Khí hư và những điều bạn cần biết

Khí hư và những điều bạn chưa biết
Thời gian đọc: 8 phút

Kinh nguyệt luôn là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm khi nhắc đến sức khỏe sinh sản. Dựa vào chu kỳ hay màu sắc của kinh nguyệt, ta có thể chẩn đoán tương đối chính xác tình trạng cơ thể, đặc biệt là tình trạng sức khỏe sinh sản. Nhưng bạn biết không, để nhận biết rằng cơ thể muốn “nói” điều gì, chúng ta không nhất thiết phải chờ đến thời gian hành kinh. Chúng ta có thể biết được điều đó mỗi ngày qua việc quan sát dịch tiết âm đạo, hay còn gọi là khí hư.

Bạn đã hiểu đúng về khí hư chưa? Làm sao để biết khí hư của mình có bình thường hay không? Những dấu hiệu nào của khí hư được cho là đáng báo động và cần phải đi gặp bác sĩ? Hãy để Vietnam Youth Alliance cùng bạn tìm hiểu và giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé!

Khí hư là gì?

Khí hư là gì?
Nguồn ảnh: pectiv

Khí hư là cách cơ thể người mang giới tính sinh học nữ đào thải chất lỏng và tế bào. Việc cơ thể tiết ra dịch nhiều hay ít phụ thuộc vào cơ địa của mỗi người. Ngoài ra, khí hư có thể thay đổi về kết cấu và biểu hiện dựa theo nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Kỳ kinh nguyệt;
  • Nội tiết tố;
  • Thai kỳ;
  • Sự nhiễm trùng.

Khoảng 6 tháng đến 1 năm trước kỳ kinh nguyệt đầu tiên, cơ thể người mang giới tính sinh học nữ sẽ bắt đầu tiết ra khí hư. Cùng với đó, mức nội tiết tố trong cơ thể cũng dần thay đổi. Việc có khí hư là điều hoàn toàn bình thường. Nó được tiết ra nhằm bảo vệ sức khỏe cho âm đạo. Khí hư xuất hiện đều đặn hàng ngày và chỉ giảm dần sau thời kỳ mãn kinh.

Thế nào là khí hư bình thường?

Khí hư có thể loãng, dính, hay đặc và có màu từ trắng đến trắng nhạt. Lượng dịch tiết ra phụ thuộc chặt chẽ vào chu kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, dịch thường tiết ra nhiều hơn vào thời kỳ rụng trứng. 

Khí hư bình thường chỉ có mùi nhẹ và không gây ngứa rát. Nếu bạn cảm thấy bên dưới mình ngứa ngáy, nặng mùi, hoặc khí hư có màu bất thường (nâu, xám, xanh,…), rất có thể âm đạo của bạn đã bị nhiễm trùng và cần phải được khám chữa. 

Khí hư bình thường cũng có thể gây kích ứng vì nó khiến môi trường xung quanh âm đạo ẩm ướt. Tình trạng này có thể được ngăn ngừa bằng cách mặc đồ lót cotton và hạn chế trang phục bó. Bạn cần đặc biệt chú ý vệ sinh vùng kín thường xuyên hơn khi thời tiết nóng ẩm và tuyệt đối tránh xa những dung dịch vệ sinh kém chất lượng.

Biểu hiện của khí hư trong chu kì kinh nguyệt

Lượng tiết dịch âm đạo phụ thuộc đáng kể vào cơ địa mỗi người. Màu sắc, độ sệt và lượng khí hư cũng thay đổi theo từng ngày trong chu kỳ kinh nguyệt.

  • Từ ngày 1 đến ngày 5: Đây là thời điểm bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt và kỳ hành kinh. Dịch tiết ra thường có màu đỏ do niêm mạc tử cung bong tróc;
  • Từ ngày 6 đến ngày 14: Sau khi kết thúc hành kinh, khí hư sẽ ít hơn bình thường. Ở giai đoạn này, trứng bắt đầu phát triển và trưởng thành. Dịch nhầy cổ tử cung chuyển đục, có màu trắng hoặc vàng và có cảm giác dính nhớp;
  • Tù ngày 14 đến ngày 25: Khí hư trở nên loãng và trơn, sệt như lòng trắng trứng gà. Sau khi rụng trứng, dịch trở về màu đục, trắng hoặc vàng và có cảm giác dính nhớp;
  • Từ ngày 25 đến ngày 28: Dịch sẽ nhạt màu đi và tiết ra ít dần cho đến lần hành kinh tiếp theo.

Làm sao để biết khí hư bình thường hay bất thường?

Làm sao để biết khí hư bình thường hay bất thường?
Nguồn ảnh: Kasha

Nhận biết các dấu hiệu bất thường của khí hư rất quan trọng bởi nó báo hiệu tình trạng nhiễm trùng âm đạo và các vấn đề sức khỏe có liên quan. Khí hư có màu lạ, thay đổi trong lượng tiết hay kết cấu là những dấu hiệu cụ thể thường thấy.

Cụ thể hơn, VYA xin gửi đến bạn một số dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng âm đạo:

  • Khí hư thay đổi về màu sắc, độ đặc (ví dụ: giống như bã đậu) và/hoặc số lượng tiết ra;
  • Vùng kín ngứa, khó chịu và/hoặc phát ban;
  • Âm đạo nóng rát khi đi tiểu;
  • Vùng kín xuất hiện máu khi chưa đến kỳ kinh nguyệt;
  • Khí hư có màu lạ (vàng, xanh nhạt hoặc trắng xám) kèm theo mùi hôi.

Bên cạnh nhiễm trùng âm đạo, khí hư có thể thay đổi do tác động của các bệnh phụ khoa. Một số bệnh phụ khoa có thể xác định thông qua trạng thái bất thường của khí hư, như:

  • Nhiễm nấm men âm đạo: Khí hư đóng cục, có màu trắng hoặc ngả vàng, vùng âm đạo bị ngứa rát;
  • Nhiễm khuẩn âm đạo (BV): Khí hư tiết nhiều bất thường, lỏng như nước, có màu xám và mùi hôi tanh.

Nhận biết thông qua màu sắc

VYA xin gửi bạn bảng dưới đây để có thể rõ hơn về tình trạng cơ thể thông qua màu sắc của khí hư:

Nhận biết một số bệnh qua khí hư
Nguồn ảnh: Medical News Today
Dạng khí hư Nguyên nhân Triệu chứng khác
Màu đỏ hoặc nâu Chu kỳ kinh nguyệt không đều, có nguy cơ thấp mắc ung thư cổ tử cung hay nội mạc tử cung – Chảy máu âm đạo bất thường

– Đau vùng chậu

Màu trắng đục hoặc vàng Bệnh lậu – Chảy máu giữa các kỳ kinh

– Tiểu không kiểm soát

– Đau vùng chậu

Màu vàng hoặc ngả xanh, nặng mùi và có bọt Nhiễm trùng roi âm đạo (Trichomoniasis) Đau ngứa khi đi tiểu
Màu hồng Sản dịch (gồm niêm mạc tử cung bị bong tróc) tiết ra sau khi sinh con
Màu trắng, kết cấu đặc dính giống phô mai Nhiễm nấm men âm đạo – Vùng kín sưng đau và ngứa

– Quan hệ tình dục bị đau hoặc rất đau

Màu vàng, trắng hoặc xám và có mùi tanh Nhiễm khuẩn âm đạo (BV) Âm đạo hoăc âm hộ ngứa rát và sưng đỏ

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Khi nào nên gặp bác sĩ?
Nguồn ảnh: Freepik

Các dấu hiệu cần lưu ý

Thông thường, khí hư là một hiện tượng không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu nhận thấy khí hư có sự khác biệt, thay đổi về kết cấu, màu và mùi, hoặc các dấu hiệu bất bình thường khác ở vùng kín, hãy dành thời gian đi gặp bác sĩ phụ khoa ngay nhé. Một sự khác biệt nho nhỏ cũng có thể báo hiệu sức khỏe âm đạo đang gặp vấn đề đó!

Bạn cần trao đổi những dấu hiệu sau (nếu có) với bác sĩ:

  • Khí hư có kết cấu giống bã đậu hoặc sủi bọt;
  • Khí hư có mùi tanh nồng (giống mùi cá, men, v.v.);
  • Xuất hiện khí hư có màu lạ (vàng, xanh, xám,..) hoặc ố máu bất thường;
  • Âm đạo bị đau ngứa, sưng, bỏng rát.

Khí hư bất thường báo hiệu điều gì?

Khí hư không bình thường có thể là dấu hiệu nhiễm trùng, bệnh lây qua đường tình dục (STD) hay một số vấn đề về sức khoẻ khác như:

  • Nhiễm nấm men;
  • Viêm âm đạo;
  • Nhiễm khuẩn âm đạo;
  • Nhiễm trùng roi âm đạo (Trichomonas)(đọc thêm tại đây);
  • Bệnh lậu (đọc thêm tại đây);
  • Nhiễm khuẩn Chlamydia (đọc thêm tại đây);
  • Bệnh viêm vùng chậu (PID).

Khí hư cũng có thể thay đổi do có vật thể lạ trong âm đạo, bao gồm cả giấy vệ sinh. Nếu trẻ em có khí hư trước dậy thì, rất có thể nguyên nhân là do có vật thể lạ xuất hiện trong âm đạo.

Khí hư bất thường cũng có thể là hậu quả phụ của việc thụt rửa (rửa phần trong âm đạo) với nước hoặc các sản phẩm vệ sinh khác. Thụt rửa hoàn toàn không cần thiết và thậm chí có thể dẫn tới nhiễm trùng âm đạo. Lý do là bởi nó có thể tác động trực tiếp tới sự cân bằng thông thường của vi sinh vật sống trong âm đạo. Việc thụt rửa âm đạo cũng gia tăng khả năng lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục và các vấn đề sinh sản khác. Nếu bạn thường thụt rửa âm đạo khi tắm thì hãy từ bỏ thói quen xấu này nhé. 

Nên làm gì để hạn chế nguy cơ xuất hiện khí hư lạ?

Bạn vẫn có thể bị nhiễm trùng âm đạo dù đã vệ sinh vùng kín cẩn thận. Để giảm bớt nguy cơ nhiễm trùng, chúng mình xin chia sẻ tới bạn một vài lời khuyên hữu ích như sau:

Giữ vệ sinh sạch sẽ

  • Tắm thường xuyên bằng xà phòng, sữa tắm dịu nhẹ, hoặc rửa với nước; 
  • Hạn chế tắm ngâm bồn và sử dụng các sản phẩm vệ sinh có quá nhiều hóa chất tạo mùi;
  • Tránh dùng các sản phẩm xịt thơm vùng kín;
  • Dùng giấy vệ sinh trắng không mùi;
  • Sau khi đi vệ sinh, luôn lau từ trước ra sau;
  • Rửa sạch và lau khô tay trước khi vệ sinh hay chạm vào vùng âm đạo;
  • Tiểu tiện sau quan hệ tình dục để tránh nhiễm trùng đường tiểu.

Sử dụng băng vệ sinh (dạng ống, dạng miếng có cánh và không cánh)

  • Dùng sản phẩm không có chất tạo thơm;
  • Thay băng đều đặn trong ngày hành kinh ít nhất 2-3 tiếng một lần;
  • Nên dùng băng vệ sinh dạng miếng thay vì dạng ống trước khi ngủ.

Hạn chế tối đa việc thụt rửa

Thụt rửa không phòng tránh hay chữa được tình trạng nhiễm trùng. Thậm chí, hành động này có thể giết những vi sinh vật tốt bên trong âm đạo, từ đó làm mất cân bằng sinh vật trong âm đạo, gây kích ứng da hoặc nhiễm trùng âm đạo.

Vì vậy, không nên tự ý thụt rửa nếu không có sự hướng dẫn từ bác sĩ.

Chọn đồ lót và trang phục phù hợp

  • Mặc quần lót cotton hoặc có viền cotton. Cotton là chất liệu hút ẩm, giúp vùng kín luôn mát mẻ và khô ráo; 
  • Hạn chế mặc quần lót làm bằng sợi tổng hợp để tránh khoá ẩm và gây ngứa âm đạo;
  • Tránh mặc quần ôm chân, quần tất và trang phục bó sát. Những loại trang phục này không thoáng khí và dễ khiến vùng âm đạo bị bí, khó chịu;
  • Đặc biệt, không mặc quần áo (nhất là đồ lót) bị ướt, chưa phơi khô hoàn toàn hoặc dính mồ hôi.

Có lối sống lành mạnh

  • Ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc;
  • Quan hệ tình dục có chọn lọc và có kế hoạch; 
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục để hạn chế nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs).

Đến đây, VYA tin rằng bạn đã giải đáp được phần nào những thắc mắc về khí hư, cũng như hiểu thế nào là khí hư bình thường và thế nào là không bình thường. Hãy quan sát tình trạng khí hư mỗi ngày, từ đó nhận biết và nâng cao sức khỏe sinh sản của bản thân. Chúng mình rất vui nếu bạn có thể chia sẻ những thông tin hữu ích này đến mọi người xung quanh, vì mỗi chúng ta đều cần hiểu và hiểu đúng về sức khỏe sinh sản đúng không nào? Cuối cùng, đừng quên theo dõi và đón chờ những bài viết tiếp theo của VYA bạn nhé!

Người thực hiện:Nhật Hạ, Kim Cương, Vân Khanh, T.M.T., Phan Chi, Như Trần


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://kidshealth.org/en/teens/vdischarge.html

https://www.medicalnewstoday.com/articles/322232#what-is-vaginal-discharge

https://www.webmd.com/sexual-conditions/gonorrhea

https://www.webmd.com/sexual-conditions/guide/trichomoniasis

https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/skin-conditions-pruritus

https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/what-is-candidiasis-yeast-infection

https://www.webmd.com/allergies/rm-itch-quiz

https://www.webmd.com/women/guide/vaginal-discharge-whats-abnormal

https://kasha.co.ke/blog/vaginal-discharge-whats-normal-whats-not/

https://www.healthline.com/health/womens-health/what-is-discharge

https://www.nationwidechildrens.org/conditions/vaginal-discharge

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây