Từ trước đến nay, gia đình vẫn luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Gia đình, đặc biệt là phụ huynh, là một trong những yếu tố quyết định tới sự hình thành nhân cách của một đứa trẻ. Có lẽ vì thế, nhiều người bày tỏ sự quan ngại khi nhắc tới chủ đề về gia đình LGBT. Bởi đối với họ, việc các thành viên thuộc cộng đồng cờ lục sắc có một gia đình cho riêng mình có thể đem lại nhiều nguy cơ cho xã hội và chính bản thân đứa trẻ.
Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lệch. Những gia đình nằm ngoài khuôn mẫu dị tính hợp giới cũng là hạt nhân tích cực cho xã hội. Và để chứng minh cho điều ấy, VYA xin gửi tới các bạn bài viết ngày hôm nay.
Gia đình LGBT
Định nghĩa
Gia đình là một khái niệm trừu tượng. Bởi lẽ mỗi người đều sẽ có một cách nhìn nhận khác nhau xoay quanh chủ đề này. Vì thế, rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Thế nào là gia đình?”
Powell, Bolzendahl, Geist và Steelman (2010) cho rằng đối với người Mỹ, định nghĩa về gia đình có thể rất bao quát như “một cặp đôi đồng giới hay dị giới, có hoặc không có con” hay “tất cả các hộ gia đình có con, bao gồm cả các gia đình đồng giới”, hoặc cũng có thể rất hẹp như “một cặp đôi dị giới đã kết hôn và có con”. Đồng thời, theo nghiên cứu của Becker & Todd (2013), dựa trên bối cảnh thời gian và văn hóa, các định nghĩa thường thấy về một gia đình đã và đang có một sự ảnh hưởng nhất định tới quan niệm về các gia đình LGBT.
Với một số người, gia đình LGBT không quá khác biệt so với gia đình dị tính hợp giới. Nhưng cũng có nhiều người phân biệt rất rõ hai khái niệm này. Trong bài viết này, ta hiểu khái niệm gia đình LGBT theo nghĩa rộng. Nó bao gồm cả những cặp bạn đời đồng giới ở chung với nhau và có con, hay các gia đình dị tính trong đó có thành viên là người chuyển giới, v.v.
Cuộc sống của các gia đình LGBT tại Việt Nam
Những quan niệm lạc hậu và định kiến tiêu cực
Quan niệm truyền thống về tình dục và tính dục của văn hóa Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thường bảo thủ và cực đoan. Đa số phụ huynh của những người thuộc cộng đồng LGBT có suy nghĩ về giới dựa trên những quan niệm lạc hậu và không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Thường họ không thể chấp nhận được việc con mình có xu hướng tính dục, danh tính hay hành vi khác với quy chuẩn xã hội, và sẽ phản đối mạnh mẽ.
Gia đình và toàn xã hội nói chung, thường không tiếp cận thông tin chính xác về cộng đồng LGBT. Do đó, họ nhìn nhận không đúng về khái niệm xu hướng tính dục, bản dạng giới. Thay vào đó, họ tiếp xúc với định kiến tiêu cực trên các phương tiện truyền thông và giải trí. Những thứ này thường thu hút người xem bằng tiêu đề, hình ảnh mang tính giật gân, sai sự thật. Vì vậy, họ khó mà thấu hiểu cho con cái mình. Những người thuộc cộng đồng bị chính gia đình kỳ thị, bạo lực và bị “chữa bệnh” bằng những phương thức hành hạ về thể chất và tinh thần. Họ bị ép cưới người mình không yêu. Để rồi hôn nhân rạn nứt sau thời gian ngắn, càng làm tổn thương hơn hình ảnh cộng đồng LGBT.
Những chuyển biến tích cực
Tuy nhiên, xã hội đã có những chuyển biến tích cực nhất định. Trong hội nghị về dự luật chuyển giới, các chuyên gia đã nhấn mạnh: Dự luật Chuyển giới yêu cầu mọi người được hưởng lợi ích thai sản và quyền được kết hôn theo bản dạng giới của mình. Từ đó người chuyển giới nam mang thai và sinh con sẽ có lợi ích thai sản thông thường, và người chuyển giới sẽ sẽ được các quyền lợi khác theo như luật pháp và hiến pháp, một khi họ được công nhận là một người chuyển giới.
Thành quả trên đạt được không chỉ nhờ cố gắng của cấp chính quyền mà còn của cả xã hội. Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE và Trung tâm ICS (một tổ chức ở Hà Nội về quyền lợi LGBTQ+) phát động chiến dịch “Tôi đồng ý” với mục tiêu kêu gọi 250.000 chữ ký để ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.
Lương Thế Huy, viện trưởng viện iSEE, nói rằng chiến dịch đã phá vỡ tất cả kỉ lục từ trước và đã cho thấy được xã hội Việt Nam đã phát triển thế nào sau 10 năm. Psg. Nguyễn Đức Lộc, viện trưởng Viện Nghiên cứu SocialLife đã nói rằng, so với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam tương đối cởi mở với cộng đồng LGBT nói chung và các gia đình LGBT nói riêng, và các ý kiến phản đối thường tới từ chính gia đình của những người thuộc cộng đồng.
Ví dụ về gia đình LGBT tại Việt Nam
Ở Việt Nam, hôn nhân đồng giới vẫn chưa được hợp pháp hóa. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình nhận nuôi hoặc có con của các cặp đôi đồng tính. Ngoài ra, ta phải thừa nhận rằng vẫn còn tồn tại những định kiến sai lệch về xu hướng tính dục, bản dạng giới và cả sự phân biệt đối xử từ những người bên ngoài cộng đồng.
Sự ám ảnh về chuẩn mực xã hội đã khiến nhiều người tin rằng những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong một gia đình phi truyền thống sẽ bị lệch lạc, bất bình thường. Chính điều này phần nào đã làm ảnh hưởng và gây cản trở tới quá trình phát triển của trẻ.
Hiện nay, có rất nhiều các cặp đôi người Việt thuộc cộng đồng LGBT đã xuất ngoại để đăng ký kết hôn để nhận được sự bảo hộ của pháp luật. Tuy nhiên, đối với những người khác – họ không cần giấy chứng nhận kết hôn để có thể trở thành một gia đình hạnh phúc “đúng nghĩa” theo chuẩn mực dị tính hợp giới.
Sau đây, VYA xin giới thiệu một số gia đình nổi tiếng trong showbiz Việt thuộc cộng đồng LGBT.
An Nguy và Alex
An Nguy (tên thật là Ngụy Thiên An), sinh năm 1987 từng tham gia một số phim điện ảnh như Chờ em đến ngày mai, Chú ơi, đừng lấy mẹ con!…
Ngoài ra, chuyện tình cảm của An Nguy và người yêu đồng giới Alex Nguyễn được quan tâm không kém. Ngày 25/12 năm ngoái, An Nguy bất ngờ công khai việc có con chung với Alex Nguyễn.
Tháng 3/2021, An Nguy sinh con gái tại Mỹ. Em bé của An Nguy và Alex Nguyễn là Thiên Ý và gọi bằng tên thân mật là bé Bay. Trước sự quan tâm của người hâm mộ, An Nguy từng viết trên trang cá nhân: “Mình vừa có em bé, và bản thân mình cũng chưa dám chắc liệu mình có thể trở thành người mẹ đủ tốt cho con hay không. Mình chỉ biết cố gắng hết sức, dù lúc vui hay buồn, không để con phải cô đơn trong cuộc đời này”.
Adrian Anh Tuấn – Sơn Đoàn
Đây là cặp đôi luôn nhận được sự yêu mến từ cộng đồng LGBT. Bên cạnh đó, cả hai cũng luôn đồng hành, hỗ trợ động viên đối phương trong sự nghiệp. Tình yêu của Adrian Anh Tuấn – Sơn Đoàn là sự đồng điệu trong cả cuộc sống và công việc.
Năm 2015, cặp đôi quyết định tặng cho nhau một cái kết viên mãn. Trong hôn lễ, nhà thiết kế nổi tiếng cầm chặt tay bạn đời xúc động thổ lộ: “Ngay từ đầu khi gặp em, anh đã biết mình sẽ dành trọn cuộc đời mình để ở bên em. Anh đã yêu em ngay từ cái nhìn đầu tiên“.
Vào năm 2016, hai người đã tiết lộ kế hoạch nhờ người mang thai hộ để có con. Nhưng điều này không mấy suôn sẻ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng cặp đôi không phải một gia đình thực sự.
John Huy Trần – Nhiệm Huỳnh
Chàng biên đạo múa nổi tiếng có một mối tình “khắc cốt ghi tâm” suốt 10 năm bên bạn trai. Cả hai cũng từng trải qua những giai đoạn khó khăn trong mối quan hệ. Nhưng cuối cùng cái kết viên mãn cũng đã đến sau màn cầu hôn ngọt ngào của John Huy Trần.
Cả hai cũng từng lo ngại về việc công khai sẽ nhận những ý kiến trái chiều. Nhưng đến nay, tình yêu này vẫn nhận được sự ủng hộ từ bạn bè và gia đình đôi bên.
Và giờ đây, cả hai vẫn cố gắng để có một đứa con với sự trợ giúp của y khoa.
Lầm tưởng về gia đình LGBT
Lầm tưởng #1: Con cái cần một người cha và một người mẹ
Quan niệm này là sai, bởi vì:
- Nghiên cứu cho thấy con của một cặp đôi đồng tính có cuộc sống tốt như con của các cặp đôi dị tính khác.
- Việc thiếu một người cha hay một người mẹ trong gia đình không đem lại ảnh hưởng xấu bằng việc chỉ có một phụ huynh nuôi dạy con.
Trên thực tế, nhu cầu nhận con nuôi của các cặp đôi dị tính là quá ít so với số lượng trẻ em mồ côi cần được nhận nuôi hiện nay. Dù vậy, các trung tâm thường trao trẻ mồ côi cho cặp đôi chưa kết hôn hoặc phụ huynh đơn thân trong khi các gia đình LGBT đã kết hôn hoặc có điều kiện tốt hơn lại không được ưu tiên.
Lầm tưởng #2: Gia đình LGBT không bền vững
Chưa có nghiên cứu chỉ ra sự bất ổn định từ gia đình của cặp đôi thuộc cộng đồng LGBT. Tài liệu chỉ ra rằng những người đồng tính có thể có mối quan hệ lâu dài. Những mối quan hệ này ngang với một cặp đôi dị tính về chất lượng và độ hài lòng.
Một số nghiên cứu kết luận sự “bất ổn định” từ quan niệm tiêu cực và sai lầm rằng người đồng tính lạm dụng thuốc và các vấn đề tâm lý. Thế nhưng những quan niệm này là hoàn toàn không có cơ sở.
Lầm tưởng #3: Người đồng tính có nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em
Đây là một quan niệm vô cùng tiêu cực và không có cơ sở. Nghiên cứu cho thấy rằng dù là bất kỳ ai, với bất kỳ xu hướng tính dục và bản dạng giới nào, thì đều có khả năng bị thu hút hay bạo hành tình dục trẻ em như nhau.
Định nghĩa ấu dâm chỉ người bị thu hút về mặt tình dục với trẻ chưa hoặc mới dậy thì. Điều này cho thấy các cặp đôi LGBT sẽ không thể nảy sinh ham muốn thể xác với con mình.
Hơn nữa, những “nghiên cứu” để củng cố quan điểm sai lệch này thường được đưa ra bởi Paul Cameron, một nhà hoạt động chống đồng tính bị bác bỏ bởi giới nghiên cứu khoa học nói chung vì bóp méo hình ảnh của cộng đồng LGBT.
Lầm tưởng #4: Trẻ được nuôi dạy bởi phụ huynh đồng tính sẽ trở thành đồng tính
VYA nhấn mạnh rằng: Ta không thể chọn đối tượng thu hút về mặt cảm xúc, tình dục cho mình. Và cũng không ai có thể thay đổi tình cảm ấy – kể cả ba mẹ chúng ta. Tính dục và các mối quan hệ được tìm hiểu, học hỏi qua bố mẹ hay các cặp đôi khác. Nhưng xu hướng tính dục của ta không phải là thứ được học hay có thể kiểm soát.
Ngoài ra, vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra vì sao lại tồn tại sự đa dạng tính dục. Nhưng xu hướng tính dục của con cái không được định đoạt bởi xu hướng tính dục của bố mẹ. Trên thực tế, đa số người đồng tính đều được nuôi dưỡng bởi phụ huynh dị tính. Vậy nên quan điểm trên là hoàn toàn sai lệch.
Lầm tưởng #5: Con của người đồng tính sẽ bị bắt nạt
Ai cũng có thể là nạn nhân của bạo lực học đường. Những kẻ bắt nạt sẽ tìm mọi lý do để biện hộ cho hành vi của mình. Và xu hướng tính dục chỉ là một trong muôn vàn lý do ấy.
Nếu xuất thân từ gia đình LGBT là nguyên nhân của bắt nạt, vậy có thể hiểu rằng nguyên nhân chung của việc bắt nạt là đến từ gia đình có hoàn cảnh khác biệt. Vậy, trẻ em từ gia đình đơn thân, từ nền văn hóa khác biệt,… cũng có thể là nạn nhân.
Trong trường hợp một đứa trẻ bị bắt nạt vì chủng tộc hay vì là con của phụ huynh đơn thân, trách móc đứa trẻ đó hay phụ huynh chúng có phải là hành vi chấp nhận được không? Hay ta nên phê bình và giáo dục đứa trẻ bắt nạt và có thể là cả phụ huynh chúng?
Kết luận
Tóm lại, không có chứng cứ xác đáng rằng người thuộc cộng đồng LGBT không phù hợp làm phụ huynh; hay con của họ phát triển tâm sinh lý kém con của các cặp phụ huynh dị tính hợp giới. Trên thực tế, hiện nay đã có một số nghiên cứu cho thấy môi trường nuôi dạy, khả năng chu cấp cũng như hỗ trợ sự phát triển tâm sinh lý của trẻ của một gia đình LGBT đều không kém hơn so với những gia đình truyền thống khác.
Có thể khẳng định rằng, gia đình LGBT vẫn luôn tồn tại trong xã hội hiện đại. Chính những định kiến, tư duy sai lệch khiến họ mất đi tiếng nói. Việc có một gia đình những tưởng là một lẽ thường tình. Nhưng đáng tiếc, nó lại là ước mơ xa xỉ với các cặp đôi trong cộng đồng lục sắc.
Tình trạng này tuy đã không còn quá khắt khe ở nhiều quốc gia. Nhưng ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác, đây vẫn là một vấn đề nhức nhối. Bên cạnh việc đấu tranh để được pháp luật công nhận, chúng ta cũng nên phổ cập kiến thức và xóa bỏ những định kiến của mọi người xung quanh.
Ai cũng xứng đáng có một gia đình, một nơi để thuộc về, một mái ấm chở che họ khỏi những giông bão ngoài kia. Thay vì coi họ là một “mối nguy” cho xã hội, hãy cùng VYA chung tay tạo ra một môi trường bao dung, rộng mở để những gia đình LGBT không còn phải gánh chịu hậu quả từ sự kỳ thị và tình trạng bất bình đẳng nữa bạn nhé!
Người thực hiện: Linh Châu, X.T., Louis, Phan Chi
Tài liệu tham khảo
https://courses.lumenlearning.com/suny-lgbtq-studies/chapter/what-is-a-family/
https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf
https://e.vnexpress.net/news/trend/clash-of-views-on-lgbtq-in-vietnam-4505406.html
https://vietcetera.vn/vn/an-nguy-co-bau-co-hoi-nao-cho-nguoi-dong-gioi-muon-co-con-tai-viet-nam
https://vietnamnet.vn/con-gai-5-thang-tuoi-dang-yeu-cua-an-nguy-763072.html