Thái độ tích cực với cơ thể

Thời gian đọc: 8 phút

“Có thái độ tích cực với cơ thể” là một phong trào xã hội bắt nguồn từ mong muốn tất cả mọi người đều có một cái nhìn tích cực với cơ thể, đi ngược lại với thực trạng phân biệt hiện nay khi nhiều người đang bị ám ảnh về hình thể và áp đặt sự tiêu cực lên bản thân. Hãy cùng Vietnam Youth Alliance tìm hiểu thêm về phong trào này nhé.

 

“Nhìn nhận tích cực về cơ thể” là gì?

 

 

Thuật ngữ “nhìn nhận cơ thể một cách tích cực” nảy sinh từ các nhóm những người phản đối những kẻ kỳ thị người thừa cân, và sau đó được tiếp nhận bởi những người chống lại chủ nghĩa phân biệt tuổi tác (phân biệt đối xử dựa trên độ tuổi của một người), kỳ thị khuyết tật (thiên vị những người có cơ thể đầy đủ, không dị tật), phân biệt chủng tộc (phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc của một người) và những hình thức áp bức khác. Thái độ tích cực nhìn nhận này dành cho tất cả những người không phân biệt giới tính, kích cỡ, chủng tộc, lứa tuổi và đẳng cấp – hay nói đúng hơn, là dành cho mọi người!

 

Có “thái độ tích cực với cơ thể” không chỉ là nghĩ rằng cơ thể của mình trông thật đẹp. Nó còn có nghĩa là tin tưởng vào việc cơ thể của bạn là một cơ thể khoẻ đẹp.

 

“Miệt thị ngoại hình” là gì?

 

 

Miệt thị ngoại hình là những hành vi cho người khác thấy rằng cơ thể họ trông thật tồi tệ hoặc đáng xấu hổ, và gây những ảnh hưởng tiêu cực đến người bị xúc phạm hình thể, khiến họ cảm thấy rằng họ cần phải thay đổi hoặc che giấu cơ thể bản thân. Miệt thị ngoại hình bao gồm:

 

  • Lăng mạ, sỉ nhục hoặc bình phẩm cơ thể người khác;
  • Nói với người khác rằng họ cần phải tập thể dục thêm hoặc ăn những loại thức ăn khác nhau;
  • Mong muốn người khác trở nên quyến rũ hơn hoặc tương tự; 
  • Đặt áp lực lên người khác về cơ thể của họ. Ví dụ: khiến họ mua những thực phẩm chức năng hay đồ dùng khiến cơ thể họ trở nên “dễ nhìn” hơn.

 

Phê bình cơ thể ai đó vì bạn lo lắng cho sức khỏe của họ, hay vì trong mắt bạn, sự hấp dẫn của cơ thể người đó đã thay đổi vẫn bị coi là miệt thị ngoại hình. Điều này khiến họ cảm thấy tự ti bởi vì bạn không chấp nhận cơ thể họ, và không có cái cớ nào có thể bào chữa được cho hành vi của bạn cả.

 

Bị miệt thị ngoại hình đã trở nên rất phổ biến trong cuộc sống chúng ta, nhưng đây không phải là điều nên có. Chúng ta luôn thường nhận được những “chỉ dẫn” từ truyền thông, tôn giáo, công việc, và những người bạn của mình về những cơ thể được chấp nhận và không. Có những cơ thể được xem là quá cỡ, hoặc quá gầy, chiếm quá nhiều hoặc quá ít (thực tế hoặc chỉ là ẩn dụ) diện tích. 

 

Miệt thị ngoại hình cũng bao gồm cả việc hướng những lời chỉ trích, chê bai tới những cơ thể thuộc các chủng tộc khác, cơ thể người chuyển giới, cơ thể khuyết tật, cơ thể béo, cơ thể nhiều lông,… Những tiêu chuẩn về cơ thể “đẹp” hay “xấu” thường phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa (ví dụ: quốc gia bạn đang sống, những nhóm bạn tham gia vào,…). Thậm chí trong những cộng đồng thiểu số, người ta vẫn bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ và các cuộc trò chuyện về cơ thể bao gồm những thứ như “người này có vẻ queer đấy”, “người kia giống chuyển giới ghê”, “nhìn cái là biết thuộc dân tộc nào”, hay thậm chí là cả những cuộc tranh luận xem người nào đẹp, người nào không.

 

Có thể mất rất nhiều thời gian và nỗ lực để gạt bỏ những ý nghĩ tiêu cực – thứ mà ta chẳng thể phớt lờ. Đạt được thái độ tích cực về cơ thể là cả một quá trình, không phải một trạng thái tâm trí. Việc có được thái độ tích cực về cơ thể là tìm ra những cách để khuyến khích những suy nghĩ tốt đẹp về cơ thể cũng như để đối mặt với những khi ta cảm thấy tự ti hay xấu hổ về nó.

 

Tích cực với cơ thể và trong tình dục

 

 

Hình thành sự chấp nhận và đánh giá cao về sự đa dạng của các kiểu hình thể không đồng nghĩa với việc bị thu hút, hấp dẫn bởi tất cả. Tuy nhiên, nếu như bạn đang tìm cách để có thái độ tích cực về hình thể trong đời sống tình dục của mình, sau đây là một số thứ bạn có thể thử:

 

  • Nghĩ về kiểu cơ thể thu hút bạn và lý do tại sao, khi quan hệ tình dục bạn nghĩ về ai và tại sao? Có những lúc suy nghĩ của ta bị ảnh hưởng bởi truyền thông (gồm cả phim khiêu dâm) – thứ chỉ cho ta thấy những cơ thể thật hoàn hảo và quyến rũ một cách đáng ao ước. Điều này có thể dẫn đến ý nghĩ rằng chỉ có những kiểu cơ thể như vậy mới được quan hệ tình dục, cũng như chỉ có những kiểu cơ thể như vậy mới hấp dẫn. Những phương tiện truyền thông cho ta thấy sự quyến rũ của mọi hình thể sẽ giúp chúng ta có suy nghĩ tích cực hơn về cơ thể, rằng cơ thể của tất cả mọi người đều đáng ao ước, đều được quan hệ tình dục và nhận được sự sung sướng nếu muốn.
  • Một cách khác để tập thói quen suy nghĩ tích cực về cơ thể trong tình dục là “làm quen” với cơ thể chính mình. Việc chấp nhận và trân trọng cơ thể người khác về mặt tình dục có thể khá dễ dàng, thế nhưng việc chấp nhận chính cơ thể mình lại không dễ như vậy. Đừng quan tâm người khác nghĩ gì, hãy dành thời gian để tìm hiểu bản thân để hiểu rằng cơ thể của chúng ta quyến rũ theo cách riêng của nó. Điều này sẽ giúp ta xác định được cảm xúc của mình và xác định được mình cần gì. Nhờ vậy ta sẽ thoải mái hơn trong việc khám phá những ham muốn của mình và nói cho bạn tình biết những điều đó, từ đó thiết lập nên các giới hạn. 

 

Quan tâm bản thân  

 

“Quan tâm bản thân không phải là nuông chiều chính mình mà là giữ gìn bản thân.” — Audre Lorde.

 

Với nhiều người, suy nghĩ tích cực bắt đầu bằng việc học cách chấp nhận và yêu quý cơ thể mình. Bạn không cần phải luôn thấy tự tin để tập suy nghĩ tích cực, nhưng tự yêu bản thân chính là một cách để thành một con người tích cực với cơ thể đấy. 

 

Quan tâm bản thân là tìm cách hiểu rõ giá trị của cơ thể và những gì cơ thể đem lại cho bạn. Nếu bạn không biết làm điều gì để hiểu rõ cơ thể mình, hãy nghĩ về 5 giác quan bạn có: thị giác, khứu giác, thính giác, vị giác và xúc giác, và nghĩ về cảm giác nào khiến cơ thể bạn phản hồi lại một cách tích cực (ví dụ như ánh sáng ấm, trái cây tươi, loại nhạc bạn thích, món ăn vặt khoái khẩu, cảm giác khi nằm dài dưới cỏ,…). 

 

Khi bạn càng yêu mến bản thân thì bạn càng dễ dàng lắng nghe được những mong muốn của cơ thể và tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó. Cơ thể vốn là một hệ thống phức tạp, tìm hiểu rõ cơ thể của bản thân là một công việc đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại, nhưng bù lại, khi những mong muốn của cơ thể được thỏa mãn, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống này vô cùng thoải mái và dễ chịu đấy.

 

 

Quan tâm bản thân và quan tâm cộng đồng

 

Yêu bản thân mình có thể là một việc rất khó trong một thế giới đầy rẫy những ý kiến ủng hộ những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể con người. Nhưng chúng ta không phải đối mặt với chuyện đó một mình đâu. Chống lại những suy nghĩ tiêu cực về cơ thể là một việc mà tất cả chúng ta có thể cùng nhau làm. Trở thành một cơ thể tích cực chính là đang thách thức những hành vi miệt thị cơ thể đấy. Đã đến lúc “học đi đôi với hành” rồi. Dưới đây là một số cách để bắt đầu hành động:

 

  • Nói thành tiếng những lời nhắc nhở rằng tất cả mọi cơ thể đều đáng để yêu. Nói, viết, hay đọc những lời khẳng định sự tốt đẹp của cơ thể có thể giúp bạn đẩy lùi khó khăn trong quá trình hình thành nên những cảm xúc tích cực. Bạn có thể làm điều này một mình, hoặc có thể nói với bạn bè, người thân của mình rằng cơ thể của họ đều đáng để yêu.
  • Tập trung vào ngôn ngữ tích cực đối với cơ thể. Điều này bao gồm sự không lăng mạ cơ thể của bản thân hay người khác, cũng như không dùng ngôn ngữ tiêu cực về cơ thể (ví dụ: từ ngữ mang tính kỳ thị người khuyết tật như “đồ què”) để mô tả những điều ta không thích. Đồng thời hãy tôn trọng và sử dụng thuật ngữ người khác thích dùng để miêu tả cơ thể của họ.
  • Nói về quá trình của bản thân trên con đường trở thành một người luôn có thái độ tích cực về hình thể. Nói về những ngày bạn cảm thấy tiêu cực. Chia sẻ những điều bạn đã chấp nhận và yêu quý về cơ thể mình. Chia sẻ những kinh nghiệm này sẽ dẫn đến nhiều cuộc trò chuyện hơn về thái độ tích cực với cơ thể trong cộng đồng.
  • Sáng tạo trong suy nghĩ. Nghĩ đến những bộ phim, quyển sách hay những trò chơi, mà trong đó, cơ thể người ta bị nhạo báng, bị xem thường, bị đối xử sai cách, hay chỉ đơn giản là không được nhắc đến. Nếu bạn đang cố tạo ra điều gì đó mới mẻ, hãy nghĩ đến cách để gợi nhắc và làm rõ hơn sự đa dạng của các cơ thể trong thế giới của chúng ta.
  • Hãy lên tiếng khi bạn chứng kiến thái độ tiêu cực về cơ thể. Việc này bao gồm việc hỏi thăm bạn mình khi bạn thấy người đó có những suy nghĩ tiêu cực đối với chính cơ thể họ. Tẩy chay các phương tiện truyền thông hay sản phẩm nào cố tình thúc đẩy những suy nghĩ tiêu cực của mọi người về cơ thể của họ hoặc tuyên truyền rằng cơ thể của chúng ta luôn có khiếm khuyết. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể lan truyền sự tích cực đối với cơ thể con người đó.

 

Ngẩng cao đầu lên và hãy yêu thương cơ thể mình bạn nhé, và hãy dừng suy nghĩ tiêu cực nào. Vietnam Youth Alliance luôn tin tưởng vào những điều tốt đẹp ở bạn, bao gồm cả cơ thể của bạn đấy! 🙂

 


 

Tài liệu tham khảo

 

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

One Response

  1. great points altogether, you just gained a new reader.
    What could you suggest in regards to your put up
    that you just made some days ago? Any certain?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây