Các sản phẩm cho ngày hành kinh

Thời gian đọc: 21 phút

Nếu không vệ sinh tốt trong thời gian hành kinh thì cơ thể sẽ như thế nào?

Khi chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện, bộ phận sinh dục sẽ luôn ở trong trạng thái ẩm ướt. Mồ hôi, máu kết hợp với môi trường trong băng vệ sinh chính là điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn xâm nhập vào cổ tử cung thì niêm mạc tử cung sẽ không có khả năng đề kháng, nên sẽ dễ dàng bị viêm. Niêm mạc tử cung không có khả năng chống lại vi khuẩn như niêm mạc âm đạo hoặc niêm mạc miệng. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cổ tử cung, do niêm mạc tử cung không có khả năng đề kháng nên dễ dàng bị viêm. Niêm mạc tử cung không có khả năng chống lại vi khuẩn như niêm mạc âm đạo hoặc niêm mạc miệng. Khi vi khuẩn lọt vào tử cung, tử cung sẽ bị viêm rất nhanh. Điều này sẽ làm chất dịch tiết ra có mùi hôi. Những vi khuẩn gây viêm tử cung còn có thể khiến bạn gặp phải các bệnh như nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng âm đạo, ngứa và phát ban da ở “cô bé”. Vì vậy, việc giữ gìn vệ sinh trong thời kỳ hành kinh là một vấn đề không thể xem thường. 

Trong thời kỳ hành kinh nên chú ý

  • Tắm rửa sạch sẽ trong thời kỳ kinh nguyệt. Nhiều người vẫn giữ ý kiến rằng không nên tắm khi có kinh nguyệt, và điều này hoàn toàn sai. Việc không tắm rửa trong thời gian “đèn đỏ” sẽ dẫn đến cơ thể có mùi lạ, vùng kín cũng không giữ được sạch sẽ – điều rất cần thiết mà ai cũng phải có trong kỳ kinh.
  • Giữ gìn vệ sinh ‘cô bé’. Khi tắm không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu. Trong chu kỳ kinh nguyệt, cổ tử cung mở rộng hơn bình thường để máu có thể linh hoạt chảy ra ngoài. Điều này làm cho các vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo dễ dàng hơn. Thêm vào đó, môi trường ẩm ướt của âm đạo trong thời kỳ hành kinh cũng là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Vì vậy trong thời kỳ hành kinh phải thường xuyên dùng nước ấm rửa bên ngoài cơ quan sinh dục. Nên tắm xối (tức dùng vòi sen), đặc biệt không nên dùng bồn tắm công cộng.
  • Không nên quan hệ tình dục. Hành động này dễ làm tử cung viêm nhiễm dẫn đến nhiễm trùng buồng trứng và vòi trứng, đôi khi có thể viêm cả vùng bụng
  • Thay băng vệ sinh thường xuyên. Khi dịch ở băng vệ sinh tồn tại quá lâu sẽ làm phát sinh các loại nấm, vi khuẩn, gây ra hiện tượng viêm nhiễm âm đạo của bạn đấy. Chính vì vậy, bạn nên thay băng sau khoảng 3 tới 4 giờ đồng hồ, và trong mỗi lần thay, hãy nhớ vệ sinh sạch sẽ vùng kín.
  • Không sử dụng băng vệ sinh kèm theo vải. Một số người quan niệm việc này khiến cho máu kinh được thấm hút dễ dàng hơn.  Với lối suy nghĩ này, bạn sẽ chẳng bận tâm đến việc kinh nguyệt của mình ra nhiều hay ít, và từ đó có thể lãng quên bước thay băng vệ sinh đều đặn. Bạn nên lưu ý rằng, nếu sử dụng hai phương pháp cùng một lúc chỉ làm cho môi trường âm đạo bí hơi hơn, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng cao hơn mà thôi.

Bên cạnh những điều cần phải lưu ý mà chúng mình vừa liệt kê ở trên, chúng mình cũng muốn giới thiệu một số sản phẩm vệ sinh dành cho ngày đèn đỏ của nữ giới. Bên cạnh những sản phẩm đã quá quen thuộc như băng vệ sinh, cốc nguyệt san, Vietnam Youth Alliance còn muốn giới thiệu những loại khác để nữ giới chúng mình có thêm nhiều lựa chọn đa dạng cho ngày ‘dâu’. 

Các loại sản phẩm vệ sinh vùng kín thời gian hành kinh

Băng vệ sinh dạng miếng (Sanitary napkin/Sanitary pad)

Thông tin chung

Băng vệ sinh dạng miếng (tên ngắn gọn là băng vệ sinh) là miếng lót thấm hút lót bên dưới âm đạo trong kỳ kinh nguyệt, sau khi vừa thực hiện phẫu thuật âm đạo, sau khi sinh nở hay sau khi phá thai, hoặc trong bất kỳ tình huống nào khác khi cần phải thấm hút máu chảy ra từ âm đạo.

Đây là loại băng đặt bên ngoài, có kích thước tương đương với bề mặt trong quần lót và được lót ở mặt trong của quần lót để ngăn máu từ âm đạo thoát ra ngoài và thấm vào quần áo. 

Loại băng vệ sinh này rất quen thuộc, dễ sử dụng; đa dạng về kích thước, chất liệu, mục đích sử dụng, quốc gia xuất xứ và nhãn hiệu. Bạn có thể tìm mua băng vệ sinh dạng miếng ở bất cứ nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa hay siêu thị nào. Các hãng hiện có trên thị trường hiện nay: Diana, Kotex, Whisper, Laurier, Helen Harper, Lolita,…

Các miếng lót vệ sinh, đặc biệt là loại dùng nhiều lần có thể được nhìn thấy trên máy quét an ninh toàn thân.

Phân loại

Hiện nay băng vệ sinh dạng miếng được chia thành hai loại: loại dùng một lần và loại dùng nhiều lần. 

Băng vệ sinh dùng một lần

Chất liệu 

Băng vệ sinh dùng một lần bao gồm:

  • Rayon được tẩy trắng (sợi vải), bông và nhựa; chất thơm, chất thấm hút và các chất kháng khuẩn (tuỳ nhãn hiệu).
  • Nhựa được dùng làm màng đáy (chống tràn) và bề mặt băng (được thiết kế có nhiều lỗ thủng để chất lỏng xuống được lớp thấm hút). Lớp giữa là lớp thấm hút làm từ cellulose (xơ, sợi tự nhiên) và bột polymer. Keo được bôi vào phần cánh băng (giúp cố định băng vào quần lót). Băng vệ sinh được xếp làm ba, gói trong bao nhỏ bằng nhựa.
Loại

Có nhiều loại băng vệ sinh dùng một lần khác nhau:

  • Băng vệ sinh hàng ngày (Panty liner) – Ngắn hơn băng thường (15,5 cm), được thiết kế để thấm hút các chất âm đạo tiết ra hàng ngày như khí hư; máu kinh ra ít vào đầu và cuối chu kỳ kinh nguyệt; dịch âm đạo; nước tiểu rò rỉ không kiểm soát; mồ hôi khi vận động nhiều hoặc dùng dự phòng nếu sử dụng băng vệ sinh dạng ống hoặc cốc nguyệt san.
  • Siêu mỏng (Ultra-thin) – Nhỏ gọn (mỏng), lượng chất lỏng giữ được ít hơn so với loại thường.
  • Băng thường (Regular) – Thấm hút tầm trung, thường dài 23 cm. 
  • Siêu thấm (Maxi/Super) – Thấm hút tốt, tức thì, hữu dụng cho những ngày khi lượng máu ra nhiều nhất.
  • Ban đêm (Overnight) – Miếng băng dài hơn (28 – 41cm), thấm hút cao, khó bị xê dịch, khó bị tràn hoặc gây bức bí trong lúc nằm hoặc ngủ. 
  • Băng đêm dạng quần (băng quần) – Sử dụng khi băng ban đêm không đủ để thấm hút, hoặc khi người ngủ hay xê dịch, dễ làm tràn máu khi ngủ.
  • Maternity – Thường dài hơn miếng băng thường một chút và được thiết kế để thấm hút sản dịch (máu chảy sau khi sinh) và cũng có thể thấm hút nước tiểu.
  • Cánh/Không cánh.
  • Không mùi/có mùi/tinh chất kháng khuẩn, khử mùi.

Cách sử dụng – Bảo quản – Xử lý sau khi sử dụng

Băng vệ sinh dùng một lần

Bước 1: Tháo lớp giấy gói bên ngoài băng và mở hai đầu băng ra.

Bước 2: Cố định đáy quần lót bằng cách đặt lên bàn tay hoặc kéo quần lót xuống ngang gối.

Bước 3: Lột phần giấy dán ở mặt dưới băng vệ sinh và hai cánh (nếu có).

Bước 4: Dán phần có keo lên mặt trong quần lót, dán cố định phần có keo ở hai cánh vào mặt ngoài quần.

Bước 5: Kéo quần lên và kiểm tra vị trí có vừa vặn hay chưa. Nếu băng quá lệch so với vị trí của vùng kín, hãy tháo ra dán lại để chắc chắn kinh nguyệt không bị tràn ra ngoài.

Bước 6: Kiểm tra băng mỗi 2 giờ và thay băng mới khi thấy băng đầy hoặc sau 4 tới 6 giờ để đảm bảo vệ sinh. Khi thay băng, bạn nên cuộn băng thành hình trụ, gói băng đã sử dụng bằng giấy vệ sinh hoặc bằng vỏ gói của miếng băng mới. Bỏ băng đã gói kỹ vào thùng rác. Tuyệt đối không bỏ băng đã qua sử dụng vào bồn cầu.

Nên thay băng vệ sinh thường xuyên (khoảng 3-4 tiếng/lần) để luôn giữ được sự khô ráo, sạch sẽ. Băng “siêu thấm” chỉ là thấm hút ngay lập tức, máu kinh vẫn còn nằm trong miếng băng, thời gian dài ẩm ướt sẽ sinh vi khuẩn và có thể gây viêm nhiễm cho người dùng.

Các bạn có làn da nhạy cảm và không ra quá nhiều king nguyệt có thể dùng loại băng vệ sinh có bề mặt bông mềm mại. Các bạn có kinh nhiều hơn và cần thấm hút tốt có thể sử dụng loại có bề mặt lưới.

Băng vệ sinh dùng nhiều lần/Băng vải

Bước 1: Cố định đáy quần lót bằng cách đặt lên bàn tay hoặc kéo quần lót xuống ngang gối;

Bước 2: Đặt băng vệ sinh vải vào đáy quần lót, điều chỉnh vị trí băng;

Bước 3: Gập hai cánh băng vào mặt ngoài quần, bấm nút băng lại;

Bước 4: Kéo quần lên và kiểm tra vị trí có vừa vặn hay chưa. Nếu băng quá lệch so với vị trí của vùng kín, hãy tháo ra dán lại để chắc chắn kinh nguyệt không bị tràn ra ngoài;

Bước 5: Kiểm tra băng mỗi 2 giờ và thay băng mới khi thấy băng đầy hoặc sau 4 – 6 giờ để đảm bảo vệ sinh.

Băng vệ sinh vải có thể giặt bằng tay hoặc máy giặt. Nên ngâm băng trong nước lạnh khoảng 30 phút, trước khi giặt bằng nước thường với nhiệt độ tối đa 40°C. Sau đó giặt băng như quần áo thông thường.

Khi giặt, kéo và giũ thẳng băng để tránh co rút và phơi khô dưới ánh sáng mặt trời hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp. Nên cất băng vải trong hộp kín và để nơi thật khô thoáng để tránh nấm mốc, vi trùng phát triển. 

Trong quá trình sử dụng, nếu giặt không sạch, phơi không khô thì vi trùng hoàn toàn có thể đọng lại trong băng vệ sinh vải và tấn công theo đường âm đạo, gây viêm nhiễm phụ khoa và các bệnh tật khác.

Băng vệ sinh dạng ống/que/đũa/nút (Tampon)

Thông tin chung

Băng vệ sinh dạng ống là một loại băng vệ sinh có hình dạng ống, khác với băng vệ sinh dạng miếng và cốc nguyệt san. Bằng việc đặt băng vệ sinh dạng ống vào âm đạo trong thời kỳ kinh nguyệt, chúng sẽ có tác dụng thấm hút máu tương tự như băng vệ sinh dạng miếng. Ở đuôi của băng vệ sinh dạng ống này sẽ có một đoạn dây dài giúp cho người dùng dễ dàng kiểm soát trong quá trình sử dụng và lấy băng ra.

Băng vệ sinh dạng ống thường có kích thước nhỏ như viên phấn và thay đổi tăng hay giảm tùy theo độ thấm hút của chúng. Băng vệ sinh này được ưa chuộng do có ưu điểm hơn băng vệ sinh dạng miếng là không lo về tình trạng băng vệ sinh bị lệch khiến dịch lỏng thấm ra ngoài; máu không rỉ ra ngoài; không tạo cảm giác ẩm ướt, hầm bí. Người dùng có thể thực hiện các hoạt động mạnh như thể thao, bơi lội,…

Tương tự như những loại băng vệ sinh miếng có nhiều kích cỡ cho các mức độ, băng vệ sinh dạng ống cũng có những định mức về lượng thấm hút khác nhau tùy vào kích cỡ. Băng vệ sinh dạng ống vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Các hãng hiện nay có trên thị trường bao gồm: Kotex, Sofy, Mai.

Phân loại

Chất liệu

Hầu hết băng vệ sinh dạng ống được làm bằng sợi tơ nhân tạo kết hợp với sợi bông tổng hợp nên khả năng thấm hút rất tốt. Băng hữu cơ được làm từ 100% cotton. 

Loại

Có cấu tạo như những loại băng vệ sinh được sử dụng phổ biến, băng vệ sinh dạng ống cũng có định mức lượng thấm hút khác nhau được gọi là kích cỡ. Nếu băng có thể thấm hút được càng nhiều thì kích cỡ càng to hơn. Tuy nhiên không phải to là ngoại cỡ, kích thước lớn nhất mà một chiếc băng chứa được chỉ bằng một ngón tay út một chút. Có loại băng mở rộng theo trục dọc (tăng chiều dài), có loại mở rộng xuyên tâm (tăng đường kính) khi sử dụng. 

Có loại băng có ống đẩy, có loại không.

Có một số hãng nổi tiếng trên thế giới như Tampax, Playtex sẽ đưa ra số đo cụ thể cho mức độ thấm hút được biết đến như:

  • Nhỏ (Light/Junior) – nhỏ hơn 6 gram
  • Thường (Regular) –  6 – 9 gram
  • Super – 9 – 12 gram
  • Super Plus – 12 – 15 gram
  • Super Plus Extra/Ultra – 15 – 18 gram

Bạn cần định mức được lượng máu của mình trong kỳ kinh nguyệt để dùng loại băng phù hợp. Lượng kinh trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt chừng khoảng 40 – 80ml.

Người mới bắt đầu sử dụng băng vệ sinh dạng ống nên thử loại nhỏ.

Cách sử dụng – Bảo quản – Xử lý sau khi sử dụng

Loại không có ống đẩy

Bước 1: Rửa tay sạch với nước và xà phòng và giữ băng thật sạch trước khi dùng. Vì băng được đặt bên trong vùng kín nên vấn đề vệ sinh vô cùng quan trọng.

Bước 2: Mở vỏ nhựa bọc ngoài (nếu có) bằng cách nắm hai đầu và xoay ngược chiều nhau, sau đó kiểm tra phần dây gắn ở đuôi xem có chắc chắn không.

Bước 3: Ngồi hoặc đứng ở một tư thế thích hợp, tốt nhất bạn nên gác một chân lên ghế hoặc vật dụng cao đến gối (như thành bồn cầu) để dễ dàng đặt băng hơn.

Bước 4: Một tay nắm phần đuôi băng, một tay nhẹ nhàng mở âm đạo ra. Đặt đầu băng vào và đẩy nhẹ theo hướng chếch lên trên.

Bước 5: Khi băng đã vào hết bên trong, dùng ngón trỏ đẩy sâu thêm đến khi băng vào sâu 4 – 5cm (gần bằng hai đốt ngón tay).

Bước 6: Khi đặt xong băng, bạn hãy thử cử động và di chuyển để kiểm tra xem vận động thoải mái không. Nếu cảm thấy khó chịu, chắc chắn bạn đã đặt sai cách. Khi đó, hãy lấy băng ra và thử lại với một băng khác nhé.

Bước 7: Sau khoảng 4 giờ sử dụng, bạn nên thay băng mới bằng cách nắm dây ở đuôi băng và nhẹ nhàng rút ra. Bạn có thể cảm thấy một chút ma sát nhỏ do băng cọ vào da.

Loại có ống đẩy
Nguồn ảnh: Metro

Bước 1: Rửa tay sạch sẽ trước khi dùng băng. Ngồi xổm trên bồn vệ sinh hoặc đứng dạng chân ra.

Bước 2: Cầm băng theo đúng cách. Ngón cái và ngón giữa giữ ngay phần giao giữa băng và ống đẩy. Ngón trỏ đặt lên đầu băng, nơi có sợi dây.

Bước 3: Dùng tay còn lại mở môi ngoài. Từ từ đẩy băng vào âm đạo theo chiều chếch lên một chút, cho đến khi ngón tay chạm vào da thì ngừng lại.

Bước 4: Đẩy đầu ống đẩy vào trong, đến khi hết thì ngưng lại. Việc này giúp đưa miếng băng vào trong âm đạo.

Bước 5: Dùng tay giữa nhẹ nhàng lấy ống đẩy ra khỏi cơ thể. Lúc này, bạn có thể thấy sợi dây băng treo ở ngoài cơ thể bạn.

Bước 6: Sau khoảng 4 giờ sử dụng, bạn nên thay băng mới bằng cách nắm dây ở đuôi băng và nhẹ nhàng rút ra. Bạn có thể cảm thấy một chút ma sát nhỏ do băng cọ vào da. Khi thay băng, gói băng đã sử dụng bằng giấy vệ sinh. Bỏ ống đẩy và băng vào thùng rác.

Có thể sử dụng dầu bôi trơn để đặt băng vào âm đạo dễ dàng hơn. Không nên sử dụng nếu bạn không đang trong kỳ đèn đỏ. Tuyệt đối không để quá 8 giờ trong cơ thể.

Trong trường hợp bạn chưa bao giờ sử dụng băng thì bạn nên thử trước với cỡ nhỏ. Kể cả một chu kì của bạn ra lượng máu rất nhiều thì bạn vẫn sử dụng cỡ này để cơ thể bạn quen với cảm giác có vật thể trong người. Bạn nên chú ý ở lần đầu nên đặt đúng chỗ và đủ sâu để bản thân không cảm thấy vướng víu hay cộm là được.

Những bạn lần đầu sử dụng băng thì nên dùng loại có ống đẩy, bạn sẽ không phải dùng tay đặt quá sâu và giảm bớt cảm giác bị ghê. Tuy nhiên đối với những người đã dùng lâu thì lại không thấy thích thú lắm với loại có ống đẩy, loại thường sẽ dễ dùng hơn, dù có thể dính vào tay nhưng bạn chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là được. Thêm nữa, loại không có ống đẩy cũng mang thiết kế nhỏ gọn và chắc chắn tạo cảm giác thoải mái cho người dùng.

Lưu ý: Nguy cơ sốc độc do dùng băng vệ sinh dạng ống không đúng cách.

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng sốc độc là gì?

Do bị gây ra bởi chất độc nên hội chứng sốc nhiễm độc sẽ ảnh hưởng đến hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể người bệnh và các triệu chứng xảy ra rất đột ngột khi độc tố đã phát tán. Biểu hiện rõ rệt nhất của sốc độc là sốt cao (hơn 38,8°C). Ngoài ra, người bệnh sẽ còn có các dấu hiệu sau:

  • Tụt huyết áp nhanh (có cảm giác lâng lâng hoặc ngất xỉu);
  • Sạm da – giống như phát ban bất cứ nơi nào trên cơ thể, bao gồm cả lòng bàn tay và lòng bàn chân;
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy;
  • Đau cơ hoặc mệt mỏi;
  • Mắt, miệng, cổ họng, và âm đạo sưng đỏ;
  • Đau đầu, rối loạn, mất phương hướng, hoặc co giật;
  • Suy thận, suy hô hấp và một số cơ quan khác cũng bị suy giảm chức năng.

Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện sau khi cơ thể bị vi khuẩn xâm nhập từ 2 – 3 ngày. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy theo mức độ bị nhiễm trùng.

Làm thế nào để ngăn ngừa hội chứng sốc độc?

Tuy khả năng nhiễm độc từ vi khuẩn là rất thấp, bạn vẫn nên ngừa bệnh bằng một số biện pháp sau:

  • Làm sạch và băng bó các vết thương ngoài da;
  • Thường xuyên thay băng gạc;
  • Kiểm tra vết thương để thấy dấu hiệu của nhiễm trùng. Nếu vết thương bị đỏ, sưng, đau, hoặc bạn bị sốt, nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời;
  • Nếu bạn mới bắt đầu có chu kỳ, thì cách tốt nhất để tránh hội chứng hội chứng sốc nhiễm độc là dùng băng vệ sinh thay vì dùng băng vệ sinh dạng ống;
  • Đối với những người thích hoặc buộc phải sử dụng băng vệ sinh dạng ống, hãy chọn những loại có độ thấm hút thấp nhất thay vì loại siêu thấm và thay chúng thường xuyên. Bảo quản băng ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiệt độ và độ ẩm cao (nơi vi khuẩn có thể phát triển), ví dụ, nên để trong phòng ngủ hơn là trong ngăn tủ phòng tắm. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chèn băng;
  • Nếu bạn đã bị nhiễm hội chứng sốc nhiễm độc hoặc bị nhiễm trùng Staph hay Strep nghiêm trọng, thì không nên tiếp tục sử dụng băng hoặc các thiết bị tránh thai liên quan tới hội chứng sốc nhiễm độc.

Bạn nên gặp bác sĩ ngay khi có triệu chứng sốc độc

Cốc nguyệt san (Menstrual cup)

Thông tin chung

Cốc nguyệt san là dụng cụ vệ sinh phụ nữ dùng để đựng dịch (máu và các loại dịch từ niêm mạc tử cung) tiết ra trong kỳ kinh nguyệt. Cốc này được đưa vào trong âm đạo với mục đích ngăn không cho dịch kinh dính vào quần áo.

Cốc nguyệt san thường được làm bằng nhựa silicon dẻo, hình dáng như một chiếc chuông có cuống. Khi sử dụng, ta cầm cuống úp miệng cốc vào thành âm đạo, ngay dưới cổ tử cung. Khi cốc đầy, ta có thể lấy ra, vệ sinh và tái sử dụng.

Khác với băng vệ sinh dạng cánh hay dạng ống, cốc nguyệt san đựng thay vì thấm hút dịch kinh. Khi đưa vào trong vùng kín, cốc nguyệt san đóng vai trò như một giác hút, mang đến cảm giác thông thoáng. Vì có tính đàn hồi tốt nên khi đặt vào âm đạo, cốc sẽ mở ra và “hút” lượng kinh nguyệt, ngăn không cho rò rỉ ra ngoài.

Một cốc có thể tái sử dụng khoảng 5 năm hoặc lâu hơn.

Phân loại

Chất liệu

Các loại cốc nguyệt san tái sử dụng thường được làm bằng một trong 3 chất liệu chính sau: Silicon, cao su tự nhiên (latex) và TPE – Thermoplastic elastomer.

Silicone được cho là chất liệu vô cùng bền, trong khi Latex và TPE có thể bị nứt dễ dàng hơn. Hầu hết các loại cốc nguyệt san được làm bằng chất liệu silicone tiêu chuẩn y tế, nếu bạn có làn da nhạy cảm, bạn nên cân nhắc kỹ về chất liệu. Cao su tự nhiên có thể gây ra những dạng thức kích ứng. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Softcup, làm từ polyethylene.

Độ cứng

Thông thường, các loại cốc nguyệt san cứng thích hợp cho những phụ nữ cơ sàn chậu chắc khỏe sử dụng, và những loại cốc mềm thì dành cho những người có cơ sàn chậu yếu, lỏng. Chắc chắn bạn đang nghĩ : Làm thế quái nào mà tôi biết được mình có cơ sàn chậu cơ chứ? Một cách đơn giản để kiểm tra, đó là cố gắng lặp lại động tác co thắt nín nhịn rồi thả lỏng các cơ khi đi tiểu nhiều lần: nếu việc đó dễ dàng với bạn, cơ sàn chậu của bạn chắc khỏe, và bạn sẽ phù hợp sử dụng loại cốc nguyệt san cứng. Nếu bạn không thể dễ dàng nhịn tiểu, điều đó có nghĩa là cơ sàn chậu của bạn lỏng: trong trường hợp này, bạn có lẽ sẽ muốn cân nhắc sử dụng một loại cốc nguyệt san mềm hơn.

Ví dụ: Lunette là một loại cốc nguyệt san trung bình cứng, còn Meluna được coi là loại cốc nguyệt san mềm.

Cuống cốc

Một số loại cốc nguyệt san có cuống hoặc tay cầm ở đáy cốc. Cuống cốc được thiết kế để hỗ trợ đặt vào và lấy cốc nguyệt san ra.

Có vô số loại cuống đi kèm với cốc nguyệt san bao gồm:

  • Cuống tròn – Một chiếc núm hình bầu dục hoặc hình cầu
  • Cuống vòng đai – Cuống uốn cong tạo thành hình vòng đai
  • Cuống phẳng – Phẳng như một tờ giấy
  • Cuống cứng – Chiếc cuống cứng cáp
  • Cuống rỗng – Chiếc cuốc là một ống rỗng

Cuống không phải là bộ phận cần thiết. Một số phụ nữ thậm chí còn cảm thấy khó chịu khi sử dụng cốc có cuống. Bạn vẫn có thể đưa vào và lấy cốc kinh nguyệt ra mà không cần đến cuống. Không muốn phải cắt cốc nguyệt san thì bạn có thể lộn trái cốc nguyệt san, nghĩa là chiếc cuống sẽ nằm bên trong. Nhược điểm duy nhất của phương pháp này, đó là nó sẽ làm giảm dung tích chứa của cốc nguyệt san.

Màu hay không màu?

Bởi vì cốc nguyệt san liên tục phải tiếp xúc với máu, một ngày nào đó chúng cũng sẽ bắt đầu chuyển màu dơ bẩn.

Cốc nguyệt san trong suốt thường mất đi màu nguyên thủy của mình nhanh hơn là những loại có màu, và thường có những vết ố bẩn màu vàng. Mặc dù những chiếc cốc có màu có thể nhạt đi theo thời gian, các vết ố bẩn cũng không lộ rõ như đối với cốc trong suốt; đặc biệt là những chiếc cốc tối màu như màu xanh hay tím.

Những vết ố bẩn không gây ảnh hưởng gì đến công hiệu của sản phẩm và không nên dựa vào đó mà phán đoán một chiếc cốc có sạch hay không. 

Kích cỡ

Cốc nguyệt san có nhiều kích cỡ khác nhau, cần tìm được cỡ chuẩn, đảm bảo sự thoải mái cũng như hiệu quả sản phẩm (tránh bị tràn, dây ra khi sử dụng).

Cách sử dụng – Bảo quản – Xử lý sau khi sử dụng

Khi đặt cốc vào trong âm đạo, cốc sẽ mở ra như trạng thái ban đầu và đựng kinh nguyệt theo lượng máu ra tự nhiên của cơ thể, ngăn máu kinh rò rỉ ra ngoài. Hơn nữa, nếu đặt đúng cách, bạn gần như không cảm thấy sự tồn tại của nó trong cơ thể. Việc đưa cốc kinh nguyệt vào âm đạo cũng tương tự như đặt vòng tránh thai.

Bước 1: Chọn tư thế đặt cốc vào âm đạo.

  • Đứng và gác một chân lên bệ cao
  • Đứng giang rộng hai chân và hơi khuỵu gối xuống
  • Ngồi dựa lưng vào tường trong tư thế Squat

Bước 2: Gập gọn cốc.

  • Gấp chữ C: dùng tay gấp cốc nguyệt san theo hình dẹt rồi gấp đôi lại
  • Gấp chữ V: dùng ngón tay trỏ ấn một bên cốc lõm xuống, gấp hai bên thành cốc lại

Bước 3: Đặt cốc vào âm đạo.

  • Sau khi gấp cốc xong và chọn được tư thế, từ từ cho cốc vào âm đạo.
  • Đẩy cốc vào xương mu một góc 45 độ.
  • Nhẹ nhàng buông tay, cốc nguyệt san sẽ tự bung ra.
  • Bóp nhẹ phần đáy cốc và xoay nhẹ một vòng để cốc bung đều và vừa khít với âm đạo.
Nguồn ảnh: Google

Bước 4: Lấy cốc ra ngoài.

  • Lặp lại tư thế khi đặt cốc vào, đồng thời thả lỏng người.
  • Đưa tay vào âm đạo và bóp nhẹ đáy cốc.
  • Nhẹ nhàng lấy cốc ra ngoài theo chiều ngang.
  • Lưu ý, tránh để cốc bị nghiêng làm mọi thứ bên trong đổ ra ngoài.

Để có thể tái sử dụng thường xuyên, bạn nên rửa sạch cốc ít nhất 2 lần/ngày. Bên cạnh đó, sau mỗi chu kỳ kinh nguyệt, bạn nên ngâm cốc trong nước ấm để làm sạch.

Tránh sử dụng các phương thức làm sạch không chính thống. Nếu bạn dùng những chất như tinh dầu tràm trà hay một loại tinh dầu, hãy pha loãng. Cốc có thể bị hỏng nếu làm theo cách này.

Khi rửa cốc, luôn luôn tránh sử dụng: giấm, tinh dầu tràm trà, xà phòng có mùi, xà phòng bạc hà/thực vật hay bất kì loại xà phòng nào có chứa dầu, cồn chà rửa, xà phòng tiệt trùng, nước rửa tay, khăn ướt, oxy già, xà phòng rửa chén, hóa chất mạnh hay tẩy trắng bởi vì một số hóa chất được biết là có khả năng làm hỏng hay biến chất silicon (có thể để lại một lớp bột dính,…) dẫn đến dị ứng trong âm đạo hay thậm chí gây nhiễm trùng, nấm. Nếu bạn đã vệ sinh cốc với bất kỳ chất tẩy rửa không được khuyến khích này, hãy thay thế chiếc cốc đó nếu thấy bất kì dấu hiệu hư hại nào, hoặc bạn có triệu chứng dị ứng.

Nếu sử dụng cốc nguyệt san mà thấy tình trạng trào, dây ra ngoài, bạn nên kiểm tra lại như sau:

  • Cỡ cốc đã chuẩn chưa, có thể bạn đang dùng cỡ nhỏ hơn hoặc to hơn so với kích thước thực cần.
  • Bạn đã đặt cốc nguyệt san vào đúng chỗ chưa, quá sâu hay quá nông cũng ảnh hưởng đến việc hứng kinh nguyệt. Nếu là vị trí chuẩn, chỉ khoảng 1 – 2 phút sau khi đặt vào cửa âm đạo, bạn sẽ cảm thấy hoàn toàn thoải mái như bình thường. Đừng lo ngại nếu cuống cốc thừa ra ngoài hoặc biến mất, vì cấu tạo cơ thể mỗi người khác nhau hoặc cuống cốc loại bạn mua bản thân cũng dài ngắn khác nhau.
  • Cốc đã mở ra hoàn toàn hay chưa, bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra lại bằng tay theo hướng dẫn bên trên.
  • Lượng kinh nguyệt của bạn quá nhiều, hãy thay cốc đủ thường xuyên. Hãy nhớ là lượng kinh nguyệt không được vượt quá lỗ thông hơi gần miệng cốc nhé.

Khi sử dụng cốc nguyệt san, nếu như bạn là người ra nhiều kinh nguyệt trong mỗi chu kỳ, nên lót kèm băng vệ sinh như bình thường. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng dây ra quần khi chưa quen sử dụng hoặc chưa dùng đúng cách.

Quần lót nguyệt san (Period underwear)

Thông tin chung

Chiếc quần nguyệt san nhìn bề ngoài cũng như chiếc quần con hàng ngày của các bạn thôi. Tuy nhiên, phần bên trong được lót bằng một miếng cotton có khả năng thẩm thấu cao mà vẫn không làm lộ hay ảnh hưởng đến hình dạng của quần. Từ bên ngoài nhìn vào chỉ thấy nó là một chiếc quần bình thường mà thôi. 

Phần lót được thiết kế nhiều lớp và mỗi lớp có một chức năng khác nhau. Lớp đầu tiên là lớp chống vết ố cũng như chống vi khuẩn. Lớp thứ hai là lớp thoát ẩm mang lại cảm giác khô ráo cho người dùng. Lớp thứ ba là lớp hút chất lỏng, nó có thể hút từ 2 – 6 muỗng cà phê chất lỏng (tùy kiểu quần). Và lớp cuối cùng là lớp chống tràn. Được thiết kế rất mỏng nhưng không vì thế mà chất lỏng có thể tràn ra từ hai bên, và mang lại cảm giác tự tin, thoải mái cho người mặc. 

Phân loại

Có nhiều dáng quần cho các bạn chọn tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt hay nhu cầu của bạn mà vẫn hợp thời trang.  

  • Hiphugger: Loại này dành cho những ngày có lưu lượng nhiều và cũng là best-seller của hãng. Thiết kế của chiếc quần này là che phủ toàn diện, chống tràn mà vẫn giúp bạn có cảm giác thoải mái, khô thoáng.  
  • Hi-waist: Chiếc quần này cũng dành cho ngày có lưu lượng nhiều. Vì là dàng quần lưng cao nên cũng khá an toàn và với mạng lưới shmexy sẽ giải tỏa nỗi lo của bạn vào mỗi lần “chị đèn đỏ” tới thăm. 
  • Boyshort: Thêm một loại dành cho những ngày bị nhiều cho tới vừa. Với kiểu dáng quần cổ điển sẽ mang lại cảm giác thoải mái khi bạn mặc chúng.  
  • Sport: Chiếc quần này dành cho những ngày có lưu lượng vừa. Thiết kế mang lại cho người dùng cảm giác thoải mái, nhất là phần ống quần không gò bó nên bạn có thể vận động thoải mái. 
  • Cheeky: Vào những ngày gần cuối chu kì, chiếc quần Cheeky sẽ giúp bạn thoải mái hơn với hình dáng cổ điển, dễ mặc, không bị cấn bởi đường viền quần. 
  • Thong: Thật tuyệt vời khi đã tới những ngày cuối của chu kì. Đây là chiếc quần dành cho những ngày ấy. Với thiết kế mang một chút sexy, co giãn tốt. Không ai nghĩ chiếc quần Thong có thể mặc vào chu kì kinh nguyệt, nhưng với chiếc quần này là hoàn toàn có thể nha.  

Cách bảo quản và sử dụng quần

Trước tiên bạn xả quần với nước, rồi cho vào túi giặt. Việc cho quần vào túi giặt sẽ giúp cho chiếc quần lâu cũ. Bạn giặt quần với nước lạnh trước, rồi sau đó phơi khô. Nên nhớ không được dùng thuốc tẩy hay nước xả, vì quần có khả năng thấm hút, nên việc dùng những sản phẩm đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của quần và cũng như tới sức khỏe.

Việc sử dụng quần rất đơn giản, bạn chỉ việc mặc nó cả ngày, khi về tới nhà chỉ việc thay một chiếc mới là xong. Bạn có thể kết hợp với băng vệ sinh dạng ống hoặc cốc kinh nguyệt, tùy thuộc vào lượng kinh nguyệt của mỗi người.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

16 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây