Một số nhãn tính dục ít gặp

một số nhãn tính dục ít gặp
Thời gian đọc: 20 phút

Chưa tới hai thập kỷ trước, việc định nhãn tính dục bản thân đối với những cá nhân thuộc cộng đồng tính dục thiểu số vẫn còn giới hạn ở vài tính từ mang tính bao quát như chuyển giới, vô giới, hay đồng tính, song tính. Tuy nhiên cùng với thời gian, đã xuất hiện nhiều thuật ngữ mới. Qua đó, diễn tả đầy đủ hơn trải nghiệm tính dục của con người. Những thuật ngữ này có thể chưa được bắt gặp nhiều trên các kênh truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của nó đối với mỗi cá nhân và xã hội lại không kém gì những nhãn “truyền thống” và “nổi” hơn. Ở bài viết này, Vietnam Youth Alliance xin phép được mang đến cho các bạn một cái nhìn tổng quan về những nhãn tính dục ít gặp này nhé!

Nhãn bản dạng giới ít gặp

Neutrois (Trung giới)

Neutrois (Trung giới)
Nguồn: Gender Wiki

Định nghĩa

Neutrois (tạm dịch: Trung giới) thuộc phổ Phi nhị nguyên giới. Đây là một thuật ngữ dành cho những người nhận định bản thân có giới tính trung lập (neutral gender), không có giới tính (null gender), hoặc phi giới (genderless). Thuật ngữ này có nhiều điểm tương đồng với vô giới (agender). Tuy nhiên, việc nhận định bản thân như thế nào là tùy theo mong muốn của mỗi người.

Lịch sử

Thuật ngữ “trung giới” được tạo ra bởi H. A. Burnham vào năm 1995. Burnham đã giải thích về trung giới ở một số bài đăng trên Internet dành cho người chuyển giới. Năm 2013, trung giới được coi là một trong những bản dạng giới hợp lệ thuộc phổ Phi nhị nguyên giới trong tờ Cẩm nang về tính dục và giới tính dành cho các chuyên gia sức khỏe tâm thần. Nó trở thành một trong 50 bản dạng giới được công nhận trên Facebook chỉ một năm sau đó.

Giống như các bản dạng giới cùng thuộc phổ Phi nhị nguyên giới, trung giới chưa được công nhận là giới tính hợp pháp trên các văn bản hành chính. Tuy nhiên, ngày càng nhiều quốc gia, khu vực, trang mạng thừa nhận các bản dạng giới thuộc phổ Phi nhị nguyên. Chẳng hạn như Facebook đã thêm “trung giới” vào các lựa chọn giới tính cho người dùng.

Ý nghĩa màu cờ trung giới

  • Màu trắng tượng trưng cho bản dạng giới trung lập, không xác định hoặc đang được khám phá;
  • Sắc xanh nõn chuối tượng trưng cho phổ giới Phi nhị nguyên. Xanh nõn chuối đối lập với tím oải hương – một màu kết hợp từ màu hồng và xanh dương;
  • Màu đen tượng trưng cho phi giới và vô giới.

Người trung giới có thể trải qua bức bối giới. Họ có thể mong muốn thay đổi bản thân sao cho phù hợp với bản dạng giới của mình. Một số người trung giới muốn nhờ tới sự can thiệp y tế nhằm loại bỏ mọi đặc điểm thể hiện giới tính sinh học trên cơ thể hay chỉ một vài bộ phận cơ thể mang đặc thù giới tính sinh học quá rõ ràng, hoặc không có nhu cầu thay đổi bằng cách phẫu thuật. Người trung giới thường có thể hiện giới trung tính (gender neutral) hoặc vừa nữ tính, vừa nam tính (androgynous). Tuy vậy, điều này còn phụ thuộc vào điều kiện hay nhu cầu của họ. Người trung giới có thể có bất kỳ xu hướng tính dục nào.

Demigender (Á giới)

Demigender (Á giới)
Nguồn: LGBT Wiki

Demigender (tạm dịch: Á giới) là một thuật ngữ chung dành cho các bản dạng giới thuộc phổ Phi nhị nguyên mà có một phần liên kết với một bản dạng giới khác. Cũng như các bản dạng giới cùng phổ, á giới là một nhãn tính dục dành cho những người cảm thấy bản thân có mối liên kết với một giới nhưng không muốn nhận định mình thuộc giới đó. Một người thuộc cộng đồng á giới không nhất thiết phải định rõ họ có bao nhiêu phần trăm thuộc một bản dạng giới khác. Một số người á giới có thể có hai hay nhiều bản dạng giới cùng lúc. Thậm chí là họ không có bản dạng giới nào.

Cộng đồng á giới được đại diện bởi lá cờ 7 sọc với ý nghĩa từng màu sắc như sau:

  • Xám (xám đậm và xám nhạt) tượng trưng cho những kết nối rời rạc và những vùng không rõ ràng;
  • Vàng tượng trưng cho bản dạng giới Phi nhị nguyên;
  • Trắng tượng trưng cho vô giới.

Ngoài ra, mỗi nhóm nhỏ hơn trong cộng đồng á giới cũng có những sắc cờ riêng biệt.

Một số nhóm nhỏ của cộng đồng á giới

Demiboy (Á giới nam)
Nguồn: UWSTOUT

Á giới nam (hay á nam) là người nhận diện bản thân vừa có một phần giới nam, vừa có một phần không thuộc hệ nhị nguyên giới. “Demimasc” (tạm dịch: Bán nam tính) là một nhãn tính dục thay thế cho demiboy, dành cho những cá nhân thuộc nhóm á giới nam cảm thấy thuật ngữ mang tính nhị nguyên giới không phù hợp với bản thân.

Demigirl (Á giới nữ)
Demigirl (Á giới nữ)
Nguồn: UWSTOUT

Á giới nữ (hay á nữ) là người nhận diện bản thân vừa có một phần giới nữ, vừa có một phần không thuộc hệ nhị nguyên giới. “Demifemme” (tạm dịch: Bán nữ tính) là một nhãn tính dục thay thế cho demigirl, dành cho những cá nhân thuộc nhóm á giới nữ cảm thấy thuật ngữ mang tính nhị nguyên giới không phù hợp với bản thân.

Demifluid (Á giới linh hoạt)
Demifluid (Á giới linh hoạt)
Nguồn: Gender Wiki

Á giới linh hoạt là một bản dạng giới dành cho những người có một phần giới cố định và một hay nhiều phần giới thay đổi linh hoạt. Ví dụ, một cá nhân với một phần giới là nữ và một phần thay đổi linh hoạt giữa “nam giới” và “đa dạng giới” có thể nhận định bản thân là á giới linh hoạt.

Demiflux (Á giới dao động)
Demiflux (Á giới dao động)
Nguồn: LGBTA Wiki

Á giới dao động là nhãn dành cho người có một phần giới cố định và phần giới còn lại chuyển đổi theo cường độ nhất định. Chẳng hạn, một người á giới dao động có phần giới cố định là nữ, và một phần giới khác là nam sẽ dao động từ nam giới tuyệt đối (100%), đến á giới nam (50%), và vô giới (0%). Á giới dao động giống á giới nói chung ở điểm gồm hai phần bản dạng giới khác nhau. Tuy nhiên, một trong hai phần giới của người á giới dao động sẽ chuyển đổi thay vì cố định.

Demiagender (Á vô giới)
Demiagender (Á vô giới)
Nguồn: Gender Wiki

Á vô giới là bản dạng giới của những người có một phần giới là vô giới và một hay nhiều phần giới khác.

Deminonbinary (Á giới phi nhị nguyên)
Deminonbinary (Á giới phi nhị nguyên)
Nguồn: Nonbinary Wiki

Á giới phi nhị nguyên là bản dạng giới của những người có một phần giới thuộc phổ Phi nhị nguyên giới và một hay nhiều phần giới khác.

Libragender (Thiên bình giới)

Libragender (Thiên bình giới)
Nguồn: Nonbinary Wiki

Libragender (tạm dịch: Thiên bình giới) là bản dạng giới chỉ người gần như thuộc nhóm Vô giới nhưng có liên kết nhỏ (khoảng dưới 50%) với một giới khác. Thuật ngữ này lấy cảm hứng từ cung Thiên bình – biểu tượng của sự cân bằng. Qua đó thể hiện mối tương liên giữa phần vô giới và phần bản dạng giới khác. Đối với người thiên bình giới, phần vô giới luôn lớn hơn phần bản dạng giới được liên kết.

Một số nhóm nhỏ của cộng đồng thiên bình giới

Librafeminine (Thiên bình giới nữ)
Librafeminine (Thiên bình giới nữ)
Nguồn: Gender Wiki

Thiên bình giới nữ chỉ những người gần như thuộc nhóm Vô giới nhưng có mối liên kết nhỏ với giới nữ. Thiên bình giới nữ có phần tương đồng với á giới nữ. Tuy nhiên, người thuộc nhãn này cảm giác phần vô giới chiếm áp đảo so với phần nữ giới. Còn người á giới nữ có một phần nữ giới. Nhưng phần còn lại là một hay nhiều bản dạng giới khác.

Libramasculine (Thiên bình giới nam)
Libramasculine (Thiên bình giới nam)
Nguồn: Gender Wiki

Thiên bình giới nam chỉ những người gần như thuộc nhóm Vô giới nhưng có mối liên kết nhỏ với giới nam. Thiên bình giới nam tương đồng với á giới nam. Tuy nhiên, người thuộc nhãn này cảm giác phần vô giới chiếm áp đảo so với phần nam giới. Còn người á giới nam có một phần nam giới. Nhưng phần còn lại là một hay nhiều bản dạng giới khác.

Librafluid (Thiên bình giới linh hoạt)
Librafluid (Thiên bình giới linh hoạt)
Nguồn: Gender Wiki

Thiên bình giới linh hoạt là nhãn của những người gần như thuộc nhóm Vô giới nhưng có kết nối dao động giữa nhiều giới khác. Thiên bình giới linh hoạt có điểm tương tự như linh hoạt giới. Nhưng phần vô giới của những người thuộc nhãn Thiên bình giới linh hoạt chiếm phần áp đảo.

Libranonbinary (Thiên bình giới phi nhị nguyên)
Libranonbinary (Thiên bình giới phi nhị nguyên)
Nguồn: Gender Wiki

Thiên bình giới phi nhị nguyên là nhãn chỉ những người gần như thuộc nhóm Vô giới nhưng vẫn có liên kết với bản dạng giới phi nhị nguyên.

Paragender (Cận hoàn giới)

Paragender (Cận hoàn giới)
Nguồn: LGBTA Wiki

Paragender (tạm dịch: Cận hoàn giới) là một bản dạng giới có nhiều định nghĩa. Nhưng định nghĩa phổ biến nhất của thuật ngữ này là một nhãn dành cho những người vốn có một bản dạng giới nhưng không hoàn toàn thuộc về cộng đồng đó (do có mối liên kết nhỏ với một bản dạng giới khác; hoặc cảm thấy bản thân không hoàn toàn liên kết với bản dạng giới hiện tại). Paragender có điểm tương đồng với á giới. Nhưng trong trường hợp này, người mang nhãn Paragender có một bản dạng giới áp đảo, chiếm trên 50%. Phần thiểu số còn lại có thể là một hay nhiều bản dạng giới, hoặc không tồn tại bản dạng giới nào cả (bản dạng “không tồn tại” này có thể được coi là vô giới trong một vài tình huống).

Genderflux (Dao động giới)

Genderflux (Dao động giới)
Nguồn: LGBTA Wiki

Dao động giới là nhãn tính dục dành cho người có giới dao động theo cường độ nào đó. Có thể hiểu, dao động giới là một dạng giới linh hoạt với mức nền là vô giới. Bản dạng giới của người dao động giới có thể đi từ vô giới (0%) cho tới một giới tuyệt đối (100%). Trong khoảng này, cảm nhận về giới của họ có thể biến đổi từ khá nhẹ (thiên bình giới – libragender), tương đối (á giới – demigender), tới gần như tuyệt đối (cận hoàn giới – paragender). Ví dụ, một người linh động giới nữ có bản dạng giới dao động từ vô giới, thiên bình giới nữ, á giới nữ, cận hoàn giới nữ, đến hoàn toàn là nữ giới.

Nói chung, người dao động giới thường chỉ thay đổi cường độ giới của mình, không thay đổi toàn bộ bản dạng giới như người linh hoạt giới. Chính bởi vậy, mặc dù người linh hoạt giới có thể mang bản dạng giới là vô giới, chưa chắc họ đã là người dao động giới.

Cờ dành cho cộng đồng dao động giới có 6 sọc màu, mỗi màu biểu trưng cho một bản dạng giới:

  • Hồng đậm cho nữ giới;
  • Hồng nhạt cho á giới nữ;
  • Xám cho vô giới;
  • Xanh dương nhạt cho bán giới nam;
  • Xanh dương đậm cho nam giới;
  • Vàng tượng trưng cho phi nhị nguyên giới.

Polygender (Đa giới)

Polygender (Đa giới)
Nguồn: Gender Wiki

Đa giới là nhãn của những người có nhiều bản dạng giới khác nhau như nam giới, nữ giới, hay các bản dạng giới thuộc phổ Phi nhị nguyên. Người thuộc nhóm đa giới có thể trải nghiệm các bản dạng giới của mình cùng một lúc, hoặc những bản dạng giới này sẽ linh hoạt chuyển đổi tùy theo cảm nhận.

Người mang nhãn đa giới có thể nhận dạng bản thân là multigender (đa giới), người phi nhị nguyên giới hay người chuyển giới. Họ cũng có thể sử dụng nhãn linh hoạt giới (genderfluid) nếu cảm thấy các bản dạng giới của mình có thể thay đổi theo nhu cầu của bản thân.

Pangender (Toàn giới)

Pangender (Toàn giới)
Nguồn: Gender Wiki

Toàn giới là một thuật ngữ chỉ người có vô số giới tính phi nhị nguyên. Người toàn giới có số lượng bản dạng giới vô hạn, bao gồm những bản dạng giới đã tồn tại trong văn hóa đời sống và cả những bản dạng giới thậm chí chưa hiện diện, chính vì vậy trải nghiệm giới của họ rất rộng, thậm chí có thể vượt xa kiến thức của con người về giới. Người toàn tính có thể thay đổi bản dạng giới tùy ý, cũng như có một bản dạng giới cố định hay không có ý định thay đổi.

Xenogender (Ngoại giới)

Xenogender (Ngoại giới)
Nguồn: LGBTA Wiki

Định nghĩa

Ngoại giới là một nhãn chung dành cho tập hợp bản dạng giới thuộc phổ Phi nhị nguyên nhưng không thể diễn giải theo cách định nghĩa các thuật ngữ liên quan tới giới thường gặp như nữ giới, nam giới, nữ tính, nam tính, trung tính,… Thay vào đó, ngoại giới được định nghĩa dựa theo những mối liên kết của chúng với những khái niệm, đồ vật, sinh vật mà dường như không liên quan đến giới như động vật, cây cối hay ánh sáng, âm thanh…

Người thuộc cộng đồng ngoại giới vẫn có những cảm nhận giới sâu sắc và cụ thể. Nhưng vì không thể tìm được từ chính xác, họ thường khó có thể diễn tả những trải nghiệm của bản thân. Để bù lấp “khoảng trống” này, người ngoại giới thường dùng cách nói ẩn dụ, ví dụ như là giới của họ bị ảnh hưởng hay có sự tương đồng với một thứ gì đó.

Một số giải thích về bản dạng giới thuộc nhóm ngoại giới

Để giải thích bản dạng giới thuộc nhóm ngoại giới, người ta thường sử dụng ba mục sau:

  • Danh từ và nguyên mẫu: Thay vì liên hệ giới với tính nam hoặc tính nữ, họ liên hệ với một loài động vật, thực vật, với thiên nhiên, với một khái niệm trừu tượng hay một biểu tượng. Đây được gọi là danh từ giới (noungender);
  • Cảm nhận mỹ quan và/hoặc nhận thức thẩm mỹ: Giới được miêu tả bằng chất liệu, kích cỡ, hình dáng, thời gian, ánh sáng, âm thanh, hoặc giới gắn với trải nghiệm giác quan khác với thông thường, được gọi là mỹ quan giới (aestheticgender);
  • Loại thần kinh: Trong trường hợp này, bản dạng giới của một người có mối liên quan mật thiết đến sự đa dạng trong hệ thần kinh, và được gọi là thần kinh giới (neurogender).

Ngoài ra, các bản dạng giới thuộc nhóm ngoại giới cũng được giải thích theo một số mục như sau:

  • Hoàn cảnh: khi giới của một người thay đổi tùy hoàn cảnh, được gọi là hoàn cảnh giới (mutogender);
  • Siêu nhiên giới: Khi một người nhận dạng siêu nhiên có liên quan với bản dạng giới của họ. Những giới này được dùng cho những siêu nhiên gắn với chúng và được gọi là siêu nhiên giới (alterhumangender, kingender, genderNH);
  • Bản thân: Khi giới chỉ hiện diện đối với chính họ và không ai khác cảm nhận được. Đây được gọi là giới hư danh (nominalgender).

Ngoài ra, khi một người thuộc nhị nguyên giới, và liên hệ với ngoại giới (nhưng không nhận định họ là người ngoại giới) được gọi là meliusgender.

Cùng VYA tìm hiểu Tất tần tật về thuật ngữ trong cộng đồng LGBT tại đây nhé!

Nhãn xu hướng tính dục ít gặp

Omniacepomo là nhãn dán xu hướng tính dục được tạo ra từ sự kết hợp của “omni” trong tiếng Latin (nghĩa là “tất cả” hoặc “mọi thứ”) với “ace” – vô tính và “pomo” “trong pomosexual”. Những cá nhân này nằm trong phổ Vô tính, chưa xác định được nhãn dán chính xác của mình và cũng không quá bận tâm tới việc đó. Một người thuộc Omniacepomo không có hình mẫu tính dục lý tưởng.

Lithromantic

Lithromantic
Nguồn: Aromantic Wiki

Định nghĩa

Lithromantic (hay còn gọi là Akoiromantic) là một xu hướng tình cảm thuộc phổ Vô ái (Aromantic). Như những xu hướng tình cảm khác, lithromantic có thể xảy ra với bất kỳ xu hướng tính dục nào.

Những người lithromantic không muốn tìm kiếm một mối quan hệ lãng mạn, bởi họ sẽ mất hết hứng thú nếu người họ thích đáp lại tình cảm, hoặc cảm thấy không thoải mái khi biết có người bị thu hút về mặt tình cảm với họ. Bên cạnh đó, lithromantic cũng có một số dấu hiệu khác như:

  • Tự ảo tưởng về mối quan hệ lãng mạn với ai đó. Nhưng chỉ thích mối quan hệ tưởng tượng hơn là mối quan hệ thực sự;
  • Cảm thấy khó chịu khi ở trong một mối quan hệ lãng mạn với người họ thích;
  • Bị thu hút về mặt tình cảm nhưng không muốn được đáp lại.

Lithromantic có thể là xu hướng tình cảm đơn lẻ hoặc có thể kết hợp với các xu hướng khác. Ví dụ, một người có thể vừa lithromantic vừa biromantic; có nghĩa là họ trải nghiệm thu hút bởi cá nhân thuộc 2 giới bất kỳ về mặt tình cảm.

Lịch sử

Do có động chạm đến văn hóa đồng tính nữ nên thuật ngữ lithromantic đã được thay thế bằng akoiromantic. Bởi từ “litho” nghĩa là “stone” (hòn đá) và trong cộng đồng đồng tính nữ, “a stone lesbian” chỉ người đồng tính nữ cảm thấy thỏa mãn với vai trò là “công”.

Tuy vậy, vì chưa có bất kỳ sự đồng thuận nào trong cả cộng đồng người vô tính và đồng tính nữ nên cả hai thuật ngữ trên đều được sử dụng phổ biến và có thể thay thế lẫn nhau.

Aegoromantic & Aegosexual

Aegoromantic

Aegoromantic
Nguồn: LGBTA Wiki

Aegoromantic hay Anegoromantic (từng được biết đến với tên gọi “Autochorisromantic”) là một nhãn nhỏ trong phổ Vô ái.

Những người aegoromantic có những ảo mộng lãng mạn, yêu thích sản phẩm truyền thông có tính chất lãng mạn. Nhưng họ có rất ít – hoặc không hề có – xu hướng tình cảm ngoài đời thật. Cụ thể là họ không khao khát một mối quan hệ lãng mạn.

Thông thường, những ảo tưởng lãng mạn của họ được nhìn dưới góc độ của bên thứ ba riêng biệt. Những ảo tưởng này thường liên quan đến các đối tượng là nhân vật hư cấu hoặc người nổi tiếng. Còn cá nhân người aegoromantic chỉ là một kẻ quan sát ở bên ngoài.

Một số biểu hiện cụ thể của aeromantic bao gồm:

  • Thích những nội dung lãng mạn, nhưng lại không hứng thú với mối quan hệ lãng mạn ngoài đời thực;
  • Tưởng tượng về mối quan hệ lãng mạn nhưng không có đối tượng cụ thể, hoặc đối tượng là những người nổi tiếng hay nhân vật hư cấu;
  • Không thể chấp nhận bản thân ở trong một mối quan hệ lãng mạn. Thậm chí là không chấp nhận làm những điều lãng mạn (như hôn và hẹn hò);
  • Tưởng tượng về chuyện tình cảm nhưng lại lý tưởng hóa quá mức. Từ đó, trở thành điều viển vông hay một ảo mộng lãng mạn không thể có ở ngoài đời thực;
  • Thấy ai đó “hấp dẫn” nhưng không thấy sự hấp dẫn khi làm những điều lãng mạn với người đó trong đời thực, chẳng hạn như hôn. Tuy nhiên, người aegoromantic vẫn có thể thích tưởng tượng về chúng.

Aegosexual

Aegosexual
Nguồn: LGBTQIA Wiki
Định nghĩa

Aegosexual hoặc Anegosexual (trước kia được gọi là Autochorisexual) là một xu hướng tình dục thuộc phổ Vô tính.

Những người aegosexual có những tượng tượng về tình dục hay thủ dâm và xem phim/đọc truyện khiêu dâm. Nhưng họ gần như không cảm thấy hứng thú và không ham muốn làm tình với người khác.

Một số trải nghiệm thường gặp của aegosexual:

  • Thích hoặc bị kích thích bởi nội dung tình dục. Nhưng không có hứng thú với một mối quan hệ tình dục ngoài đời thật;
  • Vẫn thủ dâm nhưng vô cảm hoặc ghê tởm với việc làm tình với người khác;
  • Mộng tưởng về tình dục nhưng không làm tình với người khác mà chỉ quan sát;
  • Những mộng tưởng về tình dục với đối tượng là người nổi tiếng, nhân vật hư cấu;
  • Mộng tượng về tình dục nhưng đối tượng tình dục thường chung chung hoặc là một đối tượng bất kỳ;
  • Tưởng tượng về tình dục, nhưng qua góc nhìn của cá nhân khác chứ không phải là bản thân họ;
  • Mộng tưởng về tình dục nhưng đối tượng tình dục là chính bản thân và không có người khác;
  • Mộng tưởng về tình dục nhưng lý tưởng hoá. Việc thêm các yếu tố thực tế làm họ mất hứng;
  • Cảm thấy thu hút hoặc hấp dẫn về mặt tình dục với ai đó. Nhưng thay vì cảm thấy hứng thú với việc làm tình với người đó ngoài đời thực thì họ thích việc tưởng tượng và ngưỡng mộ những người đó hơn;
  • Yêu thích các nội dung khiêu dâm. Nhưng bị gợi tình bởi nhân vật trong đó chứ không phải bởi một người thật đối với họ.
Lịch sử

Cụm từ autochorisexual lần đầu xuất hiện khi Tiến sĩ Anthony Bogaert rút ra từ cụm “autochoris”, có nghĩa là “tình dục phi danh tính”. Ông định nghĩa nó như là 1 sự lệch lạc về mặt tình dục. Vì vào thời điểm đó, vô tính vẫn được coi là một rối loạn tâm lý.

Thuật ngữ autochorisexual đã gây tranh cãi giữa những người “bỏ ngoài tai” nguồn gốc tiêu cực của nó và những người muốn thay đổi mối liên kết tiêu cực vốn có bằng việc sử dụng một thuật ngữ khác là aegosexual, bắt nguồn từ tiếng Latin và dễ phát âm hơn, có thể được sử dụng để giảm tính tiêu cực.

Nhiều người trong cộng đồng không đồng tình với định nghĩa của Bogaert về thuật ngữ autochorisexual. Do đó, nhãn aegosexual được sử dụng rộng rãi hơn.

Cupioromantic

Cupioromantic
Nguồn: LGBTA Wiki

Cupioromantic (trước đây được gọi là Kalosromantic) là một nhãn nhỏ trong phổ Vô ái. Cupioromantic chỉ những người muốn một mối quan hệ lãng mạn mà không trải qua sự thu hút lãng mạn.

Thuật ngữ cupioromantic có thể được sử dụng để chỉ những người mong muốn có một mối quan hệ lãng mạn ngay cả khi chưa có bất kỳ tình cảm nào với đối phương. Ví dụ, một người hẹn hò với ai đó trước cả khi cảm thấy thu hút về mặt tình cảm. Họ cho rằng đó là “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.

Người cupioromantic có thể vẫn hẹn hò kể cả khi không còn tình cảm với đối phương.

Pomosexual

Pomosexual
Nguồn: LGBTA Wiki

Định nghĩa

Pomosexuality được dùng để chỉ những người tự định nghĩa xu hướng tính dục của mình, hoặc những ai cảm thấy không có nhãn xu hướng tính dục nào phù hợp với mình vì bất kỳ lý do gì. Những người pomosexual không thấy thoải mái khi với những nhãn đồng tính, dị tính, hoặc queer. Họ từ chối lựa chọn những nhãn đó để gọi tên danh tính của bản thân.

Lịch sử

Thuật ngữ “pomosexuality” được tạo ra bởi Carol Queen và Lawrence Schimel trong cuốn sách năm 1997 “Pomosexuals: những nhận định đầy thách thức về Giới và Tình dục”.

Trong nghiên cứu của mình, Queen và Schimel thấy rằng, mặc dù các nhãn xu hướng tình dục tương đối đa dạng và có thể phù hợp với nhiều người, vẫn có một bộ phận cảm thấy rằng không có nhãn dán nào là phù hợp. Thậm chí, họ cho rằng, đôi lúc các nhãn có thể vô tình định nghĩa ngược lại con người họ.

Trong suốt lịch sử xuất bản, đặc biệt khi vừa công bố ấn bản đầu tiên, không chỉ cuốn sách mà cả Carol Queen và Lawrence Schimel đều bị chỉ trích gay gắt vì cộng đồng cho rằng họ đang cố gắng tạo ra sự thay thế đối với văn hóa LGBT. Ngày nay, nhãn pomosexuality đã được chấp nhận rộng rãi trong cộng đồng.

Skoliosexual

Skoliosexual
Nguồn: Sexuality Wiki

Định nghĩa

Skoliosexual hay Scoliosexual là thuật ngữ chỉ nhóm bị thu hút bởi những người chuyển giới hoặc phi nhị nguyên giới. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bị thu hút bởi những người hợp giới.

Xu hướng tình dục này nhìn chung vẫn còn khá mới mẻ. Có ý kiến cho rằng skoliosexual phải là sự thu hút đối với người không thuộc hợp giới. Bên cạnh đó, nhiều người lại coi thuật ngữ này phù hợp với người cảm thấy bị thu hút bởi những cá nhân thuộc phi nhị nguyên giới.

Đa số vẫn coi đây là một dạng khuynh hướng tình dục riêng biệt như dị tính hay đồng tính. Tuy nhiên, một vài quan điểm cho rằng nhãn skoliosexual là không cần thiết. Thậm chí coi đây là nhãn mang tính phân biệt đối xử. Do nó phân loại trải nghiệm hấp dẫn tình dục phụ thuộc vào đối tượng hấp dẫn có phải là người hợp giới hay không.

Những cái tên khác của Skoliosexual

Một số người ưa thuật ngữ “ceterosexual” hơn “skoliosexual” vì tiền tố “skolio-” bắt nguồn từ một từ gốc Hy Lạp nghĩa là “bị bẻ cong” và cho rằng “skoliosexual” ám chỉ những người phi nhị nguyên giới hoặc chuyển giới là sai trái. Thuật ngữ Ceterosexual xuất phát từ gốc Latin với nghĩa là “khác”. Nó không mang hàm ý tiêu cực như thuật ngữ còn lại.

Spectrasexual

Nhãn tính dục: Spectrasexual
Nguồn: LGBTA Wiki

Spectrasexual là một xu hướng đa tình dục có sự tương đồng nhất định với Polysexual, Pansexual và Omnisexual. Những người thuộc Spectrasexual có thể cảm thấy thu hút về mặt tình dục với cá nhân thuộc nhiều xu hướng giới và khuynh hướng tình dục khác nhau.

Comsexual

Comsexual giống với allosexual ở điểm: chúng đều chỉ những cá nhân cảm nhận được sự thu hút tình dục. Tuy nhiên, đối ngược với allosexual – một nhãn dán tình dục được dùng để chỉ chung nhiều xu hướng tính dục khác nhau, comsexuallity là một nhãn dành cho những cá nhân cảm thấy sự kích thích là đủ thỏa mãn và không cần tiến xa hơn.

Cryptosexual

Cryptosexual là một xu hướng tình dục dành cho những người vẫn còn băn khoăn, bối rối hoặc vẫn đang khám phá xu hướng tình dục của bản thân. Họ chưa thể miêu tả chính xác xu hướng tính dục của mình theo bất kỳ nhãn tính dục nào. Do đó, họ lựa chọn thuật ngữ này để miêu tả bản thân. Cryptosexual là nhãn tính dục mới nhất được cộng đồng chấp nhận. Nó đã trở thành một mảnh ghép của “chiếc ô giới tính”.

Novisexual

Novisexual là nhãn xu hướng tính dục dành cho những người không thể hoặc không muốn đặt ra khái niệm chính xác về trải nghiệm tình dục của bản thân . Trải nghiệm tính dục của họ không thể được giải thích bởi một thuật ngữ hay ngôn ngữ nào.

Làm sao để ủng hộ những người có tính dục thiểu số?

Làm sao để ủng hộ những người có nhãn tính dục thiểu số

Định vị một nơi an toàn

Treo cờ cầu vồng,thông điệp, hình ảnh như biển báo không gian an toàn của tổ chức GLSEN. Từ đó, định vị một nơi sẵn sàng chấp nhận và hỗ trợ những người trong cộng đồng.

Tôn trọng, thừa nhận danh tính và nhãn của các cá nhân

Tôn trọng, thừa nhận danh tính và nhãn của các cá nhân: Sử dụng ngôn từ không phân biệt giới. Ví dụ: dùng “người yêu” thay vì “bạn trai/bạn gái”; hay chủ động hỏi “Bạn muốn được xưng hô như thế nào nào?”, “Bản dạng giới của bạn là gì?”.

Tự tìm hiểu những kiến thức cần thiết qua các trang thông tin điện tử

  • Tìm đọc những tài liệu hỗ trợ dành cho cha mẹ hay bạn bè của cá nhân trong cộng đồng ở PFLAG, Dự án xây dựng sự chấp thuận trong gia đình (Family Acceptance Project) , hoặc Trung tâm cộng đồng LGBT;
  • Một số trang web chung cho tất cả những ai nghĩ bản thân là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, phi nhị nguyên giới hoặc thắc mắc về xu hướng tính dục hay bản dạng giới của mình:
  • Tìm đọc những quan điểm, kinh nghiệm từ những người cùng cộng đồng. VYA xin chia sẻ đến bạn một vài trang tin dưới đây:
    • Black Girl Dangerous – tạp chí trực tuyến dành cho người đồng tính và chuyển giới da màu. (Tuy không còn được cập nhật vẫn là một kho lưu trữ với những bài báo hữu ích);
    • Them – tạp chí và nền tảng trực tuyến được viết bởi và dành cho cộng đồng LGBT, bao gồm tin tức, chính trị, quan điểm và nghệ thuật và văn hóa;
    • The Be you Project.

Đến đây, chúng mình tin là bạn đã có thêm nhiều thông tin hữu ích về bản dạng giới và nhãn tính dục thiểu sổ. Hãy luôn nhớ rằng, dù có định nhãn bản thân hay không cũng như dù bạn lựa chọn nhãn thế nào, tất cả chúng ta đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Đừng ngần ngại lên tiếng nếu bạn thấy những người xung quanh đang xúc phạm bất kỳ một cá nhân nào nhé. Và nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào cần “gỡ rối” về vấn đề này, VYA luôn ở đây! Cuối cùng, hẹn gặp lại bạn trong những bài viết tiếp theo của chúng mình.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://lgbta.fandom.com/wiki/Aegosexual

https://lgbta.fandom.com/wiki/Pomosexual

https://taimi.com/wiki/pomosexuality-what-is-it-what-does-it-mean

https://www.webmd.com/sex/what-is-skoliosexuality?simple=True

https://www.socialworkers.org/LinkClick.aspx?fileticket=jjq0-NcZlU0%3D&portalid=0

https://www.lambdalegal.org/know-your-rights/article/youth-info-for-families

https://www.glaad.org/resources/ally/2

https://genderspectrum.org/articles/understanding-gender

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây