Nhiễm bệnh ghẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu & cách điều trị

Thời gian đọc: 8 phút

Bệnh ghẻ – một căn bệnh da liễu chẳng khác cơn ác mộng ám ảnh rất nhiều người. Thế nhưng không hẳn ai cũng biết vì sao mình lại nhiễm bệnh ghẻ, chưa kể đến dấu hiệu và cách điều trị. Nếu bạn vẫn còn nhiều thắc mắc như thế này và mong muốn tìm hiểu thêm về bệnh ghẻ thì đã có VYA rồi đây. Hôm nay, VYA rất vui được gửi đến các bạn một bài viết sẽ giải đáp mọi băn khoăn về căn bệnh này; các bạn hãy cùng theo dõi nhé!

Tìm hiểu thêm về các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác của chúng mình nhé!

Bệnh ghẻ lây lan như thế nào? 

Ghẻ – một căn bệnh truyền nhiễm và là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Vậy bệnh ghẻ “ghé thăm” chúng ta qua những con đường nào nhỉ? Đáp án chính là:

  • Tiếp xúc da kề da với người bệnh trong một khoảng thời gian nhất định (nắm tay,…);
  • Tiếp xúc thân mật với người bệnh (ôm hôn, quan hệ tình dục,…);
  • Sử dụng chung quần áo, chăn gối hay khăn tắm của người bệnh ghẻ.

Bạn biết không, bệnh ghẻ thường được lây lan từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc ngoài da với người bị nhiễm bệnh. Nguy cơ bị lây bệnh có thể tăng theo mức độ nhiễm khuẩn, từ ít khả năng ví dụ như sự truyền nhiễm qua những vật dụng cá nhân (quần áo, chăn nệm) của bệnh nhân bị ghẻ, cho đến rất rủi ro khi tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân có ghẻ vảy. 

Mặt khác, giai đoạn đầu của bệnh ghẻ thường không xuất hiện triệu chứng, nên đôi lúc việc lây nhiễm đã diễn ra trước cả khi người bệnh cảm thấy tình trạng sức khỏe mình có vấn đề. 

Ai có thể nhiễm bệnh? 

Một điều hiển nhiên là ai cũng có thể bị ghẻ. Những con ký sinh trùng ghẻ sẽ không phân biệt giới, chủng tộc hay tầng lớp của người bệnh đâu. Thậm chí, một vài con ghẻ cũng sẽ không quan tâm tới mức độ vệ sinh cá nhân hay tần suất tắm rửa của bạn; chúng chỉ đơn giản là “tìm chỗ tá túc” trên da bạn một thời gian.

Vì bệnh rất dễ lây lan qua vật trung gian, ví dụ những vật dụng dùng chung, đồ nội thất, nên những người sống trong môi trường chật chội, đông đúc sẽ dễ bị lây bệnh ghẻ hơn. Ví dụ, trẻ em có sự tiếp xúc gần gũi, thân mật trong nhà trẻ, mầm non. Đây lại là một môi trường cực kỳ thuận lợi cho ký sinh trùng ghẻ phát triển; do đó trẻ em sẽ dễ bị bệnh ghẻ hơn. Vì vậy, bạn hãy thật cẩn thận phòng bệnh ghẻ trong môi trường sống của mình và người thân nhé.

Dấu hiệu và triệu chứng nhiễm bệnh ghẻ

Ký sinh trùng ghẻ (con ghẻ)

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh ghẻ
Nguồn ảnh: WebMD

Những con ghẻ – nguyên nhân gây nên căn bệnh chẳng thể nào đứng yên; chúng sẽ liên tục gây ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Sau đây là một số triệu chứng của căn bệnh không ai mong muốn này:

  • Ngứa ngáy (chủ yếu vào ban đêm): Đây là triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh ghẻ. Thậm chí, bệnh nhân có thể ngứa tới nỗi không thể ngủ hay sinh hoạt như bình thường được;
  • Phát ban: Nhiều bệnh nhân bị ghẻ cũng có thể bị phát ban đồng thời. Việc phát ban này dẫn tới cơ thể có thể bị sưng ở một số chỗ, thường theo đường thẳng. Bên cạnh đó, những vết sưng do ghẻ gây ra nhìn như những vết cắn nhỏ dưới da hay mụn. Trong một số trường hợp, các chỗ bị sưng còn có thể trở thành những mảng vảy nhìn như chàm;
  • Đau đớn: Gãi mạnh chỗ bị ngứa có thể làm tổn thương cơ thể, gây đau đớn. Hơn hết, những chỗ đau ấy rất dễ bị nhiễm khuẩn, dẫn đến những biến chứng nặng hơn;
  • Xuất hiện những lớp vỏ dày trên da: Lớp vỏ được hình thành trên cơ thể  một người mắc bệnh ghẻ nặng gọi là ghẻ vảy hay còn được gọi là ghẻ Na Uy.

Trong hầu hết trường hợp, bị ngứa nghiêm trọng khiến nạn nhân gãi vào vết thương liên tục. Làm thế dễ dẫn tới nguy cơ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết hay thậm chí đe dọa tính mạng bệnh nhân khi tình trạng nhiễm khuẩn đi vào máu. 

Mạt ngứa

Mặt khác, ghẻ có thể xuất hiện ở mọi nơi trên da người. Tuy nhiên, mạt ngứa thường đào lỗ ở một số vị trí nhất định trên cơ thể. Những chỗ thường bị ngứa và phát ban nhất là:

  • Bàn tay: mạt ngứa thích đào vào vùng da giữa các kẽ tay và quanh móng tay;
  • Cánh tay: mạt ngứa thích cổ tay và cùi chỏ;
  • Vùng da thường mặc quần áo hay đồ trang sức: Mông, eo, dương vật và da quanh núm vú là chỗ khả năng cao bị mạt ngứa ảnh hưởng. Đồng thời, mạt ngứa cũng có khả năng đào vào những chỗ da hay đeo vòng, đồng hồ hay nhẫn.

Đối với người bệnh trưởng thành, mạt ngứa hiếm khi xuất hiện ở vùng da cổ. Tuy nhiên, với trẻ em, bệnh nhân có thể bị ghẻ lan rộng; phát ban ghẻ có thể bao phủ gần như toàn bộ cơ thể, kể cả lòng bàn tay, bàn chân và da đầu. Đối với trẻ sơ sinh, phát ban thường xuất hiện ở lòng bàn tay và lòng bàn chân. Điều này khiến cho trẻ nhỏ rất khó chịu và không muốn ăn hay ngủ. 

Đâu là những cách tốt nhất để phòng bệnh ghẻ? 

Để không tái nhiễm trùng và tránh mạt ngứa lây cho người khác, người bệnh nên:

  • Giặt giũ toàn bộ quần áo và đồ dùng làm từ vải lanh (chăn, nệm, gối…). Dùng nước xà phòng nóng để ngâm, rửa quần áo, khăn tắm và ga nệm của bản thân trong vòng 3 ngày trước khi điều trị bệnh, sau đó hong khô ở nhiệt độ cao. Bạn nên lưu ý xử lý, giặt giũ sạch sẽ những đồ dùng sinh hoạt của mình, tránh để người khác tiếp xúc nhé;
  • Để mạt ngứa chết đói, hãy thử đặt những vật dụng sinh hoạt bạn không rửa được vào trong một túi nhựa kín và để ở chỗ ít người lui tới như trong nhà xe khoảng vài tuần. Những con mạt ngứa sẽ chết sau vài ngày nếu không có thức ăn đó.

Chẩn đoán bệnh ghẻ có như bạn nghĩ? 

Chẩn đoán bệnh ghẻ có như bạn nghĩ? 
Nguồn ảnh: WebMD

Một số bệnh nhân thường lo lắng và băn khoăn về việc chẩn đoán. Nhưng bạn hãy yên tâm, bệnh rất dễ được chẩn đoán thông qua kiểm tra ngoài cơ thể và khám vùng da bị bệnh. Đôi khi, bác sĩ sẽ lấy mạt ngứa từ da bạn để xác định rõ hơn. 

Nếu gặp khó khăn khi quan sát hay phát hiện mạt ngứa trên cơ thể người bệnh, bác sĩ chẩn đoán bệnh sẽ nạo một phần nhỏ của da để có được mẫu mô. Mẫu mô này sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xác nhận sự tồn tại của mạt gây ghẻ hay trứng của chúng đó.

Hoặc đôi lúc, bác sĩ có thể sử dụng Bài Kiểm Tra Mực Ghẻ (Burrow Ink Test) để xác định nhanh chóng những con đường mà mạt ngứa tạo trên da của bạn. Để kiểm tra, bác sĩ sẽ nhỏ mực lên vùng da nghi nhiễm bệnh rồi lau khô mực đi. Khi đó, lỗ bị đào trên da người bệnh sẽ được phát hiện chỉ bằng mắt thường. Đây là một dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đã bị nhiễm bệnh ghẻ và cần nhanh chóng tiếp nhận điều trị. 

Điều trị

Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không mang bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng ghẻ nào rõ ràng. Vì thế, cách điều trị tốt nhất là khử sạch cả khu vực nhà riêng và đồ dùng cá nhân. Người bệnh nên thực hiện điều này một lần nữa trong thời điểm đang điều trị bệnh của mình. 

Mặt khác, sau khi người bệnh được chẩn đoán xong, việc tiếp theo sẽ là công cuộc chữa trị bệnh ghẻ. Một vài loại thuốc dùng để chữa trị ghẻ cơ bản cho bệnh nhân bao gồm bôi thuốc trị ghẻ như:  

  • Permethrin 5%;
  • Malathion 0.5% hòa tan trong nước;
  • Nhũ tương Benzyl Benzoate 10 – 25%;
  • thuốc bôi Sunfua 5 – 10%;
  • kem Crotamiton 10% ;
  • Kem dưỡng Lindane 1%.

Thuốc phụ

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê thêm các loại thuốc phụ để làm dịu các triệu chứng bệnh. Các thuốc này bao gồm: 

  • Thuốc kháng Histamin, như Benadryl (Diphenhydramine) hay kem dưỡng Pramoxine giúp giải quyết các cơn ngứa ghẻ;
  • Kháng sinh để diệt bất kì chỗ nhiễm trùng nào do gãi ngứa liên tục;
  • Kem thoa Steroid để dịu bớt sưng tấy và ngứa ngáy.

Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể được kê đơn sử dụng thuốc uống Ivermectin (Stromectol) – loại thuốc cực kì hiệu quả và được phê chuẩn bởi nhiều quốc gia. Loại thuốc uống này có thể được sử dụng cho bệnh nhân:

  • Không có tiến triển trong việc điều trị bệnh cơ bản;
  • Có ghẻ vảy;
  • Có ghẻ bao phủ gần như toàn bộ cơ thể.

Tuy nhiên, độ an toàn của thuốc vẫn chưa được kiểm chứng trên phụ nữ có thai và trẻ em nặng dưới 15kg. Vì thế, các đối tượng này nên tránh dùng Ivermectin. 

Bên cạnh đó, lưu huỳnh cũng được sử dụng trong một số đơn thuốc điều trị ghẻ. Bạn cũng có thể mua dung dịch/kem lưu huỳnh ở các đại lý bán lẻ và sử dụng như xà phòng, thuốc bôi, dầu gội hay chất lỏng chữa trị ghẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng bạn nhé.

Cuối cùng, trong mọi trường hợp để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh, người nhiễm bệnh nên nghe theo sự hướng dẫn chi tiết từ các y bác sĩ, tránh việc sử dụng thuốc tùy tiện gây biến chứng nặng hơn. 

Quá trình điều trị bệnh

Trong tuần đầu điều trị, các triệu chứng bệnh dường như sẽ tệ hơn trước. Tuy nhiên, sau khi vượt qua tuần đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy bớt ngứa ngáy. Đôi lúc, bệnh nhân sẽ hoàn toàn hết bệnh chỉ sau 4 tuần điều trị.

Tuy nhiên, vùng da bị ghẻ chưa hồi phục hoàn toàn vẫn có thể còn mạt ghẻ. Thậm chí, ngay khi bạn đã hết bệnh ghẻ, những con mạt này vẫn có thể gây ngứa ngáy kéo dài đến hơn một tháng. 

Cuối cùng, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ, chuyên viên y tế nếu bạn thấy các triệu chứng vẫn tiếp tục sau 4 tuần điều trị. Nếu được, bạn hãy lưu ý cẩn thận về tình trạng sức khoẻ của bản thân kể cả khi đã và đang tiếp nhận điều trị bệnh ghẻ.


Cám ơn bạn đã cùng VYA tìm hiểu về bệnh ghẻ, mến tặng bạn một bông hoa! Nhưng nếu bạn đang có mối quan tâm về sức khỏe và những căn bệnh khác, đừng ngần ngại khám phá thêm trong chuyên mục Giáo dục giới tính của VYA, chúng mình sẽ không làm bạn thất vọng đâu. Hẹn gặp lại bạn và đừng quên giữ gìn thật kỹ sức khỏe của bản thân bạn nhé! 

Người thực hiện: Nhật Hạ, X.T., N., Ngô Tố


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.healthline.com/health/scabies#is-it-contagious

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/scabies

https://www.aad.org/public/diseases/a-z/scabies-symptoms

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/scabies/symptoms-causes/syc-20377378

https://www.healthline.com/health/scabies#home-remedies

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây