Victim blaming: Khi nạn nhân là người có lỗi

Thời gian đọc: 14 phút

“Ở hiền thì gặp lành, kẻ thủ ác rồi sẽ phải đền tội” – tưởng chừng đây là lẽ đương nhiên. Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp nạn nhân lại là người chịu chỉ trích. Điều này đã gây những ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của họ. Vậy, đổ lỗi cho nạn nhân là gì? Hậu quả của nó ra sao? Làm thế nào để chống lại nó? Tất cả câu hỏi xoay quanh vấn nạn này sẽ được Vietnam Youth Alliance giải đáp qua bài viết sau.

Thế nào là đổ lỗi cho nạn nhân?

Thế nào là đổ lỗi cho nạn nhân
Nguồn ảnh: Domesticshelters 
Thế nào là đổ lỗi cho nạn nhân
Nguồn ảnh: Sace.ca 

Đổ lỗi cho nạn nhân (tiếng Anh: Victim blaming) là tình huống nạn nhân bị hạ thấp nhân phẩm, bị quy một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm trong một tội ác dù họ là người bị hại. Việc đổ lỗi có thể xuất hiện dưới dạng những động thái tiêu cực đến từ các chuyên gia y tế, sức khỏe tâm lý; từ truyền thông hay thậm chí từ chính những người thân quen của nạn nhân.

Tùy trường hợp mà nạn nhân có thể nhận được sự đồng cảm hoặc bị chỉ trích không thương tiếc. Trường hợp thứ hai xuất hiện khi xã hội đánh giá tình huống một cách phiến diện và cho rằng nạn nhân xứng đáng phải chịu những điều đã xảy ra, hoặc đơn giản là do họ tự tìm đến những rắc rối ấy. Từ đó, nhiều người sẽ buộc người bị hại phải đối mặt với búa rìu dư luận, gây khó khăn cho cuộc sống của họ.

Tại sao người ta lại đổ lỗi cho nạn nhân?

Theo nhà tâm lý học người Mỹ Elaine Walster, hiện tượng này hoạt động như một cơ chế phòng vệ của cơ thể. Cơ chớ này giúp chúng ta cảm thấy an toàn hơn. Khi không muốn tin rằng những tai họa khủng khiếp ấy có thể sẽ xảy đến với mình, họ chọn cách đổ lỗi cho nạn nhân.

Việc đổ lỗi giống như một cách an ủi bản thân rằng tình huống đó không phải ngẫu nhiên mà là do người bị hại. “Chỉ cần không hành động giống như họ thì chuyện ấy sẽ không xảy đến với mình.”. Bằng cách nghĩ như vậy, họ cho rằng bản thân và những người xung quanh sẽ không trở thành mục tiêu bị nhắm tới.

Cố gắng ngăn chặn tội ác một cách thụ động

Đây chính là lý do phụ nữ hay được dạy “các cách phòng tránh xâm hại tình dục”. Tuy nhiên, chẳng hề có ai phổ cập “vì sao không nên xâm hại tình dục” cho đàn ông.

Xã hội thường khuyên rằng phụ nữ không nên đi một mình vào ban đêm. Họ nên mang theo bình xịt hơi cay bên mình và học cách tự vệ. Những điều này được cho rằng sẽ giúp “ngăn chặn” các vụ tấn công tình dục. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc nếu ai đó gặp nạn, đó là lỗi của người đó vì đã không cố gắng ngăn chặn kẻ biến thái. Những lời buộc tội như “Tại nó ăn mặc hở hang”, “Vì nó say xỉn” ra đời để đổ hết lỗi lầm lên nạn nhân chứ không phải kẻ thủ ác.

Không dám đối mặt với thực tại

Một lý do khác cho xu hướng đổ lỗi lên nạn nhân là tự huyễn rằng mình không giống họ.

Tâm trí chúng ta khó chấp nhận rằng, có nhiều lúc trong cuộc sống, việc giành quyền chủ động kiểm soát tình thế là không thể. Chẳng hạn trong những vụ xâm hại tình dục, nạn nhân rơi vào tay kẻ biến thái nghĩa là hắn đã giành hoàn toàn quyền kiểm soát, và chúng ta gần như chẳng thể làm gì khác được. Đánh giá vấn đề theo bề nổi chỉ là một cách để ta tự an ủi bản thân rằng chuyện đó chắc sẽ không xảy đến với mình mà thôi.

Đổ lỗi cho nạn nhân không chỉ là cách để phủi bỏ trách nhiệm, mà còn là để che đi sự yếu đuối. Nạn nhân càng vô tội thì nỗi sợ hãi trong ta lại càng lớn hơn. Bởi lẽ điều đó như thể đi ngược lại với luật nhân quả; rằng người tốt sẽ được đền đáp còn kẻ xấu thì sẽ phải chịu phạt. Tai họa xảy đến với người tốt đồng nghĩa với việc không ai là an toàn tuyệt đối. Cho dù cố gắng thế nào thì chúng ta đều có nguy cơ bị tổn thương. Cái ý nghĩ “có một nỗi bất hạnh đang chực chờ đổ xuống đầu bất cứ ai, vào bất cứ khi nào” thật đáng sợ. Càng đáng sợ hơn nữa khi mỗi ngày ta đều phải đối mặt với những bằng chứng chứng minh cho điều đó.

Một số suy nghĩ, hành vi đổ lỗi cho nạn nhân

Một số suy nghĩ, hành vi đổ lỗi cho nạn nhân
Nguồn ảnh: thegeminiprojectorg 

Bản năng của chúng ta

Quy chụp sai lệch căn bản (tiếng Anh: Fundamental Attribution Error) là một hiện tượng tâm lý góp phần dẫn tới khuynh hướng đổ lỗi lên nạn nhân. Nó biểu hiện ở việc cho rằng hành vi của một người là thứ đại diện cho tính cách và đặc điểm của người đó. Đồng thời, nó bỏ qua một số yếu tố khác (ngoại cảnh, tình huống phát sinh) có thể tác động tới chúng.

Ví dụ, khi thấy một người bạn bị điểm kém, ta sẽ cho rằng đó là bản chất của họ. Họ vốn lười học hoặc không thông minh.

Vậy, nguyên nhân là gì nếu ta bị điểm kém? Chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho yếu tố bên ngoài; chẳng hạn như bài thi quá khó, giáo viên chấm không công tâm, hoặc do phòng thi quá bí.

Đáng lẽ bạn phải biết điều gì sẽ xảy ra

Một lầm tưởng khác khiến chúng ta thường đổ lỗi cho nạn nhân chính là Thiên lệch nhận thức muộn (tiếng Anh: Hindsight bias). Khi nhìn lại một sự việc đã qua, chúng ta có xu hướng tin rằng: đáng lẽ ta có thể nhận ra các dấu hiệu sớm hơn và dự đoán được chuyện sẽ xảy ra. Từ đó dẫn đến một niềm tin khác: nạn nhân của một tội ác hoặc tai nạn đáng lẽ phải biết, và phòng ngừa mọi chuyện có thể xảy ra với họ.

Không chỉ có nạn nhân của những vụ cưỡng bức hay hành hung; mà ngay cả khi một người bị bệnh, người ta cũng có xu hướng đổ lỗi cho lối sống trước đây của người đó.

Ung thư? Đáng lẽ họ nên ngưng hút thuốc. Bệnh tim ư? Họ nên tập thể dục nhiều hơn mới phải. Ngộ độc thực phẩm à? Đáng lẽ không nên ăn ở cái quán mới mở ấy.

Hành động đổ lỗi đồng nghĩa với ý nghĩ “Bạn phải biết rõ hậu quả trước khi quyết định chứ!”. Thế nhưng cuộc sống luôn đầy rẫy những bất ngờ, đâu ai biết trước được ngày mai?

“Không có lửa làm sao có khói?”

Khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân bắt nguồn một phần từ mong muốn về một thế giới công bằng. Khi ai đó gặp chuyện không may, chúng ta thường muốn tin rằng họ đang phải chịu quả báo cho những chuyện xấu trong quá khứ. Các nhà tâm lý học xã hội gọi đây là Giả thuyết thế giới công bằng (tiếng Anh: Just-world phenomenon).

Tại sao chúng ta lại muốn tin rằng thế giới này công bằng và luật nhân quả có tồn tại?

Bởi nếu không phải do “quả báo”, bi kịch rõ ràng có thể đến với bất cứ ai; kể cả là ta, gia đình và những người xung quanh. Dù cho có cẩn thận đến mức nào, thì “ở hiền” cũng chưa chắc đã “gặp lành”.

Vì vậy, bằng việc tin rằng thế giới này công bằng, tin vào luật nhân quả, và đổ lỗi cho nạn nhân, ta đã bảo toàn được mộng tưởng rằng những điều khủng khiếp ấy sẽ không bao giờ xảy ra với mình.

Những hậu quả nặng nề mà hành vi đổ lỗi cho nạn nhân để lại

Hành động đổ lỗi cho nạn nhân như một thứ xiềng xích vô hình ngăn cản họ đối diện và lên án hành vi phạm tội. Nếu người bị hại biết rằng rất có thể bản thân sẽ phải chịu trách nhiệm cho chuyện mình sắp nói ra, họ sẽ cảm thấy thiếu an toàn và không còn muốn mở lòng về chuyện đã qua.

Thái độ này cũng ủng hộ lý luận của kẻ phạm tội rằng chuyện xảy ra là do nạn nhân. Từ đó ngầm cho phép những hành vi ngược đãi, hành hung hoặc tấn công tình dục xảy ra.

Nhưng trên thực tế, người bị hại không hề có lỗi và cũng không thể làm chủ được tình huống. Việc đổ mọi tội lỗi lên nạn nhân khiến họ phải chịu thêm cảm xúc tiêu cực không đáng có. Họ càng cảm thấy đau khổ, tủi nhục, hay tệ hơn là tự đổ lỗi cho bản thân mình. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới quá trình phục hồi của nạn nhân sau sang chấn.

Những khó khăn trong việc tiếp cận và giải quyết vấn nạn đổ lỗi

“Văn hóa cưỡng hiếp” (tiếng Anh: Rape culture) là một thuật ngữ chỉ tình trạng hiếp dâm trở nên phổ biến và tràn lan trong xã hội. Chúng ta đều biết đây là một vấn nạn nhức nhối phải bị bài trừ càng sớm càng tốt. Tuy vậy, vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân thì lại khác. Nó âm thầm, song lại gây ra những hậu quả khôn lường.

Âm thầm là bởi xã hội khiến nạn nhân không thể chia sẻ những chuyện mình đã gặp phải. Chính điều đó một lần nữa đẩy nạn nhân rơi xuống vực sâu. Chừng nào xã hội vẫn còn đổ lỗi, họ sẽ không cảm thấy an toàn khi chống lại tội ác. Thậm chí, họ tìm cách né tránh những người muốn giúp đỡ mình. Và dù chẳng làm gì sai, những người bị hại vẫn phải gánh chịu hậu quả: nợ nần, thất nghiệp,… mất đi tất cả, chỉ vì họ là “nạn nhân”.

Vì sao nạn nhân lại tự trách mình?

Có vô số lý do phức tạp dẫn đến hành vi tự trách của các nạn nhân.

Trong nhiều trường hợp, nạn nhân có thể tin vào lời ngụy biện của kẻ phạm tội và thực sự cảm thấy tội lỗi, Nhất là nếu họ phải trải qua việc này ngay từ khi còn nhỏ. Ngoài ra, việc tự đổ lỗi còn giúp nạn nhân lảng tránh thực tế rằng người đáng lẽ phải chăm sóc mình lại làm ra những chuyện như vậy.

Tự đổ lỗi còn xuất phát từ nỗ lực tìm kiếm lý do cho sự việc đáng buồn ấy. Vì họ không thể tin rằng trong bao nhiêu người, chuyện tồi tệ ấy lại xảy đến với mình. Đây cũng có thể là cách phòng ngự duy nhất mà nạn nhân nghĩ tới sau sự đau đớn kia. Họ tự huyễn rằng mình đã và luôn nắm quyền chủ động. Họ coi bản thân là lý do vì sao mình lại phải chịu đựng việc ấy.

Liệu việc đổ lỗi nạn nhân có thể bị lợi dụng không?

Ta gọi hành vi lợi dụng việc đổ lỗi là đóng vai nạn nhân – hay nói cách khác – một người hành xử và thể hiện mình như một người bị hại, nhưng trên thực tế lại chỉ kiếm cớ để trốn tránh trách nhiệm từ một việc họ từng làm hoặc một công việc họ chưa hoàn thành.

Có thể thấy, người này chỉ đang thu hút sự chú ý và tiếc thương từ bạn. Thông qua đó, họ có thể quên đi cảm giác tội lỗi của chính mình. Họ kể những câu chuyện buồn và rắc rối mình gặp phải. Từ đó, khiến người nghe cảm thấy đồng cảm mà quên đi lỗi lầm mà họ đã gây ra.

Những người đóng vai nạn nhân thường kiếm cớ bao biện, cũng như luôn đổ lỗi cho người khác. Rất hiếm khi họ dám chịu trách nhiệm cho lỗi lầm, thất bại hay cảm xúc của mình.

Làm sao để ngăn chặn việc đổ lỗi nạn nhân?

Có thể thấy đây là một vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Vậy, ta cần phải làm gì để đẩy lùi nó? Sau đây, Vietnam Youth Alliance xin gửi tới bạn một số biện pháp tiêu biểu nhất!

Bắt những kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm và ngăn chặn những kẻ dung túng

Những kẻ bạo hành người khác thường viện cớ bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân. Thế nhưng đừng để hắn đánh lừa bạn nhé!

Nếu có thể chống lại hắn, hãy làm vậy và phải luôn nhắc nhở bản thân rằng chính hắn là kẻ đã quyết định bạo hành, ngược đãi hay cưỡng hiếp. Đừng để hắn có cơ hội đổ lỗi cho nạn nhân, cho rượu bia hay các chất kích thích khác. Ngoài ra, hãy liên hệ ngay các cơ quan quản lý có thẩm quyền hay các tổ chức nhân quyền. Bên cạnh đó, cũng đừng quên hỗ trợ và chăm sóc cho nạn nhân.

Không thể tránh khỏi trường hợp vẫn sẽ có những người tin vào lời thủ phạm; đặc biệt là gia đình, bạn bè, người thân của thủ phạm – những người khó chấp nhận sự thật nhất. Đôi khi, họ sẽ không tiếc lời mắng chửi nạn nhân để bảo vệ kẻ thủ ác.

Nếu gặp trường hợp này, hãy đảm bảo tình trạng sức khỏe/tâm lý của nạn nhân nếu có thể. Bên cạnh đó, hãy nhắc nhở những kẻ đổ lỗi một sự thật rõ ràng: chính thủ phạm là kẻ đã lựa chọn làm ra hành vi xấu xa ấy.

Để ý ngôn từ và hỏi đúng câu hỏi

Một trong những cách xóa bỏ vấn nạn đổ lỗi là thay đổi cách chúng ta nói về nó. Thông thường, ngôn ngữ mà ta dùng khi bàn về các vụ bạo lực gia đình, cưỡng hiếp hay tấn công tình dục lại hướng sự chú ý về nạn nhân chứ không phải hung thủ.

Thay vì sử dụng những mẫu câu loại thủ phạm ra khỏi cuộc trò chuyện như: “Người bị hại đã làm gì để bị hắn hiếp dâm?”, hoặc “Khi xảy ra sự việc nạn nhân đã mặc cái gì?”, hãy đặt những câu hỏi hướng đến kẻ thủ ác hơn như “Tại sao hắn lại hiếp dâm người ta?” hay  “Luật pháp sẽ làm gì để trừng trị hung thủ?”

Biến đó thành một “cơ hội” để giáo dục

“Muộn như vậy rồi sao cô ấy còn ra ngoài?”; “Chắc hẳn do cô ấy kích động nên anh ta mới làm vậy”;”Cả hai đều là người có lỗi.”… Đều là những ví dụ thể hiện thành kiến khi nghe về một vụ bạo lực với phụ nữ.

Thay vì làm ngơ, hãy nhân dịp này xóa bỏ gánh nặng trên vai nạn nhân. Hãy giải thích cho những người đổ lỗi hiểu tại sao ta cần khiến kẻ phạm tội chịu trách nhiệm.

Truyền thông và bộ máy tư pháp cần phải chịu trách nhiệm

Truyền thông sai lệch cũng là một nguyên do dẫn tới sự phát triển của văn hóa đổ lỗi. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy các kênh tin tức thường thổi phồng các chi tiết liên quan đến phụ nữ trong những vụ bạo lực gia đình và chuyển hướng dư luận khỏi kẻ hành hung.

Nếu bạn bắt gặp báo chí hoặc các nhà đài truyền thông theo hướng này, hãy lên tiếng phản đối. Hãy yêu cầu họ thực hiện đúng trách nhiệm của mình bằng cách viết thư cho biên tập viên hoặc đệ đơn kiến nghị họ bác bỏ hành vi thổi phồng của mình.

Vấn nạn đổ lỗi cho nạn nhân càng nguy hiểm hơn khi chủ tọa phiên tòa của các vụ bạo hành phụ nữ mang tư tưởng ấy. Việc này giúp những kẻ có tội thoát tội một cách trắng trợn, hoặc chỉ phải chịu mức phạt nhẹ. Những lời tuyên án đó khiến nạn nhân thêm tổn thương, và ngầm hợp pháp hóa hành vi đổ lỗi. Khi đó, hãy đứng lên chống lại vấn nạn này bằng cách kháng án và báo cáo thái độ không đúng mực của quan tòa qua các đơn kiến nghị hoặc thư từ.

Tẩy chay các trò đùa về hiếp dâm

Một nguyên nhân nữa làm bình thường hóa thái độ đổ lỗi cho nạn nhân là nhờ các trò đùa về hiếp dâm (tiếng Anh: Sex joke). Việc xem nhẹ hiếp dâm và tấn công tình dục khiến nỗi đau của nạn nhân trở nên tầm thường. Những nỗi đau đáng lẽ cần phải được cảm thông thì mặc nhiên biến thành trò cười cho xã hội.

Cách dễ nhất để chống lại vấn nạn này là lên tiếng bài trừ ngay lập tức mỗi khi bạn nghe thấy chúng. Hãy giải thích vì sao trò đùa ấy gây khó chịu. Bạn cũng nên đề nghị người pha trò suy xét về những tác động tiêu cực mà chúng đem lại.

Tìm hiểu về bạo hành phụ nữ (VAW) và sự đồng thuận

Nhiều người có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Lý do là bởi họ tin vào quan niệm sai lầm về bạo hành phụ nữ. Họ cho rằng một cô gái phải phản kháng khi bị hiếp dâm. Họ cũng nghĩ rằng phải có những vết bầm tím trên người mới được coi là bị bạo hành. Từ đó, một nạn nhân không có các dấu hiệu trên sẽ không được coi là “nạn nhân điển hình”. Vấn đề mà họ đang gặp phải cũng dễ dàng bị xem nhẹ.

Trong trường hợp này, hãy chủ động chống lại suy nghĩ đổ lỗi bằng cách tìm hiểu về bạo hành phụ nữ, các dấu hiệu nhận biết, và nguyên do cho hành vi cưỡng hiếp của kẻ thủ ác. Bạn có thể tham khảo trang mạng của các tổ chức chống lại bạo hành phụ nữ như The Pixel Project để biết thêm thông tin nhé!

Ngoài ra, để ngăn chặn vấn nạn hiếp dâm hay tấn công tình dục, ta cần nhận thức được tầm quan trọng của sự đồng thuận và nắm được cách xác định sự đồng thuận của đối phương. Một trong những hậu quả của việc thiếu kiến thức về đồng thuận chính là cho rằng nạn nhân trong các vụ hiếp dâm thuận theo, vì họ không thể chống lại hoặc khiến kẻ thủ ác dừng tay.

Tham khảo bài viết của VYA về Đồng thuận tại đây nhé!

Bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức cho trẻ em

Đổ lỗi cho nạn nhân không phải là bản năng bẩm sinh. Tuy nhiên, trẻ em có thể học chúng từ những người lớn xung quanh. Điều này có thể là qua quá trình quan sát và cảm thấy việc đổ lỗi là điều bình thường. Thậm chí, tệ hơn là chúng được chính cha mẹ mình dạy như thế.

Nếu bạn có con hoặc có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với trẻ em, hãy thử tìm cách dạy chúng về tầm quan trọng của sự đồng thuận, bình đẳng giới, cũng như tôn trọng phụ nữ và các bạn gái khác. Hãy cho các bé trai biết rằng tại sao bạo hành phụ nữ là sai. Và chính vì lý do trên, chúng nên đứng lên khi có ai đó xem nhẹ việc này.

Dù muốn hay không, người lớn chúng ta luôn là hình mẫu mà con trẻ noi theo. Hãy lấy bản thân làm tấm gương chống lại suy nghĩ đổ lỗi cho nạn nhân. Từ đó, con trẻ sẽ noi theo mỗi khi nhắc tới vấn đề bạo hành phụ nữ.

Đẩy mạnh giáo dục trong cộng đồng

Đẩy mạnh giáo dục trong cộng đồng
Nguồn ảnh: 16days

Quá trình giáo dục có thể bắt đầu từ việc phổ cập kiến thức liên quan đến bạo hành phụ nữ cũng như tầm quan trọng của việc hỗ trợ nạn nhân cho càng nhiều người càng tốt. Đây là bước quan trọng để mọi người dành sự chú ý đến đúng đối tượng. Qua đó, họ hiểu rằng thủ phạm là người duy nhất phải chịu trách nhiệm cho tội ác của mình.

Để làm được điều đó, bạn có thể hợp tác cùng các tổ chức phi lợi nhuận, hội Phụ nữ hoặc các cộng đồng bảo vệ quyền phụ nữ, trường học và các doanh nghiệp địa phương để tổ chức các buổi giao lưu, trò chuyện nhằm phổ cập kiến thức cho mọi người.

Cuối cùng, đừng bao giờ quên bảo vệ những người bị hại

Đổ lỗi cho nạn nhân đồng nghĩa với từ chối lắng nghe người bị hại và bảo vệ kẻ thủ ác. Bằng việc đứng lên giúp đỡ các nạn nhân của bạo hành, ta có thể phá vỡ vòng xoáy đó.

Có nhiều cách để thực hiện điều này như lên tiếng bảo vệ khi nạn nhân bị chỉ trích hoặc tấn công bởi những kẻ đổ lỗi; giúp những người thực sự bị hại tìm cách vượt qua và xây dựng lại cuộc sống, hay đứng về phía nạn nhân trong phiên tòa nếu họ muốn đứng lên vì chính mình. Ngoài ra, hãy nhớ luôn lắng nghe và tin tưởng những người bị hại, bạn nhé!


Trong văn hóa đổ lỗi, nạn nhân lại phải chịu trách nhiệm cho tội ác mà mình chẳng gây ra. Đáng buồn thay, điều phi lý này lại tồn tại từ rất lâu trong xã hội. Vietnam Youth Alliance hy vọng qua bài viết ngày hôm nay, các bạn có thể nhận biết hành vi đổ lỗi cho nạn nhân, từ đó đứng lên chung tay đẩy lùi lối suy nghĩ độc hại này.

Người thực hiện: Nhật Hạ, Phan Chi, K.N, Louis, Ngô Tố

 


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

9 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây