Internalized Queerphobia – Khi ta tự kỳ thị tính dục của mình

Internalized Queerphobia - khi ta tự kỳ thị tính dục của mình
Thời gian đọc: 9 phút

Chắc hẳn, câu nói “Đồng tính là một căn bệnh” mà chúng ta vẫn hay nghe rất đáng lên án. Nhưng bạn có bao giờ nghĩ rằng, chính cộng đồng LGBT vẫn có rất nhiều người có suy nghĩ như vậy không? Và tại sao cộng đồng LGBT lại có hành vi kỳ thị và phân biệt với người khác, thậm chí là với chính bản thân mình? Chứng “Tự kỳ thị tính dục” (Internalized Queerphobia) là lời giải thích rõ ràng nhất về những suy nghĩ và hành vi đó. Và đôi khi, chính bạn vẫn đang âm thầm trải qua một cách vô thức, khiến tinh thần bạn dần bị ăn mòn mà không hay.

Nhưng hãy yên tâm, Vietnam Youth Alliance chúng mình sẽ giúp bạn trang bị những kiến thức học thuật vững vàng và thực tế, cũng như những giải pháp an toàn và hiệu quả nhất, để bạn có thể giải thoát được cho chính mình và người khác nhé.

Tự kỳ thị tính dục (Internalized Queerphobia) là gì?

Tự kỳ thị tính dục (internalized queerphobia) là gì?
Nguồn ảnh: Revel & Riot

Tự kỳ thị tính dục (Internalized Queerphobia) là thuật ngữ được dùng để chỉ người thuộc cộng đồng LGBT tin vào những điều tiêu cực về bản thân chỉ vì xu hướng tính dục của mình. Tự kỳ thị tính dục hình thành trong tiềm thức ngay từ nhỏ khi bạn tiếp xúc những tiêu chuẩn về dị tính và định kiến về cộng đồng LGBT. Một khi đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nó sẽ trở thành nỗi tủi nhục về bản thân, về những người khác hoặc thậm chí là về cộng đồng LGBT nói chung, cho dù là về mặt nhận thức hay trong tiềm thức. 

Tự kỳ thị tính dục là cảm giác thù hận, chán ghét, ghê tởm hoặc sợ hãi của một người thuộc LGBT với những cảm xúc tính dục/lãng mạn, bản dạng giới, với chính bản thân và/hoặc với những người khác trong cộng đồng LGBT. Biểu hiện của tự kỳ thị tính dục là người đồng tính chán ghét việc mình là người đồng tính, người chuyển giới hổ thẹn với bản dạng giới của mình,… Khi trải qua cảm giác tội lỗi hoặc hổ thẹn, ta thường vô thức tự trừng phạt chính mình. Điển hình là để sự khổ sở dày vò và bắt đầu những mối quan hệ không lành mạnh. Đôi khi, tệ hơn là lạm dụng chất kích thích và các hành vi tự hủy hoại bản thân khác. 

Đọc thêm: Thế nào là kỳ thị người đồng tính?

Tại sao người trong cộng đồng lại tự kỳ thị chính cộng đồng mình?

Có lẽ hành vi thù hận, thiếu đồng cảm của người thân (bố mẹ, bạn bè,…) góp phần hình thành sự tự kỳ thị. Ngoài ra, nguyên nhân khác là do xã hội quá đề cao chủ nghĩa dị tính. Xã hội ấy định nghĩa “bình thường”, định nghĩa “đúng” và “sai” thông qua các điều luật, chính sách, văn hóa, giáo dục,… Việc định nghĩa này làm tăng tình trạng phân biệt giới tính. Hơn nữa, sự định nghĩa đó cũng gạt người thuộc cộng đồng LGBT ra ngoài lề xã hội. Đồng thời, duy trì vị thế thống trị với các đặc quyền cho người dị tính và các mối quan hệ của họ.

Trường hợp điển hình

Rất nhiều người thân của các cá nhân thuộc LGBT lớn lên trong môi trường truyền thống, bảo thủ. Vậy nên “thành kiến với người đồng tính” và “chỉ trích người đồng tính” là điều hết sức bình thường. Nó diễn ra trong gia đình, xã hội, môi trường giáo dục,… Người thân xung quanh cá nhân thuộc cộng đồng LGBT công khai từ chối cá nhân đó. Thậm chí, họ đả kích xu hướng tính dục/bản dạng giới của cá nhân đó. Mục đích là xóa đi sự bất an, lo lắng , và phủ nhận con người thật của người thuộc LGBT.

Đó là ví dụ điển hình của việc thao túng tinh thần (gaslighting). Trong đó, người thao túng (người/xã hội kỳ thị LGBT) thuyết phục nạn nhân rằng sự tồn tại của họ không hề quan trọng. Theo đó, nạn nhân tiếp tục tự thao túng tinh thần của mình. Đôi khi, họ cũng thao túng với cả những người LGBT khác. Tự kỳ thị tính dục là một hình thức tẩy não tâm lý và xã hội.

Đọc thêm: Những biểu hiện nào cho thấy bạn đang kỳ thị người chuyển giới?

Bạn đã bao giờ tự kỳ thị tính dục của mình hoặc chứng kiến người khác tự kỳ thị chưa?

Bạn đã bao giờ tự kỳ thị tính dục của mình hoặc chứng kiến người khác tự kỳ thị chưa?
Nguồn ảnh: Chelsea Beck/NPR

Những biểu hiện cố ý 

  1. Cố gắng ép mình theo “nền văn hóa” dị tính và phải kìm nén cảm xúc cá nhân. Điều chỉnh hành vi bản thân để người khác nghĩ mình “thẳng” và tránh bị “lộ”. Điều đó khiến bản thân bị căng thẳng, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD),… do nỗi sợ hãi và hậu quả của việc bị “ghét bỏ”.
  2. Cố gắng tránh và sống tách biệt với những người khác thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, lại bí mật cố gắng giữ liên lạc với họ.
  3. Cảm thấy xấu hổ, bối rối khi gặp người thuộc cộng đồng LGBT công khai trong đời sống xã hội hàng ngày, trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng xã hội.
  4. Cảm thấy tự ti hoặc lo âu khi thể hiện bản thân (ví dụ như thể hiện tình cảm nơi công cộng, tiết lộ xu hướng tính dục/bản dạng giới cho những người cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, yêu cầu nhà ở, tài chính, pháp lý, kết hôn, chăm sóc, giáo dục trẻ em,…).
  5. Cho phép bản thân trải qua những mối quan hệ không bình đẳng, bất hòa, thiếu sự quan tâm của đôi bên, không bền vững, không chung thủy, và/hoặc mang tính bạo hành, ngược đãi.
  6. Hạ thấp và nghĩ bản thân và/hoặc những người LGBT khác không xứng đáng có quyền làm gì.

Ví dụ điển hình

  • Phủ nhận nạn kỳ thị tính dục đang tồn tại trong xã hội. Xem đó là vấn đề không ảnh hưởng đến cuộc sống của người thuộc cộng đồng LGBT;
  • Đưa ra nhận xét tiêu cực, hạ thấp một người bởi xu hướng tính dục/bản dạng giới của họ. Hành động tiêu cực nhằm tự hạ thấp bản thân cũng là một biểu hiện của chứng này;
  • Phủ nhận xu hướng tính dục/bản dạng giới của một người (bản thân hoặc người khác), nhưng trong suy nghĩ, cảm xúc và bản năng tự nhiên thì thấy điều ngược lại;
  • Bào chữa và dung túng cho hành vi kì thị tính dục của người thân, bạn bè;
  • Biện hộ, ủng hộ sự bất công và áp bức trong thể chế, tôn giáo, chính trị, và/hoặc văn hóa đối với cộng đồng LGBT. Công khai từ chối các sáng kiến ủng hộ LGBT, công kích những người ủng hộ và lãnh đạo các phong trào đấu tranh cho quyền của cộng đồng LGBT. Lên án, đổ lỗi hành động áp bức là do chính bản thân những người LGBT gây ra. 

Những biểu hiện vô thức 

Tự kỳ thị tính dục tồn tại mà chính cá nhân kỳ thị cũng không hiểu được nguyên do. Các nhà tâm lý học gọi đó là “trực giác đạo đức” (moral intuitions). Các phán xét vô thức bắt nguồn từ cảm xúc hoặc những điều đã được dạy, và thường liên quan đến sự ghét bỏ. Nhận thức của bạn về thực tế bị chi phối bởi cảm xúc mạnh mẽ. Sau đó, nó sẽ tạo nên sự định kiến nhận thức (cognitive bias). Điều này lý giải cho những định kiến về người LGBT và tại sao có rất nhiều người cố chấp với suy nghĩ này, dù họ chẳng chứng minh được.

Những chuẩn mực truyền thống trong gia đình cũng khiến người LGBT bị phân biệt đối xử. Chuẩn mực đó đòi hỏi người có giới tính nam phải mạnh mẽ, quyết đoán, và làm công việc nặng. Giới tính nữ thì phải nhỏ nhẹ, yếu đuối, làm việc nhẹ nhàng. Khuôn mẫu đó đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, người nào có biểu hiện “lệch chuẩn” sẽ bị coi là khác người, “bệnh hoạn”. Từ đó, hình thành định kiến LGBT là trái với tự nhiên, thuần phong mỹ tục, luân thường đạo lý.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử từ gia đình, người thân thường bộc lộ rõ ràng. Vì yêu thương nên người trong gia đình thường dùng mọi cách để ngăn cấm khi biết con mình có quan hệ “lệch chuẩn”. Từ khuyên bảo tình cảm đến những biện pháp mạnh mẽ như cấm túc, đánh đập, đi bệnh viện. Thậm chí, vài trường hợp dùng đông tây kết hợp với cúng bái để thay đổi “giới tính” cho con. 

Giải quyết không phải là điều đơn giản, nhưng là điều bắt buộc

Ảnh minh họa cho sự tự kỳ thị tính dục
Nguồn ảnh: Heckin’ Unicorn

Thay đổi nhận thức và quan điểm của mình

Việc loại bỏ hoàn toàn hội chứng này vẫn cần phải tiếp diễn. Đây là hành trình của sự nỗ lực từng chút một. Do đó, một phần trong việc loại bỏ chứng tự kỳ thị tính dục là để các thành viên thuộc cộng đồng LGBT tiếp tục tự đặt những câu hỏi cho bản thân, như:

  • Việc sử dụng rượu và chất kích thích có phải là để giải thoát bản thân hay không? Hay nó chỉ có tác dụng làm tạm thời quên đi những tổn thương, khủng hoảng và nỗi xấu hổ mà ta không muốn đối mặt?;
  • Liệu mình đã hành xử phù hợp với từng hoàn cảnh và từng người khác nhau chưa?;
  • Đã bao giờ mình cẩn trọng về ngôn từ của bản thân khi sử dụng những từ như “đồng tính” hay “chuyển giới” ở ngoài phạm vi cộng đồng LGBT chưa? Hay mình luôn cảm thấy e ngại và không thoải mái khi một người bạn thuộc LGBT nói về mối quan hệ của họ ở nơi công cộng?;
  • Mình có từng tham gia vào việc chỉ trích những thành viên khác trong cộng đồng LGBT bởi những đánh giá vô thức đối với chính bản thân mình không?;
  • Có phải mình luôn cố gắng nói chuyện theo đúng “tiêu chuẩn” để trông giống một người dị tính không?;
  • Mình đã từng từ chối tham gia vào các nhóm trò chuyện bởi vì sợ tiết lộ thông tin chi tiết về đời sống cá nhân?;
  • Mình có từng ép bản thân theo chuẩn mực “nam tính” và “nữ tính” mà những người khác đặt ra? Nếu có thì là do ai đặt ra? Và những nhận xét của họ về mình là gì?.

Hãy hành động

  • Suy nghĩ về chứng tự kỳ thị tính dục và sự ảnh hưởng của nó, thay vì phủ nhận nó;
  • Tìm hiểu thêm về chứng tự kỳ thị tính dục;
  • Cộng đồng – xây dựng, tìm kiếm hỗ trợ là điều cần thiết. Sự cảm thông từ những người LGBT khác và đồng minh có thể là một phương thuốc hiệu quả;
  • Tìm hiểu về lịch sử của phong trào đấu tranh cho cộng đồng LGBT. Nhìn những hình mẫu trong những cuộc đấu tranh đó. Tìm ra điều cần thiết để ngày càng hướng tới bình đẳng và công lý;
  • Tìm một người trị liệu, cố vấn hoặc một nhà tâm lý học về LGBT. Người có thể dẫn dắt bạn vượt qua quá trình này;
  • Tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực. Đây có thể là điều khó nhất. Bởi lẽ những ảnh hưởng độc hại có thể đến từ cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ như gia đình, xã hội, tôn giáo và bạn bè. Vậy nên hãy cân nhắc mọi thứ để bản thân ngày càng tích cực nhé;
  • Làm rõ những quan điểm cá nhân;
  • Luyện tập việc tự nhận thức về bản thân mình. Bạn cần phải nhận thức được phản ứng tiêu cực của mình. Đồng thời tự đánh giá bản thân và ghi nhận lời góp ý của mọi người xung quanh. Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu gốc rễ của vấn đề mỗi khi nhận thấy mình tiêu cực;
  • Nếu bạn cảm thấy an toàn, hãy công khai xu hướng tính dục của mình. Mặc dù bạn có thể sẽ phải chịu rất nhiều đau đớn, nhưng việc này có thể vô cùng có ích với bản thân bạn.

Lưu ý

Nhớ rằng chứng tự kỳ thị tính dục không xuất phát từ những yếu tố bên trong con người bạn. Bạn không bị bệnh, bạn cũng không cần chữa bệnh gì cả. Xã hội kì thị tính dục khiến những điều đó đã đeo bám bạn một cách vô cùng ngột ngạt. Nếu bạn đã từng bị đổ lỗi về việc mắc chứng này, hoặc bạn băn khoăn về bản thân mình, đừng cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ. Bạn chỉ cần thực hiện từng bước một để giải phóng những gánh nặng đang đè nén bản thân bạn. 


Đúng! Người thuộc LGBT không “bệnh hoạn”, và cũng không bao giờ là một nỗi xấu hổ cả. Việc một ai đó trải qua chứng tự kỳ thị tính dục không phải là một việc đáng thương. Tự kỳ thị tính dục cũng chẳng phải chuyện đáng trách. Nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống và trưởng thành của họ. Nhưng khi ta đang có những kiến thức và hiểu biết đầy đủ như bây giờ, ta luôn có thể sẵn sàng giúp đỡ họ vượt qua những rào cản ấy. Và nếu chính bạn đang phải trải qua việc này, hãy nhớ rằng, bạn đa dạng, bạn hãy tự hào. Bạn tự hào, bạn có sức ảnh hưởng. Bạn có sức ảnh hưởng, cuộc sống xung quanh bạn sẽ hòa nhập hơn.

Xem thêm các bài viết của VYA về tính dục tại đây!

Người thực hiện: Phương, Hieu Ho, T.D., T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://desultory-suggestions.tumblr.com/post/189135797503/how-do-you-deal-with-internalized-queer-phobia

https://www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/July-2020/The-Importance-of-LGBTQ-Inner-Equality

https://www.syfy.com/syfywire/internalized-queerphobia-and-the-power-of-self-acceptance-in-doom-patrol

https://theroguefeminist.tumblr.com/post/54567854600/internalized-homophobiaqueerphobia

https://www.revelandriot.com/resources/internalized-homophobia/

https://www.psychologytoday.com/us/blog/communication-success/202005/10-signs-internalized-homophobia-and-gaslighting

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây