Có cần nhãn tính dục để thực sự được công nhận?

Có cần nhãn tính dục để thực sự được công nhận?
Thời gian đọc: 11 phút

“Cho 2 lọ mất nhãn chứa 2 dung dịch X và Y, hãy trình bày cách phân biệt hai lọ dung dịch kể trên”. Hẳn rất nhiều người trong số chúng ta cũng đã từng gặp phải bài tập quen thuộc thời còn đi học này. Thế nhưng liệu các bạn có biết, ngay cả con người cũng sử dụng “nhãn”, hay chính xác hơn là nhãn tính dục, để định nghĩa bản thân một cách rõ ràng hơn hay không? 

Vậy nhãn tính dục là gì? Và nó có cần thiết hay không? Hãy cùng tìm hiểu vấn đề này trong bài hôm nay cùng Vietnam Youth Alliance nhé!

Nguồn ảnh: Unsplash

Những điều cơ bản nhất về nhãn tính dục

Nhãn tính dục là gì?

Nhãn (tiếng Anh: label) có thể là một từ hoặc một cụm từ dùng để phân loại người hay vật. Ví dụ quen thuộc nhất chính là bài tập “Cho hai lọ dung dịch mất nhãn…” huyền thoại mà các bạn vừa đọc ở bên trên. 

Còn trong bài này, nhãn sẽ được ngầm hiểu là nhãn tính dục. Nó đóng vai trò phân loại xu hướng tính dục và bản dạng giới giữa người với người. Trên thực tế, nhãn tính dục thường được dùng theo cảm tính nên không phải lúc nào cũng đúng.

Nhãn tính dục là gì?
Nguồn ảnh: Getty Images

Nhãn tính dục dùng để làm gì?

Con người là loài có tập tính xã hội cao. Vì thế chúng ta luôn muốn được chấp nhận, được trở thành một phần của cộng đồng. Đó cũng chính là tác dụng của nhãn tính dục. Nó còn là lời trấn an cho những lần tự vấn bản thân “liệu những cảm xúc này có phải là bình thường không?”; hay “còn ai khác giống mình ở ngoài kia không?”. Ngoài ra, định nhãn còn giúp chúng ta sát cánh với nhau trong thế giới đầy rẫy sự kì thị này. 

Chính vì vậy, nhiều người sử dụng nhãn tính dục để tìm kiếm những người giống mình. Từ đó, xây dựng một cộng đồng để có thể giúp đỡ hỗ trợ nhau khi cần. Đây là một phần quan trọng trên con đường tìm hiểu về xu hướng tính dục và bản dạng giới của những người trẻ tuổi thuộc cộng đồng LGBT. Cũng vì lẽ đó, nhiều người mong muốn sở hữu càng nhiều nhãn càng tốt. Thông qua đó, họ có thể miêu tả thật cụ thể các đặc điểm và trải nghiệm của bản thân. 

Nhãn tính dục dùng để làm gì?
Nguồn ảnh: Teen Vogue

Với một số người, nhãn tính dục đóng vai trò rất quan trọng vì…

Đây là cách để khẳng định sự tồn tại của họ

Nhiều người trẻ hiện nay coi việc công khai nhãn tính dục là một cách thể hiện bản thân. Họ muốn thông qua đó tìm kiếm sự ủng hộ từ những người trong cộng đồng. Tuy vậy, nhãn cũng có thể “phản chủ”, khiến họ trở nên lạc lối và bế tắc nếu đột nhiên bị định cho những nhãn không mong muốn; hoặc bị nghi ngờ, phán xét khi họ muốn thay đổi nhãn của bản thân.

Nó cho họ cảm giác là một phần của cộng đồng

Đây chắc hẳn là cảm giác của bất cứ ai khi được kết nối với những người có bản dạng giới hoặc xu hướng tính dục giống mình. Đặc biệt là đối với những nhóm tính dục nhỏ hơn. Trong cộng đồng LGBT rộng lớn, sẽ thật tuyệt nếu ta có một nơi để thoải mái thể hiện bản thân cũng như chia sẻ suy nghĩ với những người có trải nghiệm tương tự. Điều này cũng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình nhận dạng bản thân của một người.

Nó cho họ cảm giác là một phần của cộng đồng
Nguồn ảnh: Sex, Etc.

Nhưng với những người khác, nhãn tính dục lại có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái!

Nhãn tính dục không khác gì định kiến

Xã hội đang quá chú tâm vào nhãn tính dục. Họ thậm chí dùng nó để đánh giá, định nghĩa người khác. Điều này hiển nhiên sẽ khiến nhiều người cảm thấy khó chịu. Bởi họ không muốn xu hướng tính dục làm lu mờ những khía cạnh khác của bản thân. Kết quả là họ chọn không định nhãn hoặc không công khai nhãn của mình.

Cái nhìn sai lệch của xã hội đã biến nhãn từ công cụ giúp định hình bản thân trở thành một thứ định kiến để áp đặt lên người khác. Trên thực tế, chỉ biết nhãn của một người vẫn là chưa đủ để hiểu họ. Bởi vì con người là một sinh vật phức tạp và cần được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh.

Chúng giới hạn trải nghiệm của bản thân

Khi tự định nhãn, bạn sẽ vô thức buộc bản thân phải cư xử theo chuẩn mực chung của nhãn ấy bằng cách bắt chước những cá nhân khác trong cùng cộng đồng. Nhưng nếu cứ theo khuôn mẫu, khả năng cao là bạn sẽ chẳng thể khám phá hết các khía cạnh của bản thân. Thậm chí, bạn quên đi mất cảm giác hạnh phúc khi được là chính mình. 

Hãy thử gạt bỏ suy nghĩ của người khác sang một bên. Hãy tự hỏi liệu bạn có đang tự giới hạn bản thân vì quá quan tâm tới những gì xã hội nghĩ về nhãn của bạn hay không?

Định nhãn đồng nghĩa với việc phơi bày đời tư cá nhân

Khi đã định nhãn, việc phải đối mặt với sự tọc mạch của xã hội là không thể tránh khỏi. Nhất là khi bạn thuộc cộng đồng LGBT.

Xã hội thường tự cho mình quyền được thắc mắc và tò mò đến mức khiếm nhã về cuộc sống của những người thuộc về “số ít”. Những sự thắc mắc này có thể được ẩn giấu dưới động cơ “tìm hiểu về cộng đồng LGBQI+T”. Tuy nhiên trên thực tế, đa phần các câu hỏi này thường xuất phát từ tò mò nhất thời về đời tư cá nhân chứ không hề đem lại lợi ích hay quyền bình đẳng cho cộng đồng.

Bằng chứng là những câu hỏi riêng tư về các mối quan hệ trong quá khứ hay yêu cầu chia sẻ về thời điểm nhận ra xu hướng tính dục thường tới từ những người xa lạ khi nghe một ai đó công khai bản dạng tính dục của bản thân.

Cuộc đời của những người thuộc LGBT không phải buổi tọa đàm để giải đáp thắc mắc của người khác. Họ cũng là con người; và một trong những quyền cơ bản nhất của con người chính là quyền riêng tư cá nhân.

Bị chỉ trích vì thay đổi nhãn tính dục

Việc một người bị chỉ trích vì đang dùng nhãn này nhưng lại chuyển sang nhãn khác, đáng buồn thay, lại rất phổ biến.

Đã đến lúc ta cần bình thường hóa sự linh hoạt tính dục. Vì cảm nhận về bản thân của mỗi người hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian. Nếu ai đó từng nhận định bản thân là song tính, và giờ lại thấy thoải mái hơn với nhãn đồng tính, thì cũng chẳng sao hết!

Tất cả chúng ta đều đang khám phá bản thân và tìm kiếm bản dạng của chính mình. Do đó, việc đổi nhãn cho phù hợp là chuyện dễ hiểu. Một lần nữa, đừng để nhãn tính dục là thứ quyết định một con người.

Những định kiến tiêu cực còn bủa vây

Xã hội thích phân loại tất cả mọi người bằng cách gắn nhãn họ với một vài hành vi nhất định nào đó. Chẳng hạn như “người song tính thường lăng nhăng”; “đồng tính nữ toàn thù ghét đàn ông”; hay “đồng tính nam chỉ toàn yểu điệu và diêm dúa mà thôi”. Tất nhiên, những quan điểm nặng nề này hoàn toàn không đúng sự thật. Nhưng, chúng phần nào nói lên cách nhìn và định kiến điển hình của xã hội về cộng đồng LGBT.

Áp lực trong việc lựa chọn nhãn tính dục

Vấn đề cuối cùng ta cần bàn đến là áp lực khi lựa chọn nhãn phù hợp cho xu hướng tính dục của mình.

Một số người biết rõ họ là LGBT ngay từ khi còn nhỏ. Nhưng vẫn có những người mất một khoảng thời gian dài hơn để nhìn nhận sâu sắc nhất về bản thân. Dù cho bạn có đang hay đã trải qua quá trình định nhãn thì những áp lực xã hội luôn có thể nhảy xổ ra bất kỳ lúc nào và buộc bạn phải đối diện hay giải quyết.

Tuy vậy, đừng vì thế mà quá lo lắng nhé. Bạn biết không, điều này vẫn xảy ra với cả những người hợp giới dị tính. Vì xu hướng tính dục hay nhãn tính dục của một cá nhân ít khi nào là chuyện dễ dàng hay một sáng một chiều là xong cả. Vậy nên, không cần phải bất chấp chọn bừa một nhãn cho bản thân để tạm thời giải quyết áp lực trả lời câu hỏi “tôi là ai” do xã hội đặt lên vai bạn. Hãy tự dành ra cho bản thân một khoảng thời gian đủ đầy. Chắc chắn bạn sẽ tìm được nhãn phù hợp nhất với mình thôi! 

“Vén màn” những định kiến và hiểu lầm về nhãn tính dục

Mỗi người chỉ gắn liền với một nhãn suốt đời

Bên cạnh việc giúp ta có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về bản thân, nhãn có thể còn đè lên vai ta một áp lực khi chỉ được chọn một giữa vô vàn các nhãn và phải lựa chọn sao cho đúng vì nó sẽ gắn với ta từ đây đến hết cuộc đời. Nhưng sự thật có đúng là như thế không?

Sự thật là chúng ta đều nằm đâu đó trên phổ, cả tính dục lẫn bản dạng giới. Tuy vậy, một số người chưa từng nghe qua điều đó. Họ nghĩ mình cần phải thật chính xác khi lựa chọn nhãn. Ngay khi cảm thấy bản thân mình không khớp 100% với nhãn đã chọn, họ có thể rơi vào trạng thái lo sợ rằng mình đã mắc lỗi lớn và định dạng sai lầm về bản thân. Nhưng sự thật không phải như vậy! Bạn có toàn quyền được nghĩ, nói và định dạng mình là ai – bằng một hay nhiều nhãn hay thậm chí là không nhãn nào cả.

Ngoài ra, bạn cũng hoàn toàn có quyền được lựa chọn lại khi cảm thấy nhãn của mình không còn phù hợp. Bạn cũng không nhất thiết phải gắn bó với một nhãn đến suốt đời mình. Tất cả đều là quyền lựa chọn của bạn.

Nếu bạn không có nhãn tính dục, bạn là người thiếu quyết đoán 

Trên thế giới, mọi người sử dụng rất nhiều từ khác nhau để diễn tả danh tính của bản thân. Trong số đó, sẽ có người nhìn nhận nhãn tính dục như một sự gò bó. Họ cảm thấy điều đó không đúng hay không phù hợp với bản thân. Do đó, họ lựa chọn không định nhãn cho bản thân mình. Một số người khác cho rằng những cộng đồng xung quanh sẽ loại mình ra khi họ định dạng bản thân không phải dị tính và hợp giới.

Ví dụ, ở nhiều văn hóa ngoài phương Tây hay một số cộng đồng dân tộc tộc thiểu số ở phương Tây, đàn ông quan hệ tình dục với đàn ông và phụ nữ quan hệ tình dục với phụ nữ mà không cần phải tự định nhãn “đồng tính”. Hoặc với một số đàn ông Mỹ gốc Phi, họ lựa chọn sử dụng tên gọi “yêu đồng giới” để thay thế vì họ thấy mình không phù hợp với văn hóa “đồng tính da trắng”. Vì thế, việc không có nhãn cho bản thân không đồng nghĩa với việc bạn thiếu quyết đoán.

Chuyển giới và chuyện định nhãn

Trên thực tế, không phải ai cũng có bản dạng giới khớp với giới tính sinh học và có hành động ứng với kỳ vọng của xã hội và văn hoá dành cho họ. Ví dụ như những người chuyển giới. 

Chuyển giới được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau trên thế giới. Đây thường được coi là một thuật ngữ bao trùm. Nó bao gồm tất cả những ai không đi theo định nghĩa truyền thống về giới như:

  • Những người thấy bản dạng giới khác với giới tính sinh học. Có một hiểu nhầm phổ biến rằng tất cả những người chuyển giới đều trải qua phẫu thuật và tiêm hoóc-môn để phù hợp với bản dạng giới. Tuy nhiên, sự thật thì không phải vậy. Họ có thể mong muốn phẫu thuật, nhưng gặp khó khăn về tài chính, áp lực gia đình/xã hội hoặc chỉ đơn giản là cảm thấy không cần thiết hay không thích;
  • Những người thấy bản dạng giới của mình nằm ngoài nhị nguyên nam nữ: người linh hoạt giới, người không định dạng bằng bất kì nhãn nào, người thấy giới của mình gồm cả nam và nữ, người thấy khái niệm giới thì không thể gói gọn thành hai nhóm nam nữ,… Có nhiều nhãn cho những trường hợp này, trong đó có Queer.

Bạn biết đó, có không ít nhãn dành cho người chuyển giới. Vì thế, trong bất kỳ tình huống nào, hãy lịch sự hỏi ý kiến đối phương. Qua đó, bạn có thể sử dụng tên và đại từ danh xưng đúng với mong muốn của họ. Đồng thời đừng quên tôn trọng những nhãn tính dục của họ bạn nhé.

Tôn trọng nhãn của bản thân và của người khác

Giống như đề cập đến ở trên, sẽ có những người mất nhiều thời gian hơn để tìm hiểu về nhãn của mình. Có những người từ bé đã biết mình thuộc cộng đồng LGBT, và cũng chẳng phải chuyện gì quá lớn nếu bạn chưa biết rõ về xu hướng tính dục của mình cho đến khi đã trưởng thành và kết hôn.

Với một người thuộc cộng đồng LGBT, có thể sẽ không hề dễ dàng gì để bạn tìm thấy xu hướng tính dục của mình, nhất là vì những tư tưởng dị tính ép buộc, là mặc định trong xã hội, không thay đổi được và cũng không nên thay đổi. Nhưng sự thật không phải thế. Xu hướng tính dục cũng có tính linh hoạt và có thể thay đổi được tùy theo mỗi cá nhân. Vậy nên, đừng bao giờ cảm thấy tệ về bản thân chỉ vì chuyện nhãn tính dục. Cũng đừng để người khác ảnh hưởng tiêu cực đến bạn vì điều này bạn nhé.

Khám phá bản thân bằng nhãn dán tính dục

Việc không chắc chắn về bản dạng giới của mình là điều bình thường. Nhưng hãy nhớ rằng:

  • Nó không “chỉ là một thời kỳ” và bạn cũng không “chỉ đang bối rối thôi”. Từ khi còn nhỏ, trẻ con đã biết (lờ mờ) về bản dạng giới của mình và có thể cảm thấy không ổn khi phải nghĩ về bản thân theo một hướng khác;
  • Kể cả khi bạn thấy thoải mái trong việc thể hiện giới, vẫn có người muốn bạn theo một khuôn khổ nào đó. Nhưng hãy nhớ rằng, giới không chỉ là một dãy nhị nguyên giới. Việc lựa chọn thể hiện giới như thế nào là quyền của bạn;
  • Bản dạng giới không phải cố định. Bạn hoàn toàn có thể thay đổi suy nghĩ về bản thân nhiều lần trước khi thấy những nhận định đó thật sự “đúng”.

Việc nhận ra rằng bản dạng giới của mình không khớp với định kiến của người khác có thể gây hoang mang. Hậu quả là áp lực đột ngột, khiến bạn sợ thể hiện ra giới của mình. Và khi đó, nguy cơ về bức bối giới hay các bệnh tâm lý và thể chất sẽ gia tăng. Vì thế, hãy chấp nhận, ủng hộ việc tự do thể hiện giới của mình và của người khác nhé!


Định nhãn tính dục không phải là chuyện một sớm một chiều. Trong quá trình này, rất có thể ta phải đối diện với muôn vàn định kiến từ xã hội. Tuy nhiên, bạn luôn có quyền lựa chọn nhãn phù hợp và thể hiện nó. Đừng quên VYA luôn ở đây để chia sẻ và lắng nghe bạn!

Người thực hiện: Huyền, Khánh, Chou, Ryder, Thục, Nghi, Dền, Ray, Na, Phan Chi, Như Ngọc


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.facinghistory.org/resource-library/my-part-story-exploring-identity-united-states/identity-and-labels 

The Problem with Labels in Sexuality and Society – she.

Labels: Empowering, Harmful, or Both? – Everyday Feminism 

Why LGBTQ Identity Labels Are Important 

https://sexetc.org/info-center/post/to-label-or-not-to-label/ 

https://www.edi.nih.gov/blog/communities/lgbt-labels-and-safe-r-language 

https://www.mazewomenshealth.com/blog/2021/06/08/labeling-your-sexuality/ 

https://kidshelpline.com.au/teens/issues/gender-identity 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây