Hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới ở Việt Nam

HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI: CÂU CHUYỆN Ở VIỆT NAM
Thời gian đọc: 17 phút

Trong nhiều năm trở lại đây, những phong trào ủng hộ cộng đồng lục sắc nở rộ ở Việt Nam. Cùng với đó, nhận thức của mọi người về LGBT ngày càng được cải thiện. Những cái nhìn kỳ thị hay thái độ phân biệt đối xử cũng đã vơi đi ít nhiều. Nhưng, mối quan hệ hôn nhân đồng giới vẫn chưa được pháp luật nước ta công nhận. Tại sao lại như vậy? Hãy cùng VYA tìm hiểu vấn đề vẫn luôn nhức nhối này qua bài viết dưới đây.

Mục lục

Hôn nhân đồng giới là gì?

"<yoastmark
Nguồn ảnh: CFR

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính và/hoặc cùng bản dạng giới. Ví dụ, một cuộc hôn nhân giữa hai người mang giới nam hoặc hai người mang giới nữ được coi là hôn nhân đồng giới.

Về mặt tâm lý-xã hội, mối quan hệ đồng tính nhìn chung không có sự khác biệt đáng kể so với mối quan hệ dị tính. Các cặp đôi đồng tính cũng có những gắn bó và cam kết tình cảm sâu sắc. Dù là đồng tính hay dị tính, hầu hết các cặp đôi đều phải đối mặt với các vấn đề trong mối quan hệ. Đó có thể là về tình cảm, liên kết cảm xúc, cãi vã, hoặc bất đồng quan điểm.

Vì sao lại hôn nhân đồng giới?

Để có thể trả lời câu hỏi trên, ta cần tìm bản chất và ý nghĩa thật sự của hôn nhân. Định nghĩa về hôn nhân trong các tôn giáo, văn hoá, và lãnh thổ trên thế giới đều có sự khác nhau. Tuy nhiên, chúng vẫn chia sẻ một số yếu tố cấu thành. Hôn nhân được coi như lời hứa của tình yêu, trách nhiệm, và sự chăm sóc lẫn nhau. Đó là cam kết thực hiện lời hứa trọn đời với người mình yêu và cùng chia ngọt sẻ bùi.

Hôn nhân nói chung không chỉ là quyền lợi mà bao gồm tình yêu thương, hứa hẹn và trách nhiệm. Hôn nhân đồng giới cũng như vậy. Các cặp đôi đồng giới cũng hướng đến những giá trị trên khi muốn kết hôn với nhau. Họ có tình yêu và muốn được thực hiện lời hứa thiêng liêng với nửa kia của mình.

Hôn nhân đồng giới có phải chỉ là một trào lưu?

Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn định nghĩa hôn nhân là gì. Lịch sử của nhiều nền văn hóa người Mỹ bản địa, châu Phi và châu Á không ghi nhận bất cứ cuộc hôn nhân nào giữa những người đồng giới và chuyển giới. Tuy nhiên, ta vẫn có tìm thấy bằng chứng về “hôn nhân đồng giới” ở khắp châu Âu từ thời cổ đại cho đến thời Trung cổ.

Ở châu Âu thời Trung cổ và Phục Hưng, hai người phụ nữ thậm chí không thể sống chung với nhau. Đó là do quan niệm: đàn ông là người làm chủ, là người lãnh đạo, dẫn dắt gia đình, và mọi gia đình đều phải có người đàn ông. Vì lẽ đó, đã xuất hiện vài trường hợp phụ nữ ở thế kỷ 16 đã cải trang thành nam giới và sống như vợ chồng với người phụ nữ khác. Sau năm 1600, số lượng những “người chồng mang giới tính nữ” này ngày càng gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở Anh, Đức và Hà Lan.

Lịch sử cuộc vận động hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Việt Nam

"Lịch
Nguồn ảnh: VTV

Những góc nhìn và luồng ý kiến

Trước đây, vì tình dục đồng giới là điều cấm kỵ nên đám cưới giữa hai người cùng giới thường phải diễn ra trong sự kín đáo. Hôn nhân và đám cưới vào thập niên 1990 đã thách thức khoảng trống pháp lý liên quan đến đồng tính và các mối quan hệ đồng giới ở Việt Nam. Năm 1997, đám cưới đồng giới đầu tiên được công khai tổ chức. 

Có nhiều ý kiến trái chiều về cuộc hôn nhân này. Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tình yêu, Hôn nhân và Gia đình cho rằng việc làm này cần bị lên án. Tuy nhiên, chỉ 10 năm sau, Việt Nam ghi nhận sự thay đổi trong quan điểm chính trị, pháp luật và cả nhận thức của người dân về hôn nhân đồng giới.

Nhận thức và dư luận về đồng tính và cộng đồng LGBT tại Việt Nam tăng đột biến vào năm 2012. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tuyên bố không tán thành những định kiến ​​người đồng tính đang phải đối diện, đồng thời đề cập đến chủ đề gây tranh cãi: hôn nhân đồng giới. Ông cũng thừa nhận việc dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 còn thiếu một cơ chế để giải quyết vấn đề các cặp đồng tính sống thử, gây khó khăn cho các cặp đồng tính. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận một người lãnh đạo cấp cao phát biểu trước công chúng về cộng đồng LGBT mà không có thái độ kỳ thị hay phân biệt đối xử. 

Các hội thảo và dự thảo về hôn nhân đồng giới

Tháng 12 năm 2012, đáp ứng yêu cầu của Bộ Tư pháp Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại nước ta đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề hôn nhân đồng giới với sự tham gia của các chuyên gia cả trong và ngoài nước. Do Luật Hôn nhân và Gia đình đang được sửa đổi vào năm 2013, UNDP Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với UN Women và UNAIDS để đóng góp ý kiến ​​cho lần dự thảo luật. Hưởng ứng với lập trường của UN, Liên hợp quốc Việt Nam cũng đã lên tiếng ủng hộ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng LGBT.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình (trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, tháng 10-11/2013) đã được xây dựng theo hướng bãi bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính. Về mặt khách quan, quy định của dự thảo là một sự tiến bộ đáng kể trong tư duy làm luật của Việt Nam. Luật đi từ cấm (gây kỳ thị, phân biệt đối xử) đến “không thừa nhận hôn nhân” và thừa nhận hình thức “sống chung không có đăng ký”. 

Trên cơ sở của Dự thảo, trong nhiệm kỳ 13 (2011-2016), Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã gây ấn tượng bằng việc thay thế quy định cấm hôn nhân đồng giới với cụm từ “giữa những người cùng giới tính” thành “không công nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi (2014).

Những sự kiện đáng nhớ

Sự kiện VietPride

Nguồn ảnh: Việt Nam Mới

VietPride là sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của cả những người trong và ngoài cộng đồng LGBT, thể hiện tinh thần đoàn kết của cộng đồng LGBT. Năm 2012, VietPride lần đầu tiên được tổ chức với sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Hợp Quốc. Năm 2016, VietPride được tổ chức trên khắp 35 tỉnh thành của Việt Nam bằng nỗ lực chung của cộng đồng LGBT, iSEE và ICS. Sự kiện lần này còn có sự hỗ trợ từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng như Oxfam tại Việt Nam. Đến năm 2022, VietPride vẫn là sự kiện thu hút nhiều sự quan tâm nhất của toàn cộng đồng và xã hội.

Lần đầu “hôn nhân đồng giới” được đề cập trên Báo Tuổi Trẻ

Lần đầu “hôn nhân đồng giới” được đề cập trên Báo Tuổi Trẻ
Nguồn ảnh: Một Thế Giới

Lần đầu tiên hôn nhân đồng giới được đề cập tới trên trang nhất của báo Tuổi trẻ, một tờ báo được phát hành rộng rãi và có nhiều độc giả nhất tại Việt Nam.

Chiến dịch “Tôi đồng ý”

Chiến dịch “Tôi đồng ý”
Nguồn ảnh: iSEE

Chiến dịch “Tôi đồng ý” 2022 mong muốn tạo sự thấu hiểu, lan tỏa các giá trị tích cực của cộng đồng LGBT đối với xã hội. Từ đó, sự kiện tạo nền tảng kêu gọi sự ủng hộ của mọi người về việc thừa nhận hôn nhân cùng giới vì “Hôn nhân là không khuôn mẫu”. Chỉ 48 giờ sau khi chiến dịch chính thức được phát động, “Tôi đồng ý” đã có gần 200.000 người đóng góp chữ ký cũng như lên tiếng ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trước thềm kỳ họp Quốc hội khóa XIII

Đây là con số thực sự ấn tượng, cho thấy tín hiệu tích cực trong cuộc vận động công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tại Việt Nam. Đồng thời, “Tôi đồng ý” cũng mở đường cho những thay đổi quan trọng liên quan tới việc sửa đổi luật đối với cộng đồng LGBT tại Việt Nam.

Những khó khăn gặp phải

Trong luật pháp và quy định hiện hành

Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn đó. Việt Nam chưa từng hình sự hóa đồng tính, nhưng cũng chưa từng ban hành bất cứ quy định pháp luật cụ thể nào về việc sử dụng các thuật ngữ như xu hướng tính dục, bản dạng giới hay đặc điểm giới tính. 

Các sửa đổi trong Luật Hôn nhân và Gia đình (2014) cũng như Bộ luật Dân sự (2015) từ tháng 1 năm 2016 cũng chưa mang lại thay đổi về địa vị pháp lý cho cộng đồng LGBT. Bên cạnh đó, các quan hệ pháp luật dân sự khác phát sinh từ hôn nhân như việc nuôi con nuôi, thừa kế hợp pháp và bảo lãnh hôn nhân cho các cặp đôi LGBT cũng chưa được pháp luật công nhận.  

Các thông tin về giới của một cá nhân vẫn đang được thu thập và ghi nhận hoàn toàn dựa trên giới tính sinh học. Nhà nước ta cũng chỉ tập trung tuyên truyền về mô hình gia đình “kiểu mẫu” truyền thống, gắn liền với hình ảnh một vợ một chồng và hai con. Mô hình này vẫn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông và kế hoạch hoá gia đình. 

Có thể nói, luật pháp và nghị định của Việt Nam không trực tiếp phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, chúng cũng chưa bảo vệ quyền lợi của những người đồng tính, song tính hay chuyển giới.

Trong thay đổi sự nhìn nhận

Nhìn chung, Việt Nam vẫn là quốc gia đặt nặng việc gìn giữ quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình.

Không ít cơ quan ban ngành công khai phản đối việc thừa nhận hôn nhân đồng tính. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ, bà Bùi Thị Hòa cho rằng: “Thừa nhận hôn nhân đồng tính là không phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam”. Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố được coi là đô thị kinh tế phát triển nhất Việt Nam – cũng không ủng hộ hôn nhân đồng tính. Nhiều người cho rằng hôn nhân đồng giới làm “xói mòn giá trị truyền thống”. 

Thực tế, vẫn còn rất nhiều người phản đối việc thừa nhận hôn nhân đồng giới. Họ cho rằng nó sẽ gây ra tình trạng “chuyển giới ồ ạt” và tăng tỉ lệ người đồng tính. Thậm chí, nhiều quan điểm còn khẳng định việc kết hôn đồng giới làm ảnh hưởng đến đến việc duy trì nòi giống hay giảm khả năng sinh đẻ tự nhiên. Tuy nhiên, không có bất cứ cơ sở khoa học nào chứng minh cho luận điểm trên.

Trong tổ chức hoạt động các hội nhóm LGBT

Các hoạt động được tổ chức vì quyền lợi của cộng đồng LGBT trong nước đang tồn đọng một số hạn chế:

  • Các nhóm LGBT ở Việt Nam chủ yếu được hình thành và phân bố tại một địa phương nhất định. Hoạt động của các nhóm thường mang tính cục bộ, chỉ đang tập trung giải quyết các vấn đề cụ thể mà địa phương đó gặp phải;
  • Các phong trào LGBT diễn ra không đồng đều trên cả nước. Cụ thể, cộng đồng LGBT ở khu vực nông thôn vẫn bị bỏ lại phía sau và chưa có nhiều cơ hội kết nối rộng rãi. Cùng với đó, sự chênh lệch về năng lực giữa các nhóm LGBT khiến nhiều chiến dịch không có một lãnh đạo đủ năng lực và bản lĩnh.

Thay đổi trong cuộc sống của cộng đồng LGBT xuyên suốt thời gian vận động

Thay đổi trong cuộc sống của cộng đồng LGBT xuyên suốt thời gian vận động
Nguồn ảnh: Medlatec

Về mặt truyền thông

Nhận thức của giới truyền thông về cộng đồng LGBT đã được cải thiện rất nhiều trong vài năm trở lại đây. Ngày càng có nhiều tin tức tích cực và tiếng nói ủng hộ trên các tờ báo chính thống. Các phóng viên, nhà báo cũng đã bắt đầu tìm kiếm và thu thập thông tin chính xác hơn từ cộng đồng LGBT. 

Đã có hơn 35 nhà báo từ hơn 20 kênh báo in và các kênh truyền thông trực tuyến tham gia buổi tập huấn về chủ đề chuyển giới do ICS tổ chức vào tháng 4 năm 2013. Từ đó, việc đưa tin về LGBT trở nên khách quan và tích cực hơn, góp phần vào việc phát triển phong trào LGBT trong nước.

Về khía cạnh luật pháp

Chính phủ cũng đã có dấu hiệu cởi mở hơn trong việc thảo luận về hôn nhân đồng giới. Viện iSEE kết hợp với ICS đã tổ chức các cuộc đối thoại giữa cộng đồng, các nhà lập pháp và quan chức chính phủ. Đồng thời, viện đưa ra các đề xuất sửa đổi hiến pháp và dự thảo luật thông qua các hội nghị, khảo sát trực tuyến và trực tiếp. Tham vấn với chính phủ cũng giúp xây dựng hình ảnh tích cực về cộng đồng LGBT. Điều này tạo cơ hội thảo luận tích cực với chính phủ về quyền lợi hợp pháp, thay vì bị coi là tệ nạn xã hội cần tránh.

Về sự ủng hộ nói chung

Các phong trào LGBT ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ nhờ nỗ lực của những người trong cộng đồng. Nó còn đến từ sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình cùng những “đồng minh” (ally). Họ là những người luôn sẵn sàng ủng hộ cộng đồng. Thời gian gần đây, số lượng người dị tính lên tiếng chống lại sự kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực nhắm vào người LGBT cũng gia tăng đáng kể. 

Bên cạnh đó, đã có nhiều sự kiện đóng góp chữ ký kiến ​​nghị pháp luật thừa nhận và hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cộng đồng LGBT. Những sự kiện này nhận được sự ủng hộ từ các ally và cả một số tổ chức xã hội, bao gồm cả một số tổ chức không hoạt động trong lĩnh vực LGBT. 

Về nhận thức của các thế hệ và trong gia đình

Cộng đồng LGBT tại Việt Nam hiện nay rất trẻ trung, nhiệt huyết, năng động và sáng tạo. Những người tham gia cộng đồng chủ yếu sinh viên và thanh niên. Họ là những người có nhận thức và kiến thức đúng đắn, cởi mở về tính dục cũng như các quyền lợi hợp pháp của LGBT. Hơn nữa, thành viên trong cộng đồng sẵn sàng học hỏi kinh nghiệm vận động chính sách từ các phong trào LGBT ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Gia đình của những người thuộc cộng đồng cũng đã dần có cái nhìn tích cực hơn về LGBT. Kết quả này là nhờ phần lớn vào sự thành lập và phát triển của PFLAG (tên cũ: Parents, Families and Friends of Lesbians and Gays) và các tổ chức khác ủng hộ cộng đồng LGBT. Nhiều phụ huynh đã tham gia PFLAG và chủ động tìm hiểu về LGBT. Từ đó, họ có cơ hội thấu hiểu và đồng cảm hơn, cũng như dần chấp nhận và ủng hộ con mình. Hơn nữa, họ cũng thấu hiểu thêm toàn thể những cá nhân khác trong cộng đồng lục sắc. 

Vì sao chúng ta cần đấu tranh hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới?

Vì sao chúng ta cần đấu tranh hợp pháp hoá hôn nhân đồng giới
Nguồn ảnh: Stonewall

Hôn nhân đồng giới hoàn toàn xứng đáng 

Hôn nhân không phải là một quyền, nhưng hôn nhân bảo vệ quyền con người. Tất cả mọi người đều có quyền có những nhu cầu tình cảm cá nhân, có quyền mong muốn lập gia đình và chung sống hạnh phúc với người mình yêu thương. Người đồng tính cũng là một cá nhân như bao cá nhân dị tính khác. Họ cũng hoàn toàn xứng đáng được hưởng quyền lợi cơ bản này.

Những bất lợi và khó khăn cần khắc phục

Trong sinh sống và quyền lợi

Pháp luật không thừa nhận quan hệ sống chung của người đồng tính khiến họ gặp khó khăn trong quan hệ nhân thân, tài sản và các vấn đề an sinh xã hội khác. Thực tế ghi nhận rất nhiều cặp đôi đồng tính đã sống với nhau nhiều năm, có các đóng góp chi tiêu và sở hữu tài sản chung, Họ cũng công khai mối quan hệ sống chung của mình với gia đình và bạn bè hai bên. Tuy nhiên, những mối quan hệ có bản chất là hôn nhân này vẫn chưa được thừa nhận về mặt pháp lý, khiến cho họ không được hưởng những phúc lợi, quyền lợi mà đáng ra phải thuộc về họ.

Họ hoàn toàn xứng đáng được pháp luật thừa nhận quyền đại diện cho nhau trong những trường hợp cần thiết. Ví dụ: Một người đau ốm phải điều trị ở bệnh viện, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi cần có người giám hộ. Quy định như vậy mới bảo đảm tính nhân văn của pháp luật, phản ánh đúng giá trị văn hóa, truyền thống của người Việt.

Trong việc duy trì quyền và nghĩa vụ với con cái

Ngoài ra, nếu những cặp đôi đồng tính muốn có con ruột, họ phải sử dụng đến dịch vụ đẻ thuê. Tuy nhiên, tại Việt Nam, đẻ thuê bị coi là bất hợp pháp. Hơn nữa, người đồng tính nam/nữ cùng chung sống cũng không thể nhận là bố/mẹ nuôi. Đó là do pháp luật quy định: khi mối quan hệ con nuôi đã được xác định thì bố mẹ đẻ không còn quyền và nghĩa vụ với người con này nữa (Khoản 4, điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010). 

Như vậy, rất khó duy trì đồng thời cả quyền và nghĩa vụ của hai người đồng tính với con cái. Việc bảo vệ con cái của họ tránh khỏi tình trạng bị ngược đãi, kỳ thị, bị đối xử bất công từ xã hội cũng đầy thử thách. Chính vì vậy, cần phải thừa nhận sự hợp pháp của hôn nhân cùng giới để họ được công nhận như một gia đình bình thường.

Trong cải thiện cái nhìn

Việc không hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới cũng sẽ dẫn đến việc củng cố thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử trong xã hội. Hơn nữa, việc không thừa nhận kết hôn cùng giới tiếp tục khiến cho nhiều người đồng tính vì sức ép từ gia đình mà phải cưới người dị tính. Kết hôn với người mình không yêu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục đích cơ bản và nguyên tắc của hôn nhân. Khi đó, cuộc hôn nhân ấy không còn mang ý nghĩa bản chất là cam kết thực hiện lời hứa thiêng liêng trọn đời với một nửa của mình nữa.

Những tác động tích cực 

Những tác động tích cực
Nguồn ảnh: Sáu Sắc

Nhận thức xã hội về đồng tính, hôn nhân đồng giới và quyền con người của người đồng tính rất quan trọng. Bởi, điều này không những ảnh hưởng trực tiếp đến quyền bình đẳng của người đồng tính, chất lượng cuộc sống của họ, mà còn ảnh hưởng đến ổn định xã hội và ý chí tập thể cộng đồng.

Thừa nhận hôn nhân cùng giới sẽ thể hiện tính nhân văn của pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng về quyền và trách nhiệm của người đồng tính khi sống chung. Đồng thời, hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính cũng đảm bảo quyền con người, góp phần giảm bớt sự kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính, tạo cơ sở giải quyết những hậu quả về mặt pháp lý.

Cần có quy định cụ thể các quyền về nhận con chung và nuôi con, quyền sở hữu tài sản chung, quyền thừa kế tài sản, và quyền thay mặt nhau thực hiện thủ tục hành chính của các cặp đôi đồng giới. Cùng với đó, họ cũng cần có quyền yêu cầu tòa án chấm dứt thỏa thuận sống chung khi có những bất đồng và lý do không thể cứu vãn mối quan hệ.

Điều này phù hợp với quan điểm của đa số người dân, nhu cầu thực tế của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng như tiếp cận dần đến nguyên tắc bình đẳng trong Hiến pháp của Việt Nam. Để xóa bỏ những định kiến và nhận thức sai lệch về LGBT, nhà nước cũng cần đưa ra một bộ luật chống mọi hình thức phân biệt đối xử, trong đó có phân biệt đối xử dựa trên xu hướng tính dục và bản dạng giới.

Hôn nhân đồng giới có được hợp pháp hoá trong tương lai?

Hôn nhân đồng giới có được hợp pháp hoá trong tương lai
Nguồn ảnh: Momo

Cùng VYA đặt mình vào góc nhìn của những chuyên gia pháp lý và chuyên viên công tác xã hội về vấn đề này: Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới có khả thi không? Còn những vấn đề cần tháo gỡ như thế nào?

Thực trạng tại các quốc gia

Hiện chỉ mới có 32 quốc gia công nhận hôn nhân đồng giới là hợp pháp. Cặp cặp đôi đồng giới ở nhiều quốc gia không được đảm bảo được tất cả các quyền lợi hợp pháp như các cặp đôi khác giới, chẳng hạn như quyền nhận con nuôi. 

Ở một số quốc gia, dù đã thừa nhận kết hôn đồng giới, nhưng những cặp đôi đồng tính vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề và hạn chế. Ví dụ, ở Đài Loan hôn nhân đồng giới chỉ dành cho công dân Đài Loan hoặc công dân của một nước công nhận hôn nhân đồng giới muốn kết hôn với một công dân Đài Loan.

Thực trạng tại Việt Nam

Ở Việt Nam, hôn nhân đồng giới chịu nhiều sự tác động từ văn hóa, chính trị, xã hội… Với bối cảnh xã hội còn mang nặng tư tưởng phong kiến xưa về quan niệm hôn nhân, đấu tranh cho việc thừa nhận hôn nhân đồng giới vẫn còn cả một hành trình dài trước mắt. 

Việt Nam cần phải cân nhắc đi theo một quy trình phù hợp tránh gây tranh cãi, bất an xã hội. Đồng thời, người dân cần hiểu rõ hơn về hôn nhân đồng giới. Từ đó hướng đến cảm thông, dần hoàn thiện pháp luật phù hợp với những giá trị nhân văn thế giới. 

Hôn nhân đồng giới là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa những người ủng hộ và phản đối, đôi khi còn gây ra chia rẽ xã hội sâu sắc. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới cho rằng việc hợp pháp hoá kiểu hôn nhân này là để đảm bảo nhân quyền, sự bình đẳng giữa các thiên hướng tình dục và giảm được phân biệt đối xử trong xã hội. Vấn đề quyền con người sẽ bị hạn chế khi không công nhận quan hệ hôn nhân có cùng giới tính, như quyền được kết hôn, quyền được mưu cầu hạnh phúc…

Tuy nhiên, vì không được pháp luật công nhận và bảo vệ nên khi có phát sinh tranh chấp, quyền và lợi ích hợp pháp của những cặp đôi đồng tính sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Họ không thể áp dụng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình để hoà giải hay thực hiện các hành động pháp lý. Do đó, trong thực tiễn, việc giải quyết vụ việc phát sinh tranh chấp giữa hai người đồng tính là một vấn đề nan giải. Nhất là khi hiện nay vẫn chưa có một văn bản hay hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề kết hôn giữa hai người đồng giới và giải quyết khi phát sinh tranh chấp.

Tổng kết

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa công nhận mối quan hệ sống chung của một cặp đôi đồng tính với bất kỳ hình thức pháp lý nào. Từ trước đến nay, gia đình trong quan điểm truyền thống của Việt Nam vẫn là sự kết hợp giữa một nam và một nữ và chức năng chủ yếu của hôn nhân vẫn là duy trì nòi giống. 

Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, pháp luật Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó có nhiều vấn đề liên quan đến người đồng tính. Mọi người đều có quyền được lập gia đình, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới của họ. Gia đình tồn tại ở nhiều hình thức khác nhau. Không nên có gia đình nào phải chịu sự phân biệt đối xử trên cơ sở xu hướng tính dục và bản dạng giới của bất kỳ thành viên nào trong gia đình đó, bao gồm cả việc nhận con nuôi hoặc hỗ trợ sinh sản. 


Như vậy, tuy hôn nhân đồng giới vẫn chưa được công nhận tại Việt Nam, nhưng hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều đổi mới đáng kể. Đây thực sự là một tín hiệu tốt, là động lực để chúng ta tiếp tục đứng lên đấu tranh cho việc thừa nhận mối quan hệ kết hôn đồng giới. Bạn, chúng mình, cộng đồng LGBT và những “đồng minh” sẽ là nhân tố quan trọng trong hành trình đó. VYA tin rằng một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo ghi tên vào danh sách những nước chính thức hợp pháp hóa hôn nhân của những người đồng giới. Cuối cùng, hẹn gặp lại bạn trong bài viết tiếp theo của VYA nhé.

Người thực hiện: Lam, Châu V., Vân Khanh, N. T. D.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Xem thêm

https://www.apa.org/topics/marriage-relationships/same-sex-marriage

https://www.glaad.org/sites/default/files/allys-guide-to-talking-about-marriage.pdf

https://www.theguardian.com/books/2015/jan/23/-sp-secret-history-same-sex-marriage

https://static1.squarespace.com/static/526c21b5e4b0d43e45f6c4c2/t/61124ca41faeb13e9537bcdb/1628589242413/Ph%C3%A2n+t%C3%ADch+b%E1%BB%91i+c%E1%BA%A3nh+v%E1%BB%81+th%E1%BB%B1c+tr%E1%BA%A1ng+phong+tr%C3%A0o+LGBTI+t%E1%BA%A1i+Vi%E1%BB%87t+Nam.pdf

https://thanhnien.vn/hop-phap-hoa-hon-nhan-cung-gioi-tai-viet-nam-gop-phan-tang-truong-gdp-len-den-4-36-post1487499.html 

https://static1.squarespace.com/static/526c21b5e4b0d43e45f6c4c2/t/5404bf7be4b02005531d87e5/1409597307881/iSEE_Tai+lieu_LGBT+rights+UPR+%28LGBT-VIE%29.pdf

https://static1.squarespace.com/static/526c21b5e4b0d43e45f6c4c2/t/5404bec7e4b05f700aab236d/1409597127728/iSEE_Nghien+cuu_Y+kien+nguoi+dan+ve+hon+nhan+cung+gioi.pdf 

https://vnexpress.net/viet-nam-co-the-khong-cam-ket-hon-dong-gioi-2658225.html 

https://phapluatdansu.edu.vn/2014/03/03/12/56/ve-moi-quan-he-song-chung-cua-nguoi-dong-tnh-trong-du-thao-luat-hn-nhn-v-gia-dnh-sua-doi/ 

https://thanhtra.com.vn/quoc-te/Hop-phap-hoa-hon-nhan-dong-gioi-nen-chang-100621.html#:~:text=M%E1%BB%99t%20l%E1%BB%A3i%20%C3%ADch%20l%E1%BB%9Bn%20h%C6%A1n,nh%C3%B3m%20ng%C6%B0%E1%BB%9Di%20c%C3%B9ng%20chung%20s%E1%BB%91ng.

https://tapchicongsan.org.vn/kinh-te/-/2018/23903/%E2%80%9Cmoi-tinh-yeu-deu-binh-dang%E2%80%9D—gop-y-cho-du-thao-sua-doi-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-nam-2000.aspx 

https://fdvn.vn/hon-nhan-giua-nhung-nguoi-co-cung-gioi-tinh-va-dinh-huong-hoan-thien-phap-luat-viet-nam/ 

https://www.hrc.org/resources/marriage-equality-around-the-world 

https://www.usaid.gov/sites/default/files/documents/1861/Being_LGBT_in_Asia_Viet_Nam_report_ENG.pdf 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

10 Responses

  1. Woah! I’m really digging the template/theme of this site.
    It’s simple, yet effective. A lot of times it’s tough to get that “perfect balance”
    between usability and visual appeal. I mmust say you have done a very good job with this.
    In addition, the blog loads extremely fast for me on Opera.
    Excellent Blog!

    Feel free too visit my page; Comment-10069

  2. Thanks for sharing youyr info. Ireally apreciate your efforts and I am
    waiting for your next post thanks once again.

    My site – Lyn

  3. excellent issues altogether, youu just received a
    new reader. What could youu suggest about your post that you simplyy made a ffew days in the past?

    Any sure?

    Also visit my page Rudy

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây