Bệnh nấm Candida (nhiễm trùng nấm men) khá phổ biến, nhất là với người mang bộ phận sinh dục nữ. Bệnh gây khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng. Thế nhưng nếu được phổ cập kiến thức ngay từ đầu thì đây lại là một căn bệnh rất dễ phòng ngừa và có thể được điều trị hiệu quả. Chính vì vậy, qua bài viết này, hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng chống và điều trị tận gốc căn bệnh nhiễm trùng “cứng đầu” này nhé.
*Cảnh báo: Bài viết có chứa hình ảnh và nội dung nhạy cảm, mong bạn cân nhắc trước khi xem.
Nguyên nhân gây bệnh nấm Candida
Bệnh nấm Candida là một căn bệnh gây đau đớn, khó chịu lâu dài. Bệnh thậm chí gây tử vong đối với bệnh nhân AIDS hoặc bị suy yếu hệ miễn dịch cơ thể. Nhưng đâu mới là những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của căn bệnh không ai muốn này? Dưới đây là các nguyên nhân thường dẫn đến nhiễm trùng nấm Candida:
- Dùng thuốc kháng sinh đa chức năng;
- Dùng thuốc ngừa thai có hàm lượng estrogen cao;
- Sử dụng corticosteroids;
- Hệ miễn dịch bị suy yếu do bệnh (tiểu đường, HIV/AIDS…) hoặc tham gia trị liệu ức chế miễn dịch (steroid, xạ trị…);
- Ăn nhiều tinh bột hoặc đường tinh luyện;
- Uống nhiều thức uống có cồn, nồng độ cồn cao;
- Căng thẳng kéo dài hoặc với cường độ cao.
Bảy dấu hiệu nhận biết nhiễm trùng nấm Candida
Bệnh nấm Candida sẽ liên tục dày vò và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh. Vậy làm sao để nhận biết liệu mình có đang nhiễm bệnh không?
Sau đây, VYA sẽ gửi đến các bạn 7 dấu hiệu để nhận diện nhiễm trùng nấm Candida:
Xuất hiện đốm trắng trong miệng
Người bị bệnh nấm Candida ở miệng thường xuất hiện lớp phủ trắng loang lổ trên lưỡi, má trong, cổ họng hay vòm miệng. Sự xuất hiện của nấm thường do hệ miễn dịch bị suy yếu, sử dụng thuốc kháng sinh vô liều lượng, khô miệng và nội tiết tố có sự thay đổi (như trong thai kỳ).
Nấm miệng có thể xuất hiện bất ngờ, khiến bạn gặp khó khăn khi nếm hay nuốt thức ăn. Bạn có thể cảm giác như vải bông phủ đầy miệng. Ngoài ra, miệng sẽ xuất hiện vết đỏ, đau nhức liên tục quanh khóe miệng. Hãy cẩn trọng và kiểm tra vùng miệng của mình đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ bạn nhé.
Nhiễm trùng nấm men thường xuyên
Nhiễm trùng nấm men có thể xảy ra do sử dụng thuốc kháng sinh hay nội tiết tố không ổn định (trong thai kỳ hoặc dùng thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen cao). Bên cạnh đó, khá nhiều bạn mang đặc điểm sinh học nữ cho biết họ từng nhiễm nấm men. Nếu nhiễm trùng diễn ra liên tục thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề về nấm Candida đó. Ngoài ra, một số triệu chứng khác bạn phải lưu ý là âm đạo đau nhức, sưng phồng, ngứa ngáy, chảy mủ trắng dày và đau đớn cực độ khi quan hệ hoặc tiểu tiện.
Nhiễm trùng đường tiểu liên tục
Khi nhiễm trùng nấm men, rất nhiều người phải đối mặt với nhiễm trùng đường tiểu. Người bệnh sẽ buồn tiểu liên tục, kể cả nước tiểu rất ít hay thậm chí không ra được gì. Ngoài ra khi bài tiết, người bệnh sẽ thấy đường tiểu nóng rát, nước tiểu đục, nhiễm đỏ hoặc có mùi rất nồng.
Bệnh về đường tiêu hoá
Các bệnh gây ức chế hệ miễn dịch của cơ thể sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm nấm Candida, đặc biệt là những bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng.
Mặt khác, nấm Candida chính là nguyên nhân đứng sau sự nhiễm trùng men ở nhiều bệnh nhân viêm ruột. Các triệu chứng cho thấy nấm Candida đang âm thầm lây lan là đau nhức vùng bụng, tiêu chảy, phân dính máu, ăn uống mất khẩu vị, và sụt cân.
Nhiễm trùng da thường xuyên
Nấm Candida thường được phát hiện sống trên da người. Nhưng, chúng còn có thể gây nhiễm trùng dưới da, dẫn đến da khô kết vảy, nấm móng hoặc gàu.
Bên cạnh đó, vì nấm Candida ưa môi trường nóng ẩm. Những vùng ấm hơn bình thường như nách, bẹn, thân trên hay dưới ngực là những nơi thường bị nhiễm trùng. Triệu chứng chính thường là vết phát ban gây ngứa trông như chùm mụn đỏ xuất hiện trên cơ thể bệnh nhân.
Đau khớp
Nấm Candida thường gây nhiễm trùng ở miệng, ruột và âm đạo, nhưng chúng vẫn có thể di chuyển qua đường máu để tới những nơi khác trong cơ thể. Chúng có thể định cư ở các khớp, dẫn tới đau nhức hông hay đầu gối.
Tuy nhiên, đau khớp vẫn chưa đủ để kết luận bạn có đang nhiễm nấm Candida hay không. Do đó, bạn đừng nên tự chẩn đoán mà hãy đến bác sĩ để được khám chính xác nhé. Bạn cũng cần cẩn trọng khi thấy những triệu chứng như mệt mỏi liên tục, “sương mù não”, phát ban da, phồng bụng, tiêu chảy, táo bón hay rụng tóc.
Sốt và cảm lạnh
Trong một số trường hợp, cảm cúm là dấu hiệu cảnh báo nấm Candida đang cố xâm nhập cơ thể. Nếu bạn vẫn không thấy khá hơn sau khi uống thuốc cảm, nấm Candida có thể là nguồn cơn đấy. Tuy nhiên, cảm cúm là dấu hiệu ban đầu của rất nhiều bệnh khác. Bạn không nên tự chẩn bệnh mà hãy đi bác sĩ để tìm và điều trị đúng bệnh nha.
Chắc hẳn bạn đã biết được phần nào những dấu hiệu của nấm Candida qua phần thông tin bên trên. Khi gặp những tình trạng giống như trên, bạn hãy chủ động đến bác sĩ để khám nhé. Sức khỏe luôn là điều quý giá nhất!
Nhiễm trùng nấm Candida ở các bộ phận trên cơ thể
Tùy vào từng nơi nhiễm mà bệnh nấm Candida sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau. Vậy mỗi bộ phận khi bị nhiễm bệnh sẽ có biểu hiện như thế nào? Hãy tham khảo các triệu chứng sau cùng VYA nhé:
- Da nổi những đốm đỏ, ẩm và ứa nước trên da, thỉnh thoảng có mụn mủ nhỏ xung quanh;
- Miệng xuất hiện các đốm trắng vón cục, nhất là trên lưỡi, vòm miệng, và quanh môi. Nếu cạo đi lớp trắng này, ta sẽ thấy vùng sưng đỏ bên dưới, có thể xuất huyết. Ngoài ra vùng da ẩm quanh khoé miệng có thể bị nứt và nổi đỏ, nhưng thường sẽ không đau;
- Thực quản (Viêm thực quản Candida) có các triệu chứng như đau ở vùng ngực sau xương ức hoặc khó khăn khi nuốt thức ăn.;
- Âm đạo ngứa và/hoặc đau, có thể chảy mủ dày như phô mai mềm. Quanh lối vào âm đạo sẽ có cảm giác nóng rát khó chịu. Khi tiểu tiện và quan hệ tình dục cũng sẽ đau đớn;
- Máu (bệnh nấm Candida sâu): Triệu chứng có thể trải dài từ những cơn sốt bất chợt tới tổn hại các cơ quan của cơ thể. Khi nấm Candida nhiễm hoặc bùng phát trong máu, bạn cần hết sức thận trọng và lập tức đi khám. Trường hợp này, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng.
Chẩn đoán nhiễm trùng nấm Candida như thế nào?
Thông tin dưới đây chỉ nên được dùng với mục đích tham khảo. Nếu nghi ngờ mình nhiễm bệnh, hãy lập tức đến bác sĩ bạn nhé.
Để chẩn đoán chính xác, các bác sĩ sẽ cần biết chi tiết về bệnh sử của bạn. Ngoài ra bạn còn cần cung cấp thông tin về chế độ ăn uống, các loại thuốc kháng sinh hay ức chế hệ miễn dịch bạn đã và đang sử dụng.
Nấm Candida ở miệng, da hoặc âm đạo thường được chẩn đoán qua khám lâm sàng đơn giản. Nếu chưa chắc chắn, bác sĩ sẽ lấy mẫu phần bề mặt viêm nhiễm để nghiên cứu hoặc nuôi cấy. Trường hợp bệnh tái phát hậu điều trị, việc nuôi cấy sẽ giúp xác định nấm men có thể kháng lại trị liệu diệt nấm hay không. Nếu nghi bạn nhiễm nấm Candida trên da, bác sĩ sẽ hỏi thêm về cách bạn dưỡng da. Đồng thời, bác sĩ cũng hỏi về môi trường sinh hoạt của bạn.
Trường hợp bác sĩ cho rằng bạn đang mắc những bệnh làm tăng khả năng nhiễm nấm Candida (tiểu đường, ung thư, HIV,…), thì việc xét nghiệm máu hoặc làm các kiểm tra khác là rất cần thiết.
Với viêm thực quản Candida, bạn sẽ được chuyển đi khám thực quản bằng ống nội soi. Trong quá trình nội soi, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ thực quản để nghiên cứu thêm.
Cuối cùng, để chẩn đoán bạn có bị nhiễm trùng nấm Candida sâu (nhiễm trùng máu) hay không, bác sĩ sẽ lấy mẫu máu của bạn để kiểm tra sự phát triển của nấm Candida hoặc những mầm bệnh khác.
Điều trị bệnh nấm Candida ra sao?
Một số trường hợp phổ biến và các phương thuốc trị liệu tương ứng có thể kể đến như:
Nấm miệng: Bạn sẽ được kê các loại thuốc bôi trị nấm chuyên dụng như nystatin (mycostatin và những loại khác) và clotrimazole. Nếu bệnh nhẹ, bạn có thể súc miệng với nystatin dạng lỏng rồi nuốt, hoặc ngậm viên clotrimazole hòa tan hình thoi trong miệng. Nếu nặng hơn, bạn có thể được cho uống thuốc chống nấm như fluconazole (Diflucan) 1 lần/ngày.
Thực quản: Thường trường hợp này sẽ được điều trị bằng các loại thuốc trị nấm qua đường uống như fluconazole.
Da: Bạn có thể sử dụng các loại bột và kem bôi trị nấm. Lưu ý, bạn cần phải giữ vùng da bị nhiễm thật sạch sẽ, khô ráo và tránh ma sát nhé!
Âm đạo: Khi gặp các trường hợp này, bạn thường sẽ được chỉ định các loại thuốc trị nấm dùng trực tiếp lên âm đạo dưới dạng viên nén, kem bôi, thuốc mỡ hay thuốc đạn. Các thuốc này bao gồm các thành phần như butoconazole (Femstat), clotrimazole (Gyne-Lotrimin), miconazole (Monistat, Vagistat và những loại khác), nystatin (Mycostatin và những loại khác), tioconazole (Monistat-1, Vagistat-1) hay một liều fluconazole đường uống. Trong một số trường hợp, bạn tình thường không cần tiếp nhận trị liệu.
Máu (bệnh nấm Candida sâu): Các bạn nhiễm nấm Candida sâu nên được điều trị bằng các loại thuốc trị nấm tiêm tĩnh mạch như voriconazole hay fluconazole. Bệnh nhân có lượng bạch cầu thấp cần dùng thuốc tiêm thay thế khác, như caspofungin hoặc micafungin.
Bao lâu thì hết nhiễm trùng nấm Candida?
Với nhiễm nấm ở miệng, thực quản hoặc âm đạo, người có sức khỏe bình thường chỉ cần trị liệu bằng thuốc chống nấm ngắn hạn (có thể chỉ cần một liều) là đã trị dứt điểm được bệnh.
Tuy nhiên, với những người nhiễm HIV/AIDS hay những bệnh suy yếu hệ miễn dịch khác, nhiễm nấm Candida sẽ khó chữa khỏi và có khả năng tái phát sau trị liệu. Ngoài ra, bệnh có thể gây tử vong nếu lan tới những cơ quan chính qua máu.
Nhiễm trùng nấm Candida thật sự rất phiền phức và luôn chờ chực để gây khó khăn cho chúng ta.
Tuy nhiên, đừng lo bạn nhé vì đã có Vietnam Youth Alliance ở đây! Chúng mình tin khi được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết, cùng với lòng quyết tâm, ta hoàn toàn có thể đẩy lùi bệnh nấm Candida nói riêng và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nói chung. Qua bài viết này, chúng mình mong các bạn đã biết các dấu hiệu nhiễm trùng nấm men, từ đó biết cách điều trị hiệu quả và phòng bệnh sớm nhé!
Người thực hiện: Hà, Kim Cương, N.
3 Responses
I offer the opportunity to get a big jackpot only here nutritionisthenewblack.net
I Can offer the opportunity to get a big jackpot only here nutritionisthenewblack.net
I Will offer the opportunity to get a big jackpot only here nutritionisthenewblack.net