Đồng thuận mơ hồ: Lời nguỵ biện của những kẻ tấn công tình dục

Đồng thuận mơ hồ: Lời ngụy biện của những kẻ tấn công tình dục
Thời gian đọc: 13 phút

Hẳn chúng ta đều biết “đồng thuận” là một trong những yếu tố quan trọng nhất để cấu thành một mối quan hệ lành mạnh. Song, không phải ai cũng biết đến “đồng thuận mơ hồ”. Đây dường như là một khái niệm mới mẻ mà lại vô cùng quen thuộc.

Vậy “đồng thuận mơ hồ” khác “đồng thuận” ở điểm nào? Những tranh cãi và góc khuất xung quanh vấn đề này là gì? Hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu về khái niệm “tuy lạ mà quen” này qua bài viết dưới đây!

LƯU Ý: Bài viết có chứa nội dung liên quan đến bạo lực tình dục và thao túng tâm lý. Bạn hãy cân nhắc trước khi xem nhé!

Mục lục

Đồng thuận mơ hồ là gì và vì sao cần phải bài trừ nó?

Đồng thuận mơ hồ (tiếng Anh: Dubious consent) là một loại hành vi tình dục mâu thuẫn. Cụ thể hơn, một người tưởng chừng đã đồng thuận với hành vi tình dục trước đó nhưng thực tế lại không muốn thực hiện nó.

Giao tiếp, thành thật và tôn trọng lẫn nhau chính là chiếc chìa khóa để cải thiện mối quan hệ. Việc xin phép và nhận được sự đồng thuận chứng tỏ bạn tôn trọng đối phương và bản thân mình. Do đó, thực hiện hành vi tình dục không có sự đồng thuận được coi là bạo lực tình dục. Trong đó, có thể kể đến như:

  • Cưỡng bức tình dục: là các hành vi mang yếu tố tình dục của một người áp chế lên người khác mà không có sự cho phép. Những hành vi này bao gồm:
    • Hôn;
    • Đụng chạm, quan hệ tình dục bằng miệng;
    • Tiếp xúc bộ phận sinh dục;
    • Quan hệ qua đường hậu môn;
  • Quấy rối tình dục: là bất kì hành động hoặc lời nói có bản chất tình dục của một người đối với người khác mà không có sự đồng ý của họ.

Một số trường hợp gây ra đồng thuận mơ hồ

Nguồn ảnh: Lauvette

Có thể thấy, “đồng thuận mơ hồ” không được coi là “đồng thuận” dù cho hai khái niệm này có dễ nhầm lẫn đến đâu đi chăng nữa. Vậy, “đồng thuận mơ hồ” thường xuất hiện trong những trường hợp nào?

Rối loạn cảm xúc

Khi một người gặp kích thích cực độ về mặt cảm xúc (như quá hưng phấn hay quá tuyệt vọng), họ thường khó có thể suy nghĩ thấu đáo để đưa ra những quyết định sáng suốt. Người đó  cũng có thể không cân nhắc kĩ hậu quả mà hành động liều lĩnh ấy mang lại. Họ hoàn toàn có thể nổi hứng và chấp nhận thực hiện hành vi tình dục một cách tự nguyện khi bị xúc động mạnh.  Sau khi đã bình tâm hơn, họ có thể hối hận về quyết định trước đó.

Ví dụ: Theo nghiên cứu của Rivers, Reyna & Mills năm 2008, những người ở độ tuổi thanh thiếu niên, với suy nghĩ bốc đồng và ham vui, thường hành động thiên về cảm tính khi đang bị kích thích cao độ. Khi tâm lý ổn định, những người này có thể đưa ra những quyết định khác hẳn so với lúc trong trạng thái kích động.

Cưỡng ép tình dục trong hôn nhân

Một hợp đồng hôn nhân hợp pháp không bao gồm sự đồng thuận tình dục trọn đời. Những cá nhân trong hợp đồng không phải là tài sản của bên còn lại. Họ không có nghĩa vụ phải thực hiện quan hệ tình dục nếu không muốn. Sự mơ hồ được thể hiện ở việc một số người cho rằng những cặp đôi yêu lâu dài sẽ mặc nhiên hiểu nhau. Từ đó, họ coi việc hỏi ý kiến đối phương trước và trong khi quan hệ là không cần thiết.

Gây sức ép

Một người cảm thấy mình buộc phải thuận theo hành vi quan hệ tình dục không có nghĩa là họ đồng thuận với việc ấy. Chỉ khi những cá nhân tham gia hoạt động tình dục trên tinh thần tự nguyện, thoải mái mà không bị dọa nạt hay ép buộc mới được coi là đồng thuận thực sự. 

Không thể làm chủ hành vi, mất năng lực nhận thức

Trong trường hợp một hoặc nhiều người tham gia quan hệ đang chịu ảnh hưởng của dược phẩm, các chất kích thích, đồ uống có cồn hoặc không thể suy nghĩ thấu đáo thì sự đồng thuận không được công nhận. Vì khi ấy, việc giao tiếp trở nên mơ hồ và không rõ ràng. Không có gì đảm bảo được đối phương có đang đủ tỉnh táo để đồng ý với hành vi tình dục ấy hay không.

Không phản ứng, chống cự lại

Việc xuôi theo một hành vi tình dục ngoài ý muốn hoặc không chống cự bằng hành động hay lời nói không phải là đồng thuận. Trên thực tế, một người không chống cự hoặc không phản ứng rất có thể là do họ đang không đủ tỉnh táo để nhận biết được tình huống lúc bấy giờ.

Ngoài ra, có những người sẽ không phản kháng hoặc thể hiện sự bài xích qua hành động hoặc lời nói kể cả khi họ đang minh mẫn. Dẫu vậy, đó vẫn được coi là những hành vi tình dục thiếu sự đồng thuận.

Mập mờ, không rõ ràng trong quan hệ tình dục

Tất cả những ai tham gia vào một hoạt động tình dục đều có quyền được biết chi tiết về những gì sẽ xảy ra. Họ cần nắm được diễn biến của cuộc quan hệ để chắc rằng liệu đó có phải điều họ muốn và có nên đồng thuận hay không.

Nếu có người muốn phát triển những hành vi tình dục khác, họ cần hỏi ý kiến đối phương trước để đảm bảo rằng chúng được cho phép thực hiện. Việc không thảo luận rõ ràng về những giới hạn, hoặc không phổ biến rõ điều gì sẽ xảy ra trong lúc quan hệ, có thể dẫn tới sự bối rối và không đồng thuận.

Ví dụ: Việc đối phương đồng ý một hành vi tình dục (quan hệ qua đường miệng), không có nghĩa họ cũng sẽ đồng ý hành vi tình dục khác (quan hệ qua đường hậu môn). Để có được sự đồng thuận xác đáng, cả hai cần rõ ràng về cả những chi tiết. Đơn cử như sử dụng đồ chơi tình dục, bao cao su, những đồ vật hoặc hành vi khác.

Các dấu hiệu của đồng thuận mơ hồ

Các dấu hiệu của đồng thuận mơ hồ
Nguồn ảnh: Lauvette

Có thể thấy, khái niệm này rất dễ nhầm lẫn với “đồng thuận” thực sự. Vì thế, để tránh đem lại bất kỳ sự không thoải mái nào trong quá trình quan hệ tình dục, hãy thử cân nhắc tới một số dấu hiệu biểu thị sự đồng thuận hoặc ngược lại sau đây nhé!

Đó là sự đồng thuận nếu

  • Đối phương đồng ý quan hệ và tham gia hành vi tình dục cách nhiệt tình;
  • Trong suốt quá trình quan hệ tình dục có sự giao tiếp giữa cả hai bên. Điều này không phân biệt hai bạn đang ở trong một mối quan hệ nghiệm túc hay chỉ là bạn tình;
  • Đối phương được tôn trọng nếu họ nói không hoặc không chắc chắn về bất kì điều gì. Ví dụ: từ việc gửi hình ảnh khi quan hệ qua tin nhắn tới việc tham gia vào hành động tình dục;
  • Đối phương đủ tỉnh táo để đưa ra những quyết định sáng suốt. Họ không bị ảnh hưởng bởi thuốc hay chất kích thích, bị suy nhược hay bị ép buộc. Họ phải có đủ năng lực để thể hiện sự đồng thuận một cách rõ ràng và tự nguyện.

Lời nói và hành động biểu thị sự đồng thuận

Qua lời nói

  • “Có”;
  • “Mình chắc chắn”;
  • “Mình muốn”;
  • “Đừng dừng lại”;
  • “Mình vẫn muốn tiếp tục”;
  • “Mình muốn bạn làm vậy”.

Qua hành động

  • Thái độ vui vẻ, thoải mái;
  • Gât đầu;
  • Hành động thân mật, gần gũi ( ví dụ như: tiến lại gần, kéo đối phương về phía mình,…);
  • Thoải mái khi đụng chạm.

Đó KHÔNG PHẢI là sự đồng thuận nếu

  • Một trong hai người bị ép buộc làm điều gì đó và bị đe dọa nếu phản đối;
  • Đối phương đang ngủ, không tỉnh táo hoặc mất năng lực nhận thức do chất kích thích;
  • Đối phương thay đổi ý định (ban đầu muốn nhưng sau đó thì không). Khi đó sự đồng thuận ban đầu sẽ không còn hiệu lực;
  • Đối phương đồng thuận cho một hành vi tình dục này, nhưng không phải hành vi khác;
  • Đối phương không nói “Không” không có nghĩa là “Có”. Ngoài ra, những câu trả lời như “Có thể”, im lặng hoặc không có phản ứng cũng không phải dấu hiệu của sự đồng thuận.
  • Bạn lợi dụng quyền lực hoặc sự tin tưởng mà đối phương dành cho bạn. Ví dụ như lợi dụng vị trí giáo viên hay cấp trên;
  • Bạn biết họ không muốn nhưng vẫn làm ngơ hoặc bỏ qua những hành động ám chỉ sự từ chối như là đẩy bạn ra;
  • Bạn buộc họ phải đồng ý.

Lời nói và hành động biểu thị sự không đồng thuận 

Qua lời nói

  • “Không”;
  • “Dừng lại đi”;
  • “Đủ rồi,mình không muốn”;
  • “Mình không biết”;
  • “Mình không chắc chắn”;
  • “E là mình không nghĩ thế”;
  • “Mình muốn, nhưng…”;
  • “Mình không muốn tiếp tục nữa”;
  • “Thật sự mình không thoải mái với việc đó”;
  • “Mình cảm thấy việc này không đúng”;
  • “Có lẽ chúng ta cần thêm thời gian”;
  • Đối phương đổi chủ đề cuộc nói chuyện.

Qua hành động

  • Đẩy bạn ra;
  • Tránh né bạn;
  • Tránh giao tiếp bằng mắt với bạn;
  • Lắc đầu từ chối;
  • Im lặng;
  • Không phản hồi – chỉ nằm đó bất động;
  • Khóc;
  • Trông sợ hãi hoặc buồn;
  • Miễn cưỡng hành động (không chủ động cởi đồ, tay chân co cứng lại);
  • Thu mình lại và tự ôm lấy bản thân.

Ngay cả khi bạn cảm thấy đối phương đang ám chỉ rằng họ có hứng thú với bạn và muốn quan hệ tình dục, đừng chỉ suy đoán. Hãy đảm bảo bạn nhận được sự đồng thuận rõ ràng bằng lời nói trước khi tiếp tục.

Làm gì khi gặp phải sự đồng thuận mơ hồ?

Làm gì khi gặp phải đồng thuận mơ hồ?
Nguồn ảnh: Lauvette

Nếu đang nghi ngờ hoặc cảm thấy thiếu đi sự đồng thuận trong quá trình thực hiện hoạt động tình dục, hãy dừng lại. Đừng tiến xa hơn cho đến khi bạn hỏi và nhận được sự đồng thuận qua lời nói rõ ràng.

Những dấu hiệu cho thấy hai bạn nên dừng lại

  • Một trong hai người biểu thị bằng lời nói hoặc hành động rằng họ không muốn quan hệ tình dục;
  • Bạn say/bị hạ thuốc và không thể cân nhắc hoặc đưa ra quyết định đồng thuận;
  • Đối phương đã ngủ hoặc ngất đi;
  • Bạn mong đối phương sẽ không nói gì và thuận theo mọi thứ;
  • Bạn có ý định quan hệ tình dục bằng bất cứ giá nào nếu cần thiết;
  • Mộ trong hai người vẫn còn dưới tuổi quy định. (chưa đủ khả năng pháp lý để đưa ra đồng thuận)

Những dấu hiệu cho thấy hai bạn nên tạm ngưng và trao đổi với nhau

  • Bạn không chắc chắn đối phương muốn gì;
  • Bản thân bạn cảm thấy đang nhận được những tín hiệu mâu thuẫn;
  • Bạn chưa nói về những gì mình muốn làm;
  • Bạn cho rằng mình sẽ lặp lại những hành vi trước đó;
  • Đối phương ngừng lại hoặc không đáp lại bạn.

Những dấu hiệu cho thấy hai bạn có thể tiếp tục

  • Bạn và đối phương đã cùng thống nhất về giới hạn;
  • Cả hai bên thể hiện sự thoải mái rõ ràng về tình hình lúc đó;
  • Bạn cảm thấy mình đủ thoải mái và an toàn để dừng bất cứ lúc nào.

Làm sao để xác nhận sự đồng thuận?

Thông qua giao tiếp

Hãy nhớ kỹ rằng đồng thuận là cần thiết. Việc nói về những gì bạn muốn/không muốn và tôn trọng những ranh giới của đối phương là hoàn toàn bình thường. Xin phép và xác nhận sự đồng thuận nghĩa là mọi người đều rõ ràng về các mong muốn và nhu cầu của mình và đối phương, cũng như tôn trọng những giới hạn của nhau.

Hãy hỏi “Mình có thể [___] không?” hoặc “Cậu có muốn mình [___] không?” và lắng nghe câu trả lời. Ngôn ngữ cơ thể và tông giọng cũng rất quan trọng.

  • Nếu đối phương nói “có” hoặc thể hiện rõ là họ có hứng thú, thì bạn đã có được sự đồng thuận từ họ;
  • Nếu đối phương nói “không”, không nói gì, hoặc nói có nhưng có vẻ không chắc chắn hoặc không thoải mái, bạn cần hiểu rằng mình KHÔNG nhận được sự đồng thuận.

Trong trường hợp bạn không biết họ muốn gì, hoặc họ nói có nhưng có vẻ không chắc chắn, hãy kiểm tra lại trước khi tiếp tục bằng cách nói những điều như:

  • “Mình muốn chắc chắn là cậu muốn làm. Mình nên tiếp tục chứ?”
  • “Cậu không thích cũng chẳng sao. Ta có thể làm điều khác. Ý cậu thế nào?”.

Đừng tạo áp lực lên đối phương

Đừng bao giờ tạo áp lực lên đối phương để họ phải làm điều không muốn hoặc không chắc chắn. Hãy cho họ biết rằng sẽ không sao nếu họ muốn dừng lại hoặc làm điều gì khác. Và khi bạn biết rằng một người không có hứng thú với thứ mình đang hỏi, đừng hỏi lại. Mọi người đều có những ranh giới riêng và ta nên tôn trọng điều ấy. Bị đặt áp lực để thực hiện những hành vi tình dục sẽ không đem lại khoái cảm. Sự áp đặt như trên có thể phá huỷ hoàn toàn một mối quan hệ đấy!

Đọc thêm về Đồng thuận tại đây.

Một số vấn đề gây tranh cãi trong quy ước đồng thuận hay không đồng thuận

Một số vấn đề gây tranh cãi trong quy ước đồng thuận hay không đồng thuận
Nguồn ảnh: iStock Photo

Những người mắc bệnh tâm lý nặng có khả năng thể hiện sự đồng thuận hay không?

Nghịch lý

Trước tiên, nếu cho rằng một người cần phải có đủ năng lực trí tuệ và cảm xúc mới có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt, thì quả thật những người có vấn đề về tâm lý hoặc nặng hơn là khiếm khuyết trí tuệ thường có năng lực trí tuệ và cảm xúc vô cùng bất ổn.

Tuy nhiên, sự không ổn định này có xu hướng kéo dài suốt cả cuộc đời họ. Nếu mặc định việc quan hệ tình dục với họ là phạm pháp vì không thể chắc liệu họ có đang thực sự đồng thuận hay không, thì tức là ta đang phủ nhận cảm xúc của họ và buộc họ phải sống một cuộc sống không có tình dục (hoặc chỉ có thể quan hệ tình dục với những đối tượng sẵn sàng phạm tội).

Mặt khác, việc hợp pháp hóa quan hệ tình dục với người có vấn đề về tâm lý rất có thể sẽ khiến họ bị lạm dụng tình dục nhưng không thể nói với ai. Mọi người sẽ cho rằng đó là mong muốn của người bệnh. Tuy nhiên, những mong muốn này không phải lúc nào cũng là đúng đắn, sáng suốt do những hạn chế về mặt tâm lý. 

Bất cập trong giải pháp

Một người dù bệnh nặng tới mức cần người chăm sóc vẫn có toàn quyền quyết định sự đồng thuận tình dục của bản thân. Trên tinh thần bảo vệ những người có vấn đề về tâm thần khỏi ép buộc và lạm dụng, xin đừng đẩy họ vào hoàn cảnh “cấm dục” mà phần lớn chúng ta cũng chẳng muốn gặp phải.

Vậy, liệu ta có nên trao quyền đồng thuận cho người chăm sóc? Liệu họ có cho phép bên thứ ba quan hệ tình dục với bệnh nhân nếu họ cho rằng người đó có hứng thú?

Liệu đây có phải một giải pháp hiệu quả cho những người gặp vấn đề về tâm lý hay khiếm khuyết trí tuệ? Dù cho việc xin phép người giám hộ trước khi quan hệ tình dục quả thật quá đỗi kỳ lạ với những người trưởng thành như chúng ta? Hơn nữa, nếu người bảo hộ có quyền thay mặt bày tỏ sự đồng thuận, vậy làm sao để chắc chắn rằng họ không lợi dụng quyền này hòng trục lợi trên người được bảo hộ?

Khi đồng thuận mơ hồ bị lạm dụng: Nguyên nhân và biểu hiện

Lợi dụng khái niệm “Đồng thuận thụ động”

Theo nghiên cứu của Hickman & Muehlenhard vào năm 2007, những người phụ nữ phải trải qua các tình huống tình dục ngoài ý muốn thường coi việc không chống cự là đang bày tỏ sự đồng thuận, dù rằng theo những gì họ mô tả thì chúng chẳng khác gì xâm hại.

Nghiêm trọng hơn, đồng thuận thụ động có thể tạo điều kiện cho các đối tượng “che giấu” sự bạo lực hoặc ép buộc của mình. Trải nghiệm ấy chẳng khác nào xâm hại tình dục, từ đó khiến nạn nhân khó mà nhận các dịch vụ hỗ trợ sau này.

Sự mơ hồ: Lớp bảo vệ những kẻ tấn công tình dục

Hai nhà nghiên cứu Jozkowski và Peterson chỉ ra rằng, người nam có xu hướng cưỡng ép và tiếp tục tiến tới cho đến khi đối phương phải lên tiếng từ chối. Nếu nạn nhân không thể phản đối vì quá sợ hãi, họ sẽ mặc định đó không phải xâm hại tình dục. Họ sẽ coi đó là ngầm đồng thuận do không có sự phản kháng.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã phát hiện rằng có tới gần 30% nam giới tán thành việc sử dụng vũ lực nhưng lại không cho rằng đó là xâm hại tình dục (theo Edwards, Bradshaw & Hinz, 2015; Malamuth, 1981). Điều này cho thấy, trong một mối quan hệ, vẫn tồn tại những kẻ lợi dụng những sơ hở trong định nghĩa đồng thuận nhằm che giấu hành vi xâm hại của mình.

Thủ phạm luôn là người nam, đúng hay sai?

Thủ phạm luôn là đàn ông, đúng hay sai?
Nguồn ảnh: Pond5

Có một điểm bất cập mà chúng mình cần phải làm rõ trong phần cuối này. Hiện tại đại đa số các nguồn tài liệu chỉ giới hạn trong phạm vi quan hệ dị tính. Trong đó, người nam thường là thủ phạm còn người nữ là nạn nhân. Tuy nhiên, trong xã hội của chúng ta, không ít trường hợp đồng thuận mơ hồ tồn tại ở các cặp đôi dị tính với người nam là nạn nhân. Thậm chí, nó còn xảy ra ở những cặp đôi đồng tính nam/đồng tính nữ. 

Chính vì vậy, Vietnam Youth Alliance mong bạn đọc sẽ có một cái nhìn khách quan và loại bỏ những suy nghĩ sai lệch. Chúng ta cần nhớ rằng bất kì ai cũng có thể là thủ phạm hay nạn nhân của vấn nạn này, dù là nam hay nữ. Nó cũng có thể xảy ra không phân biệt là trong mối quan hệ dị tính hay đồng tính.


Đọc đến đây, hẳn các bạn đã nắm được cách phân biệt hai khái niệm “đồng thuận” thực sự và “đồng thuận mơ hồ” đúng không nào? Ranh giới giữa hai khái niệm này quả thực rất mong manh và khó phân biệt. Trên thực tế, nhiều người đã lợi dụng điều này để thao túng đối phương trong một mối quan hệ. 

Vietnam Youth Alliance mong rằng qua bài viết hôm nay, các bạn đã nắm được phần nào những thông tin cần thiết giúp bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi lớp sương mù mang cái mác “đồng thuận” này nhé!

Người thực hiện: Hà, Kim Cương, Louis, Phan Chi, Như Trần


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://docs.google.com/document/d/1TF_Paxa90tvZ0vUKpIJVoHuipQcGrqzmk-qSwPRHntU/edit#heading=h.5wagdwmv9av7

https://www.studlife.com/archives/Scene/2007/04/20/Ambiguousconsentwhenisayesayes/ 

https://www.usf.edu/student-affairs/victim-advocacy/resources/importance-of-consent.aspx 

https://kidshelpphone.ca/get-info/consent-what-it-and-why-its-important/ 

https://scholarworks.unr.edu/bitstream/handle/11714/4526/Blauenstein_unr_0139M_12663.pdf?sequence=1&isAllowed=y 

https://www.healthline.com/health/guide-to-consent#sexual-assault-resources 

https://www.dartmouth.edu/consent/communication/whendo.html 

https://www.washingtonpost.com/news/volokh-conspiracy/wp/2014/06/05/sexual-autonomy-rights-of-the-mentally-ill/ 

https://commons.und.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=2149&context=theses

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây