Giúp đỡ người bị bạo hành: 6 điều quan trọng ai cũng phải biết

Thời gian đọc: 6 phút

Hiện nay, vấn đề bạo hành trong các mối quan hệ đời thường có xu hướng gia tăng hơn trước. Thậm chí đôi lúc, chúng mình có thể phát hiện những lời cầu cứu, kêu gọi giúp đỡ từ những nạn nhân bị bạo hành thông qua các trang mạng và thiết bị điện tử. Nhưng làm sao để giúp họ an toàn thoát khỏi mối quan hệ bạo hành bây giờ? Có phải rất khó khăn và gần như “bất khả thi” không? VYA thấu hiểu những nỗi băn khoăn và lo lắng của các bạn. Vậy nên trong bài viết ngày hôm nay, VYA sẽ chia sẻ những cách giúp đỡ nạn nhân đang phải gánh chịu nỗi đau bạo hành. Hãy cùng theo dõi nhé!

Những dấu hiệu chung của người bị bạo hành về mặt tinh thần

Bạo hành về mặt tinh thần
Nguồn ảnh: Pinterest
  • Tỏ ra sợ hãi hay lo lắng khi cố gắng làm hài lòng đối phương;
  • Đồng tình với tất cả những gì người yêu họ nói và làm;
  • Thường xuyên phải báo cho đối phương biết mình đang ở đâu, làm gì;
  • Nhận những cuộc gọi điện quấy rầy, công kích thường trực từ đối phương;
  • Thường hay chia sẻ với mọi người xung quanh về tính nóng nảy, ghen tuông hay sự kiểm soát từ người yêu.

Những dấu hiệu chung của người bị bạo hành về mặt thể xác

Nguồn ảnh: Northen Star
  • Thường xuyên có chấn thương với lý do “tai nạn”;
  • Liên tục nghỉ làm, nghỉ học, vắng mặt trong các cuộc họp mà không có lời giải thích;
  • Mặc những trang phục có thể che được các vết bầm hoặc trầy xước (mang áo dài tay vào mùa hè hay đeo kính râm trong nhà,…).

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về các dấu hiệu khác của một mối quan hệ có hại.

Những người bị thủ phạm bạo hành cô lập có thể…

  • Bị hạn chế gặp mặt gia đình và bạn bè;
  • Hiếm khi ra ngoài mà không có mặt người yêu;
  • Bị hạn chế sử dụng tiền bạc, thẻ tín dụng hay phương tiện đi lại cá nhân.

Dấu hiệu tâm lý của việc bị bạo hành

  • Gần như không có sự tự tin vào bản thân, dù có thể trước kia họ rất tự tin;
  • Tính cách thay đổi rõ rệt (ví dụ: người cởi mở trở nên rụt rè);
  • Tuyệt vọng, bất an hay có ý định tự tử.

Báo tin về bạo lực gia đình ở đâu?

Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 quy định về phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình như sau:

Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.

Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình.

Cách giúp đỡ người thân hoặc bạn bè khỏi mối quan hệ bạo hành

Sự giúp đỡ
Nguồn ảnh: Healthline

Nếu bạn bè hay người thân bạn đang bị bạo hành, việc giúp đỡ họ thoát khỏi mối quan hệ đó và đảm bảo được an toàn cho họ là một điều rất quan trọng. Nạn nhân thường có nhiều lý do để không thể rời bỏ người bạo hành, và thúc ép một người bỏ trốn khi người đó vẫn còn do dự sẽ chỉ làm họ cảm thấy bất lực hơn. Tuy nhiên, nếu bạn biết một người đang trong tình trạng nguy hiểm cấp bách, hãy nắm quyền chủ động giúp đỡ, hỗ trợ họ – đặc biệt nếu nạn nhân không có khả năng hỗ trợ bản thân về mặt tinh thần hoặc thể chất. Những lời khuyên sau đây sẽ hướng dẫn bạn trong quá trình hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành:

Đừng làm ngơ!

Nếu một người có những tổn thương thể chất rõ ràng, đừng làm ngơ! Hãy hỏi họ về vết thương đó một cách tế nhị và riêng tư nhất có thể. Nếu người đó khăng khăng rằng vết thương được gây ra bởi một tai nạn, điều tốt nhất bạn có thể làm là cho họ biết rằng tuy bạn không nghĩ vết thương đó là do tai nạn thật, bạn luôn sẵn sàng lắng nghe họ trong tương lai.

Gọi điện cho chính quyền

Dù bạn lo lắng về an toàn của người đó thì cũng không được manh động can thiệp những cuộc bạo hành, điều đó chỉ khiến tình hình tệ hơn thôi.

Đừng hỏi nạn nhân họ đã làm gì sai

Việc hỏi nạn nhân của bạo hành họ đã làm gì để cho bản thân bị đánh như vậy sẽ củng cố niềm tin rằng lỗi là thuộc về họ, trong khi sự thật hoàn toàn không phải vậy.

Giúp nạn nhân công nhận những cảm xúc thật

Một người đã bị bạo hành thường cảm thấy đau khổ, trầm cảm, bối rối và lo sợ. Hãy nói với họ đó là những cảm xúc bình thường. Bên cạnh đó, hãy tìm một nơi riêng tư để tâm sự với nạn nhân, bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi vô hại, đừng hỏi những câu có thể khiến họ cảm thấy bị đe doạ hay xúc động mạnh. Ví dụ: “Trông cậu mệt mỏi thế – cậu có muốn nói chuyện chút không?”;

Đừng quyết định thay

Tốt nhất, hãy động viên người đó tìm kiếm sự trợ giúp và tự đưa ra quyết định sẽ ở lại, rời đi, hay tìm kiếm trợ giúp. 

Đừng áp lực 

Người bị bạo hành sẽ không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào trong một thời gian ngắn, vì vậy đừng kì vọng và đừng áp lực họ làm việc đó. Nhiều nạn nhân chọn ở lại với kẻ bạo hành mình với hy vọng rằng những hành vi bạo lực sẽ có ngày dừng lại. Do đó, bạn có thể giúp đỡ họ theo cách khác: ủng hộ và động viên họ lâu dài. Có thể sẽ mất nhiều năm để nạn nhân có thể tự đưa ra quyết định rời đi đấy, hãy kiên trì nhé.

Không bao giờ đề cập đến bạo lực

Khi nạn nhân vẫn đang sinh hoạt cùng kẻ bạo hành mình, bạn không nên bàn luận đến những hành vi bạo lực khi cả hai đi cùng nhau. Điều này có thể sẽ khiến nạn nhân cảm thấy bị đe dọa và sẽ không còn đủ bình tĩnh để nói chuyện thoải mái. Đồng thời, việc này có thể dẫn đến những phản ứng xấu của kẻ bạo hành.

Giữ bí mật thông tin cá nhân của nạn nhân

Nếu nạn nhân đã thoát khỏi được mối quan hệ bạo hành, đừng bao giờ tiết lộ thông tin về nơi ở của họ cho bất cứ ai.

Giúp nạn nhân giữ an toàn

Hãy cố gắng hết sức để đảm bảo rằng nạn nhân bạo hành sẽ luôn được an toàn, kể cả khi họ quyết định ở lại hay rời khỏi kẻ bạo hành. Đồng thời, hãy nhớ thông báo cho nạn nhân bạo hành được biết về những cách để bảo vệ, hỗ trợ bản thân như tìm kiếm lời khuyên từ luật sư, tham gia vào các tập thể hỗ trợ nạn nhân bạo hành, tố cáo hành vi bạo hành, thực hiện các thủ tục pháp lý để bắt buộc kẻ bạo hành phải tránh xa nạn nhân, và lên kế hoạch trốn thoát khỏi kẻ bạo hành/ thông báo cho những hộ dân xung quanh về việc bị bạo hành.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về cách rời đi khỏi một mối quan hệ bạo hành.

Gíup nạn nhân tiếp cận thông tin

Hãy cung cấp nạn nhân thông tin về cách truy cập cộng đồng hoặc những tài nguyên đáng tin cậy và động viên người đó tìm kiếm sự tư vấn, cũng như giúp họ lên một kế hoạch rời khỏi mối quan hệ một cách an toàn, nhắc nhở họ về những lưu ý để bảo vệ chính mình sau khi rời khỏi cảnh bạo hành và đề nghị được làm một người mà họ có thể tin tưởng.

Việc giúp đỡ những người đang trong mối quan hệ bạo hành thật sự không dễ – bạn phải luôn kiên nhẫn, thấu hiểu và yêu thương để có thể dắt họ bước ra khỏi “vùng đen tối”. Có lẽ vào một ngày nào đó, những nạn nhân bị bạo hành sẽ trở nên thật tự tin và hạnh phúc như họ đã từng, bạn nhỉ? Nếu có thể, mong rằng chúng ta sẽ luôn mở rộng vòng tay để yêu thương, giúp đỡ những nạn nhân đang gánh chịu nỗi đau bạo hành. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết tiếp theo của VYA!


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.helpguide.org/articles/abuse/domestic-violence-and-abuse.htm

https://laodong.vn/tu-van-phap-luat/bao-tin-ve-bao-luc-gia-dinh-o-dau-744320.ldo

https://foh.psc.gov/NYCU/domesticviolence2.asp

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây