Kỳ thị chuyển giới: Hiểu đúng để chống định kiến

Kỳ thị chuyển giới: hiểu đúng để chống định kiến
Thời gian đọc: 12 phút

Bạn biết không, sẽ thật khó để giúp đỡ một ai đó nếu bạn không có nhận thức về tình huống hay đủ kiến thức trong lĩnh vực nào đó. Vì khi đó, hành động của bạn có thể gây ra những sai sót không mong muốn. Hôm nay, chúng mình xin giới thiệu một chủ đề mới – sự kỳ thị chuyển giới (transphobia)! Bạn không nghe lầm đâu. Transphobia không chỉ là sự kì thị, mà đó còn là sự sợ hãi hay khó chịu vô cớ trong tiềm thức của rất nhiều người.

Hãy cùng Vietnam Youth Alliance chung tay giúp đỡ cộng đồng LGBT và mọi người về kiến thức này để có một thế giới “cầu vồng” hơn nhé!

Kỳ thị chuyển giới là gì?

Kỳ thị chuyển giới là gì?
Nguồn ảnh: Iris Jong

Định nghĩa

Kỳ thị chuyển giới là sự ghê sợ, thù ghét, không tin tưởng và ngờ vực đối với người chuyển giới. Những người được cho là chuyển giới, không phù hợp với vai trò giới thông thường cũng thường là nạn nhân của sự kỳ thị này. Kỳ thị người chuyển giới dẫn đến tình trạng nạn nhân không được tận hưởng cuộc sống một cách an toàn.

Kỳ thị chuyển giới bao gồm nhiều hình thức khác nhau:

  • Thái độ và niềm tin tiêu cực;
  • Ác cảm và định kiến đối với người chuyển giới;
  • Sợ hãi phi lý và không hiểu rõ;
  • Hoài nghi và không tôn trọng danh xưng/bản dạng giới mong muốn;
  • Sử dụng ngôn ngữ và tên gọi mang tính xúc phạm;
  • Bắt nạt, quấy rối và thậm chí là sử dụng bạo lực.

Hậu quả

Những người kỳ thị chuyển giới có thể kỳ thị âm thầm lẫn công khai. Ví dụ, người chuyển giới có thể bị từ chối việc làm, mua nhà, phúc lợi lợi y tế chỉ vì giới của họ.

Sự áp lực của những người kì thị tác động đến người chuyển giới có thể trở nên rất tiêu cực và dẫn đến:

  • Trầm cảm;
  • Sợ hãi;
  • Tách biệt;
  • Cảm giác vô vọng;
  • Tự tử.

Nguyên nhân 

Tư tưởng kỳ thị chuyển giới có thể được xây dựng do tác động từ những người xung quanh. Đôi khi, đó là do người thân có những ý kiến và quan niệm tiêu cực về người chuyển giới. Đồng thời, việc không có thông tin hoặc thông tin sai lệch về giới cũng là một nguyên nhân. 

Kỳ thị chuyển giới cũng có thể là do sự kém hiểu biết về người chuyển giới. Họ có thể không biết về những vấn đề của cộng đồng, cũng như không quen biết một người chuyển giới nào.

Đọc thêm: Kỳ thị người đồng tính là như thế nào?

Bạn có đang vô tình thực hiện hay chịu đựng sự kỳ thị chuyển giới?

Bạn có đang vô tình thực hiện hay chịu đựng sự kỳ thị chuyển giới?
Nguồn ảnh: Teen Vogue, “COURTESY OF LYDIA ORITZ”

Chắc chắn người chuyển giới không chỉ bị ngầm chối bỏ mà còn phải chịu sự kỳ thị công khai. Tuy nhiên, đôi lúc sự thiếu kiến thức và nhạy bén có thể dẫn đến những hành vi kỳ thị vô ý.

Những hành vi kỳ thị chuyển giới cố ý

Cho rằng bản dạng giới là một sự lựa chọn

  • “Sao bạn lại muốn/không muốn trở thành con trai/con gái?”;
  • “Sao bạn lại muốn chỉnh sửa cơ thể của mình?”;
  • “Ai mà lại muốn trở nên khác biệt với cơ thể bẩm sinh!”;
  • “Mình sẽ nói mình là con gái để được tắm chung với các bạn nữ”;
  • “Hôm nay mình quyết định làm một con hươu cao cổ. Có nhà vệ sinh riêng cho hươu cao cổ không nhỉ?”;
  • “Bạn chỉ đang cố gây sự chú ý mà thôi. Rồi bạn sẽ nghĩ lại ấy mà”;
  • “Mình không tin vào ‘chủ nghĩa chuyển giới’ hay ‘làm người chuyển giới’ đâu!”.

Phán xét xem người khác chuyển giới đã “đạt” hay chưa

  • “Bạn chỉ là một thằng con trai/đàn ông trong một bộ váy mà thôi!”;
  • “Bạn là một người phụ nữ xấu tệ!”;
  • “Dù có cả tấn trang điểm thì bạn cũng không thể nào trông giống hay đẹp được như một người con gái đâu!”;
  • “Mày là một cậu bé ẻo lả”;
  • “Bạn sẽ không bao giờ mạnh mẽ được như người đàn ông thực thụ đâu”;
  • “Bạn xinh thế mà làm con trai thì tiếc lắm”.

Kỳ thị anh/chị/em của người chuyển giới

  • Loại trừ và cô lập vì họ có mối quan hệ với người chuyển giới;
  • “Ba mẹ bạn đang cố biến bạn thành kẻ quái đản tiếp theo đúng không?”;
  • “Có phải ba mẹ bạn từng quấy rối tình dục các bạn không? Phải chăng vì vậy mà bạn có người anh/chị/em chuyển giới?”;
  • “Bạn cũng là [từ ngữ mang tính kỳ thị chuyển giới] ‘kín’ hả?”.
  • Đem việc tiếp xúc thân mật/tình dục với một người chuyển giới ra làm trò đùa;
  • Dùng tên hoặc đại từ nhân xưng để tấn công, gán ghép ai đó một cách trêu đùa;
  • “Mình cá là Ryan sẽ hẹn hò với Caitlyn Jenner!”;
  • “Anh ấy là người chuyển giới hả? Ồ, người như Chloe chắc sẽ hẹn hò với anh ấy”.
  • “Mình cá [tên đối tượng] sẽ quan hệ tình dục với [tên người chuyển giới]”;
  • “Bạn sẽ hẹn hò với [tên người chuyển giới] chứ?”;
  • Bắt nạt theo hướng kỳ thị đồng tính những ai hẹn hò với người chuyển giới;
  • Gọi một người nam đang hẹn hò với người chuyển giới nữ là “đồng bóng”;
  • Gọi một người nữ hẹn hò với người chuyển giới nam là “ô môi”.

Những hành vi trên đây nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc người hợp giới che giấu mối quan hệ với người chuyển giới khỏi xã hội và gia đình.

Những biểu hiện kỳ thị chuyển giới vô tình

Đôi khi chúng ta lại vô tình xúc phạm một ai đó vì thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, những lần “lỡ miệng” đó có thể giúp bạn học hỏi thêm được điều gì đó để hành xử tốt hơn trong tương lai.

Sau đây là những điều mà bạn không bao giờ nên nói với một người chuyển giới.

“Bạn vẫn có thể quan hệ tình dục chứ?”

Một cách hiệu quả để biết được xem lời nói của bạn có phù hợp hay không chính là tự hỏi xem bạn sẽ nói gì với những người dị tính hợp giới được xem là “bình thường”. Nếu bạn gặp một người không quá thân thiết tại bữa tiệc, liệu bạn có bước đến và hỏi về đời sống tình dục của họ hay không? Có lẽ là không.

Đối với người chuyển giới, các quy tắc ứng xử cũng tương tự như các nhóm người khác. Bạn phải hiểu rằng chuyện cá nhân của người khác không liên quan gì đến bạn.

“Bạn đồng tính hả?”

Để làm rõ: bản dạng giới và xu hướng tính dục không hề giống nhau. Bản dạng giới là giới của bạn trong khi xu hướng tính dục dùng để chỉ giới mà bạn bị thu hút.

Tất nhiên, đồng tính nam thường bị cho là “ẻo lả” và đồng tính nữ là “nam tính”. Đây là một lối quy chụp hoàn toàn sai trái. Tuy nhiên những định kiến này vẫn kéo dài, dẫn đến sự nhầm lẫn giữa giới tính và tính dục.

Đối với một số người, công khai là người chuyển giới thật ra cũng là hành trình khám phá tính dục bên ngoài khuôn mẫu “dị tính và đồng tính”. Thế nhưng, đừng nên đánh đồng người chuyển giới nữ với người đồng tính nam hóa trang drag (ăn mặc hoán giới, đi kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm).

“Bạn trông như thế nào trước khi chuyển giới vậy?”

Câu hỏi này có nhiều nghĩa khác nhau. Dù gì đi chăng nữa, đột nhiên hỏi về cuộc sống “trước đó” của họ không phải là một hành vi đúng đắn. Thêm vào đó, câu hỏi này ngầm cho rằng chuyển giới là một “lựa chọn”. Như đã nói ở trên, đây là một định kiến sai lầm và kỳ thị.

Dù họ có nhắc đến cuộc sống trước khi công khai, đừng mặc định rằng họ sẽ thoải mái trả lời hết câu hỏi của bạn. Internet có thể là một công cụ đắc lực giúp bạn hiểu thêm về người chuyển giới. Vì vậy, hãy tự giáo dục bản thân mình theo cách ít làm người khác không thoải mái nhất. Đồng thời, không phải người chuyển giới nào cũng chia cuộc sống ra thành trước và sau chuyển giới. Điều tốt nhất là chúng ta đừng hỏi hoặc nói điều gì mang tính quy chụp quá nhiều.

“Mình chưa từng nghĩ bạn là người chuyển giới luôn.”

Hoặc là “Bạn thật đẹp khi chuyển giới”. Những lời khen này tuy có ý tốt, nhưng nó lại ủng hộ việc đưa ra chuẩn mực cho người chuyển giới xem họ có “đạt” hay không. Điều này củng cố vào định kiến cho rằng người chuyển giới phải hòa hợp với chuẩn mực của người hợp giới. Đồng thời, nó cũng đề cao quá mức quy chuẩn giới thông thường, hạ thấp người chuyển giới.

“Bạn có nghĩ bạn được sinh ra trong một cơ thể không đúng với con người thật của bạn không?”

Bức bối giới là cảm giác khi giới tính sinh học và bản dạng giới khác nhau gây ra sự khó chịu. Bức bối giới thường được diễn đạt là “sinh ra trong một cơ thể không đúng với con người thật”. Điều này có thể đúng với một số người, tuy nhiên không phải ai cũng như vậy. Họ có thể xem sự bức bối như một trạng thái tâm lý/cảm xúc bình thường mà thôi. Khi đó, họ không bị thôi thúc phải phẫu thuật/thay đổi cơ thể để phù hợp với bản dạng giới.

“Bán nam bán nữ”

Cho dù một người có thừa nhận là người chuyển giới hay không thì việc gọi họ là “bán nam bán nữ” luôn cực kỳ phản cảm. Từ này có thể được dùng giữa những người trong cộng đồng hay để gọi chính bản thân, nhưng bạn hoàn toàn không nên dùng từ này để đùa giỡn.

“Người này nhìn không giống đàn ông/phụ nữ gì hết”

Như thế nào mới là trông giống phụ nữ/đàn ông? Không có tiêu chuẩn nào cho việc đó cả. Chúng ta cũng không nên quy chụp rằng tất cả người chuyển giới đều cố gắng trở nên “nữ tính”/”nam tính”. Thể hiện giới luôn linh động và không liên quan với bản dạng giới. Vì thế, mọi dạng thể hiện giới đều xứng đáng được công nhận.

“Sao bạn phải chuyển giới dù sao bạn cũng sẽ đồng tính mà thôi?”

Bản dạng giới và xu hướng tính dục là hai mảng riêng biệt. Câu hỏi này mang tính đề cao xu hướng dị tính quá mức, cũng như hạ thấp người chuyển giới và đồng tính nói chung. Người chuyển giới đồng tính cũng xứng đáng được tôn trọng bởi tính dục của mình như bao người. 

“Tên THẬT của bạn là gì? Ý mình là tên khai sinh của bạn ấy?”

Câu hỏi này ngầm nói lên rằng người chuyển giới là không “thật”. Từ đó, câu hỏi này xem nhẹ bản dạng giới cũng như mong muốn cá nhân của người chuyển giới. Nó phủ nhận quyền tự quyết định và đưa ra lựa chọn cho chính bản thân. Đồng thời, nó cũng bác bỏ quyền riêng tư cũng như chỗ đứng của người chuyển giới trong xã hội.

Sử dụng sai đại từ nhân xưng hoặc ngộ nhận bản dạng giới của người khác

Việc tôn trọng tên và đại từ nhân xưng mong muốn là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, đó là điều bạn phải hỏi mới biết. Vậy nên nếu không chắc chắn, hãy hỏi họ: “Bạn muốn được gọi bằng tên/đại từ nhân xưng nào?”

Hỏi người khác hoặc tiết lộ thông tin về bản dạng giới của người chuyển giới 

Hỏi một người về bản dạng giới của một người khác là điều không nên. Hãy tự hỏi bản thân mình tại sao bạn lại muốn biết điều riêng tư đó đó. Đồng thời, thông tin về bản dạng giới là một thông tin riêng tư. Bạn không nên lan truyền thông tin này mà không có sự cho phép của người chuyển giới.

“Bạn đã phẫu thuật chưa? Nếu chưa thì bạn không hẳn là đàn ông/đàn bà đâu!”

Hỏi ai đó những thông tin cá nhân về cơ thể và/hoặc phẫu thuật của họ là xâm phạm riêng tư và thiếu tinh tế. Cơ thể của mỗi người đều là những thông tin thuộc về phạm trù riêng tư. Cho nên dẫu hợp giới hay chuyển giới, những dạng câu hỏi như trên cũng hết sức thô lỗ và bất lịch sự.

Đọc thêm: Thế nào là kỳ thị và chối bỏ song tính? Tìm hiểu ngay!

Những định kiến hoàn toàn sai lệch

Những định kiến hoàn toàn sai lệch
Nguồn ảnh: Stephanie Koo / Staff Illustrator

Dưới đây là một vài ngộ nhận “khá nhạy cảm” về giới và lời giải thích tại sao những định kiến ấy lại sai.

Giới chỉ có nam và nữ

Phần lớn mọi người nhận định bản thân là một trong nhị nguyên giới: nam hay nữ. Tuy nhiên, số khác thì lại không tự xác định mình là nam hay nữ. Đồng thời, họ cũng không sử dụng danh xưng hay những từ chỉ sự nữ tính hay nam tính.

Đọc thêm: Phân biệt giữa giới và giới tính.

Giới bao gồm nhiều bản dạng khác nhau chứ không chỉ đơn thuần là nhị nguyên giới. Chúng ta mang giới tính nhất định khi được sinh ra, nhưng việc thể hiện bản dạng giới lại thuộc quyền quyết định của chúng ta. Thậm chí đối với những người hợp giới, thể hiện giới không gói gọn trong một hình thức nào cả. Nấu ăn và dọn dẹp không hề nói lên sự “nữ tính”. Kiềm nén nước mắt hay sửa chữa đồ đạc cũng không làm nên sự “nam tính”. Đây chỉ đơn thuần là những tiêu chuẩn mà chúng ta tự nghĩ ra và duy trì.

Bạn có thể biết được giới của một người thông qua vẻ ngoài

Hoàn toàn sai. Tương tự luận điểm trước, một số người nhận dạng họ là phi nhị giới và không sử dụng những đại từ nhân xưng chỉ nam hay nữ. Mỗi ai trong chúng ta, bất kể bản dạng giới nào đi chăng nữa, đều có quyền quyết định thể hiện giới của ta. Chúng ta có thể trở nên nữ tính vào một ngày, và vào ngày khác thì lại nam tính hơn. Thậm chí cũng không sao cả nếu một ngày nào đó bạn muốn ra đường một cách vừa nam tính, vừa nữ tính. Chúng ta không nên để vẻ bề ngoài khiến cho chúng ta vô tình xúc phạm bản dạng giới của ai đó.

Đàn ông thì phải cứng rắn

Chúng ta đều là con người cả mà. Việc cho rằng đàn ông không có cảm xúc hay không được quyền thể hiện cảm xúc là phi lý. Bạn cảm thấy yếu đuối thì cũng không có gì sai cả. Thật ra, vấn đề chính là kiềm nén và giấu đi những cảm xúc ấy cho đến khi bạn không chịu được và rồi “bùng nổ”.

Ngược lại, phụ nữ cũng bị quy chụp là “đa cảm hơn đàn ông”. Ví dụ, chúng ta thường nghe rằng phụ nữ quá nhạy cảm và không ổn định cho việc công sở hay hành pháp. Nhưng những lầm tưởng này chỉ là những định kiến được lặp đi lặp lại một cách vô thức. Và đã đến lúc chúng ta phải dừng lại.

Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ

Dù một số người phụ nữ có con với nửa kia của họ, đây chắc chắn không phải là việc bắt buộc. Hiển nhiên, việc có con đòi hỏi sự kiên nhẫn và một khoản chi đáng kể. Do đó, ở bất kể giới nào đi chăng nữa, không phải ai cũng đủ sẵn sàng để đón nhận trọng trách cao cả đó.

Có tử cung hay không là chuyện của cơ thể, và mong muốn có con lại càng tùy thuộc vào sở thích của mỗi người. Tóm lại, phụ nữ không nên bị ràng buộc phải có con hay cảm thấy sai trái khi quyết định không có con. Đó chỉ là phán xét thường gặp góp phần củng cố những định kiến ​​và nhận định sai lầm mà thôi.

Đàn ông vốn dĩ sinh ra là để lãnh đạo

Ai khẳng định điều đó? Phụ nữ cũng có thể lãnh đạo không thua kém gì, thậm chí là tốt hơn so với đàn ông. Theo nghiên cứu của Jack Zenger và Joseph Folkman, phụ nữ được đánh giá cao hơn đàn ông trong 12/16 yếu tố năng lực mà các nhà lãnh đạo hàng đầu thể hiện rõ nhất. Việc mặc định “giới này giỏi việc này” khá là rắc rối, vì giới tính và bản dạng giới không phải là yếu tố tiên quyết quyết định phẩm chất của một ai đó.

Xu hướng tính dục và bản dạng giới liên quan đến nhau

Một trong những nhận định sai lầm phổ biến nhất về người chuyển giới rằng người chuyển giới chính là người đồng tính, hoặc họ đang cố thể hiện xu hướng tính dục của mình theo cách nào đó. Điểm mấu chốt là giới và xu hướng tính dục hoàn toàn khác nhau! Một người chuyển giới nữ có thể nhận định là đồng tính, song tính, hay không sử dụng những nhãn dán nếu người đó không muốn. Và chuyện này không liên quan gì đến cơ thể hay giới của cô ấy cả.


Bạn thấy đấy, sẽ có những lời nói hay hành động tưởng chừng như buột miệng nhưng lại gây ảnh hưởng rất lớn. Suy nghĩ sai lệch và việc thiếu kiến thức sẽ dẫn đến định kiến. Định kiến sẽ dẫn đến hành vi dù là có chủ đích hay vô tình. Dần dần sẽ là một quá trình tạo nên một hội chứng và những quan điểm khó thay đổi. Transphobia, kỳ thị người chuyển giới chính là một ví dụ rõ nhất.

VYA rất mong qua mỗi bài viết, bạn sẽ thu nhập thêm được nhiều kiến thức để vừa hoàn thiện bản thân, vừa có cách hành xử đúng đắn trong mọi hành vi dù là sự giúp đỡ hay đơn thuần là các cuộc trò chuyện.

Người thực hiện: Nhật Hạ, T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây