Cẩn thận trước Gaslighting – Thao túng tâm lý

Cẩn thận trước Gaslighting - Thao túng tâm lý
Thời gian đọc: 12 phút

Có bao giờ bạn luôn tự chất vấn, đổ lỗi và dần mất niềm tin vào bản thân chưa? Có bao giờ bạn từ chối lắng nghe bản thân và cho rằng mình đang phức tạp hóa mọi chuyện lên không?  “Liệu mình có đang suy nghĩ quá mọi chuyện không nhỉ?”. “Mọi chuyện không như vậy đâu!”. Nếu đã từng dù chỉ một lần xuất hiện những suy nghĩ đó thì rất có thể bạn đang bị ai đó tháo túng tinh thần đấy! Gaslighting đã và đang trở thành “hòn đá” ngáng đường chúng ta trên con đường xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Trên thực tế, nhiều nạn nhân mặc dù đang bị thao túng tâm lý nhưng cũng dần tin vào những lời nói dối và tự nghi ngờ chính mình. Liệu bạn đã hiểu rõ những dấu hiệu của gaslighting? Hãy đồng hành cũng VYA trong bài viết dưới đây để nâng cao nhận thức của bản thân về hành vi này nhé!

Khái quát

Khái quát
Nguồn ảnh: https://granitebaytoday.org/what-is-gaslighting/

Gaslighting là một thủ thuật thao túng tâm lý bằng cách cố gắng thuyết phục ai đó rằng họ sai cho dù sự thực không phải như vậy. Theo cách hiểu thông thường, gaslighting bao gồm các hành vi như không đồng ý với ai đó hoặc từ chối lắng nghe quan điểm của họ một cách thường xuyên. Thủ thuật thao túng tâm lý này có thể coi là một hình thức lạm dụng cảm xúc nghiêm trọng trong một số trường hợp, chẳng hạn, một người có thể sử dụng gaslighting nhằm kiểm soát tinh thần bạn đời. Nạn nhân trải qua gaslighting trong thời gian dài có xu hướng nghi ngờ suy nghĩ của chính bản thân, thậm chí không biết rằng mình có đang tỉnh táo hay không, dần dần, lòng tự trọng và sự tự tin của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Chính bởi vậy, nếu bị thao túng tâm lý theo cách này, nạn nhân cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các cơ sở trị liệu tâm lý. 

Thuật ngữ “gaslighting” này bắt nguồn từ một vở kịch năm 1938 mang tên “Gas Light” (Đèn khí ga). Trong vở kịch, một người phụ nữ bị chồng thuyết phục rằng tâm lý của cô không ổn định. Người chồng đã thay đổi một vài yếu tố nhỏ xung quanh vợ, ví dụ như vặn nhỏ đèn khí ga trong nhà, rồi nói rằng vợ mình chỉ đang tưởng tượng ra những thay đổi đó mà thôi. Mục đích của anh ta là để tống vợ mình vào trại tâm thần hòng chiếm đoạt tài sản thừa kế của cô. 

Kẻ gaslight sẽ cố gắng làm cho nạn nhân nghi ngờ nhận thức về thực tế của họ. Người này có thể thuyết phục đối phương rằng ký ức của họ không đúng hoặc họ chỉ đang phản ứng thái quá thôi. Sau đó, kẻ lạm dụng có thể trình bày những suy nghĩ và cảm xúc của riêng họ như thể đó mới là “sự thật thực sự”. Ban đầu, nạn nhân có thể chống đối. Họ có thể linh cảm được có điều bất thường trong mối quan hệ giữa hai người. Nhưng bởi vì mỗi sự việc gaslighting xảy ra đều rất nhỏ nhặt, họ không thể xác định được cụ thể điều gì khiến họ cảm thấy khó chịu. Theo thời gian, người đó sẽ bắt đầu nghi ngờ cảm xúc và ký ức của họ. Họ có thể dựa vào kẻ lạm dụng để cho hỏi xem liệu trí nhớ của họ có chính xác hoặc cảm xúc của họ có “hợp lý” hay không. Lợi dụng lòng tin của nạn nhân, kẻ gaslight sẽ giành quyền kiểm soát họ. 

Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân hoặc kẻ thực hiện hành vi gaslighting, không quan trọng giới của họ là gì. Ngoài ra, gaslighting không chỉ xuất hiện trong các mối quan hệ tình cảm, mà còn có thể xảy ra trong các tình huống khác, ví dụ như ở nơi làm việc. 

Dấu hiệu nhận biết

Dấu hiệu nhận biết
Nguồn ảnh: https://wilwheaton.net/2021/09/this-is-what-gaslighting-sounds-like/

Các hành vi gaslighting phổ biến bao gồm:

  • Khước từ: Từ chối lắng nghe hoặc giả vờ không hiểu những mối quan ngại của nạn nhân. Ví dụ: “Tôi không có thời gian để nghe thứ vô nghĩa này”;
  • Phản bác: Chất vấn trí nhớ của nạn nhân. Kẻ lạm dụng có thể phủ nhận việc trí nhớ của nạn nhân là chính xác (cho dù họ nhớ đúng). Họ cũng có thể bịa ra các chi tiết về những việc chưa từng diễn ra. Ví dụ: “Tôi đã nghe bạn nói rồi! Bạn không bao giờ nhớ chính xác những cuộc trò chuyện của chúng ta”;
  • Quên/Bác bỏ: Giả vờ quên các sự việc đã xảy ra để làm trí nhớ của nạn nhân có vẻ càng không đáng tin. Kẻ lạm dụng có thể từ chối hứa hẹn để trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ: “Bạn đang nói gì vậy? Tôi chưa bao giờ hứa với bạn điều đó”;
  • Chặn lời/Chuyển chủ đề: Thay đổi chủ đề để chuyển hướng sự chú ý của nạn nhân khỏi chủ đề đó. Kẻ lạm dụng có thể biến cuộc trò chuyện thành một cuộc tranh cãi về sự đáng tin của nạn nhân. Ví dụ: “Bạn lại nói chuyện với em gái của mình phải không? Cô ấy luôn khiến bạn nảy ra những ý tưởng ngu ngốc”;
  • Tầm thường hóa: Khẳng định rằng một người đang phản ứng thái quá với hành vi gây tổn thương. Hành vi này có thể khiến một người tin rằng cảm xúc của họ thật vớ vẩn. Ví dụ: “Bạn nhạy cảm quá! Mọi người đều thấy trò đùa của tôi buồn cười mà”.

Kẻ lạm dụng thường lợi dụng “sai lầm” và “phản ứng thái quá” của đối phương để đóng vai nạn nhân. Ví dụ, một kẻ lạm dụng có thể hét lên những lời buộc tội một người cho đến khi người đó phải lên giọng để có thể nói cho rõ. Sau đó, kẻ lạm dụng có thể cắt ngang cuộc trò chuyện, cho rằng người kia đã “mất kiểm soát” và “quá hung hăng”. Trong một số trường hợp, kẻ lạm dụng có thể buộc tội người kia mới là kẻ gaslight thực sự.

Ảnh hưởng của hành vi gaslight

Ảnh hưởng của hành vi gaslight
Nguồn ảnh: https://www.purewow.com/wellness/gaslighting-phrases

Đối với nạn nhân

Gaslighting có thể mang những tác động rất tiêu cực tới sức khỏe tâm lý của một người. Quá trình này thường diễn ra từ từ, làm sự tự tin và lòng tự trọng của người đó ngày một giảm sút, thậm chí khiến họ dần tin rằng họ đáng bị đối xử như vậy. Gaslighting cũng có thể ảnh hưởng đến đời sống xã hội của một người. Kẻ ngược đãi có thể khiến họ cắt đứt quan hệ với những người xung quanh, bao gồm cả gia đình và bạn bè thân thiết bằng việc tự cô lập bản thân, tin rằng tinh thần của họ không ổn định hoặc không đáng được yêu thương. Gaslighting là một hình thức lạm dụng thầm lặng, phát triển dựa trên sự không chắc chắn. Một người có thể trở nên mất lòng tin vào tất cả những gì họ nghe, cảm nhận và ghi nhớ. Gaslighting có thể dẫn đến việc phát triển các vấn đề về sức khỏe tâm lý: việc thường xuyên bối rối và nghi ngờ bản thân góp phần gây nên chứng rối loạn lo âu, hay tâm trạng tuyệt vọng và sự tự ti dẫn đến bệnh trầm cảm. Căng thẳng sau chấn thương và sự phụ thuộc vào người khác cũng là biến chứng phổ biến.

Không giống như bạo hành thể chất, các hình thức lạm dụng tâm lý như gaslighting rất khó để phát hiện, nghiêm trọng hơn có thể bị xem là những chuyện nhỏ nhặt, vô hại. Hơn nữa, hành vi lạm dụng tâm lý không để lại vết sẹo rõ ràng và dễ thấy trên nạn nhân, từ đó khiến thủ phạm và ngay cả nạn nhân coi nhẹ hành vi gây hấn về mặt tâm lý. Theo thời gian, những hành vi ngược đãi như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân, tuy nhiên, nạn nhân thường cảm thấy khó có thể thoát khỏi mối quan hệ bạo hành tinh thần này.

Đối với mối quan hệ

Gaslight có thể tạo ra mối quan hệ độc hại, làm nạn nhân bị lệ thuộc vào đối phương và tưởng tưởng chừng như không thể nào thoát ra được. Cha mẹ gaslight con cái dẫn đến nhiều vết thương tâm lý khó chữa lành. Một người đang trong mối quan hệ tình cảm gaslight đối phương để nắm quyền kiểm soát và điều khiển người mình yêu. Người quản lý có hành vi gaslighting đối với nhân viên nhân viên sẽ tạo ra môi trường làm việc nguy hiểm và độc hại. 

Tìm hiểu thêm với VYA về Chấm dứt mối quan hệ độc hại: Nên hay không? tại đây!

Dù là vô tình hay cố ý, những hành vi gaslighting đều đem lại những tổn thương về sức khỏe tinh thần cho nạn nhân. Họ mất đi sự tự tin, không tin tưởng bản thân. Nghiêm trọng hơn, một khi đã trải qua việc bị thao túng tâm lý, nhiều người sẽ gặp khó khăn trong việc tin tưởng người khác để phòng việc trở thành nạn nhân của gaslighting thêm một lần nữa. Những nạn nhân của gaslighting còn có xu hướng tự đổ lỗi cho bản thân vì đã không sớm nhận ra những hành vi thao túng tâm lý này sớm hơn. Từ đó, họ dần thu mình lại và từ chối mở lòng với các mối quan hệ xã hội.

Giải pháp

Giải pháp
Nguồn ảnh : https://www.nytimes.com/2022/03/28/well/live/gaslighting-doctors-patients-health.html

Nếu bạn là nạn nhân

  • Đừng chịu trách nhiệm thay cho hành vi của người khác. Đối phương có thể đổ lỗi cho bạn, cố chấp cho rằng hành vi gaslight là do bạn khiêu khích và họ chỉ bất đắc dĩ mới làm vậy mà thôi. Nếu bạn tiếp tục bỏ qua những biểu hiện mang tính xúc phạm và thao túng từ đối phương, họ sẽ lợi dụng điều đó và tìm thêm nhiều nguyên cớ mới để chối bỏ trách nhiệm của mình;
  • Đừng hi sinh bản thân cho cảm xúc của đối phương. Dù cho bạn có dành cả đời để làm đối phương hạnh phúc, bạn sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu kiểm soát của họ. Đa số người gaslight thường có những khoảng trống tâm lý cần được lấp đầy, nhưng họ hoàn toàn không có quyền hàn gắn trái tim mình bằng cách làm tổn thương trái tim bạn;
  • Có niềm tin vào bản thân. Người gaslight sẽ không bao giờ đặt mình vào góc nhìn của bạn để thấu hiểu và giải quyết vấn đề. Chỉ vì đối phương kiên quyết với một quan điểm không có nghĩa là họ đúng. Việc họ nói rằng bạn là người thế nào không nói lên được con người thật của bạn, đó chỉ là góc nhìn phiến diện của họ mà thôi;
  • Đừng tranh luận theo lí lẽ của họ. Khi đối phương đã cố tình tạo dựng, bịa đặt ra một “sự thật” nhằm có cơ hội kiểm soát và thao túng, mọi nỗ lực trò chuyện của bạn đều là vô ích. Bạn dễ dàng bị cuốn theo lí lẽ của họ, tập trung tranh luận xem cái gì là sự thật thay vì nêu ra quan điểm và suy nghĩ thật sự mà bạn muốn nói. Lúc này, họ sẽ sử dụng các kĩ xảo gaslight để biến mình thành người thắng cuộc trong cuộc tranh luận ấy. Luôn nhớ rằng, bạn không có nghĩa vụ phải chấp nhận những kết luận dựa trên “sự thật” ngụy tạo đó;
  • Đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu. Những hành vi gaslight thường khiến nạn nhân nghi ngờ trực giác và trí nhớ của mình. Vậy nên, ngay khi bạn cảm nhận được có điều gì đó không ổn, hãy tìm cách thoát khỏi khỏi tình huống đó càng sớm càng tốt. Bạn không cần phải chứng minh những lời đe dọa của đối phương có thực sự tiềm ẩn nguy cơ gây hại hay không, đó là việc của cảnh sát. Việc bạn nên làm là cảnh giác tối đa với tất cả những lời đe dọa dù vô tình hay cố ý của đối phương và luôn đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu;
  • Luôn nhớ rằng bạn không hề cô đơn. Hãy chia sẻ câu chuyện của mình cho những người mà bạn tin tưởng ngay khi có cơ hội. Đó có thể là gia đình, người thân, bạn bè thân thiết, hoặc chính quyền địa phương hay các tổ chức xã hội nơi bạn sinh sống. Bạn không hề cô đơn trong cuộc chiến bảo vệ bản thân, luôn ghi nhớ điều này nhé;
  • Đến gặp bác sĩ tâm lý. Bác sĩ tâm lý sẽ giúp bạn nhận biết đâu là hành vi có biểu hiện gaslight, đâu là hành vi lành mạnh hay độc hại, từ đó giúp bạn tránh bị thao túng tâm lý. Trong một số trường hợp cụ thể, các bác sĩ thậm chí có thể hỗ trợ bạn thoát khỏi mối quan hệ gaslight một cách an toàn nhất. Khi tiếp nhận điều trị, nạn nhân bị thao túng tâm lý có thể lấy lại sự tự tin cũng như giành lại được quyền kiểm soát cuộc sống và suy nghĩ bản thân;
  • Tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những hành vi gaslighting. Nhiều trường hợp ghi nhận, người gaslight đôi khi không cố ý, hoặc không nhận thức được hành vi của bản thân là một dạng bạo hành tâm lý. Nguyên nhân có thể xuất phát từ cách giáo dục sai lầm của cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ, dẫn tới việc họ mang theo những hành vi thao túng đến tận khi trưởng thành. Khi bạn đề cập đến vấn đề này, rất có thể đối phương sẽ chối bỏ hoặc tìm cách đổ lỗi. Đa số người gaslight cũng từng là nạn nhân của bạo hành tâm lý trong quá khứ, và chính họ cũng rất cần được hỗ trợ để chữa lành những tổn thương tâm lý này.

Nếu bạn là người thân của nạn nhân

Nếu nhận thấy người thân hay bạn bè xung quanh mình có thể là nạn nhân của gaslight, hãy thử tìm cơ hội để:

  • Đưa ra quan điểm của bản thân;
  • Giúp đỡ nạn nhân làm rõ các hình vi gaslight, thao túng độc hại;
  • Hỗ trợ tinh thần nạn nhân trong quá trình họ tiếp nhận điều trị tâm lý.

Sự xa cách, lạnh nhạt trong mối quan hệ giữa bạn và nạn nhân sẽ chỉ khiến tình trạng gaslight trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, VYA mong bạn hãy cố gắng ở bên những người thân yêu của mình nhiều nhất có thể nhé. 

Nếu người gaslight là bạn

  • Nhận ra những hành vi đó là gaslighting. Thông thường, người gaslight sẽ không nhận ra những hành vi tưởng chừng vô hại đó của mình lại là biểu hiện của gaslight. Vậy nên, cách hiệu quả nhất để nhận ra là hãy chủ động nói chuyện với những người bạn đã từng chịu tổn thương trong quá khứ;
  • Cẩn trọng trong lời nói. Hãy cố gắng suy nghĩ cẩn trọng trước khi nói. Bạn có thể tự hỏi mình rằng: liệu điều đó có tổn thương đối phương không. Đặt mình vào vị trí của người nghe, liệu bạn có muốn có muốn nghe những thứ lời nói ấy không? Bạn có đang gây hiểu lầm không? Hay bạn có đang nói những điều mà bản thân biết chắc rằng sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn và tranh cãi? Giai đoạn này không hề dễ dàng và đòi hỏi cả bạn cũng như đối phương phải dành nhiều thời gian nghiêm túc trao đổi, trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, góc nhìn của bản thân cho nhau;
  • Nhận biết đâu là vấn đề thực sự. Người gaslight thường có xu hướng cho mình là nạn nhân bằng cách làm quá lên những điều nhỏ nhặt. Thay vì thổi phồng những vấn đề nhỏ, hãy thử bình tâm lại, bạn sẽ nhận ra là mình có thể hạn chế rất nhiều những cuộc tranh cãi không đáng có. Với những vấn đề thực sự cần nghiêm túc trao đổi, giao tiếp cởi mở chính là chìa khóa giải quyết những tất cả, điều này đúng với cả người gaslight hay người bị gaslight;
  • Chấp nhận sự thật, không chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm. Ngay khi nhận ra bản thân là người thao túng tâm lý, bạn hãy thừa nhận thẳng thắn và tìm cơ hội xin lỗi nạn nhân. Đừng chối bỏ trách nhiệm của mình hay tìm cách đổ lỗi cho những hành vi sai lầm đó của bản thân. Có thể lúc đầu mọi người sẽ không tin tưởng, thậm chí là phán xét bạn. Không sao cả, những gì bạn cần là hãy cố gắng thay đổi và trở thành một phiên bản tốt hơn nhé;
  • Cải thiện quan hệ với đối phương. Đừng chỉ xin lỗi suông cho qua chuyện, hãy tìm cách kết nối và hàn gắn lại mối quan hệ với người đã bị bạn làm tổn thương vì những hành vi gaslight của bản thân trong quá khứ. Hãy tìm cách chứng minh cho đối phương hiểu là bạn đang cố gắng thay đổi từng ngày.

Có thể thấy Gaslighting thường diễn ra một cách chậm rãi nhưng lại có những tác động vô cùng mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của hầu hết chúng ta. Quả thật, gaslighting rất khó để tự mình nhìn nhận ra nhưng chúng ta hãy cố gắng tỉnh táo trong các mối quan hệ để bản thân không phải chịu bất kì một thiệt thòi nào nhé! Hãy tin tưởng vào bản thân vì ở ngàoi thế giới rộng lớn kia bạn không chỉ có một mình đâu, mà còn rất nhiều người sẵn sàng yêu thương và giúp đỡ bạn.


Những hành vi gaslight, dù là vô tình hay cố ý, đều để lại những tổn thương tâm lý khó chữa lành cho các nạn nhân. Vietnam Youth Alliance hi vọng qua bài viết trên, bạn đã có một cái nhìn toàn diện hơn về hình thức bạo hành và thao túng tâm lý phổ biến này, cũng như nắm được những giải pháp cơ bản nhất nếu bản thân rơi vào tình huống trở thành người gaslight hay người bị gaslight. Cuối cùng, cảm ơn bạn vì đã đồng hành cùng chúng mình. Hãy tiếp tục ủng hộ những bài viết tiếp theo của VYA nhé!

Người thực hiện: Lam, Châu V., X.T., T.M.T., Vân Khanh, Phan Chi, Phương.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây