Chấm dứt Acephobia: Đừng để vô tính trở nên vô hình

Chấm dứt Acephobia: Đừng để vô tính trở nên vô hình
Thời gian đọc: 11 phút

Kỳ thị vô tính là khi một người ghê sợ những người thuộc phổ vô tính dựa trên định kiến hoặc cái nhìn tiêu cực về họ. Đây là hành vi phân biệt xu hướng tính dục có tác động tiêu cực đến nhóm cộng đồng này. Vì vậy, những hành vi kỳ thị vô tính cần phải được chung tay đẩy lùi càng sớm càng tốt. 

Chính vì thế, Vietnam Youth Alliance hôm nay sẽ cùng các bạn tìm hiểu về kỳ thị vô tính cùng các khía cạnh xoay quanh vấn đề này, từ đó góp phần xóa bỏ nạn kỳ thị hoặc chối bỏ vô tính vô ái hiện vẫn đang còn tồn tại nhé!

Thế nào là kỳ thị vô tính?

 

Nguồn: Dictionary.com

Kỳ thị vô tính (Acephobia) là một thuật ngữ miêu tả hành vi ghê sợ đối với người thuộc/được cho là thuộc phổ vô tính. Những hành vi đó dựa trên định kiến hoặc cái nhìn tiêu cực mà xã hội gán cho cộng đồng này.

Ngoài ra, kỳ thị vô tính còn là chối bỏ sự hiện diện của người thuộc phổ vô tính. Ví dụ: cho rằng người vô tính/vô ái không tồn tại, phủ nhận sự đa dạng tính dục của cộng đồng vô tính.

Một số hành vi kỳ thị vô tính thường gặp

Nguồn: Vice

Kỳ thị vẫn là kỳ thị dù là chủ động hay vô thức. Bản thân bạn hoặc những người xung quanh cũng có thể đã hoặc đang có những hành vi kỳ thị. Nếu bạn đã từng thấy hoặc có những hành vi dưới đây, mong rằng bạn sẽ chủ động dừng lại hoặc lên tiếng ngăn cản chúng.

Cho rằng phổ vô tính/ vô ái là bệnh tâm thần/không có thật

Nhiều người (đặc biệt là các học giả và các “chuyên gia” trên truyền thông) phủ nhận phổ vô tính/vô ái. Họ không nhìn nhận vô tính như một xu hướng tính dục đặc biệt. Hơn nữa, họ cũng cho rằng vô tính là một bệnh lý cần tới sự can thiệp của y tế.

Hầu hết những người này sẽ khuyên bạn đi khám nội tiết tố, dùng thuốc tăng cường sinh lý, hay đi gặp bác sĩ tâm lý. Họ còn đặc biệt nhấn mạnh rằng nếu vẫn có thể đạt cực khoái thì bạn không phải vô tính.

Cho rằng người thuộc phổ vô tính gặp vấn đề về tâm lý hoặc thể xác

Nhiều người tin một người thuộc phổ vô tính là do họ từng bị lạm dụng, bị bạo lực tình dục hoặc phải trải qua một biến cố nào đó. Tuy nhiên, vô tính là một xu hướng tính dục, không hề liên quan gì đến những trải nghiệm trên. Những biến cố hay sự lạm dụng không thể biến ai đó thành người vô tính. Điều đó tương tự như việc một người không thể bị “bẻ cong” do những vấn đề trong quá khứ. 

Một giả thiết khá phổ biến khác là những người thuộc phổ vô tính thực chất mắc bệnh tự kỷ. Việc họ bị gắn cái mác “vô nhân tính” hoặc “không hoàn thiện” chỉ vì “không có hứng thú tình dục” cũng tương tự việc người tự kỷ bị gọi là vô cảm vì “không có cảm xúc”.

Cho rằng người thuộc phổ vô tính chưa đủ trải nghiệm

Đây là một trong những biểu hiện thường thấy nhất của hành vi kỳ thị vô tính. Người kỳ thị khẳng định rằng người thuộc phổ vô tính không biết hoặc không hiểu về những trải nghiệm của chính bản thân mình. 

Họ cũng nhấn mạnh rằng đó chỉ là một giai đoạn và sẽ sớm kết thúc. Theo họ, việc một người nhận định bản thân là vô tính chỉ là do chưa gặp đúng người hoặc chưa thử quan hệ tình dục.

Cho rằng vô ái không biết yêu, vô tính không biết quan hệ tình dục/ghét tình dục

Nguồn: The SWADDLE

Nhiều người cho rằng việc một người thuộc phổ vô tính có trải nghiệm hấp dẫn với ai đó là bằng chứng cho thấy họ không “thật sự” vô tính/vô ái. Tuy nhiên, một người thuộc phổ vô tính có thể cảm thấy bị hấp dẫn về tình cảm, tình dục hoặc bởi tính cách hoặc vẻ đẹp của người khác. Trải nghiệm hấp dẫn đó không khiến họ “bớt” vô tính đi chút nào. 

Xã hội của chúng ta quá đặt nặng yếu tố tình dục trong một mối quan hệ tình cảm. Do đó, cộng đồng vô tính thường không tránh khỏi việc bị đánh giá về phẩm hạnh hoặc đời sống cá nhân dựa trên tình trạng quan hệ của mình.

Nhầm lẫn giữa vô tính và kiêng tình dục

Nhiều người lầm tưởng rằng vô tính là chủ nghĩa độc thân hoặc kiêng tình dục. Vậy điểm khác biệt chính yếu giữa hai khái niệm này là gì? Đơn giản thôi, chủ nghĩa độc thân và kiêng tình dục là lựa chọn, còn vô tính thì không. 

Hơn nữa, người thuộc phổ vô tính không hoàn toàn bài xích việc quan hệ. Họ chỉ không hoặc ít cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục. Ngược lại, người theo chủ nghĩa độc thân hoặc kiêng tình dục vẫn có thể cảm thấy hấp dẫn về mặt tình dục như thường.

Đọc thêm: Vô tính và kiêng tình dục khác nhau ra sao?

Xóa bỏ sự hiện diện/ hạ thấp giá trị của các nhân vật thuộc phổ vô tính trên truyền thông

Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất có thể nhắc tới là Jughead – một nhân vật trong sê-ri phim Riverdale. Trong truyện gốc, nhân vật này được tác giả công khai là người vô tính vô ái. Tuy nhiên, nhà sản xuất đã “biến lại” nhân vật thành người dị tính trong phiên bản chuyển thể thành phim.

Ngoài ra, không thể không kể đến cách xây dựng hình tượng nhân vật trong sê-ri phim House. Trong phim, người thuộc phổ vô tính được thể hiện rằng họ không thể có hứng thú với tình dục vì “bị bệnh”. Hơn nữa, có nhân vật phải nói dối rằng mình vô tính để làm người khác vui lòng.

Cô lập người thuộc phổ vô tính bằng cách tách họ ra khỏi cộng đồng

Nguồn ảnh: Kruthika Sundaram

Một số người queer hữu tính hay quay lưng lại với cộng đồng vô tính. Theo họ, những người thuộc phổ vô tính “không thực sự” là queer.

Ngoài ra, khi nhắc đến cụm từ viết tắt LGBTIQA, người ta cũng thường cho rằng chữ A nghĩa là “Ally” (đồng minh) thay vì “Ace” (vô tính). Điều này vô hình trung đã khiến những người thuộc phổ vô tính/vô ái bị gạt ra ngoài cộng đồng.

Kỳ thị tính dục/bản dạng giới/xu hướng tính dục của người thuộc phổ vô tính

Nguồn: Pinterest

Đây cũng là một biểu hiện cực kì phổ biến của kỳ thị vô tính. Biểu hiện đó được thể hiện chủ yếu qua các hành động sau:

  • Nhìn nhận người thuộc phổ vô tính là kém nhân tính hơn những người khác;
  • Chối bỏ tính dục vô tính ở con người;
  • Hạ thấp giá trị của người thuộc phổ vô tính bằng cách so sánh họ với người máy/người ngoài hành tinh;
  • Cho rằng tình yêu/tình dục là yếu tố để tạo nên một “con người”. 

Hệ quả của định kiến giới

Xã hội truyền thống gán cho người nam vị trí chủ động trong chuyện tình cảm cũng như tình dục. Vì thế khi thấy một người nữ vô tính, người ta thường cho rằng họ vô tính vì họ “không được người đàn ông nào chấp nhận” hoặc “giữ giá” để trở nên hấp dẫn hơn trong mắt đàn ông.

Quấy rối tình dục bằng hành động hoặc bằng lời nói để ép những người vô ái, vô tính thay đổi xu hướng tính dục của họ

Một thực trạng đáng buồn vẫn còn tồn tại ở xã hội hiện đại là việc nhiều người thuộc phổ vô tính bị cưỡng hiếp vì xu hướng tính dục của mình. Vì sao ư? Đó là bởi những kẻ cưỡng hiếp tin rằng họ có thể “chữa lành” những người vô tính. Họ cho rằng chỉ cần quan hệ là sẽ giải quyết được “vấn đề”. Đối với họ, việc một người không có trải nghiệm hấp dẫn về mặt tình dục là không có thật.

Và bạn biết điều gì càng đáng buồn hơn không? Đôi khi kẻ hiếp dâm chẳng phải ai xa lạ mà là chính bạn đời của họ. Những thủ phạm cho rằng mình có quyền làm như vậy và thậm chí được xã hội ủng hộ. Chúng được coi là người chịu thiệt trong một mối quan hệ tình cảm thiếu đi yếu tố tình dục.

Một số tác động của kỳ thị vô tính lên các thành phần khác nhau

Một số tác động của kỳ thị vô tính lên các thành phần khác nhau
Nguồn ảnh: Philadelphia Weekly

Đối với các cá nhân thuộc phổ vô tính

Về bản dạng tính dục

Hiển nhiên việc chối bỏ vô tính có tác động lớn lên những người mang nhãn tính dục vô tính. Những người thuộc phổ vô tính chia sẻ rằng họ luôn cảm thấy khác biệt và bất ổn với chính cơ thể mình. Và tình trạng này chỉ khởi sắc sau khi họ biết về vô tính, tìm được cộng đồng những người giống mình và hiểu rằng bản thân họ không hề sai hay khiếm khuyết chỗ nào.

Các mối quan hệ và tình dục 

Một số người thuộc phổ vô tính nói rằng họ quan hệ tình dục vì cảm thấy đó là điều cần làm hoặc xã hội muốn họ làm, chứ không phải vì họ thực sự muốn. Ngoài ra, trong các cuộc nói chuyện liên quan đến tình cảm và tình dục giữa các cá nhân của một mối quan hệ, việc chối bỏ vô tính có thể khiến người trong cộng đồng vô tính bị ép phải tiến tới quan hệ tình dục. Điều đó khiến trải nghiệm tình dục của họ trở nên gượng ép và không thoải mái. Thậm chí, nó có thể dẫn đến sự đổ vỡ, các vụ bạo lực/cưỡng ép tình dục trong các mối quan hệ.

Vấn đề sức khỏe

Một số người chuyển giới thuộc phổ vô tính gặp khó khăn khi thực hiện phẫu thuật định giới. Đó là bởi các phòng khám xem việc “không có trải nghiệm hấp dẫn về mặt tình dục” là một bệnh lý gây ảnh hưởng đến quá trình định giới. Thậm chí, vài nơi còn cho rằng giới của họ “chẳng là vấn đề” nếu họ không muốn quan hệ.

Những người thuộc phổ vô tính còn có khả năng mắc các bệnh tâm lý cao gấp đôi người khác. Nguyên nhân chủ yếu của việc này đến từ sự kỳ thị hoặc chối bỏ vô tính mà họ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. 

Đối với xã hội

Tình trạng kỳ thị, phủ nhận phổ vô tính đang phản ánh thái độ của xã hội với tình dục. Nó cho rằng trưởng thành về mặt tình dục là cần thiết cho sự phát triển của con người. Ngược lại, con người nếu không có tình dục thì sẽ bị cho là vô cảm hoặc không hoàn thiện. Điều đó làm hạn hẹp quan niệm về tình dục của những người có niềm tin như trên.

Xã hội hiện nay vẫn coi tình yêu có tình dục là tiêu chuẩn cho một mối quan hệ lãng mạn. Theo quan điểm đó, mối quan hệ tình cảm lãng mạn không tình dục (non-sexual relationship) có thể bị xem là tình bạn và không được nhìn nhận là tình yêu. Vấn đề có thể gây giảm giá trị của các mối quan hệ không tình dục, gây khó khăn cho những người hữu ái vô tính. 

Làm sao để đẩy lùi acephobia?

Kỳ thị vô tính phải chấm dứt từ nhận thức

Đẩy lùi nạn kì thị vô tính từ trong nhận thức
Nguồn ảnh: Gaysi Family

Bạn có thể trau dồi thêm kiến thức về tính dục nói chung và vô tính nói riêng. Các nguồn thông tin đáng tin cậy trên Internet sẽ rất hữu ích trong lúc này. Ngoài ra, hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng không phải ai cũng cần tới tình yêu hoặc tình dục mới hạnh phúc. Hãy ghi nhớ, mỗi người có suy nghĩ, ý muốn của riêng mình. Được tôn trọng những mong muốn đó và có thể tự do sống thật với bản thân mới là điều hạnh phúc nhất.

Thay đổi trong hành động để chống kỳ thị vô tính

Thay đổi nạn kỳ thị vô tính trong hành động
Nguồn ảnh: neisha_art/DeviantArt

Của mỗi cá nhân

Nếu có người công khai là người vô tính, bạn chỉ cần tin tưởng, chấp nhận và ủng hộ họ. Bạn nên lịch sự và đừng tò mò hay phán xét đời sống tình dục, tình cảm của người khác. Nếu nhận thấy dấu hiệu của kỳ thị, hãy lên tiếng phản đối.

Của tập thể, xã hội

Nguồn ảnh: Star Plasma/Pinterest
Đối với truyền thông 

Cần tránh xây dựng các nhân vật thuộc phổ vô tính theo những khuôn mẫu sáo rỗng. Một số khuôn mẫu nên tránh có thể kể đến là:

  • Mắc bệnh tâm thần;
  • Có quá khứ bị mọi người xa lánh, hắt hủi, xâm hại;
  • Là người hữu tính nhưng bị hiểu lầm thành vô tính do quá ngây thơ;

Những khuôn mẫu trên thường xuất hiện trong các bộ phim có mô-típ cũ. Chúng vô tình củng cố thêm những định kiến về xu hướng và bản dạng giới.

Các phương tiện truyền thông có sức mạnh to lớn trong việc lan truyền hình ảnh đến công chúng. Do vậy, việc xây dựng hình ảnh người thuộc phổ vô tính trên truyền thông cũng cần được tính toán để mang lại hiệu quả tốt nhất. Các nhà sản xuất có thể tạo nên một nhân vật vô tính chấp nhận và yêu con người thật của họ. Từ đó, nhân vật đó có thể là một nguồn cảm hứng/đại diện phù hợp cho cộng đồng. 

Đối với giáo dục

Các trường học cần nâng cao chất lượng các lớp giáo dục giới tính. Giáo dục giới tính ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, chỉ dừng lại ở những kiến thức cơ bản nhất về giới tính và tình dục. Thế nhưng, người trẻ cũng cần hiểu về sự đa dạng tính dục, trong đó có cả vô tính. Việc được giáo dục bài bản là cách tốt nhất để mọi người đều hiểu đúng những thuật ngữ này.

Đối với cộng đồng

Ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ mạng xã hội đang ngày càng cải thiện chính sách nhằm bảo vệ người dùng đồng tính nam và nữ, song tính và chuyển giới khỏi kỳ thị hoặc thù ghét. Tuy vậy, với cộng đồng vô tính, vấn đề này lại bị bỏ qua hoặc không được nhìn nhận nghiêm túc.

Đã đến lúc ta nên công nhận vô tính/vô ái như một xu hướng tính dục có giá trị ngang hàng với đồng tính, song tính,… Hơn nữa, vô tính cũng nên được nhìn nhận là một phần của cộng đồng LGBT và của xã hội. Hãy giúp những người phổ vô tính cảm thấy thoải mái với xu hướng tính dục của bản thân khi sử dụng dịch vụ, vì họ xứng đáng được như vậy.

 


Những người thuộc phổ vô tính và vô ái chưa có được sự hiện diện nổi bật trong cộng đồng. Điều này đã vô tình thúc đẩy các hành vi kỳ thị vô tính trở nên phổ biến hơn. Những hành vi đó đã gây ra rất nhiều trở ngại cho cuộc sống của họ.

VYA hy vọng qua bài viết này, bạn có thể trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết. Từ đó, hãy cùng xoá bỏ những định kiến và sự kỳ thị nhắm đến cộng đồng vô tính. Mong rằng chúng ta sẽ xây dựng một xã hội nơi mọi người có thể được là chính mình. Vietnam Youth Alliance xin hẹn gặp lại bạn trong những bài viết mới của chúng mình.

Người thực hiện: Hà, K.N., Louis, Phan Chi, Như Trần


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.thetrevorproject.org/resources/article/understanding-asexuality/

https://hr.qmul.ac.uk/media/hr/edi/Ace-Inclusion-and-Allyship-Booklet-.pdf 

https://www.ourspectrum.com/wp-content/uploads/2021/10/What-is-Aphobia.pdf 

https://www.healthline.com/health/what-is-asexual#myths 

https://www.polygon.com/tv/2017/1/26/14403700/jughead-riverdale-asexual 

https://www.salon.com/2012/01/31/house_gets_asexuality_wrong/ 

https://academicworks.cuny.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1050&context=jj_etds 

https://premisrecerca.uvic.cat/sites/default/files/webform/acephobia_a_real_nightmare.pdf 

https://academicworks.cuny.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1050&context=jj_etds 

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/epdf/10.1111/japp.12472 

https://www.equality-network.org/wp-content/uploads/2021/06/Asexual-booklet-final-web.pdf 

https://www.equality-network.org/wp-content/uploads/2021/06/Asexual-trifold-leaflet-final-web.pdf 

https://galop.org.uk/resource/acephobia-and-anti-asexual-hate-crime/ 

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây