túng trong các mối quan hệ và đồng thời bỏ lỡ việc trải nghiệm những điều thực sự tuyệt vời của tình yêu. Vì thế, bạn hãy trò chuyện với các em về chủ đề trên, giúp các nhận biết những mối quan hệ độc hại và học cách giải quyết những rắc rối trong mối quan hệ của các em đó để tránh tổn thương cho cả hai bên. 

Hướng dẫn người thân đang ở tuổi dậy thì phải làm gì với cảm xúc thất thường, suy nghĩ/thái độ về hình thể của chính mình

Hướng dẫn người thân đang ở tuổi dậy thì phải làm gì với cảm xúc thất thường, suy nghĩ/thái độ về hình thể của chính mình
Nguồn ảnh: 123RF

Trầm cảm, rối loạn lưỡng cực hoặc lo âu chỉ là một vài trong số các vấn đề sức khỏe tâm lý hay xuất hiện trong thời niên thiếu và đều có thể được điều trị. Tuy nhiên, quan trọng nhất là chúng ta nên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn y tế trong vấn đề sức khỏe tâm lý.

Nếu như con em của bạn cảm thấy tâm trạng không được tốt lắm, dưới đây là một số điều các em có thể thử để khiến cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn.

Nhớ rằng các em không cô đơn

Mặc dù chẳng phải ai cũng sẽ trải qua những lúc tâm trạng lên xuống thất thường, nhưng nhìn chung đây là một thực trạng khá phổ biến ở tuổi vị thành niên.

Nguồn ảnh: https://dribbble.com

Kiểm soát nhịp thở của bản thân

Các em có thể thử đếm từ 1 đến 10 và cố gắng kiểm soát cảm xúc của bản thân bằng cách làm những việc khiến bạn phân tâm, đặc biệt là khi các em đang cảm thấy tức giận hoặc dễ bị kích động. Đồng thời, hãy thử xem xét sự việc dưới một góc nhìn khách quan hơn.

Nói chuyện với người các em cảm thấy tin tưởng 

Bạn bè là người có thể thấu hiểu và giúp các em gỡ rối những khúc mắc, vấn đề trong cuộc sống. Đồng thời, việc trò chuyện cùng với phụ huynh cũng quan trọng không kém khi bố mẹ các em có thể chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân để vượt qua tâm trạng xấu. Họ ắt hẳn sẽ rất vui mừng nếu các em tỏ ý muốn tâm sự về những vấn đề mà các em đang trải qua thay vì đóng sầm cửa lại và thu mình trong phòng. Giáo viên, tư vấn viên cũng là những người mà các em có thể tìm gặp để chia sẻ về những vấn đề của bản thân. Còn nếu các em muốn hiểu thêm về những khúc mắc thường gặp trong quá trình trưởng thành, hãy thử tìm gặp một bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Đừng cố giữ mọi chuyện trong lòng, vì khi ấy các em sẽ chỉ cảm thấy tồi tệ hơn mà thôi. 

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể sản sinh ra nhiều beta endorphin – một loại nội tiết tố giúp kiểm soát căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Một vài loại hình thể thao các em có thể thử là chạy bộ, chơi tennis, đạp xe hoặc đấm bốc. 

Ngủ đủ giấc

Mặc dù việc có đủ thời gian để ngủ khá khó khăn, nhưng nghỉ ngơi đầy đủ vẫn là một điều vô cùng quan trọng trong tuổi dậy thì. Mệt mỏi có thể khiến bạn cảm thấy buồn và khó chịu nhiều hơn. 

Thoả mãn óc sáng tạo

Các em có thể thử bắt tay vào thực hiện một dự định nào đó, như viết nhật ký, làm đồ gỗ thủ công hoặc bắt đầu viết nhạc, vẽ vời. Việc viết lách sẽ giúp các em sắp xếp và thể hiện các ý tưởng, cảm xúc trong lòng mình để từ đó bạn có thể kiểm soát bản thân tốt hơn. Đừng quan tâm liệu bản thân đã viết đúng ngữ pháp, chính tả hay đặt dấu câu hợp lý hay chưa. Điều quan trọng duy nhất là các em hãy thể hiện mọi suy nghĩ của bản thân lên giấy. Hãy gợi ý cho các em thử những môn sáng tạo khác như vẽ, điêu khắc, âm nhạc,… Đồng thời, hãy khuyến khích các em để cho cảm xúc mình được tự do và phát huy hết có thể nhé!

Khóc

Khóc không có gì là sai cả. Trên thực tế, khóc có thể khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau đớn, buồn bã, tức giận, chán nản hay vô vọng kéo dài, các em vẫn nên đến các gặp các bác sĩ hoặc tư vấn viên. Nếu không, những vấn đề ấy về lâu về dài có thể sẽ dẫn đến trầm cảm. 

Chờ đợi

Giống như những khi buồn chẳng vì lý do gì, những cảm xúc tiêu cực có thể cũng sẽ qua đi. Tuy nhiên, nếu tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn và ảnh hưởng xấu đến cách các em ứng xử với mọi người xung quanh, bạn nên dẫn các em đến gặp bác sĩ, tư vấn viên hoặc các nhà trị liệu tâm lý để nhận được sự giúp đỡ. 

Ngừng chỉ trích ngoại hình của chính mình

Cindy Gellner, một bác sĩ nhi khoa nổi tiếng, đã từng nói: “Điều quan trọng nhất trên hành trình đồng hành cùng các em là giúp các em nhận ra việc yêu cơ thể mình quan trọng đến nhường nào, chứ không phải là đay nghiến và chỉ trích hình thể của các em. Nếu con em của bạn mũm mĩm hơn bình thường, hãy khen ngợi các em vì đã cố gắng ăn một bữa lành mạnh, ngủ đủ giấc, hoặc tập thể dục hằng ngày.”

Tham khảo bài viết của VYA về thái độ tích cực với cơ thể tại đây!

Nhắc nhở các em bạn rằng mọi người đều có những bộ phận khiến họ tự ti

Bác sĩ Gellner khuyên rằng: “Nếu các em cảm thấy tự ti về một bộ phận nào đó trên cơ thể, hãy hướng các em tập trung vào những bộ phận khác mà các em cảm thấy tự hào.”

Giúp con em bạn trân trọng cơ thể mỗi ngày

Hướng dẫn các em tập trung vào những giá trị hiện tại của bản thân hơn là những thiếu sót trên cơ thể là một cách hay để các em tự nhắc nhở bản thân rằng cuộc sống còn nhiều điều để tận hưởng hơn là chỉ ngồi ở đó lo lắng về cơ thể của mình. Cơ thể trao cho chúng ta những cơ hội tuyệt vời để thực hiện những điều mình muốn, vì vậy hãy hướng dẫn con em cách trân trọng cơ thể của bản thân mỗi ngày nhé!

Đây là mục dành cho bạn đây: Hãy là người biết lắng nghe và ủng hộ các em

Một nghiên cứu của nhãn hàng Dove về lòng tự trọng đã chỉ ra rằng các bạn vị thành niên mang giới tính sinh học là nữ có mong muốn rất lớn được giao tiếp với bố mẹ, người thân nhiều hơn. “Việc giao tiếp với con em của bạn có thể giúp các em bạn nhận ra rằng cảm xúc và suy nghĩ của chúng thực sự quan trọng, và bạn sẽ ở đây bất cứ khi nào chúng cần bạn.” – bác sĩ Gellner chỉ ra.

Bạn cũng hãy là một hình mẫu đáng để noi theo nhé!

Nếu bạn bị ám ảnh về ngoại hình và cân nặng của bản thân, điều này có thể khiến cho các em nghĩ rằng rằng giá trị của một người chỉ dựa trên ngoại hình mà thôi. Điều này hoàn toàn không đúng. Thay vào đó, hãy hướng dẫn các em cách để có một cơ thể khỏe mạnh, cũng như cách để các em tự tin hơn về ngoại hình của mình.

Dậy thì là một giai đoạn trưởng thành mà ai cũng phải trải qua, gồm toàn những điều lạ lẫm mà ta phải thốt lên: “Tại sao không có ai nói cho mình biết trước rằng mình sẽ như thế này, mình sẽ như thế khác…” Sau bài viết này, hẳn bạn cũng đã hiểu thêm về tuổi dậy thì đầy bí mật rồi phải không nào?

Có thể bạn không phải là một người đang trải qua những chuyện ẩm ẩm ương ương của tuổi dậy thì, nhưng còn con, em và những người thân nữa thì sao? Họ có lẽ sắp hoặc đang bước vào tuổi dậy thì, và những người này đang rất cần những lời chỉ dẫn, bảo ban tận tình đấy! Hy vọng bài viết này của VYA sẽ giúp được bạn và những người thân xung quanh bạn chuẩn bị sẵn sàng để trải qua tuổi dậy thì một cách suôn sẻ nhất nhé!


Tài liệu tham khảo

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây