Công khai với phụ huynh, biết hỏi ai?

Thời gian đọc: 22 phút

Trong hành trình công khai tính dục của mỗi cá nhân thuộc cộng đồng “lục sắc”, đến một thời điểm thích hợp, bạn sẽ cần mở lời với những người thân yêu nhất: gia đình. Bạn sẽ cần chia sẻ với họ suy nghĩ và cảm nhận của mình, rằng bạn là ai và trải nghiệm sự thu hút với ai. Nhưng phải nói thế nào để bố mẹ hiểu đây? Phải chuẩn bị những gì cho khoảnh khắc công khai đặc biệt và ý nghĩa này? Đừng lo nữa nhé, vì đã có VYA ở đây và sẵn sàng cùng bạn “gỡ rối” qua bài viết này!

6 điều bạn cần biết trước khi come out!

6 điều bạn cần biết trước khi công khai với phụ huynh
Nguồn ảnh: Kevin Aloui

Mỗi người có cuộc hành trình của riêng mình

Việc công khai không hoàn toàn đúng hay sai vì nó tùy thuộc vào những trải nghiệm và hoàn cảnh riêng của chính bạn.

Việc bạn chọn công khai hay không là dựa trên quyết định của bạn. Lựa chọn đó không biến bạn là một kẻ “giả dối”, “làm màu”, hay “trốn tránh chính mình”. Tránh để những ý kiến của mọi người xung quanh làm lung lay ý chí của bạn.

Cách bạn công khai tuỳ thuộc vào người sẽ nghe bạn

Có rất nhiều cách mà bạn có thể chọn khi muốn công khai. Bạn có thể công khai trên tài khoản xã hội ẩn danh mà chỉ một số người biết. Bạn có thể lựa chọn công khai với bạn bè, anh chị em, nhưng không công khai với bố mẹ. Công khai với gia đình nhưng không công khai với đồng nghiệp cũng là một cách tốt.

Bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu bất kỳ ai mà bạn đã kể phải giữ bí mật. Nếu bạn vẫn còn “kín” đối với một vài người, hãy nói với những người thân quen của bạn rằng đừng tiết lộ về chuyện này với bất kỳ ai khác.

Không phải ai cũng cần biết

Bạn có thể tổ chức một buổi tiệc mừng công khai, hoặc công khai trên một bài viết Facebook. Bạn cũng có thể gọi điện đến tất cả những người thân quen để thông báo trong một ngày. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẽ công khai với tất cả mọi người cùng một lúc.

Có thể bạn sẽ bắt đầu với bạn bè trước rồi đến thành viên trong gia đình. Bạn có thể chọn thổ lộ với bất kỳ ai mà bạn cảm thấy thoải mái.

Trước khi công khai với bố mẹ, hãy đọc qua những câu hỏi sau

Câu hỏi cho chính bạn…

Bạn công khai vì ai, bạn đã thật sự thoải mái với tính dục của chính mình chưa, bạn đã trang bị đủ kiến thức về tính dục chứ,… Những câu hỏi dành cho chính bản thân mình sẽ phần nào giúp bạn định hình lại suy nghĩ của mình và đưa ra những hành động chín chắn hơn.

Các câu hỏi tiếp theo đây có liên quan trực tiếp đến mối quan hệ của bạn và gia đình. Vì vậy, hãy tìm cho chúng những câu trả lời chân thực nhất.

Nhìn chung mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ như thế nào?

Nếu bạn đã hoà hợp với bố mẹ và biết rõ tình yêu của họ dành cho bạn cũng như chia sẻ lại tình yêu dành cho họ, khả năng cao là họ sẽ xử lý vấn đề theo hướng tích cực.

Bầu không khí trong nhà bạn như thế nào?

Nếu bạn được phép lựa chọn thời điểm công khai, hãy là một người sáng suốt. Hãy chọn thời điểm mà phụ huynh đang không phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực ví dụ như sự ra đi của một người bạn thân, một cuộc phẫu thuật đang sắp diễn ra hay thất nghiệp.

Bạn có tự chủ kinh tế đối với bố mẹ không?

Nếu bạn nghi ngờ rằng họ có thể sẽ rút học phí hoặc ép buộc bạn rời khỏi nhà, bạn có thể chờ đến khi họ không thể dùng điều này làm vũ khí để chống lại bạn.

Quan điểm đạo đức xã hội của họ là gì?

Nếu bố mẹ có xu hướng cực đoan về những vấn đề xã hội (tốt và xấu, thần thánh và tội lỗi), bạn có thể dự đoán trước rằng họ sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng trong việc đối mặt với xu hướng tính dục của bạn. Tuy nhiên, nếu họ cho thấy sự linh hoạt khi xử lý những vấn đề của xã hội, bạn có thể sẽ có được sự sẵn lòng đồng hành và giúp đỡ của họ.

Lấy lại bình tĩnh, tìm kiếm tự tin

  1. Gọi điện, nhắn tin, hoặc trò chuyện với một người bạn thân hoặc người ủng hộ bạn. Hãy chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi cảm thấy buồn hoặc không an toàn.
  2. Lập danh sách những nơi an toàn để nghỉ ngơi khi bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc căng thẳng.
  3. Giải toả cảm xúc bằng cách ghi lại những cảm xúc vào sổ nhật ký, vẽ, hát,…
  4. Thực hiện các hoạt động chăm sóc cơ thể để thư giãn trong những lúc khó khăn. Các hoạt động có thể cân nhắc: hít thở sâu, ngâm bồn, vận động nhẹ nhàng,…
  5. Nghe và tận hưởng những bản nhạc yêu thích của bạn.
  6. Xem bộ phim “tủ” của bạn.
  7. Gợi nhớ và động viên bản thân bằng những điều tích cực.

Bạn không hề đơn độc trong quá trình này đâu. Việc công khai thoạt đầu có thể khiến bạn nản chí, nhưng rất nhiều người cảm thấy được giải toả và tiếp sức mạnh sau khi họ đã vượt qua được quá trình này. Công khai, dù chỉ là với chính bản thân mình, có lẽ là một trong số những điều dũng cảm nhất mà một người có thể thực hiện. Vì thế hãy tự hào về bản thân bạn. Miễn là bạn hạnh phúc và không làm hại chính mình hay người khác, không có lý do gì để bạn phải thay đổi bản thân cả.

Chuẩn bị tinh thần

Sửa soạn chiếc “ba-lô” tinh thần để công khai thôi!
Nguồn ảnh: wikiHow

Bố mẹ bạn sẽ cảm thấy vô cùng mất mát…

Bố mẹ bạn sẽ phải cần một khoảng thời gian để chấp nhận, bày tỏ ý kiến và cũng như tiếp thu các kiến thức mới. Khi đó, bạn sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp họ thực hiện những việc trên.

Nhưng việc giúp phụ huynh hiểu hơn, chấp nhận và có cái nhìn cảm thông hơn sẽ không dễ dàng. Đôi khi bạn sẽ kiệt sức và mất kiên nhẫn vì phải liên tục lặp lại những gì mà bạn đã bày tỏ. Chúng mình biết là bạn rất muốn gia đình thấu hiểu tầm quan trọng của bước ngoặt lớn trong đời mình. Tuy nhiên, hãy cho họ thời gian vì họ sẽ không lập tức hiểu ngay lần đầu. Họ sẽ phải cần thời gian để tiếp nhận các thông tin này vào giai đoạn đầu. Quá trình này một phần bị cản trở và làm chậm bởi nỗi xúc động của bố mẹ bạn.

Bạn đã làm rất tốt khi tự giải quyết những vấn đề này từ lâu trước đó. Phụ huynh của bạn cũng sắp phải đối mặt và trải qua vấn đề tương tự. Vì thế hãy cho họ thêm thời gian và kiên nhẫn với họ nhé.

Chia ly và mất mát

Nhiều gia đình coi việc con mình công khai như một lời từ biệt hoặc rời khỏi gia đình. Nhưng bạn cũng không nên quá lo lắng về chuyện này. Cảm giác mất mát mà phụ huynh bạn sẽ trải qua chỉ là ban đầu và tạm thời.

Một phát hiện cay đắng

Đây sẽ là lần đầu tiên họ cảm nhận được sự chia ly, điều mà có lẽ bạn đã ngấm ngầm nhận thức được từ lâu. Việc chấp nhận được sự thật này sẽ rất khó khăn đối với họ. Nhưng với sự thấu hiểu và kiên nhẫn từ đôi bên, mọi khó khăn cũng sẽ qua đi. Trên thực tế, đa số với các trường hợp thì mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái sẽ trở nên tốt đẹp hơn vì nó được vun đắp từ lòng tin và sự thấu hiểu từ cả đôi bên.

6 giai đoạn đa số phụ huynh đều trải qua 

Mục đích của bài viết này chính là giúp những bạn thuộc cộng đồng LGBT đang có ý định công khai với gia đình mình hiểu rõ hơn về quá trình tâm lý và hành vi mà phụ huynh sẽ trải qua khi bạn công khai xu hướng tính dục với họ. Cách tiếp cận và các lời khuyên mà bài đưa ra dưới đây dựa trên giả thuyết rằng một trong hai hoặc tất cả các phụ huynh sẽ thấu hiểu, ủng hộ bạn sau một thời gian. Nếu như trường hợp của bạn không rơi vào giả thuyết này thì hãy cho họ thêm thời gian nhé. Bài viết này có thể sẽ không hữu ích nếu bạn nghi ngờ phụ huynh của bạn sẽ không chịu nổi cú sốc thông tin này và có thể sẽ làm bạn tổn thương.

Mỗi gia đình sẽ trải qua các giai đoạn theo nhiều cách khác nhau

Một cảnh báo nhỏ: Phản ứng ở các gia đình là khác nhau nhưng có xu hướng trải qua các giai đoạn bên dưới. Khá ít phụ huynh thuộc mẫu hình “lý tưởng” giống như bài viết gợi ý. Chỉ cần bạn biết mình nên chuẩn bị những gì và trả lời ra sao là tốt nhất thì bạn đã bước một bước tiến lớn rồi.

Giai đoạn 1: Sốc

Phụ huynh bạn có thể bị sốc nếu chưa biết trước điều bạn muốn chia sẻ. Tùy theo mỗi người mà cơn sốc có thể kéo dài từ 10 phút cho đến 1 tuần. Thường thì cơn sốc sẽ đỡ dần theo thời gian.

  • Hãy nói rằng bạn đã không thể hoàn toàn thành thật với họ và bạn ghét khoảng cách giữa bạn và họ trong suốt những năm tháng qua;
  • Khẳng định tình yêu của bạn dành cho họ. Hãy lặp lại điều đó thật nhiều lần.

Đây mới chỉ là bước đầu nên chúng mình khuyên bạn đừng mất kiên nhẫn nhé. Ban đầu, phần ứng của phụ huynh có thể không mấy tích cực khi nghe lời bày tỏ của bạn. Nhưng hãy cho bố mẹ bạn thời gian nhé. Họ sẽ thấm dần tình cảm của bạn thôi.

Hãy nhắc họ nhớ rằng dù là hôm qua, ngày kia, ngày mai hay ngày mốt, thì bạn vẫn là bạn, vẫn là đứa con yêu dấu của họ, bạn không hề thay đổi. Bạn của hôm qua chính là bạn của hôm nay và tình yêu của bạn dành cho họ cũng không hề thay đổi.

Vài phụ huynh hẳn đã ngầm biết rồi

Trong trường hợp này, nhiệm vụ của bạn sẽ dễ hơn đáng kể, bởi vì họ đã tự mình đi qua một vài giai đoạn rồi.

Giai đoạn 2: Chối bỏ

Khi bố mẹ quay lưng với sự thật…

Hành vi chối bỏ giống như một tấm khiên để bảo vệ mọi người khỏi điều họ không mong muốn. Khác với sốc, một người chỉ chối bỏ khi đã nắm được thông tin về nó và từ đó hình thành một ngăn cách để không phải chịu những ảnh hưởng từ thông tin mà họ nhận được.

Phản ứng chối bỏ có nhiều hình thức:
  • Gắt gỏng (“Không có đứa con trai nào của tao sẽ bê đê hết!”);
  • Bất chấp (“Ừ vậy hả, vậy tối nay con muốn ăn gì?”);
  • Thờ ơ (“Nếu chị chọn sống như vậy thì thôi đừng nói nữa, bố mẹ không muốn nghe tiếp.”);
  • Bác bỏ (“Con chỉ đang bối rối thôi, đang lớn mà; mai mốt là hết thôi.”).

Nhận thức của phụ huynh về xu hướng tính dục thường bị ảnh hưởng bởi xã hội và nơi sinh sống. Phụ huynh bạn có thể làm ngơ, khóc, thậm chí mắng chửi và dùng vũ lực với bạn khi bạn công khai với họ.

Từ đây, phụ huynh của bạn có thể sẽ cần sự giúp đỡ để tách biệt những điều “bình thường” khỏi “quy chuẩn xã hội”. Bố mẹ bạn có thể quan niệm rằng việc đồng tính là không bình thường. Bạn nên giải thích với họ rằng cho dù đối với quy chuẩn của xã hội thì đồng tính là bất thường, nhưng đối với bạn, đồng tính là một điều hoàn toàn bình thường, hoàn toàn tự nhiên. Và họ sẽ cần phải bắt đầu nhận ra rằng dù xã hội cho rằng đồng tính là trái với tự nhiên, việc bạn là người đồng tính thì hoàn toàn bình thường và đây chính là con người thật của bạn.

Chìa khóa để giúp bố mẹ mở lòng: Sự yêu thương!

Nếu bố mẹ bạn vẫn né tránh và không thay đổi góc nhìn, hãy chủ động tiếp cận họ. Khi bạn đã cảm thấy họ dịu lại một chút rồi, hãy chủ động đến bên họ và chia sẻ:

  • “Bố mẹ, con thật sự đã muốn thành thật với cả hai người từ rất lâu rồi. Con không muốn giấu diếm điều này nữa.”;
  • “Con yêu bố mẹ rất nhiều, con mong bố/mẹ sẽ vẫn thương con như khi trước. Xin đừng đẩy con ra khỏi cuộc đời của bố/mẹ”.

Hãy để phụ huynh nghe thông điệp từ chính người con của mình một cách trực tiếp. Những thông điệp đó chắc chắn sẽ tác động đến cảm xúc của phụ huynh.

Chỉ trả lời những câu bố mẹ hỏi và chỉ trả lời trọng tâm những gì mà họ thắc mắc. Bạn càng chia sẻ nhiều, phụ huynh sẽ càng dựng thêm nhiều “tấm khiên” xung quanh mình, và mọi chuyện có thể sẽ chuyển biến tệ hơn. Đôi khi họ sẽ cảm thấy khó xử đối với chính những câu hỏi mà họ đặt ra. Vì thế, bạn nên làm rõ câu hỏi trước, rồi hãy đưa ra câu trả lời nhé.

Sẽ có một số phụ huynh tiếp nhận lâu hơn 

Hãy chuẩn bị tâm thế rằng bạn sẽ cần đối xử khác nhau với mỗi vị phụ huynh của mình. Hầu hết các phụ huynh sẽ sốc khi phát hiện con mình thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, một người sẽ vượt qua cú sốc và đi đến giải quyết vấn đề sớm hơn người kia. Vì vậy bạn cũng không nên quá buồn nếu như một trong hai người “khó nhằn” hơn người còn lại.

Người phản ứng chậm hơn thường sẽ phải trải qua quá trình một cách căng thẳng hơn, dù họ có nói ra hay không. Cho nên, hãy thể hiện tình thương thật nhiều với người đó nhé. 

Giai đoạn 3: Cảm giác tội lỗi

Cảm giác tội lỗi lúc công khai
Nguồn ảnh: wikiHow
“Bố/mẹ đã làm sai ở đâu?”

Khi phải đối mặt với xu hướng tính dục đồng tính, nhiều người sẽ xem đây là một “vấn đề” và sẽ thắc mắc rằng “điều gì đã gây ra đồng tính?”. Đó là vì họ nghĩ rằng nếu tìm ra nguồn gốc của vấn đề thì sẽ có phương pháp để “sửa chữa” hoặc “khắc phục”.

Bố mẹ đơn thân cảm thấy đặc biệt tội lỗi

Sẽ chẳng hề kỳ lạ nếu như những người bố/người mẹ đơn thân trách móc bản thân nhiều hơn vì sự mất mát mà bạn đã chịu đựng khi thiếu đi bố hoặc mẹ. Họ sẽ trách bản thân rằng việc con mình công khai là do sự thiếu quan tâm đến con.

Khi phụ huynh cảm thấy có lỗi, họ sẽ chú tâm vào bản thân họ nhiều hơn là chú tâm vào những gì mà bạn đã trải qua. Trong giai đoạn này, họ sẽ bận rộn với chính bản thân họ và sẽ không thể giải quyết được những lo lắng của bạn.

Bởi vì đối với các bậc phụ huynh, việc thừa nhận cảm giác tội lỗi của mình đối với con cái là một việc rất khó khăn.

Nói cho phụ huynh rằng đó không phải lỗi của họ

Nếu bạn giới thiệu bố mẹ đến một tổ chức hỗ trợ đồng tính, họ có thể sẽ từ chối. Thậm chí, họ có thể tìm đến những nơi hoàn toàn ngược lại. Phụ huynh thường không xem trọng những lời khuyên đến từ những tổ chức dành cho những điều “không bình thường”. Đừng quá mong chờ phụ huynh sẽ đáp ứng lời đề nghị này của bạn vì họ vẫn còn đang trong giai đoạn xấu hổ và cảm thấy tội lỗi. Nhưng nếu bạn kiên trì thuyết phục, họ cũng sẽ xem xét các lời đề nghị đó.

Giai đoạn 4: Bày tỏ cảm nhận

Chuẩn bị cho những luồng cảm xúc

Khi họ bắt đầu cảm thấy rằng việc cứ mãi cảm thấy tội lỗi và tự buộc tội bản thân không còn lợi ích gì nữa, thì chính là lúc họ sẵn sàng để đặt câu hỏi, lắng nghe câu trả lời và thừa nhận cảm xúc của mình. Đây sẽ là thời điểm mà bạn cùng trò chuyện để hiểu nhau hơn.
Lúc này, mọi cảm xúc sẽ tuôn trào mạnh mẽ:

  • “Sau này chắc bố/mẹ mày chẳng có nổi một đứa cháu để ẵm bồng”;
  • “Con đừng nói với bất cứ ai trong gia đình hết, giờ bố mẹ không muốn nghe chuyện này nữa”;
  • “Sao con lại làm khổ bố mẹ kiểu này?”;
  • “Ước gì tao và mẹ mày chết đi cho rồi.”

Những gì mà bạn và bố mẹ buộc lòng phải trải nghiệm khi sống trong cùng một xã hội cổ hủ và kỳ thị (cảm giác bị cô lập, sợ bị từ chối, tổn thương, sự bối rối, sợ hãi tương lai,…) cũng tương tự như nhau thôi. Vì vậy bạn có thể chia sẻ với họ về sự tương đồng trong cảm xúc của cả đôi bên.

Không có bão giông, sao có thành công?

Giận dữ và đau lòng có lẽ là những cảm xúc mà chúng ta thường xuyên thấy nhất ở phụ huynh, chúng thường khá cay độc và tàn nhẫn. Cách tốt nhất để bố mẹ bạn thấu hiểu hơn là để họ nói ra những cảm xúc này. Những cảm xúc tiêu cực này không nên bị chôn vùi hay bị phớt lờ. Chúng mình biết đây là khoảng thời gian khó khăn và đầy sợ hãi đối với bạn. Nhưng bạn biết không, “đâm lao thì phải theo lao” mà, vì thế hãy kiên nhẫn. Khi phụ huynh bắt đầu bộc lộ những cảm xúc này thì đó cũng chính là lúc mà họ đang trên con đường hồi phục và chấp nhận đó.

Giai đoạn 5: Ra quyết định

Khi tổn thương lắng xuống, bố mẹ bạn sẽ giải quyết vấn đề một cách lý trí hơn. Ở thời điểm này, họ thường sẽ ngồi lại để cân nhắc những quyết định phía trước. Điều này giống như họ buộc phải lựa chọn con đường phải bước tiếp khi đứng giữa một ngã ba ngã tư vậy. Phụ huynh không nhất thiết có cùng quyết định do việc này có nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, việc họ mong muốn nối lại mối quan hệ với bạn mới là thứ quan trọng nhất. Tại thời điểm họ chọn cách đối diện với việc bạn công khai tính dục, sẽ có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến họ. Ba quyết định thường thấy nhất chính là:

Ủng hộ và thấu hiểu

Hầu hết các bậc phụ huynh sẽ tiếp tục yêu thương con mình. Điều đó cho phép họ chấp nhận tính dục của con mình, đồng thời ủng hộ và tiếp tục yêu thương con cái. Khi mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái đã đến mức độ có thể thấu hiểu và tin tưởng nhau, các bậc phụ huynh đều nói rằng tình cảm gia đình của họ đã trở nên sáng sủa và lạc quan hơn nhiều. Hai bên đều dần cảm thấy mọi chuyện tốt đẹp hơn sau những khó khăn.

Dù đã phần nào biết được chặng đường mà con mình đã phải trải qua, các phụ huynh thường vẫn rất ấn tượng với cách con mình giải quyết các vấn đề. Do đó, họ dần để ý tới những nhu cầu của con cái nhiều hơn. Bố mẹ của bạn cũng có thể trở nên lo lắng về những vấn đề mà bạn phải đối mặt.

Tạm thời chấp nhận

Đôi khi bố mẹ quyết định trả lời rằng đây sẽ là vấn đề không ai bàn bạc đến nữa. Mặc dù vẫn có thể nói chuyện, nhưng họ khá lưỡng lự trong việc đối diện và giải quyết nó. Họ nghĩ vậy là đủ, và không muốn để mọi thứ tiến xa hơn nữa.

Điều này không hẳn nghĩa là họ có cái nhìn tiêu cực đối với bạn. Họ biết giới hạn của mình và không muốn vượt quá giới hạn đó. Mặc dù đúng là bạn cần phải tôn trọng quan điểm của họ, bạn vẫn có thể nỗ lực đề cập tới vấn đề này nhiều hơn. Bạn có thể:

  • Cho họ biết rằng bạn yêu họ, cả bằng lời nói và hành động;
  • Báo với họ về một số hoạt động bạn làm có liên quan đến tính dục của bạn, một cách từ từ và thận trọng (như tham gia các nhóm/trung tâm cộng đồng/tổ chức bảo vệ cộng đồng LGBT/cuộc thi gây quỹ cho cộng đồng,…);
  • Đừng để họ lái câu chuyện sang một chiều hướng khác và lảng tránh vấn đề;
  • Giới thiệu họ với một số bạn bè, người quen của bạn trong cộng đồng.
Kịch liệt phản đối

Chẳng có chuyện gì diễn ra suôn sẻ cả. Trong một số trường hợp, bố mẹ có thể vì chuyện tính dục của con mà gây gổ với con. Thậm chí những quyết định đơn giản nhất đều rơi vào tầm tấn công của phụ huynh. Tuy nhiên, đó chỉ là sự phản ánh cảm giác “thiếu sót” của bố mẹ bạn. Họ sợ nếu họ không “nắm giữ” bạn, họ sẽ mất bạn.

Chừng nào sự kiểm soát này còn tồn tại, cả phụ huynh và con cái đều gặp bất lợi. Giả sử, nếu một trong hai vị phụ huynh quyết giữ thái độ cực đoan, người còn lại sẽ gặp khó khăn khi muốn cải thiện mối quan hệ với con mình. Bên ngoài cả hai người đều tỏ ra mình đồng lòng ủng hộ con. Tuy nhiên, khi ở nơi riêng tư, họ bắt đầu thể hiện thái độ không đồng tình với đối phương.

Hầu hết khi các bậc phụ huynh tham dự một cuộc họp hoặc trò chuyện với bố mẹ khác (có thái độ ủng hộ), thường sẽ không còn tiêu cực nữa. Nếu họ không muốn tham dự họp, bạn có thể thử tìm cho họ một nơi yên tĩnh để trò chuyện với những bố mẹ có thái độ ủng hộ con mình. Nếu tất cả các nỗ lực đều thất bại, đừng nản lòng nha! Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp và ủng hộ từ bạn của bạn, hoặc các phụ huynh có thái độ ủng hộ và hoạt động tích cực trong cộng đồng (như các bố, các mẹ tại Cộng đồng PFLAG.vn) nhé.

“Lùi một bước, tiến ba bước”

Bước lùi lại để nhìn nhận toàn bộ sự việc là vô cùng quan trọng. Biện pháp giải quyết vấn đề và cách thay đổi thái độ giống như việc ta lùi một bước, tiến ba bước vậy.

Việc bố mẹ bạn suy nghĩ lại hoặc trở về thái độ trước đây không hẳn là bất thường đâu. Đó chỉ là cách để họ suy ngẫm và có cái nhìn bao quát hơn về mọi thứ. Cho nên, bạn hãy thông cảm cho bố mẹ mình nhé. Có thể bạn sẽ thất vọng, nhưng hãy lạc quan và xem như đây là cánh cửa sẽ mở ra những chuyển biến sau này.

Giai đoạn 6: Chấp nhận thật sự

Đây là một bước mà không phải bố mẹ nào cũng tiến đến được:

  • Chỉ vài phụ huynh thật sự đến được giai đoạn này;
  • Nhiều người vẫn yêu con mình, nhưng không bao giờ thật sự chấp nhận tính dục của con;
  • Một số người khác lại có thể tự hào với những nét đặc biệt của con mình. Những phụ huynh đó nhìn nhận đồng tính là một biểu hiện chính đáng của tính dục con người.

Trong giai đoạn này, bố mẹ đã có thể đối diện với mặc cảm vô hình rằng họ đang sống trong một xã hội đầy rẫy kỳ thị, đầy rẫy định kiến. Họ nhìn lại những trò chế nhạo về tính dục mà họ đã lấy làm vui thú trong quá khứ và bắt đầu thấu hiểu những vấn đề họ vô tình tạo ra cho đứa con thân yêu. Nhờ đó, họ bắt đầu thấy được những khó khăn mà cộng đồng LGBT gặp phải.

Các phụ huynh sau đó sẽ bắt đầu đứng lên:

  • Lên tiếng chống lại sự áp bức;
  • Tuyên truyền và phổ biến thông tin bằng cách chia sẻ với bạn bè mình về các vấn đề trên;
  • Ủng hộ bạn bè trong cộng đồng LGBT của con mình;
  • Tham dự các cuộc gặp gỡ với phụ huynh có con trong cộng đồng để giúp đỡ các phụ huynh khác.

Nói tóm lại, họ quyết chí bảo vệ, ủng hộ con mình và cộng đồng LGBT. Đồng thời, họ cố gắng tìm các cách họ thấy phù hợp nhất để đóng góp cho cộng đồng. Một vài phụ huynh làm điều đó quyết liệt, rõ ràng; một vài người khác lại âm thầm thực hiện.

Đã đến lúc come out với bố mẹ!!!

Đã đến lúc công khai với bố mẹ rồi!!!
Nguồn ảnh: Parents

Thiên thời, địa lợi, nhân hoà

Công khai sẽ dễ dàng hơn nếu mối quan hệ giữa bạn và bố mẹ đang tốt đẹp và khi các bên đang không có tranh cãi gì. Hãy lắng nghe linh cảm của bản thân để biết rằng khi nào bố mẹ đã sẵn sàng nhé. Hãy chọn một thời điểm thật riêng tư và cho bố mẹ thời gian để bình tĩnh, tránh thúc ép mọi chuyện nha.

Ngắn gọn và dừng lại đúng lúc

Đừng quanh co dông dài, bố mẹ bạn sẽ bối rối đấy. Nếu cuộc nói chuyện bắt đầu trở nên quá gay gắt và căng thẳng, hãy dừng lại!

Việc công khai tính dục chỉ là một trong số vô vàn những cuộc đối thoại giữa bạn và bố mẹ sau này. Hãy nhớ rằng, bạn không nhất thiết phải trả lời tất cả các câu hỏi, xoa dịu hoặc giải quyết hết tất cả những lo lắng của bố mẹ chỉ trong một ngày.

Đồng thời, hãy nhớ rằng mục tiêu trước mắt của bạn chính là chia sẻ về việc bạn muốn công khai tính dục và bạn làm điều này vì yêu quý, tôn trọng và muốn trở nên thật lòng với bố mẹ.

Lên kịch bản cho sự kiện trọng đại

Chia sẻ những “tin động trời” thường khá khó khăn. Chính vì vậy, dưới đây là một vài gợi ý của chúng mình để bạn lên ý tưởng cho cuộc đối thoại với bố mẹ của mình. Bạn nên chuẩn bị trước những suy nghĩ của bản thân trước khi trò chuyện với phụ huynh nhé!

Mở lời

Mở lời công khai bản thân

Nhẹ nhàng báo trước
  • “Con có chuyện này muốn nói với bố mẹ”;
  • “Tối nay, khi bố mẹ đi làm về mình nói chuyện được không ạ?”;
  • “Bố mẹ có thời gian không ạ? Con có chuyện này muốn chia sẻ”.
Cho bố mẹ biết những gì có thể xảy ra
  • “Có thể bố mẹ sẽ không thích điều này lắm”;
  • “Có thể bố mẹ sẽ ngạc nhiên đấy ạ”;
  • “Với con, điều này khó nói lắm. Thêm nữa, bố mẹ có thể cũng khó chấp nhận chuyện này”.
Nói với họ bạn cần điều gì
  • “Bố mẹ có thể nghe con nói được không ạ?”;
  • “Bố mẹ đừng quá hoảng hốt nhé”;
  • “Con mong bố mẹ đừng kể với ai chuyện này, con sẽ nói với người khác khi nào con sẵn sàng”.

Nói ra sự thật 

Nói ra sự thật

Giây phút quyết định
  • “Con là đồng tính nam/đồng tính nữ/song tính/toàn tính/chuyển giới/queer/…”;
  • “Con cảm thấy mình trải nghiệm sự thu hút với/không trải nghiệm sự thu hút với…”;
  • “Bấy lâu nay con cảm thấy/biết…”;
  • “Con đang hẹn hò/muốn hẹn hò/đang trong một mối quan hệ với…”;
Nói những lời từ chính trái tim một người con trong gia đình
  • “Chuyện này có chút riêng tư nên con cảm thấy hơi khó nói”;
  • “Con mong bố mẹ hiểu rằng con đã suy nghĩ về vấn đề này từ rất lâu rồi”;
  • “Con rất sợ khi phải nói điều này với bố mẹ”;
  • “Xin bố mẹ hãy hiểu rằng con chia sẻ điều này vì con yêu và tôn trọng bố mẹ nhiều lắm”;
  • “Nói dối bố mẹ là điều mà con không muốn làm”;
  • “Con cảm thấy rất khó chịu khi phải giấu đi con người thật của mình”;
  • “Trước đây con không nói ra điều này bởi vì…”;
  • “Con mong tình cảm gia đình mình vẫn sẽ tốt đẹp và con muốn thật lòng với bố mẹ”;

Kết thúc! Giờ hãy cho bố mẹ chút thời gian để tiếp nhận thông tin

Cho phụ huynh thời gian để tiếp nhận thông tin sau khi công khai

  • “Bây giờ con không muốn nói nhiều về vấn đề này, con chỉ muốn nói cho bố mẹ biết thôi”;
  • “Con rất muốn trò chuyện nhiều hơn khi nào bố mẹ có thời gian”;
  • “Con không muốn đề cập đến vấn đề này nhưng con mong bố mẹ có thể hiểu thêm một khía cạnh khác ở con”;
  • “Có thể bố mẹ có nhiều câu hỏi mà con không thể trả lời hết nhưng con vẫn muốn nói cho bố mẹ biết”;
  • “Con hiểu rằng bố mẹ có thể rất buồn, nên con sẽ để bố mẹ suy nghĩ thêm một thời gian nhé”;
  • “Con yêu bố mẹ nhiều và con thấy thật nhẹ nhõm khi nói cho bố mẹ biết”.

Những cách khác nhau để công khai

Công khai có thể là một quá trình vô cùng khó khăn và đầy chông gai. Hơn nữa, không phải quá trình công khai nào cũng giống nhau vì mỗi người đều có những đặc điểm, gia đình, và môi trường sống khác nhau. Dưới đây là một số gợi ý khác để quá trình công khai của bạn có thể trở nên dễ dàng hơn.

Những cách khác để công khai với phụ huynh gồm:

  • Viết thư, email hoặc gửi tin nhắn;
  • Làm một món quà bất ngờ thú vị cho bố mẹ (một cái bánh, một bản thuyết trình PowerPoint);
  • Làm video, sau đó gửi email hoặc cho gia đình xem trực tiếp;
  • Mua một quyển sách về cộng đồng LGBT (hoặc in những tờ thông tin của Trung Tâm ICS) cho bố mẹ.

Công khai không nhất thiết phải là một sự kiện quá trọng đại. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khiến việc này trở nên thú vị và sáng tạo hơn. Nếu quá trình công khai của bạn là một bộ phim, bạn sẽ là người đảm nhận tất cả các khâu sản xuất đó!!!

Hậu công khai, phải làm sao?

Với kết thúc có hậu…

Nếu chào đón bạn là kết thúc có hậu sau khi công khai…
Nguồn ảnh: Parents

Nếu việc bạn công khai được chấp nhận, bạn sẽ tự tin hơn vào bản thân mình. Bạn cũng sẽ trở nên thật lòng hơn trong các mối quan hệ, cũng như nhận thức tốt hơn về bản thân. Bên cạnh đó, bạn cũng cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi đã có thể ngừng phủ nhận hoặc giấu giếm một phần quan trọng của con người mình. Việc công khai có thể giúp bạn tự do thể hiện bản thân, suy nghĩ tích cực về con người mình và có những mối quan hệ lành mạnh, tích cực hơn.

Nếu phụ huynh hết mực ủng hộ

Hãy thể hiện tình yêu và sự biết ơn với bố mẹ nhé:

  • “Con yêu bố/mẹ nhiều lắm”;
  • “Với con, điều quan trọng nhất chính là phải trung thực. Thời gian qua, con đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải giấu giếm bố/mẹ”;
  • “Cảm ơn bố/mẹ rất nhiều vì đã…”.

Nếu bố mẹ có những thắc mắc, cảm thấy bối rối hoặc lo lắng

Hãy thông cảm với bố mẹ và cố gắng giúp họ bằng cách đưa ra thêm nhiều thông tin hơn:

  • “Con đã nghĩ về việc này rất lâu, và con hiểu bố mẹ cần thời gian để chấp nhận nó”;
  • “Nếu có gì bố mẹ muốn biết thì con sẽ giải thích thêm ạ”;
  • “Con không thể trả lời hết tất cả mọi thứ, nhưng cả nhà mình có thể cùng tìm hiểu”;
  • “Nếu bố mẹ cho phép, con muốn giới thiệu một vài trang/kênh có thể cung cấp nhiều thông tin cho bố mẹ hơn”.

Với kết thúc không có hậu…

Nếu sau khi công khai là một kết thúc không có hậu lắm…
Nguồn ảnh: wikiHow

Nếu bố mẹ có phản ứng tiêu cực với lời thổ lộ của bạn, đừng thất vọng hay nản lòng. Thời gian là liều thuốc cho những vết thương và mọi thứ sẽ từ từ trở nên tốt đẹp hơn.

Việc tránh những phản ứng tiêu cực ảnh hưởng đến mình là rất khó. Nhưng hãy nhớ rằng những phản ứng đó phản ánh họ, không phải bạn. Bạn không hề kém cỏi chỉ vì ai đó không đủ khả năng để nhận ra giá trị thật của bạn.

Để đề phòng tình huống xấu nhất (bạn bị đuổi ra khỏi nhà hoặc bị dọa đánh), hãy tìm một nơi cư trú an toàn quanh nơi bạn ở trước khi công khai, hoặc sắp xếp để có thể ở tạm với một người bạn thân.

Nếu bố mẹ tức giận, buồn bã và chỉ trích bạn…

Thay vì tức giận, hãy trấn an bố mẹ bạn trước. Hãy nhớ phải kiên định với lập trường của mình hoặc kết thúc cuộc trò chuyện nếu cần:

  • “Con biết rằng bố mẹ đang rất lo lắng/tức giận, nhưng con vẫn yêu bố mẹ”;
  • “Bản thân con vẫn là đứa con mà bố mẹ nuôi nấng bấy lâu nay”;
  • “Con thực sự rất cần sự giúp đỡ của bố mẹ”;
  • “Con mong bố mẹ sẽ luôn yêu và chấp nhận con người thật của con”;
  • “Bây giờ con sẽ đi ra ngoài một chút, nhưng chiều con sẽ về ăn cơm”;
  • “Con nghĩ mình tạm thời ngừng nói chuyện tiếp nhé bố mẹ, lần sau mình chắc chắn lại nói tiếp”;
  • “Con nghĩ mình phải dừng cuộc trò chuyện này lại thôi”.

Các nguồn lực hỗ trợ

Các nguồn lực hỗ trợ việc come out với phụ huynh
Nguồn ảnh: GLSEN

Thông tin bạn có thể tìm kiếm trong quá trình công khai bao gồm:

  • Những cộng đồng truyền thông trên mạng xã hội;
  • Các nghiên cứu lâm sàng, chính thống về cộng đồng LGBT;
  • Những câu chuyện về quá trình công khai tính dục;
  • Sự hỗ trợ từ các “ally” – đồng minh và những gia đình có thành viên thuộc cộng đồng LGBT.

Danh mục các sách, tài liệu có chủ đề về công khai tính dục:

Các tổ chức hỗ trợ cộng đồng LGBT có hoạt động trực tuyến:

Công khai không hề dễ, phải không nào? Đây là một quá trình đầy cảm xúc và cần nhiều nỗ lực. Vì vậy, hãy chăm sóc và lắng nghe những xúc cảm trong bạn nhé! Nếu bạn muốn công khai, chúng mình mong là giờ bạn đã được tiếp thêm động lực rồi. Nếu không, đừng lo nhé: vẫn có VYA ở đây, luôn ủng hộ bạn hết mình!

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

3 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây