Làm sao để chống kỳ thị LGBT đúng nghĩa?

Làm sao để chống kỳ thị LGBT đúng nghĩa?
Thời gian đọc: 7 phút

Đấu tranh chống kỳ thị LGBT đã không còn đơn thuần là một phong trào nữa. Thay vào đó, nó đã trở thành một dạng lý tưởng sống – một mục tiêu bền vững mà cộng đồng LGBT nói riêng và xã hội nói chung mong mỏi đạt được. Một hoài bão lớn cần một lòng quyết tâm lớn và tri thức vững chắc để chinh phục. Cùng với đó là vô số những câu hỏi được đặt ra. Làm sao để ta có thể đấu tranh chống kỳ thị LGBT nếu chưa từng tìm hiểu kỹ về vấn đề này? Liệu sự ủng hộ, giúp đỡ của ta có vô tình trở thành một mũi dao gây tổn thương cho cộng đồng LGBT?,… Những thắc mắc này, vô hình trung, đã khiến nhiều người trong chúng ta dễ cảm thấy ngại ngần, chùn bước.

Với mong muốn khuyến khích những “ally” – đồng minh – của cộng đồng LGBT đóng góp vào sự phát triển của cuộc đấu tranh chống kỳ thị, Vietnam Youth Alliance mang đến bài viết hướng dẫn những cách đấu tranh chống kỳ thị LGBT hiệu quả và đúng đắn. Nào, còn chần chừ gì nữa? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu ngay nhé!

Ai nên đấu tranh chống kỳ thị LGBT và vì sao?

Ảnh minh họa chống kỳ thị tính dục
Nguồn ảnh: Mashable India

“Có một số người cho rằng xu hướng tính dục và bản dạng giới là những vấn đề nhạy cảm. Như bao người cùng thế hệ khác, tôi lớn lên mà không có cơ hội trò chuyện về điều này. Nhưng tôi học cách lên tiếng bởi vì có nhiều cuộc đời đang bị đe dọa, bởi vì đó là nghĩa vụ của chúng ta theo như Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền phải bảo vệ quyền lợi của mọi người đến từ mọi phương.” – Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc – Ban Ki-Moon phát ngôn với Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ngày 7 tháng 3 năm 2012.

Cuộc chiến đấu tranh chống kỳ thị LGBT vẫn đang ở mọi nơi trên thế giới. Vậy nên, không ai đứng ngoài vòng của cuộc chiến chống kì thị này cả. Khi bạn đứng lên ủng hộ những người sống thật với chính mình, bạn đang gửi đến họ niềm tin sống, tình yêu to lớn và những gì tốt đẹp nhất có thể, để cùng dành lấy sự bình đẳng cho cộng đồng LGBT. 

Đọc thêm: Làm sao để biết mình có đang kỳ thị đồng tính không? 

Đâu là những hành vi kỳ thị tính dục mà bạn có thể chưa biết? 

Ảnh minh họa chống kỳ thị tính dục
Nguồn ảnh: Freepik

Sự kỳ thị không bỏ qua một ai cả. Ngay cả khi bạn là người dị tính, bạn vẫn có thể trở thành nạn nhân của nó. Dưới đây là các hành vi kỳ thị mà bạn nên lưu ý: 

  • Ngăn cản người dị tính có mối quan hệ gần gũi, thân mật với người cùng giới vì “sợ” họ sẽ bị hiểu nhầm là đồng tính;
  • Ép buộc mọi người sống theo khuôn khổ vai trò giới của mình, ngăn cản mỗi người sáng tạo và thể hiện bản thân;
  • Công kích, chê bai, sỉ nhục người được cho rằng thuộc LGBT cũng như người thân của họ;
  • Áp đặt “quy luật tự nhiên” lên cộng đồng LGBT;
  • Phân biệt giới tính, chối bỏ sự tồn tại, xu hướng tính dục và bản dạng giới của LGBT trong chương trình giáo dục giới tính. Việc này sẽ dẫn đến sự thiếu hiểu biết về những bệnh lan truyền qua đường tình dục;
  • Phải chứng tỏ mình “bình thường” bằng việc quan hệ tình dục dị tính. Điều này là một trong những nguyên nhân của quan hệ tình dục trước thành niên. Từ đó, làm tăng việc mang thai tuổi vị thành niên và sự lây lan của bệnh lây nhiễm qua đường tình dục;
  • Ngăn cản người trong cộng đồng LGBT tìm ra “màu sắc của chính mình”, tăng áp lực “phải kết hôn sinh con có cháu”. Điều đó thường dẫn đến stress hoặc những chấn thương tâm lý cho những người liên quan;
  • Không tôn trọng cộng đồng LGBT, cho rằng sự đa dạng tính dục là nhảm nhí và không có thật.

Đọc thêm: Các hành vi kỳ thị người song tínhbiểu hiện của kỳ thị người chuyển giới.

Bạn có thể làm gì để chống kỳ thị LGBT?

Ảnh minh họa chống kỳ thị tính dục
Nguồn ảnh: Transparency International
  1. Tự giáo dục bản thân về LGBT qua những nguồn thông tin đúng.
  2. Dùng danh từ trung tính như “bồ”, “người yêu” thay vì “bạn trai”, “bạn gái”, v.v.
  3. Tôn trọng quyết định của người thuộc LGBT về việc công khai (khi nào và như thế nào).
  4. Nhớ rằng việc thuộc cộng đồng LGBT chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống của người khác.
  5. Đừng vội kết luận/có định kiến về tính dục của người khác. Mặc định rằng người thuộc cộng đồng LGBT có ở mọi nơi xung quanh bạn.
  6. Tìm hiểu kỹ trước khi phát biểu về tính dục của người khác.
  7. Hiểu rằng quan hệ tình cảm/tình dục tại một thời điểm không định hình nên xu hướng tính dục.
  8. Đừng cho rằng người có dương vật hành xử “nữ tính” hay người có âm vật hành xử “nam tính” là chuyển giới hoặc không phải người dị tính, và ngược lại.
  9. Là một đồng minh dị tính/hợp giới, hãy lên tiếng cho cộng đồng LGBT mọi lúc, mọi nơi có thể.
  10. Quan tâm tới các mối quan hệ của bạn bè, người thân thuộc LGBT như với người dị tính.
  11. Nếu cảm thấy an toàn và khả thi, hãy lên tiếng khi có người có hành động kỳ thị, đùa giỡn, xúc phạm, bắt nạt hay quấy rối người khác vì tính dục của họ.
  12. Góp ý khi nghe người khác tỏ ý kỳ thị, quấy rối cộng đồng LGBT. Đa số mọi người không biết rằng ngôn từ mình đang dùng có thể gây tổn thương. Vì thế, sẽ rất tốt nếu bạn lý giải cho họ vì sao không nên nói như vậy.

Bạn có biết, người thuộc cộng đồng LGBT vẫn có thể tự kỳ thị mình!

Tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu khi phải gánh chịu sự kỳ thị?

Khi đang phải gánh chịu sự kỳ thị, bạn hãy tham khảo những điều sau nhé:

  • Hỏi thăm sự giúp đỡ từ người thuộc cộng đồng LGBT gần nơi bạn ở hoặc trên mạng xã hội;
  • Trò chuyện với người đáng tin cậy trong cộng đồng LGBT mà bạn quen biết, như gia đình hay giáo viên;
  • Tham gia tổ chức về giáo dục giới tính nói chung và LGBT nói riêng tại trường học (nếu có);
  • Khi xung quanh bạn “vắng bóng” tổ chức, cộng đồng LGBT, hãy kiếm sự giúp đỡ trên mạng xã hội! Đừng quên rằng sẽ luôn có người ủng hộ bạn đứng lên chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử;
  • Nếu trường học của bạn có nội quy chống quấy rối và bắt nạt, ắt có giáo viên chịu trách nhiệm giải quyết và ngăn chặn hành vi kỳ thị. Vậy, đừng ngại tìm sự giúp đỡ từ giáo viên đáng tin cậy bạn nhé!;
  • Trong trường hợp tệ nhất, bạn liên tục bị quấy rối và làm phiền từ những kẻ kỳ thị; hãy dũng cảm lên tiếng phản đối. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ chuyện này cho người thân của mình. Cách này sẽ giúp bạn có thêm sự hỗ trợ để giải quyết vấn đề.

Nếu bạn im lặng và mặc cho kẻ kỳ thị hành động, hành vi quấy rối sẽ vẫn tiếp tục; thậm chí là trở nên tồi tệ hơn. Cả cuộc sống, sức khỏe và tinh thần của bạn có thể phải chịu những ảnh hưởng xấu. Vì thế, VYA hi vọng bạn thật dũng cảm để xử lý nếu chẳng may gặp tình trạng này. VYA luôn ở bên và ủng hộ bạn chống lại sự kỳ thị!

Chống lại sự kỳ thị âm thầm trong hội nhóm

Bỗng một ngày, người trong hội nhóm của bạn chợt phản đối, kỳ thị tính dục trong âm thầm hay ra mặt với thành viên khác thì phải giải quyết như thế nào đây?

  • Bạn phải làm gương! Bạn không thể bắt mọi người tôn trọng người khác trong khi bạn không thực hiện điều đó được. Khi mọi người đang chỉ trích ai đó, bạn có thể chỉ ra điểm tích cực của họ; xu hướng tính dục không phải là nguyên nhân gây ra vấn đề;
  • Dành thời gian cho họp nhóm hay gặp mặt thường kỳ để mọi người có thể học cách tôn trọng lẫn nhau và xem lại thành tựu của cả nhóm; để biết được mọi người đã cùng nhau trải qua khó khăn gì mới đến được ngày hôm nay;
  • Chỉ ra trở ngại mà nhóm đang gặp phải và không đổ lỗi cho ai hết;
  • Đưa ra giải pháp và kiên định với nó. Khi thành viên trong nhóm hạ thấp phẩm giá, danh dự của người khác, hay hành xử tiêu cực, bạn hãy đề nghị hoặc đưa ra biện pháp xử lý để đặt lại trật tự, công bằng trong nhóm.

Vậy là chúng mình đã đến điểm cuối của bài viết ngày hôm nay. VYA hiểu rằng việc chống kỳ thị LGBT và xoá bỏ định kiến rất khó khăn và cần nhiều nỗ lực. Nhưng mong bạn nhớ rằng: “Một lần ta đứng lên đấu tranh xóa bỏ kỳ thị là một lần ta lan tỏa niềm yêu thương, thấu hiểu và gửi trao thật nhiều niềm tin sống tốt đẹp đến những người xung quanh mình…”!

Người thực hiện: Nhật Hạ, X.T., N., T.D.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://case.edu/lgbt/safe-zone/heterosexism-homophobia

https://safezone.uncc.edu/allies/homophobia

https://www.plannedparenthood.org/learn/sexual-orientation/sexual-orientation/what-homophobia

https://www.pride.com/bisexual/2018/2/21/5-ways-combat-bi-erasure-lgbt-community

https://ctb.ku.edu/en/table-of-contents/culture/cultural-competence/healing-from-interalized-oppression/main

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây