Mổ xẻ 4 hiểu lầm độc hại về androgyny

Thời gian đọc: 9 phút

Bạn đã bao giờ nghe về “Androgyny” hay chưa? Androgyny trong tiếng Việt có thể được phỏng dịch thành “sự trung tính”. Trong xã hội hiện nay, dường như khái niệm này vẫn còn khá xa lạ đối với một số người. Điều này có thể dẫn đến những băn khoăn hoặc tệ hơn là thái độ tiêu cực đối với Androgyny.

Liệu bạn có đang tự đặt cho bản thân những câu hỏi xoay quanh chủ đề thú vị này không? Nếu có, hãy cùng Vietnam Youth Alliance khám phá những thông tin siêu hữu ích ngay dưới đây về Androgyny nhé!

Androgyny là gì?

Androgyny là gì?
Nguồn ảnh: iStock

Androgyny là trạng thái mà các đặc điểm của tính nam và tính nữ cùng xuất hiện rõ ràng trên một cá thể. Từ này bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: “andro” chỉ người có dương vật, “gyny” chỉ người có âm vật. Người androgyny (người trung tính) không thể hiện đặc điểm của chỉ 1 giới nam hoặc nữ. Thay vào đó, họ thường thể hiện những đặc điểm trộn lẫn giữa hai giới. Ngoài ra, nếu một người không muốn đi theo những quy chuẩn giới tính được áp đặt lên giới tính sinh học của mình, họ cũng có thể dùng từ “androgyny”/”trung tính” để định nhãn bản thân.

Một điều cần phải lưu ý rằng: định nghĩa về “sự trung tính” của mỗi người là khác nhau. Chúng ta đều có những quan niệm khác nhau về “tính nam”, “tính nữ”. Vì thế, chúng ta nên tôn trọng những quan niệm khác biệt về androgyny của mỗi người. Shawnnell Batiste – bác sĩ chuyên khoa tại Texas và Louisiana – nói rằng: “Sự trung tính không chỉ bị giới hạn trong những chuẩn mực của xã hội về sự nữ tính và nam tính”. Thay vào đó, nó chỉ “đơn thuần là cách mỗi người thể hiện bản thân họ”.

Về mặt sinh học

Về mặt sinh học, “Androgyny” được dùng tương đương với một thuật ngữ khác là “Hermaphodite”. Khi đó, cả hai từ này được dùng để chỉ những cá thể có đầy đủ cơ quan sinh dục của cả hai giới tính. Một điều cần lưu ý: các thuật ngữ này hiện nay chỉ được dùng với những cá thể không phải con người, ví dụ như hoa.

Trong quá khứ, “hermaphrodite” và “androgyny” thường được dùng để miêu tả những người có đặc điểm giới tính không điển hình ở người nam và người nữ. Tuy nhiên, hiện nay, cả hai từ này thường được xem như đã lỗi thời và mang những định kiến nặng nề. Vì lý do này, từ “Intersex” – “Liên giới tính” đã ra đời và thay thế “hermaphrodite” và “androgyny” trong việc miêu tả sự đa dạng đặc điểm giới tính sinh học ở con người.

VYA khuyến khích không sử dụng “hermaphrodite” và “androgyny” khi nói về đặc điểm giới tính sinh học của người khác và trong bối cảnh đời sống xã hội.

Ảnh hưởng tích cực của androgyny

Ảnh hưởng và hình mẫu văn hóa xã hội đã tạo ra vô số những định kiến xuyên suốt nhiều thế kỷ qua. Trong lịch sử, vai trò của người giới tính nữ là nấu ăn, sinh con, nuôi dạy con cái và giữ gìn khuôn phép gia đình. Họ thường được cho là mang tính thụ động, phục tùng. Ngược lại, vai trò của người giới tính nam là phải đảm bảo cung cấp được những nhu yếu phẩm cho đời sống. Đồng thời, họ phải theo sát trách nhiệm của bản thân bằng sự quyết đoán, năng nổ và thống trị. Những vai trò giới này rất giới hạn các giới trong những khuôn mẫu của riêng họ. Điều này có thể gây nên ảnh hưởng tiêu cực đến các nhóm giới khác nhau.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về tính nam độc hạitính nữ độc hại.

Androgyny lật đổ suy nghĩ trên bởi khái niệm này không phân biệt giới. Đồng thời, đây là một khẳng định rõ ràng cho việc giới không nhất thiết phải phân định rõ ràng. 

4 hiểu lầm sai lệch về Androgyny

4 hiểu lầm sai lệch về Androgyny
Nguồn ảnh: Dribble

Ảnh hưởng từ truyền thông đã khiến cho sự trung tính bị nhìn nhận dưới một góc độ sai lệch. Điều này dẫn đến những định kiến rập khuôn, độc hại về sự trung tính. Những định kiến này thường gắn liền với người giới tính nữ lại có thể hiện giới nam tính. Vấn đề này thể hiện sự thiếu hụt các hình mẫu queer, cũng như những ngộ nhận về văn hóa queer và cộng đồng LGBT.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về thuật ngữ Queer

Những hiểu lầm sai lệch về Androgyny bao gồm:

Thường xuyên đề cao người da trắng

Những tranh cãi xung quanh vấn đề màu da luôn hiện hữu trong hầu hết mọi mặt của xã hội. Màu da trắng thường được coi như là “mặc định”. Trừ khi nhắc đến một nhóm sắc tộc nhất định, màu da trắng luôn là đại diện duy nhất.

Định kiến sai lệch này cũng ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người về sự trung tính. Người ta thường cho rằng androgyny chỉ tập trung xoay quanh màu da trắng. Trên những sàn diễn thời trang và chương trình truyền hình, những hình ảnh không đi theo quy chuẩn giới (GNC – gender-non-conforming) hầu hết đều gắn liền với người da trắng.

Trên thực tế, cộng đồng người da màu, đặc biệt là người da đen, đã có đóng góp không nhỏ trong văn hóa queer và cộng đồng người chuyển giới. Những đặc điểm như trang phục, ngôn ngữ – điển hình như văn hóa Ballroom – đều được khởi xướng bởi người Mỹ gốc Phi và gốc Latinh LGBT.

Sự đề cao màu da trắng dẫn đến thiệt thòi cho những nhóm sắc tộc và màu da khác. Điều này cũng đúng với cộng đồng những người da màu không đi theo quy chuẩn giới. Hậu quả của vấn đề không chỉ dừng lại sự độc tôn da trắng độc hại. Những đóng góp của người da màu không theo quy chuẩn giới cho cộng đồng có thể bị phủ nhận. Ở những trường hợp cực đoan, những đóng góp này có thể bị xóa bỏ hoàn toàn.

Phải gầy mới có thể trở thành Androgyny

Cũng giống như làn da trắng, thân hình mảnh khảnh thường được xem là tiêu chuẩn cho sự trung tính. Trong thực tế, nhiều người thường cho rằng có một thân hình gầy guộc mới thể hiện đúng nhất những yếu tố thẩm mỹ trung tính. Quan niệm sai lầm này có thể được củng cố qua những hình mẫu phổ biến về sự trung tính được đặt ra bởi nền công nghiệp thời trang.

Khái niệm “trung tính” trong thời trang chỉ gói gọn trong những quần áo mà người gầy có thể mặc. Do đó, những người có thân hình đầy đặn sẽ ngay lập tức bị đẩy ra khỏi khái niệm này. Đồng thời, chúng ta thường hiểu nhầm rằng “androgyny” phải gợi lên yếu tố “nam tính”. Khi ấy, những người đầy đặn có thể bị xem là không phù hợp với sự trung tính. Nguyên do là bởi những đường cong cơ thể có thể gợi lên sự “nữ tính”, “không đủ nam tính”.

Khi nói về trung tính, chúng ta thường mường tượng ra những khuôn mặt nhỏ, ngực phẳng, và hông hẹp. Những đặc điểm này gần như đã trở thành một “biểu tượng” cho phong cách androgyny. Androgyny, khi ấy, trở thành một đặc tính chỉ dành cho người mảnh khảnh mà thôi. Không chỉ gây tổn thương những người không theo quy chuẩn giới có thân hình đầy đặn, nó còn lan truyền và củng cố những tư tưởng độc hại về hình mẫu cơ thể trong xã hội ngày nay.

Nam tính chính là… phi giới tính!

Sự nam tính thường được xem là “tự nhiên” và “trung tính” trong xã hội ngày nay. Định kiến này cũng tương tự như hình mẫu về làn da trắng và thân hình mảnh khảnh. Khi nhắc đến chủ đề về androgyny, người ta thường nghiêng về những hình mẫu nam tính. Sự nam tính được coi là hiển nhiên, là quy chuẩn cho sự trung lập về giới.

Để hiểu rõ vấn đề này, hãy thử nghĩ về những mặt hàng “phi giới tính” trong làng thời trang. Quần áo vải flannel, mũ beanie, áo phông dáng rộng, và nhiều hơn thế nữa. Những sản phẩm này đều mang trong mình thẩm mỹ nam tính truyền thống. Thời trang nam tính hầu như luôn luôn được xem là mặc định “trung tính” và “unisex”.

Trong một nghiên cứu, Viện Công nghệ Bandung (ITB) đã khảo sát thái độ của người dân Indonesia về “thời trang phi giới tính”. Theo nghiên cứu này, người dân tại Jakarta có xu hướng chấp nhận thời trang phi giới tính với một vài những giới hạn nhất định. Nam giới không nên mặc quần áo quá nữ tính như váy, đồ sáng màu hoặc có hoa văn nữ tính. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nữ giới mặc đồ nam tính thường dễ được chấp nhận hơn nam giới mặc đồ nữ tính.

Điều này có thể giải thích tại sao hình mẫu người nữ nam tính lại là “mặc định” của androgyny. Sự trung tính hầu như chỉ xoay quanh hình ảnh và phong cách nam tính. Điều này không chỉ củng cố những nhận định sai lầm về sự trung tính. Nó cũng xóa bỏ sự hiện diện của những nhóm yếu thế như người chuyển giới nữ phi nhị nguyên.

Sự nữ tính bị xem nhẹ và phớt lờ

Định kiến về sự nam tính ở phía trên cũng dẫn đến một quan niệm sai lầm khác về androgyny. Trong khi sự nam tính được xem như “phi giới tính”, người nữ và sự nữ tính thường bị xem nhẹ và phớt lờ. Điều này có thể dẫn đến việc người chuyển giới nữ/thể hiện tính nữ gặp phải những trở ngại, thậm chí là nguy hiểm, trong cuộc sống của họ.

Quan niệm này cho rằng những người có biểu hiện nữ tính không thể là người trung tính. Người giới tính nữ có thể hiện giới nữ tính thường được cho không thể trung tính. Người chuyển giới nữ có thể hiện giới nữ tính thường bị xem thường, phớt lờ. Những suy nghĩ này có thể dẫn đến một góc nhìn sai lệch về sự trung tính. “Sự trung tính” dường như chỉ tập trung hoàn toàn vào những người hợp giới và chuyển giới nữ có thể hiện giới nam tính.

Tuy nhiên những người hợp giới nữ không đi theo quy chuẩn giới và những người phi nhị nguyên “butch” (ám chỉ có thể hiện giới nam tính, mạnh mẽ) chắc chắn vẫn đối diện với sự chế giễu, công kích và phân biệt, sự thiên vị giữa nữ giới và nam giới khi nói về androgyny. Sự nữ tính, trong ngữ cảnh của sự trung tính, chịu nhiều sự phân biệt hơn hẳn sự nam tính.

Tất cả những điều này, cùng nhau, hình thành nên một tư tưởng độc hại tôn thờ tính nam. Điều này cũng củng cố sự phi giới tính hóa tính nam. Đồng thời, nó cũng củng cố thực trạng bạo lực nhắm đến người chuyển giới nữ nữ tính.

Làm sao để chống những hiểu lầm về Androgyny?

Làm sao để chống những hiểu lầm về Androgyny?
Nguồn ảnh: Attire Club

Khuyến khích những hình mẫu androgyny tích cực

Một cách hiệu quả để chống lại những định kiến sai lệch chính là khuyến khích hình mẫu tích cực. Vì người trung tính có được sự cân bằng giữa tính nam và tính nữ, khuyến khích những đặc điểm tích cực thường thấy ở cả hai giới là một cách tiếp cận đúng đắn. Một hình mẫu androgyny tích cực có thể bao gồm sự tự tin (tính nam tích cực), lòng trắc ẩn (tính nữ tích cực), sự tham vọng (tính nam tính cực), lòng khoan dung (tính nữ tính cực),…

Hiểu rõ sự đa dạng của androgyny

Sự trung tính không được quy định bởi cân nặng hay hình thể. Sự thể hiện trung tính đến từ bên trong mỗi người, là cách mỗi người tự nhận dạng bản thân. Chúng ta không nên áp đặt một khuôn mẫu về cân nặng hoặc hình thể nào để quyết định xem ai đó có trung tính hay không. Bởi vì những định nghĩa về sự trung tính của mỗi người là rất khác biệt, nên không có cách thể hiện androgyny nào là “đúng” hay “sai” cả.

Giáo dục con trẻ đúng cách

Những sự thay đổi trong cách giáo dục, nuôi dạy ở gia đình có thể giúp định hướng những cách nhìn nhận sự trung tính lành mạnh, tích cực. Bằng cách khuyến khích những đặc tính tích cực ở cả hai giới, trẻ em có thể được khuyến khích sống thật với bản thân và không để những định kiến giới ngăn cản chính mình.

Có rất nhiều cách để chúng ta có thể khuyến khích sự trung tính lành mạnh ở trẻ nhỏ, như:

  • Làm mẫu cho trẻ hiểu về vai trò linh hoạt của giới;
  • Cho trẻ chơi đồ chơi dành cho tất cả các giới;
  • Khuyến khích trẻ chơi với bạn bè ở tất cả các giới;
  • Trò chuyện, giới thiệu cho trẻ những người nam và người nữ từ đa dạng các ngành nghề khác nhau;
  • Tránh những kênh truyền thông thể hiện những khuôn mẫu giới;

Qua bài viết trên đây, chúng mình hy vọng rằng bạn đã hiểu thêm về Androgyny – một cách thể hiện bản thân mới mẻ, góp phần làm đa dạng thêm cách con người chúng ta hiểu và nhận dạng chính bản thân mình. Mong rằng những thắc mắc của bạn xoay quanh chủ đề thú vị này đã được giải đáp. Vietnam Youth Alliance xin hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!

Người thực hiện: Nhật Hạ, Phương, N., T.D., Ngô Tố


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://holrmagazine.com/the-misconception-of-androgyny/

https://www.cosmopolitan.com/sex-love/a26859619/androgyne-definition/

https://www.vogue.co.uk/news/article/harry-styles-androgynous-style-quotes

https://everydayfeminism.com/2016/01/lies-media-tells-androgyny/

https://www.thefineryreport.com/opinionarticles/2021/4/19/genderless-fashion-and-its-problem-with-masculinity-part-2

http://www.scielo.org.za/scielo.php?script=sci_arttext&pid=S2071-07632016000100006

https://www.communicatingpsychologicalscience.com/blog/lets-teach-to-be-both-independent-and-nurturing-teaching-children-psychological-androgyny

https://www.verywellhealth.com/androgyny-5088554

https://www.plannedparenthood.org/learn/glossary

https://www.plannedparenthood.org/learn/gender-identity/sex-gender-identity/whats-intersex#

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

One Response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây