Chào mừng bạn đã trở lại với “1001 cách đối phó với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục”. Ở những bài trước, chúng ta đã “bỏ túi” được rất nhiều kiến thức bổ ích về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống và điều trị các loại bệnh tình dục phổ biến như “Giang mai” hay “Bệnh hạ cam”,… Trong chuyên mục lần này, hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu về bệnh “U hạt bẹn” nhé! Đây vốn là một căn bệnh khá hiếm gặp, nhưng bạn chớ vội coi thường! Nếu không được chữa trị kịp thời, nhiễm u hạt bẹn sẽ gây ra những thương tổn vô cùng nặng nề tới cơ quan sinh dục cũng như làm suy giảm chức năng sinh dục đấy.
Cảnh báo: Trong bài viết có chứa một số hình ảnh và nội dung nhạy cảm, mong bạn cân nhắc trước khi xem.
Những ai có nguy cơ nhiễm bệnh?
Bệnh u hạt vùng kín, hay còn gọi là u hạt bẹn (Donovanosis), là một trong những bệnh lây lan qua đường quan hệ tình dục với những biến chứng khôn lường. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện chỉ từ 1 – 4 tuần sau khi lây nhiễm. Nhưng cũng có trường hợp, bệnh mất đến 1 năm ủ bệnh mới xuất hiện những triệu chứng khởi phát.
Có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm u hạt bẹn. Quan hệ tình dục không an toàn hay quan hệ tình dục đồng giới nam là hai trong số đó. Ngoài ra, tuy rất ít nhưng vẫn có trường hợp nhiễm bệnh khi vô tình tiếp xúc trực tiếp (da kề da) với cục u của bệnh nhân.
Người mang bộ phận sinh dục nam có tỷ lệ nhiễm u hạt bẹn cao hơn hẳn so với người mang bộ phận sinh dục nữ.
Không mang các yếu tố gây bệnh không có nghĩa là bạn không thể nhiễm bệnh. Chính vì vậy, hãy nhớ luôn cẩn thận và để tâm tới tình trạng sức khỏe tình dục của bản thân mình cũng như những người xung quanh, bạn nhé!
Triệu chứng khi nhiễm u hạt bẹn
Một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là tình trạng các cơ quan sinh dục. Vùng hậu môn hoặc háng sẽ nổi một hoặc nhiều cục u. Mới đầu chúng thường không gây đau nhức hay trở ngại. Nhưng theo thời gian, chúng lớn dần và bong ra, để lại các vết loét. Tuỳ loại u hạt bẹn mà các vết loét này có thể sẽ khác nhau. Trong một số trường hợp, chúng còn lan lên vùng bụng dưới hoặc xuống đùi. Ngoài ra, chúng dễ bị bội nhiễm bởi vi khuẩn, gây đau nhức, chảy mủ, toả mùi hôi, khó lành.
U hạt bẹn thường phân thành 4 loại:
- Loét u hạt: vết loét màu đỏ đậm, không mềm, dễ chảy máu khi chạm vào và dễ trở nặng nếu không điều trị;
- Loét phì đại hoặc lở: Mép các vết loét thường phát triển không đều, đôi khi khô ráo;
- Hoại tử: Vết loét sâu có mùi hôi, gây phá hủy mô;
- Thương tổn có tính chất khô, xơ cứng hoặc để lại sẹo.
Một số triệu chứng khác có thể kể đến như:
- Loét hậu môn;
- Mụn nhỏ màu đỏ xuất hiện dày đặc trên bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn;
- Vùng da nhiễm bệnh dần bị ăn mòn, cục u trở nên sần sùi, tấy đỏ, có dấu hiệu thành mụn viêm, mụn dạng nang (mô hạt), thường không gây đau đớn, nhưng dễ chảy máu nếu bị tác động mạnh;
- Các phần bị viêm nhiễm sẽ lan ra và phá hủy các mô sinh dục, vùng háng thường bị ảnh hưởng trực tiếp;
- Da ở bộ phận sinh dục hoặc các vùng xung quanh bị mất màu.
Biến chứng khôn lường của bệnh
Các biến chứng khôn lường có thể kể đến như:
- Phát triển tế bào ung thư ở những vùng bị loét;
- Mô sinh dục bị phá hủy nghiêm trọng;
- Thu hẹp âm đạo, hậu môn hoặc niệu đạo;
- Vi khuẩn lan truyền qua đường máu đến các cơ quan khác trong cơ thể, gây tổn thương tới xương, khớp hoặc gan;
- Thiếu máu hoặc đột tử nếu không điều trị kịp thời.
Ba giai đoạn nhiễm u hạt bẹn
Đối với những bệnh nhân nhiễm u hạt vùng kín, các dấu hiệu thường không “lộ diện” ngay lập tức mà phải mất ít nhất 1 tuần để quan sát được rõ ràng và mất đến 12 tuần để chúng phát triển đến đỉnh điểm.
Thông thường, người bệnh sẽ phát hiện một hoặc nhiều nốt mụn hoặc cục u trên da. Vì rất nhỏ và không hay gây đau đớn nên rất khó để nhận biết nhưng chúng thường bắt đầu xuất hiện ở quanh vùng sinh dục. Loét hậu môn hoặc miệng chỉ xảy ra ở một số ít trường hợp, và thường chỉ đối với những cá thể có quan hệ tình dục thông qua những vùng này.
Tổn thương da phát triển qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu, các nốt mụn nhỏ bắt đầu phát triển, lan đến các mô xung quanh. Khi các mô này bị phá hủy, chúng sẽ dần chuyển thành màu hồng hoặc đỏ nhạt. Lúc này các vết sưng thường phát triển thành mụn viêm, mụn dạng nang với bề mặt nhẵn mịn. Các nốt mụn này dù không gây đau đớn những vẫn có thể chảy máu khi bị tổn thương. Chúng thường tập trung mọc xung quanh vùng hậu môn và bộ phận sinh dục.
Giai đoạn 2
Ở giai đoạn tiếp theo này, bắt đầu xuất hiện tình trạng da bị vi khuẩn ăn mòn. Đây là lý do u hạt vùng kín từng được ví như một căn bệnh “ăn thịt người”. Các vết loét nông bắt đầu phát triển, lan rộng từ bộ phận sinh dục và hậu môn đến đùi và bụng dưới, hoặc vùng bẹn. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy những mô hạt xung quanh và mùi hôi từ các vết loét.
Giai đoạn 3
Khi u hạt vùng kín tiến vào giai đoạn ba, các vết loét ngày càng sâu hơn và trở thành các mô sẹo sâu, theo thời gian sẽ rất khó để lành hẳn.
Xét nghiệm bệnh ra sao để được tư vấn điều trị kịp thời?
Vì có không ít nguyên nhân dẫn tới các vết loét sinh dục, nên khi tới khám tại các cơ sở y tế, thường các bác sĩ, y tá hoặc nhân viên y tế sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ vết loét và mẫu máu của bạn để xét nghiệm xem đó có phải là u hạt bẹn không hay là các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác như bệnh giang mai hay mụn rộp sinh dục. Quá trình chẩn đoán thường được thực hiện bằng liệu pháp xét nghiệm thông qua lấy mẫu vi sinh bề mặt hoặc sinh thiết vết loét.
Làm sao khi nhiễm u hạt bẹn
Nội dung bên dưới chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế việc chẩn đoán hoặc điều trị. Nếu có dấu hiệu nhiễm bệnh, hãy đến ngay bác sĩ để được tư vấn và điều trị bạn nhé!
Một trong những phương pháp phổ biến nhất để trị nhiễm u hạt bẹn là sử dụng thuốc kháng sinh có chứa các thành phần như azithromycin, doxycycline, ciprofloxacin, erythromycin, và trimethoprim-sulfamethoxazole. Để khỏi bệnh hoàn toàn cần có một phác đồ điều trị lâu dài. Vì vậy, hầu hết các liệu trình điều trị thường kéo dài khoảng 3 tuần hoặc đến khi các vết loét lành hẳn.
Bạn nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và giữ vùng viêm nhiễm luôn được khô ráo. Đồng thời, bạn cũng nên tạm ngưng quan hệ tình dục cho đến khi quá trình điều trị kết thúc.
Sau khi khỏi bệnh, hãy tái khám thường xuyên để ngừa tối đa nguy cơ tái phát. Tái tạo hạt và tái biểu mô hóa cho các vết loét là một phần trong quá trình điều trị, nên bệnh hoàn toàn có thể tái phát sau khi điều trị từ 6 – 18 tháng đó!
Trong vài năm gần đây, bệnh u hạt vùng kín đã không còn phổ biến như trước. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và tự trang bị các kiến thức cần thiết không bao giờ là thừa. VYA mong rằng qua bài viết , bạn đã phần nào hiểu về bệnh và rút ra kinh nghiệm cho mình. Đồng thời, chúng mình hy vọng bạn sẽ có cái nhìn khác đối với những bệnh nhân nhiễm U hạt bẹn hay các bệnh tình dục khác nha!
Tài liệu tham khảo
Xem thêmhttps://www.cdc.gov/std/tg2015/donovanosis.htm
https://medlineplus.gov/ency/article/000636.htm
https://www.healthline.com/health/granuloma-inguinale#outlook