Tính nam độc hại: khi “nam tính” bị lạm dụng

Tính nam độc hại: khi “nam tính” bị lạm dụng
Thời gian đọc: 13 phút

Cùng với tính nữ độc hại, tính nam độc hại cũng gây nên những áp lực vô hình lên các nhóm giới trong xã hội. Người nam, dưới góc nhìn của tính nam độc hại, phải “mạnh mẽ”, “thành đạt”, không được “ủy mị”. Những định kiến này đã tạo nên một hình mẫu không lành mạnh cho người nam trong xã hội. Để đấu tranh chống lại hiện trạng này, chúng ta cần phải hiểu rõ về tính nam độc hại. Nào, hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Lưu ý: Trong phần nội dung này, cụm từ “đàn ông” được sử dụng với mục đích chỉ ra những biểu hiện của tính nam độc hại. Từ này có thể khiến bạn đọc khó chịu, VYA cũng khuyến khích bạn sử dụng cụm từ này một cách cẩn thận.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về tính nữ độc hại.

Tính nam độc hại là gì?

Tính nam độc hại là gì?
Nguồn ảnh: Chrysalis

Định nghĩa chung

Tính nam độc hại là tập hợp những thuộc tính cổ hủ được gán cho người mang giới nam. Chúng có thể là sự đánh giá cách hành xử, bề ngoài, tính cách và phong cách sống của một người. Tính nam độc hại cổ xúy cho sự thống trị của nam giới, hạ thấp nữ giới, kỳ thị đồng tính, bạo lực có chủ đích và nhiều vấn đề hơn nữa. Trong xã hội hiện đại, người ta dùng cụm “tính nam độc hại” để nhấn mạnh những đặc điểm độc hại ở người nam thường được chấp nhận (thậm chí là tôn vinh) bởi nhiều nền văn hóa khác nhau.

Khái niệm này cũng đặc biệt chú trọng đến sự thể hiện “nam tính” dựa trên:

  • Sức mạnh thể chất;
  • Việc không để lộ hoặc biểu hiện cảm xúc;
  • Khả năng độc lập;
  • Tính chiếm hữu;
  • Bản lĩnh tình dục.

Những đặc điểm tiêu cực

Tính nam độc hại thường gồm những áp lực buộc người nam phải hành xử theo “tiêu chuẩn” độc hại. Theo cách hiểu truyền thống này, người nam không có những đặc điểm trên thì không phải là “đàn ông đích thực”. Những áp lực này có thể dẫn đến những hành vi tiêu cực ở người nam. Chúng có thể bao gồm:

  • Có thái độ hung hăng hoặc gây hấn;
  • Có tính kiểm soát trong tình dục;
  • Đè nén hoặc không biểu lộ cảm xúc;
  • Có tính cạnh tranh quá cao;
  • Sở hữu ham muốn chi phối hoặc kiểm soát người khác;
  • Có khuynh hướng cổ vũ các hình thức bạo lực;
  • Tự cô lập bản thân;
  • Thiếu sự đồng cảm;
  • Tự ban quyền lực cho bản thân;
  • Sùng bái cực đoan và phân biệt giới tính.

Một ví dụ cho tính nam độc hại chính là người nam phải che giấu cảm xúc của chính mình. Điển hình nhất là cách nói “Đàn ông lên coi!” khi thấy một người nam khóc. Quan niệm này đánh đồng việc biểu lộ cảm xúc và dễ bị tổn thương với việc “thiếu nam tính”.

Trong văn hóa đại chúng

Nhiều định nghĩa của tính nam độc hại trong nghiên cứu cũng xuất hiện trong văn hoá đại chúng. Chúng thường bao gồm ba yếu tố chính:

  • Sự cứng rắn. Nam giới cần phải mạnh mẽ về thể chất, chai lì về cảm xúc, và hung hăng trong hành xử;
  • Chống lại sự “nữ tính”. Nam giới cần bác bỏ mọi thứ được coi là “nữ tính”. Một vài ví dụ có thể kể đến là bộc lộ cảm xúc, nhận giúp đỡ từ người xung quanh,…;
  • Quyền lực. Nam giới cần phải đạt được địa vị và tài chính nhất định trong xã hội. Điều này nhằm đảm bảo họ nhận được sự tôn trọng từ người khác.3

Ảnh hưởng tiêu cực của tính nam độc hại

Ảnh hưởng tiêu cực của tính nam độc hại
Nguồn ảnh: Scoop Empire

Khuynh hướng bạo lực

“Sự nam tính có thể rất mong manh vì bản chất mà xã hội đặt ra về nó vô cùng cứng nhắc. Khi không dung hòa hay bao trùm được sự đa dạng của thể hiện giới, các khuynh hướng văn hóa tình dục, hoặc sức mạnh nữ tính trong xã hội đa nguyên (pluralistic society),… tính nam buộc phải lấn át những điều khác để giành lại ổn định hoặc đối diện với nguy cơ bị sụp đổ khi không giữ được bản chất mà xã hội đã gán cho nó.” trích lời Britt East, tác giả của cuốn “A Gay Man’s Guide to Life”.

“Khi bị đặt ở bờ vực bị phá vỡ, tính nam gần như luôn đáp trả bằng bạo lực. Điều này đôi khi thể hiện qua việc thống trị hoặc gây hấn với ai đó. Tuy nhiên, nó cũng có thể hướng ngược vào nội tại người nam, dẫn đến trầm cảm, nghiện ngập, thậm chí tự sát.”

“Mọi hành vi đều xuất phát từ một nhu cầu nào đó.” trích lời Mack Exilus, một bác sĩ lâm sàng về sức khỏe tâm thần tại Citron Hennessey Therapy. “Vấn đề kiểm soát cơn giận hoặc xu hướng bạo lực ở người nam thường được hình thành để bảo vệ những mặt dễ bị tổn thương trong họ.”

Theo những góc nhìn truyền thống, xã hội buộc người nam phải trở thành “đàn ông đích thực”, thay vì chỉ là một con người bình thường. Với nam giới, sự nhạy cảm thường bị xem nhẹ, bỏ qua hoặc phản đối gay gắt. Khi người nam đè nén, bỏ qua cảm xúc cá nhân hoặc những đặc điểm “nữ tính” bên trong, sức khỏe tâm thần của họ có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vấn đề sức khỏe tâm lý

Lạm dụng thuốc giảm đau dẫn đến nhiều cái chết ở nam giới hơn nữ giới. Đồng thời, nam giới cũng có nguy cơ tử vong do tự tử cao hơn nhiều so với nữ giới.

Cả nam giới và nữ giới đều có thể trải qua những vấn đề tâm lý khác nhau. Chúng có thể bao gồm cảm giác lo âu, trầm cảm, hoặc một số vấn đề tâm lý khác. Thế nhưng, người nam thường ít sử dụng những dịch vụ sức khỏe tâm lý. Đồng thời, họ cũng do dự hơn khi cần tìm sự trợ giúp liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Vấn đề kìm nén cảm xúc

Tính nam độc hại quy định người nam chỉ được bộc lộ cảm xúc giận dữ. Họ tin rằng bằng cách này, họ có thể che giấu những cảm xúc được cho là “không phù hợp”. Dần dà, người nam có thể trở nên xa cách với mọi người xung quanh. Từ đó, rất khó để họ có thể phát triển các mối quan hệ với những người thân thiết. Theo nghiên cứu từ Social Psychological and Personality Science, kìm nén cảm xúc là một trong những lý do khiến cho việc xây dựng những mối quan hệ lành mạnh trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sự kì thị đồng tính

Sự nam tính thường được coi như tương phản với sự nữ tính. Vì vậy, khi người nam thực hiện một hành vi mà xã hội thường mặc định là của nữ giới (đơn cử như hẹn hò với một người nam, hoặc trang điểm, mặc váy áo,…), người đó sẽ bị gán mác là “thiếu nam tính”. Những từ miệt thị như “bóng”, “bê đê” xuất hiện nhằm hạ thấp những người nam không tuân theo những tiêu chuẩn độc hại ấy.

Đồng thời, những nhận định độc hại về sự “nam tính” cũng tạo nên nhiều định kiến khác về người đồng tính nam. Một ví dụ điển hình là sự phủ nhận xu hướng tính dục của một người đồng tính nam vì người đó có thể hiện giới nam tính, cho rằng một người đồng tính nam không được nam tính.

Những ảnh hưởng nguy hiểm khác

Tính nam độc hại nguy hiểm bởi nó gò bó sự phát triển cá nhân. Đồng thời, nó cũng định nghĩa “giới nam” một cách tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến những mâu thuẫn giữa người nam và môi trường sống xung quanh. Hiện trạng này được gọi là mâu thuẫn vai trò giới (gender role conflict). Nó có thể gây áp lực lên những người không mang những đặc điểm được cho là ‘nam tính”. Nếu không có sự định hướng đúng đắn, bất kì người nam nào cũng có thể bị giới hạn trong suy nghĩ rằng họ sẽ chỉ được công nhận là “nam” khi tuân theo những quy chuẩn hạn hẹp về tính nam mà xã hội đề ra. 

Tính nam độc hại có thể dẫn tới những vấn đề như:

  • Bắt nạt;
  • Vi phạm kỷ luật học đường;
  • Khó khăn trong học tập;
  • Thiếu tình bạn hoặc những mối quan hệ chân thành, lành mạnh;
  • Vi phạm pháp luật;
  • Bạo lực gia đình;
  • Xâm hại tình dục;
  • Hành vi mạo hiểm, liều lĩnh;
  • Lạm dụng thuốc, chất kích thích;
  • Chấn thương tâm lý;
  • Tự tử.

Tính nam độc hại cũng được chứng minh có ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất của người nam. Họ có thể do dự trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề sức khỏe. Với một số người, việc hỏi xin giúp đỡ khiến họ cảm thấy yếu đuối và “không đủ nam tính”.

Chúng ta nên làm gì để loại trừ tính nam độc hại?

Chúng ta nên làm gì để loại trừ tính nam độc hại?
Nguồn ảnh: BuzzFeed News

Chống lại những quan điểm cổ hủ, lạc hậu

Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự nhận thức độc hại về tính nam. Những nguyên nhân ấy có thể bao gồm:

  • Áp lực từ xã hội;
  • Kỳ vọng từ gia đình hoặc bạn đời;
  • Tôn giáo;

Dẫu vậy, hiện nay vẫn có nhiều cộng đồng xã hội, chính trị, tôn giáo có những góc nhìn lành mạnh về tính nam.

Tìm định nghĩa về tính nam của riêng mình và tôn trọng định nghĩa của người khác

Bạn nên tìm cách định nghĩa sự nam tính của chính mình. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng sự định nghĩa ấy không gây hại cho chính bạn hoặc người khác. Định nghĩa này nên có thể bao gồm những trải nghiệm thông thường của con người, như:

  • Thể hiện đa dạng cảm xúc;
  • Tương trợ lẫn nhau;
  • Chấp nhận những khía cạnh dễ bị tổn thương;
  • Xây dựng tinh thần hợp tác;
  • Bày tỏ lòng tốt và sự ôn hòa;

Những trải nghiệm trên không hoàn toàn bác bỏ những đặc điểm nam tính truyền thống. Thậm chí, một số người kết hợp những điều trên với những đặc điểm nam tính truyền thống (như thể chất cường tráng, thích phiêu lưu mạo hiểm,…) để xác định tính nam của bản thân. Đừng quên rằng, đặc tính nào cũng chỉ đại diện một phần nhỏ trong nhân dạng mỗi người. Không có một đặc tính nào là thuộc về “tính nam” hay biểu đạt hết định nghĩa về “tính nam”.

Quan trọng hơn hết, chúng ta không nên áp đặt hoặc tước đoạt định nghĩa của một người về “tính nam” của họ. Mỗi người đều có quyền tự đưa ra định nghĩa về sự nam tính cho riêng họ. Hãy tôn trọng định nghĩa về tính nam của người khác miễn là định nghĩa đó có ý nghĩa với họ và không làm ảnh hưởng đến người khác.

Mở rộng và kết hợp nhiều khái niệm mới vào tính nam có thể giúp ta hiểu thêm và chấp nhận nhân dạng của bản thân cũng như của những người khác.

Thay đổi từng ngày

Tính nam độc hại không dễ bị thay đổi hoặc bị loại bỏ chỉ qua một đêm. Tuy nhiên, khi càng nhiều người bắt đầu tự định nghĩa sự nam tính của bản thân thông qua những trải nghiệm cá nhân, vai trò giới sẽ càng tiếp tục thay đổi trên một quy mô lớn hơn.

Ở mức độ cá nhân, bạn có thể tự giáo dục bản thân về cách suy nghĩ đúng đối với tính nam. Đồng thời, hãy quan tâm đến người khác để giúp họ thay đổi những suy nghĩ tiêu cực. Bạn cũng có thể cùng bạn bè chia sẻ cảm xúc và bàn luận cởi mở chủ đề này. Hãy nhớ rằng nên tránh sự đánh giá và chỉ trích gay gắt nhé!

Chất vấn và phản đối những đặc tính nam tính thái quá cũng có thể là một phương pháp. Bằng cách này, những người xung quanh có thể xem xét và định nghĩa lại sự nam tính của họ. Đồng thời, nó cũng là cơ hội để dẹp bỏ những lối suy nghĩ cổ hủ và độc hại.

Nam giới có thể làm gì để chống tính nam độc hại?

Nam giới có thể làm gì để chống tính nam độc hại?
Nguồn ảnh: Feminism in India

Nhận biết những thành kiến trong tiềm thức

Hãy để ý đến những hành vi đến từ người khác giới, chủng tộc, dân tộc có thể khiến bạn khó chịu. Nguyên nhân của sự khó chịu đó là gì? Những bình luận hoặc hành động nào của họ làm bạn bực bội? Làm sao để bạn chuyển biến những sự tiêu cực đó thành cơ hội phát triển và cải thiện mối quan hệ này? Thay vì lảng tránh, hãy tìm về nguồn gốc của vấn đề. Đây có thể là một cơ hội tốt để bạn tận dụng nhằm cải thiện chính bản thân mình.

Quan tâm đến trải nghiệm của người khác

Nam giới có thể trở nên thiếu chủ động trong việc hòa nhập với sự đa dạng trong cộng đồng. Điều này khiến cho các nhóm yếu thế (như nữ giới) không được chú ý và phải tuân theo văn hóa của nhóm ưu thế (như nam giới). Chính vì thế, để loại bỏ tính nam độc hại, hãy tự đặt cho bản thân nhiều câu hỏi. Liệu chúng ta đã tích cực thấu hiểu trải nghiệm của người khác chưa? Khi đã có câu trả lời, hãy trau dồi kiến thức của bản thân. Từ đó, bạn có thể góp phần đẩy lùi, xóa bỏ những định kiến và khuôn mẫu tiêu cực.

Bạn có thể bắt đầu tự học từ báo, sách, và chương trình phát thanh. Hãy tận tình hỏi thăm những người xung quanh về cuộc sống và công việc của họ. Bạn có thể cân nhắc tham gia các hội nghị tương tác dành cho nữ giới hoặc cộng đồng LGBT. Hãy tích cực lắng nghe và kết nối với những cộng đồng xung quanh bạn. Hãy dám hỏi và bước ra khỏi vùng an toàn của mình.

Lên tiếng

Một phần quan trọng trong văn hoá tính nam lành mạnh chính là những hình mẫu lành mạnh. Hãy công khai chỉ điểm những hành vi sai lầm, như:

  • Người nam có những biểu hiện cố chấp, bạo lực;
  • Người nam lợi dụng vai trò giới để áp đảo người khác, cắt ngang người nữ trong buổi họp, quấy rối tình dục đồng nghiệp;
  • Những người từ chối giao thiệp, kỳ thị người đồng tính;

Bạn không nên quá e ngại về vị trí của bản thân với mọi người xung quanh. Thay vào đó, hãy can đảm đối mặt với họ nhằm xây dựng một văn hóa tính nam lành mạnh hơn.

Ủng hộ nguyện vọng của nam giới

Một quan niệm sai lầm đó là chỉ có người nữ mới cần có nguyện vọng hay được hưởng chế độ, ví dụ như làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, nam giới bất kể độc thân, đã kết hôn, có hoặc không có con cũng cần sự linh hoạt về khung giờ làm việc. Nguyện vọng của bất kỳ ai, thuộc giới nào, cũng đều nên được lắng nghe và thỏa mãn. Tuy nhiên, nam giới lại khó bày tỏ những nguyện vọng của mình. Trong trường hợp này, nguyên nhân là bởi họ sợ bản thân bị nhìn nhận là “yếu đuối” hoặc đang đòi hỏi. Họ cũng có thể sợ phải đối mặt với sự khiển trách từ công ty nơi họ đang làm việc.

Nhìn nhận vấn đề một cách thực tế và chấn chỉnh

Nhiều nghiên cứu cho thấy người nam thường nghĩ rằng những người nam khác có xu hướng phân biệt giới hơn. Hiện tượng trên được gọi là “vô tri đa nguyên”: là khi một người mặc định rằng thái độ, hành vi, nhận định của họ thuộc nhóm thiểu số/không phổ biến trong khi chúng là phổ biến. Hiện tượng này gây ra sự đánh giá sai lầm về mức độ nghiêm trọng trong hành động của bản thân cũng như xu hướng hành động/suy nghĩ của đám đông, dẫn đến việc không có các hành vi điều chỉnh hay can thiệp cần thiết.

Điển hình khi đối mặt với tình trạng phân biệt giới nữ, đa số người nam thường sẽ không lên tiếng. Họ nghĩ chỉ có họ mới cho rằng đây là hành vi không đúng mực. Họ sẽ giữ im lặng, miễn cưỡng chấp nhận những hành vi độc hại. Điều này khiến cho hiện tượng tiêu cực này tiếp diễn, thậm chí trầm trọng hơn.

Nghiên cứu và kết quả

Trong một nghiên cứu của Sex Roles, một nhóm sinh viên nam đã tham gia đánh giá mức độ đồng tình của họ với những nhận định về nữ giới (như “rất dễ nóng tính”, ” thường dịu dàng, nhưng sẽ lộ bản chất thật khi hẹn hò với nam giới”,…). Sau đó, nhóm này được yêu cầu đánh giá mức độ đồng tình với những nhận định tương tự về nữ giới nhưng của những người nam khác trong nhóm.

Sau khi hoàn thành câu trả lời, một nửa nhóm sẽ không được cho biết thêm gì, và nửa còn lại được giải thích về các mức độ phân biệt giới thực tế và hiện tượng “vô tri đa nguyên”. (Trong trường hợp này, hiện tượng “vô tri đa nguyên” biểu hiện qua việc các cá nhân đã cho rằng: “Mình ít phân biệt giới hơn, những người nam khác phân biệt giới trầm trọng hơn. Mức độ phân biệt giới ít trầm trọng của mình chỉ là thiểu số, phân biệt giới trầm trọng mới là phổ biến”). Sau 3 tuần, các sinh viên lại trả lời các câu hỏi trên. Lần này, nhóm sinh viên được giải thích và trao đổi trước đó đã có đánh giá chuẩn xác hơn.

Điều này cho thấy việc điều chỉnh thái độ là hoàn toàn khả thi. Quá trình trên có thể giúp hạn chế những biểu hiện phân biệt giới. Đồng thời, nó cũng khuyến khích việc lên tiếng phản đối những hành vi phân biệt nghiêm trọng.

Khuyến khích sự đa dạng vai trò và mối quan hệ

Tính nam độc hại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của những người mang giới nam. Người nam không được phát triển các mối quan hệ thân thiết. Đồng thời, họ cũng chỉ tập trung cho duy nhất vai trò “trụ cột gia đình”. Điều này, vô hình trung, đã gán đặc điểm nhận dạng của họ với những vai trò giới gò bó.

Ngược lại, khi nam giới mở rộng vai trò của mình và xây dựng liên kết chắc chắn với gia đình, bạn bè, và cộng đồng, điều đó cũng sẽ tạo môi trường có lợi cho những người xung quanh. 

Ví dụ: Trẻ em khi dành thời gian với bố và được bố ủng hộ về mặt tâm lý sẽ ít có khả năng phạm phải các hành vi phạm pháp, ít có nguy cơ bị trầm cảm hơn và thậm chí hài lòng với cuộc sống hơn khi chúng lớn lên.

Tổng kết

Tổng kết về tính nam độc hại
Nguồn ảnh: The Guardian

Tính nam độc hại không chỉ gây hại cho nam giới mà còn cho tất cả chúng ta. Vậy, để ngăn chặn sự phát triển của tính nam độc hại, hãy lên tiếng rộng rãi để thách thức những giá trị tiêu cực về tính nam. Đồng thời, hãy ủng hộ việc mở rộng phạm vi vai trò và mối quan hệ rộng lớn cho bộ phận nam giới. Không phải người nam nào cũng đều tuân theo những khuôn khổ, quy định của xã hội về tính nam cả.


Đọc đến đây, chắc hẳn bạn cũng một phần nào hiểu được tính nam độc hại là gì và những ảnh hưởng của nó lên cá nhân và xã hội. Qua đó, chúng ta cần nhớ rằng: Nam giới cũng là con người. Họ cũng có quyền được khóc và bày tỏ cảm xúc cá nhân. Hãy học cách yêu thương và chia sẻ với những người xung quanh. Hy vọng sau bài viết này, bạn đã có đủ cho mình những kiến thức và sẽ góp phần đẩy lùi những tính độc hại đang tồn tại. Hãy cùng chúng mình lan tỏa thông điệp và cùng đồng hành với VYA trong những bài viết sắp tới nhé!

Người thực hiện: Kim Cương, T.M.T., Như Trần, T.D.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.bustle.com/articles/143644-6-harmful-effects-of-toxic-masculinity

https://www.chrysalisfdn.org/shematters/toxic-masculinity/

https://www.medicalnewstoday.com/articles/toxic-masculinity?fbclid=IwAR3bwdMvaQ0ZGPEdQmZeK02T1iO_q4FmsOp61WWoTuWqUZOxxJANDUjYaeI#mental-health

https://www.innovationunit.org/thoughts/be-a-man-toxic-masculinity-social-media-and-violence/

https://www.quickanddirtytips.com/health-fitness/mental-health/fight-toxic-masculinity

https://www.verywellmind.com/the-dangerous-mental-health-effects-of-toxic-masculinity-5073957

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây