Làm sao để vượt qua sang chấn hậu bạo hành

Thời gian đọc: 9 phút

Vượt qua bất kỳ sang chấn nào đều là một quá trình không hề dễ dàng, nhất là khi kẻ gây ra nó có thể lặp lại hành động gây tổn thương bất kỳ lúc nào. Tuy vậy, bạn không cần phải cố gắng chịu đựng nó một mình. Đau đớn nào rồi cũng có thể vượt qua, tổn thương nào rồi cũng có thể lành lại. Nhưng ta phải làm thế nào để vượt qua? Hãy cùng VYA đi tìm câu trả lời ngay nhé! 

Lưu ý: Nếu bạn gặp bất cứ khó khăn hay trở ngại trong cuộc sống thường ngày nào, dù là tâm lý hay/và thể chất, có nguồn gốc từ một mối quan hệ độc hại thì hãy ưu tiên đến gặp bác sĩ tâm lý nếu có thể. 

Khía cạnh tình cảm/tinh thần

khía cạnh tinh thần

Nguồn: The Guardian

Những tác nhân của bạo hành cảm xúc

Nhận biết những dấu hiệu của bạo hành cảm xúc là bước đầu tiên để vượt qua nó. Bạo hành cảm xúc là một khuôn mẫu hành vi kéo dài có thể bao gồm chỉ trích, thao túng, sỉ nhục, và bắt nạt liên tục.

Bất kể bạn đang trải qua loại bạo hành cảm xúc nào, điều quan trọng là nhận biết rằng chúng là những thủ đoạn được dùng để làm bạn cảm thấy vô dụng và khiến người bạo hành cảm thấy tốt hơn về bản thân họ.

Những đặc tính của một mối quan hệ lành mạnh

Nếu bạn hoài nghi mãi rằng liệu mình có đang trong một mối quan hệ bạo hành hay không, đừng lo! Nhiều người cũng có một quãng thời gian khó khăn nhận biết các dấu hiệu vì nhiều lý do khác nhau.

Một trong những bài kiểm tra bạo hành cảm xúc tốt nhất là so sánh đặc điểm mối quan hệ của bạn với của một mối quan hệ lành mạnh, bao gồm:

  • Các bạn có thể cùng giải quyết mâu thuẫn mà không cảm thấy bị đe doạ hay lâm vào tình trạng tuyệt vọng;
  • Đừng nên mang tâm lý bị đả kích khi nhận phê bình;
  • “Không” luôn là có thể với những yêu cầu nhất định;
  • Thẳng thắn bộc lộ cảm xúc;
  • Hãy chia sẻ những nhu cầu một cách tình nguyện và không hổ thẹn.

Nếu không một đặc điểm nào phía trên miêu tả mối quan hệ của bạn, bạn có thể đang là nạn nhân của bạo hành cảm xúc.

Biết rằng bạo hành là không ổn

Một khi bạn đã nhận ra những dấu hiệu bạo hành cảm xúc trong mối quan hệ của bạn, điều quan trọng là nhận biết rằng hành vi bạo hành này là không ổn chút nào. Không một ai trong bất cứ tình huống nào xứng đáng làm đối tượng của bất kỳ hình thức bạo hành thể chất hay cảm xúc. 

Hiểu rằng bạo hành là một chu kỳ

Giống như chu kỳ của sự nghiện, bạo hành cảm xúc cũng như bạo hành thể chất có thể bị duy trì lặp đi lặp lại với vòng tuần hoàn gồm bốn giai đoạn riêng biệt: căng thẳng, xô xát, hoà giải, và yên ổn.

Trong giai đoạn căng thẳng, mối quan hệ đặc biệt bị đè nén, với hậu quả là giao tiếp tan vỡ và nỗi sợ bắt đầu được xây dựng. Dần dà, những sức ép này bùng nổ trong xô xát. Về sau, người bạo hành sẽ xin lỗi nhưng vẫn có thể sẽ đổ lỗi cho nạn nhân hoặc tầm thường hoá xô xát đó. Giai đoạn cuối cùng thường được nhắc đến như giai đoạn trăng mật khi tất cả những vấn đề bị quên lãng đi. Tuy nhiên, cũng như thói nghiện, nó chỉ là vấn đề thời gian trước khi chu kỳ mới bắt đầu.

Liên hệ với gia đình và bạn bè

Xây dựng mạng lưới hỗ trợ là một trong những cách tốt nhất để đấu tranh chống lại những tác động độc hại của bạo hành cảm xúc. Ngoài việc cho bạn một lối thoát và giúp bạn cảm nhận hơi ấm tình cảm từ những người bạn thích được ở cạnh, tương tác với người khác cũng có thể giúp bạn có cái nhìn tốt hơn về những điều cấu thành một mối quan hệ lành mạnh.

Hơn nữa, những mối quan hệ xã hội cũng là một nhân tố quan trọng trong quá trình phá vỡ chuỗi suy nghĩ độc hại bắt nguồn từ việc bị cô lập – một trong những triệu chứng điển hình của bạo hành cảm xúc – lên bản thân mình. 

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người chuyên nghiệp

Nếu bạn cảm thấy lạc lối, bạn có thể tham khảo những thông tin từ các nguồn đáng tin cậy như bác sĩ, cố vấn tâm lý, giáo viên tư vấn tâm lý học đường,… để giúp bạn lên kế hoạch cho các bước tiếp theo.

Đứng lên vì chính mình

Sau khi bạn nhận ra những dấu hiệu của bạo hành cảm xúc trong mối quan hệ và xây dựng mạng lưới hỗ trợ, bước tiếp theo là bắt đầu hành động. Khởi đầu tốt nhất là tự đứng lên. 

Đầu tiên, bạn có thể chỉ ra những hành vi bạn nghĩ là không thích hợp. Hãy đặt ra những ranh giới như là “Tôi sẽ lắng nghe những ý kiến phản hồi nhưng sẽ không chấp nhận những công kích cá nhân” hoặc “Tôi không ổn với việc cậu gọi tôi bằng những cái tên đó”. Nếu bạn cho họ thấy rằng bạn sẵn sàng cất tiếng nói cho bản thân mình, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy nền tảng của mối quan hệ thay đổi nhanh chóng như thế nào đó.

Hãy tự tin

Điều đó dẫn tới lời khuyên tiếp theo: Tự tin lên! Ban đầu, bạn có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng sự tự tin; tuy nhiên, nếu bạn không bỏ cuộc, bạn sẽ dần nhận ra sự tự tin trong mình đi lên từng chút một. Hãy duy trì giao tiếp qua ánh mắt, giữ tông giọng bình thản, và cố hết sức để ngăn chặn việc cảm xúc chế ngự mình. Nếu bạn tỏ vẻ sự tự tin và giữ bình tĩnh trước những bạo hành cảm xúc của họ, kẻ bạo hành sẽ khó thực hiện hành vi bắt nạt bạn hơn.

Nắm rõ những lý do vì sao hành vi của họ là không thích đáng

Giữ giới hạn với một số lời khuyên trên, hãy cố chuẩn bị những lý do giải thích việc vì sao bạn cảm thấy những hành động và lời nói của họ không ổn.

Hãy nói với họ những thứ cấu thành một mối quan hệ lành mạnh và rằng những lời nói của họ không thuộc một quan hệ tôn trọng. Hãy để họ biết rằng những bình luận của họ gây tổn thương; nếu họ còn tiếp tục với loại hành vi này thì họ đang xây dựng một mối quan hệ độc hại, và đưa mối quan hệ ấy đến bờ vực thẳm. 

Quan trọng nhất là, hãy nói họ rằng những người thật sự quan tâm đối phương sẽ không làm tổn thương người còn lại. Nếu họ không sẵn lòng đáp ứng những tiêu chuẩn này, thì đó là lúc bắt đầu suy nghĩ về việc rời khỏi mối quan hệ.

Biết rằng đó bạn không có lỗi

Chẳng hạn nếu bạn quyết định kết thúc mối quan hệ và đã cắt đứt liên hệ với người bạo hành cũ của bạn, bỗng dưng một ngày bạn phát hiện bản thân mình nuôi hy vọng muốn quay lại với họ. Phải chăng đó là sai lầm? Nếu không có ai ngoài đó dành cho bạn thì sao? Nếu bạn không xứng đáng với ai đó tốt hơn thì sao?

Tuy những suy nghĩ như thế là bình thường trong những tình huống như thế này, nhưng chúng không thể phủ nhận sự thật rằng: bạo hành cảm xúc là rối loạn của người bạo hành, không phải nạn nhân. Bạn không nên đổ lỗi cho bản thân về những gì đã xảy ra.

Dù dường như tha thứ là một chuyện gần như không thể tưởng tượng nổi trong hiện tại, đó cũng có thể là một trong những quyết định chữa lành nhất mà bạn có thể đưa ra.

Tìm những điều làm bạn hạnh phúc

Vượt qua bạo hành cảm xúc trong quá khứ có thể tốn nỗ lực chữa lành đáng kể. Hãy làm đầy thời gian của bạn với những hoạt động yêu thích của bạn và tiếp tục những mối quan hệ xã hội mà bạn có thể đã bỏ quên chúng. Đó là những cách tốt để giữ cho bạn bận rộn, đồng thời cũng giúp bạn thấy thoải mái và hạnh phúc hơn.

Hãy cố gắng hạn chế tiếp xúc với những người làm bạn phân vân về quyết định của mình hoặc có thái độ tiêu cực. Giữ tích cực là một trong những cách tốt nhất để hồi phục từ bạo hành cảm xúc. Hãy nghĩ về quãng thời gian mới này trong đời bạn như một loại phục hồi.

Khía cạnh thể chất

khía cạnh thể chất

Nguồn: Harvard Health

Hiểu về những khó khăn gặp phải

Chấn thương thể xác

Nếu thủ phạm làm tổn thương cơ thể của bạn, điều tốt nhất bạn cần làm là đi khám sức khỏe. Vết bầm và đứt da có lẽ nhìn như đã lành, nhưng bạn sẽ không thể biết được có vấn đề gì dưới da hay không. Xuất huyết nguy hiểm hơn nhiều so với chảy máu ngoài da – khi mà bạn dễ xác định và điều trị triệt để vết thương. Xuất huyết làm mất một lượng máu lớn mà bạn không nhận thức được, thậm chí còn dẫn đến các hậu quả khác nghiêm trọng hơn.

Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lí (PTSD)

Sau khi thoát khỏi mối quan hệ độc hại, tâm trạng buồn bã, vấn đề trong đời sống thường ngày như ngủ hay các kí ức không tốt đẹp là những điều không thể nào tránh khỏi. Nhưng rồi, những cảm xúc này sớm muộn sẽ mất đi khi bạn dần dần vượt qua được những chuyện tồi tệ trong quá khứ.

Tuy nhiên, nếu bạn có PTSD, những cảm xúc này sẽ không biến mất. Nó tồn tại trong nhiều tháng, năm dưới các mức độ khác nhau. Nó gây ra ảnh hưởng tiêu cực tới cơ thể, trong đó thường thấy nhất là vấn đề về tim mạch như nhịp tim tăng đột biến và vấn đề tiêu hóa. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Dễ bị lo lắng, sợ hãi;
  • Luôn luôn đề cao cảnh giác;
  • Hành vi làm hại bản thân, như uống rượu quá nhiều hay lái xe quá nhanh;
  • Khó ngủ;
  • Khó tập trung;
  • Dễ bị khó chịu, nhiều cơn giận dữ bùng phát hay hành vi nóng nảy;
  • Cảm thấy tội lỗi, xấu hổ quá mức.

Mắc PTSD cũng có khả năng làm tăng tỉ lệ mắc những bệnh về tâm lí khác, như:

  • Trầm cảm và lo âu;
  • Vấn đề với đồ uống có cồn và chất gây nghiện;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Ý nghĩ và hành động mang khuynh hướng tự tử.

Vượt qua khó khăn

Bạn có thể được khuyên rằng nên nhận giúp đỡ từ chuyên gia, gia đình và bạn bè, nhưng quan trọng nhất luôn luôn là tự mình cứu mình. Cho dù bạn nhận được hỗ trợ tư vấn tâm lí đến mức nào, nếu bạn không thể tự mình vượt qua, mọi sự giúp đỡ đều trở nên vô ích. Một số gợi ý để đi qua giai đoạn khó khăn này: 

  • Ở xung quanh những người lạc quan;
  • Có một nhóm người tốt và luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn;
  • Chăm sóc bản thân dù là tập thể dục, đọc một cuốn sách hay hoặc tặng mình một món quà;
  • Đừng để những cảm giác hối hận hay nghi ngờ bản thân hành hạ mỗi ngày;
  • Dành ra thời gian trước khi tiến tới một mối quan hệ mới;
  • Trò chuyện về cảm xúc của bản thân;
  • Đừng e ngại chia sẻ quá khứ hay thấy xấu hổ về những trải nghiệm của mình;
  • Tìm bạn mới;
  • Đừng coi bản thân là nạn nhân mà hãy nhìn nhận mình là một cá nhân mạnh mẽ.

Lưu ý: Nếu bạn gặp bất cứ khó khăn hay trở ngại trong cuộc sống thường ngày nào, dù là tâm lý hay/và thể chất, có nguồn gốc từ một mối quan hệ độc hại thì hãy ưu tiên đến gặp bác sĩ tâm lý nếu có thể.

Trị liệu có thể giúp những người sống sót sau bạo hành rời khỏi mối quan hệ không lành mạnh hay hồi phục lại từ những trải nghiệm của họ.

Xây dựng những mối quan hệ lành mạnh mới

Sau khi rời khỏi tình cảnh bạo hành, bạn có thể mong muốn tiến nhanh vào một mối quan hệ mới với mong muốn nhận được sự thân mật và ủng hộ mà bạn đã thiếu vắng. Nhưng hãy nhớ rằng: chậm mà chắc. Hãy dành thời gian để tìm hiểu bản thân và nhận thức bạn đã bước vào mối quan hệ bạo hành trước đó của bạn như thế nào. Nếu thiếu đi thời gian chữa lành và học hỏi từ trải nghiệm, bạn có khả năng sẽ quay lại mối quan hệ bạo hành lần nữa.

Mọi việc tưởng chừng như rất khó, tuy vậy, mỗi ngày một bước, bạn sẽ đạt được một mục tiêu nào đó, ngay kể cả các mục tiêu ghê gớm như vượt qua ngàn nỗi sợ đang  hành hạ tâm hồn mình. VYA mong bạn sẽ sớm thoát khỏi sự tổn thương để bước tiếp, bạn nhé!


Tài liệu tham khảo

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây