Tiêu chuẩn sắc đẹp ở nữ giới: Con dao hai lưỡi

Tiêu chuẩn sắc đẹp ở nữ giới: Con dao 2 lưỡi
Thời gian đọc: 11 phút

Tiêu chuẩn sắc đẹp nói chung, và ở nữ giới nói riêng, đã tồn tại từ rất lâu về trước. Cho đến nay, nó vẫn có một sức ảnh hưởng nhất định. Theo thời gian, xã hội phát triển dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức về cái đẹp của con người. Tuy vậy, quan niệm về cái đẹp lý tưởng và sự hoàn hảo tuyệt đối vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người. Những quan điểm đó có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường về sức khỏe.

VYA mong rằng qua bài viết này, các bạn sẽ có cái nhìn khách quan về định nghĩa thế nào là đẹp, từ đó yêu quý vẻ đẹp vốn có của bản thân hơn.

Tiêu chuẩn sắc đẹp là gì?

Tiêu chuẩn sắc đẹp là gì?
Nguồn ảnh: Teen Vogue

Về cơ bản, tiêu chuẩn sắc đẹp là một loạt các yếu tố nhằm đánh giá mức độ hấp dẫn của một người dựa trên vẻ đẹp nữ tính lý tưởng của một nền văn hóa nhất định. Vậy nên, có thể nói “đẹp” là một khái niệm mang tính chủ quan. Một người có thể được coi là đẹp hay không còn phụ thuộc vào tiêu chuẩn của từng nơi khác nhau.

Vẻ đẹp lý tưởng của nữ giới là “một khái niệm mà xã hội đặt ra, trong đó vẻ ngoài hấp dẫn là một trong những tài sản quan trọng nhất của phụ nữ, và là thứ mà mọi phụ nữ nên cố gắng để đạt được và giữ gìn.”

Ngoài ra, tiêu chuẩn sắc đẹp được truyền bá rõ ràng và thường xuyên nhất qua các kênh truyền thông. Ví dụ: các tác phẩm phim ảnh, văn học, sách báo tạp chí, phương tiện truyền thông. Nó cũng tồn tại trong hệ thống trường học, y tế, chính trị, hay các mối quan hệ cá nhân. 

Tuy nhiên, sắc đẹp lý tưởng không phải tự nhiên mà có. Trên thực tế, các tiêu chuẩn sắc đẹp được dựng lên từ chính xã hội con người, nghĩa là những gì mà ta vẫn luôn coi là “bình thường” thực chất đều được quyết định bởi các quy chuẩn xã hội và tương tác qua lại giữa văn hóa và xã hội.

Tiêu chuẩn sắc đẹp nam giới và nữ giới

Tiêu chuẩn săc đẹp nam giới và nữ giới
Nguồn ảnh: Dribble

Tuỳ theo thời gian, vị trí địa lý hoặc nền văn hoá mà định nghĩa về sắc đẹp của mỗi nơi sẽ khác nhau.

Ví dụ, đối với nam giới, xã hội Hàn Quốc đang ngày càng ưa chuộng loại hình sắc đẹp mềm mại hơn như da mịn, mắt to và những đặc điểm trung tính. Ngược lại, ở một số nước phương Tây, chuẩn mực sắc đẹp có xu hướng nghiêng về sự nam tính, như làn da rám nắng, xương quai hàm sắc nét và hình thể vạm vỡ.

Tương tự, từ trước đến nay, tiêu chuẩn sắc đẹp nữ tính của phụ nữ Á Đông vẫn luôn là dịu dàng và thùy mị. Những từ ngữ khen ngợi như “aegyo” trong tiếng Hàn, “kawaii” trong tiếng Nhật hay “khả ái” trong tiếng Trung chỉ ra rằng những người phụ nữ hấp dẫn sẽ luôn chải chuốt bản thân theo phong cách đáng yêu, nhẹ nhàng và thùy mị.

Gu thẩm mỹ này lại đối lập với tiêu chuẩn phương Tây da trắng. Ở đây, các nữ siêu mẫu, diễn viên được khen ngợi vì sở hữu thân hình năng động, làn da rám nắng và phong thái cởi mở, quyến rũ. 

Ngoài ra, còn phải kể đến tiêu chuẩn sắc đẹp của các nước Mỹ Latinh, với hình mẫu nữ giới lý tưởng bao gồm cơ thể đầy đặn cùng phần hông nở nang, và làn da bóng khỏe mạnh.

Như vậy, ta có thể thấy rõ rằng dù là nam hay nữ giới, tiêu chuẩn sắc đẹp luôn có sự thay đổi rõ rệt tùy theo vị trí địa lý hay nền văn hóa các nơi.

Vì sao tiêu chuẩn sắc đẹp tồn tại?

Vì sao tiêu chuẩn sắc đẹp tồn tại?
Nguồn ảnh: HERS Magazine

Tiêu chuẩn sắc đẹp đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử hình thành và phát triển của loài người. Và cho tới ngày nay, chúng vẫn luôn có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống hàng ngày, các hoạt động của truyền thông hay tới lĩnh vực thương mại. 

Tuy vẫn chưa tìm được lý do giải thích cho sự hiện hữu của chúng, nhưng ta có thể đồng ý rằng các tiêu chuẩn sắc đẹp ngày nay chịu ảnh hưởng từ rất nhiều yếu tố khác nhau.

“Lợi thế tiến hoá” về mặt sinh học

Theo tiến sĩ Brendan Zietsch, nhà di truyền học về hành vi tiến hóa, có “bằng chứng thuyết phục” rằng những thứ ta thấy cuốn hút đều có nền tảng từ tiến hóa. Trong một nghiên cứu được ông tham khảo, có “sự trùng hợp khá cao” khi đánh giá sắc đẹp của một nhóm người chưa từng tiếp xúc với phương Tây và một nhóm từ Hoa Kỳ khi xem những bức ảnh của người dân từ hai môi trường. Ông cho rằng kết quả này cùng với những nghiên cứu khác cùng lĩnh vực thể hiện “sự hoà hợp đáng kể” về vẻ đẹp. “Có rất nhiều tiêu chí sắc đẹp phương Tây phổ biến toàn thế giới,” ông nói.

Vậy khoa học tiến hoá giải thích hiện tượng toàn cầu này thế nào?

“Về cơ bản, khái niệm này cho rằng sự hấp dẫn hình thể phản ánh một số phẩm chất tiềm ẩn, có thể là về mặt di truyền” ông giải thích. Nghĩa là, việc chọn đối tác “hấp dẫn một cách điển hình” thì sẽ có “lợi thế về mặt tiến hóa”.

Tiêu chuẩn sắc đẹp trong lịch sử

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khái niệm về sắc đẹp có mối liên kết chặt chẽ với lịch sử. Nói cách khác, cách xã hội ngày nay định nghĩa cái đẹp bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nhiều sự kiện trong quá khứ.

Từ rất lâu về trước, việc định nghĩa thế nào là “ưa nhìn” đã dựa trên quan điểm của số đông. Quy luật ấy được tạo ra một cách có chủ đích nhằm phục vụ cho mục đích về kinh tế, tôn giáo hay chính trị. Một ví dụ điển hình về việc khái niệm sắc đẹp bị thao túng cho mục đích kinh tế chính là nỗ lực đồng hóa quy chuẩn về sắc đẹp của các công ty mỹ phẩm. Bởi lẽ, càng nhiều người có tiêu chuẩn sắc đẹp giống nhau thì họ càng có khả năng bán được một sản phẩm với số lượng lớn thay vì phải tùy biến cho phù hợp với sở thích của từng người. 

Không chỉ thế, trong lịch sử, tiêu chuẩn sắc đẹp còn bị lợi dụng làm bàn đạp cho tư bản, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Tuy nhiên, việc thao túng tiêu chuẩn sắc đẹp như vậy rất có thể sẽ ảnh hưởng tới những lý giải của khoa học về vai trò thật sự của ngoại hình trong việc tiến hóa.

Mối liên kết giữa nghệ thuật và quan niệm về cái đẹp

Trong khi những tranh cãi về nguyên nhân xuất hiện của tiêu chuẩn sắc đẹp là do khoa học hay văn hóa vẫn đang khiến nhiều nhà nghiên cứu đau đầu, thì yếu tố nghệ thuật dường như lại càng làm mọi việc phức tạp hơn.

Trong lịch sử mỹ thuật, quan niệm về vẻ đẹp dường như được lấy cảm hứng từ cả mặt sinh học lẫn văn hóa. Nhà sử học nghệ thuật, tiến sĩ Adelina Modesti, nói rằng cơ thể con người chính là mấu chốt trong quá trình tham khảo cho tiêu chuẩn cái đẹp trong nghệ thuật, và xuyên suốt các giai đoạn nghệ thuật khác nhau, hình tượng về một cơ thể chuẩn mực đã thay đổi một cách đáng kể.

Ví dụ như trong quá khứ, sắc đẹp của phụ nữ sẽ được đánh giá dựa trên sự khỏe mạnh và khả năng sinh sản cao. Theo đó, những bức tượng nữ thần được chế tác dưới hình dạng người phụ nữ hông nở hoặc có thân hình hơi quá cỡ so với tiêu chuẩn ngày nay.

Từ điều này, tiến sĩ Modesti cho rằng dù là trong quá khứ hay hiện tại, nghệ thuật đều có thể vừa phản ánh sắc đẹp lý tưởng của con người vừa định hướng chúng theo những quy chuẩn của xã hội đương thời.

Truyền thông và hình ảnh đại diện về tiêu chuẩn sắc đẹp

Truyền thông luôn cố bơm vào đầu ta ý tưởng về chuẩn mực của cái đẹp là một công thức có sẵn khi mọi nhân vật trên quảng cáo hay tạp chí đều có ngoại hình tương tự nhau, và họ làm mọi cách để nhấn mạnh rằng các nhân vật xuất hiện trên truyền thông là tiêu chuẩn cho cái đẹp đương thời.

Điều đó dẫn tới hậu quả là ta nhìn nhận cái đẹp như một thứ gì đó xa cách và khó đạt được. Lý do là bởi ta không thể nhìn thấy bản thân mình trong những chương trình TV, nơi chỉ có những người nổi tiếng với ngoại hình vô cùng “long lanh”. Từ đó khiến nhiều người nghi vấn liệu ngoại hình của họ có được xã hội chấp nhận hay không, hoặc tệ hơn là cảm thấy bản thân không quan trọng, lạc lõng.

Ảnh hưởng của tiêu chuẩn sắc đẹp lên xã hội

Ảnh hưởng của tiêu chuẩn sắc đẹp lên xã hội
Nguồn ảnh: Twitter (@labyrinthave)

Tác động tích cực

Tiêu chuẩn sắc đẹp và hình mẫu mà truyền thông xây dựng lên có thể đem lại tác động tích cực tới cách một người tự cảm nhận về cơ thể của bản thân. Ví dụ, vẻ bề ngoài cuốn hút của những người có sức ảnh hưởng, hay một cá nhân bất kỳ, đều có thể truyền cảm hứng cho ta vận động chăm chỉ để cải thiện vẻ ngoài của mình. Thực tế đã chứng minh, số người chạy bộ hay tập yoga trên toàn thế giới đang ngày càng tăng, và đó là nhờ có sự phổ biến của thể thao hay các hoạt động thể chất thông qua quảng bá trên mạng xã hội.

Hơn nữa, hiện nay rất nhiều người nổi tiếng, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội cũng đang quảng bá cho sự đa dạng. Họ khích lệ và trân trọng sự khác biệt, thay vì hướng tới một sắc đẹp lý tưởng và duy nhất. Lúc này, màu da, các đặc điểm trên gương mặt hay chất tóc đã không còn quá quan trọng nữa. Nhờ quảng bá sự đa dạng, những tiêu chuẩn sắc đẹp dần không còn gò bó như trước nữa.

Tác động tiêu cực

Dù đem lại lợi ích là thế, nhưng trên thực tế, tác động tiêu cực của tiêu chuẩn sắc đẹp đang lấn át hơn hẳn và hiện hữu dưới nhiều hình dạng khác nhau. Đầu tiên, số người mắc rối loạn ăn uống đã tăng vọt từ những năm 1970 vì nỗi ám ảnh ăn kiêng để đạt được hình dáng mảnh mai phổ biến của phụ nữ (Laham, 2020). 

Cùng với đó, càng có nhiều người thiếu kiến thức hay kiên nhẫn để cải thiện hình ảnh bản thân. Họ tìm “đường tắt” để đến đích mà không nghĩ tới những hậu quả sức khỏe khôn lường đang trực chờ. Một trong số những tác động tiêu cực mà hình tượng cơ thể gây ra bởi mạng xã hội hoặc các quảng cáo là chúng thôi thúc ta sử dụng biện pháp can thiệp dao kéo, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực chúng đem lại.

Ngoài ra, thường xuyên tiếp xúc với những gương mặt xinh đẹp của người nổi tiếng hoặc bạn cùng lứa sẽ rất dễ khiến các bé gái trong độ tuổi đang lớn, giai đoạn tâm lý rất dễ bị tác động, gặp vấn đề về sự tự tin. Tuy nhiên, các em lại ít khi cân nhắc tới việc đằng sau những bức ảnh rạng ngời ấy là bao nhiêu lớp trang điểm hay chỉnh sửa.

Tiêu chuẩn sắc đẹp thiếu thực tế

Tiêu chuẩn sắc đẹp thiếu thực tế
Nguồn ảnh: Brig News

Nhiều khi người ta cứ mải mê theo đuổi những tiêu chuẩn của xã hội mà quên mất rằng trên thực tế, đạt được một cơ thể hoàn hảo là một việc bất khả thi. 

Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng quan niệm về cái đẹp luôn mang tính chủ quan. Sẽ luôn có sự khác nhau ở mỗi người: có người yêu thích làn da ngăm khỏe mạnh thì cũng có người thích làn da trắng không tì vết, có người chuộng thân hình cao lớn thì sẽ có người thích dáng người nhỏ nhắn đáng yêu,… Có thể thấy ngay cả khái niệm về cái đẹp tuyệt đối cũng chỉ mang tính tương đối.

Đừng để những bức ảnh đẹp đến vô thực trên mạng xã hội trở thành động lực để bạn theo đuổi cái đẹp. Chúng có thể chỉ khiến bạn thêm tự ti và thất vọng về bản thân mình mà thôi. Những bức ảnh đẹp lung linh đó phần lớn là tác phẩm của phần mềm chỉnh sửa, bộ lọc màu,… Thế nên, sẽ không “cân sức” khi so sánh những hình ảnh cơ thể đã qua chỉnh sửa ấy với cơ thể ngoài đời thực.

Ngoài những cơ thể với tỉ lệ siêu thực, xã hội còn tôn thờ những tỉ lệ cơ thể “không lành mạnh”, ví dụ như trào lưu người mẫu siêu gầy. Để đạt được những tiêu chuẩn khắt khe này, nhiều người đã lựa chọn những phương pháp làm đẹp “mạo hiểm” như sử dụng thuốc, ăn kiêng khắc nghiệt hay phẫu thuật thẩm mỹ. Chúng đem lại cảm giác chẳng hề dễ chịu, và nguy hiểm hơn, để lại cho cơ thể những thương tổn nghiêm trọng không thể khắc phục được.

Cách vượt qua những tiêu chuẩn sắc đẹp

Cách vượt qua những tiêu chuẩn sắc đẹp
Nguồn ảnh: Pinterest

Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây để giúp cải thiện sự tự tin của bản thân cũng như biết cách xác định tiêu chuẩn sắc đẹp lành mạnh cho chính mình bạn nhé: 

Loại bỏ những điều tiêu cực

Hãy bỏ qua những trang mạng xã hội chứa hình ảnh khiến bạn tự ti về bản thân. Ngừng theo dõi những kênh truyền thông tuyên truyền những chuẩn mực mà bạn cho là không lành mạnh. Thay vào đó, hãy tìm tới những người có cơ thể khỏe mạnh bằng lối sống lành mạnh, cân bằng.

Tự xác định tiêu chuẩn sắc đẹp của bản thân

Nhu cầu theo đuổi cái đẹp là xác đáng, nhưng đừng để người khác quyết định vẻ ngoài của bạn. Hãy tự tìm hiểu xem mình cảm thấy thoải mái với ngoại hình như thế nào. Việt Nam, cũng như nhiều đất nước Á Đông khác, thường chuộng làn da trắng và thân hình mảnh mai. Tuy nhiên, nếu bạn có làn da nâu hay thân hình đầy đặn và bạn cảm thấy thoải mái với nó, thì bạn hoàn toàn có thể bỏ qua tiêu chuẩn của số đông và tự tin với cơ thể mình.  

Nhớ rằng giá trị của bạn không chỉ nằm ở vẻ bề ngoài

Có ngoại hình ưa nhìn hiển nhiên đem lại cho bạn nhiều lợi thế. Tuy nhiên, ngoại hình không phải là tất cả. Con người là một động vật phức tạp và cần được nhìn nhận qua nhiều khía cạnh. Nếu ngoại hình không phải là lợi thế của mình, bạn hoàn toàn có thể trau dồi những khía cạnh khác của bản thân. Duy trì một cơ thể khỏe mạnh, đầu óc hoạt bát nhanh nhạy, hay giữ cho bản thân luôn chỉn chu, tươm tất và duy trì phong thái tự tin. Nếu có ai đó nhìn nhận giá trị của bạn chỉ nằm ở ngoại hình thì bạn nên biết rằng vấn đề là ở người đó chứ không phải bạn.


Qua bài viết này, mong rằng các bạn sẽ có cái nhìn khách quan hơn về tiêu chuẩn sắc đẹp. Tiếp thu lợi ích mà nó mang lại, nhưng cũng phải tỉnh táo trước những tác động tiêu cực của những tiêu chuẩn phi thực tế để tránh rơi vào vòng xoáy không hồi kết của vẻ đẹp lý tưởng. Từ đó, ta có thể trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân mình. VYA chân thành cảm ơn và hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết trong tương lai.

Người thực hiện: Trần Hoàng Duy, Kim Cương, Louis, Như Ngọc, Như Trần


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://docs.google.com/document/d/1QazCxngb34YfSEIae1MTgG4nrKyQ7Zd1-SnFrZUO1j8/edit#heading=h.c2brq7yre7a4

https://www.thewilkesbeacon.com/opinion/2018/10/30/the-standard-of-beauty-a-dangerous-ideal/

https://www.teenvogue.com/story/standard-issues-white-supremacy-capitalism-influence-beauty

https://othersociologist.com/2011/11/06/beauty/#:~:text=Social%20Construction%20of%20Beauty,norms%2C%20culture%20and%20social%20interaction.

https://westminsterpawprints.com/features/2021/12/10/in-depth-looking-into-modern-day-male-beauty-standards/

https://jiassica.myblog.arts.ac.uk/2020/09/02/east-asian-beauty-standards-the-real-ideals

https://projects.iq.harvard.edu/files/isl/files/occidentalisation_of_beauty_standards_eurocentrism.pdf

https://uw.manifoldapp.org/read/beauty-standards/section/cff23c1e-aced-4e24-b14e-25a2728170d3#:~:text=form%20of%20oppression.-,Conclusion,have%20impacted%20the%20ideal%20appearance.

https://www.abc.net.au/news/2018-09-12/who-decides-what-beauty-is/10177538

https://studycorgi.com/beauty-standards-and-its-effects-on-body-image/

https://economictimes.indiatimes.com/magazines/panache/between-the-lines/no-perfect-body-why-we-need-to-stop-stereotyping-beauty/articleshow/63910928.cms

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/it-s-not-just-about-the-food/202101/7-ways-stop-comparing-yourself-damaging-beauty-ideals

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

7 Responses

  1. turn your small business into a money-making machine with our search engine optimization and social media marketing services. I believe in adding value to my services instead of making money and outsourcing the project.

    seo expert delhi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây