Vì sao LGBT tự hào?

Thời gian đọc: 10 phút

Đã bao giờ bạn nhìn thấy những bình luận như thế này trên các trang mạng xã hội về cộng đồng LGBTQ+ chưa?: “Là LGBT thì có gì đáng mà tự hào, không thấy ngại thì thôi” hay “sao không sống như bình thường mà cứ phải tổ chức lễ hội diễu hành” và vô vàn những điều khác. Trên thực tế, lễ Tự hào đóng một vai trò rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển cộng đồng LGBTQ+, cũng như cách mà chúng ta tự hào và yêu thương cũng đáng được trân trọng như thế. Ngày hôm nay, hãy cùng VYA tìm hiểu về ngày lễ Tự hào của cộng đồng LGBTQ+, và những bình luận phổ biến xoay quanh ngày lễ Tự hào nhé!

Ngày lễ Tự hào là gì

Cuộc bạo loạn Stonewall vào năm 1969 chính là cột mốc quan trọng đầu tiên đánh dấu sự thay đổi của quyền người đồng tính ở khắp nước Mỹ và trên toàn thế giới. Nó cũng là nền tảng sơ khai cho sự hình thành và phát triển ngày lễ Tự hào thường diễn ra vào tháng 6 ngày nay.

Ngày lễ Tự hào là ngày mà mọi người đến và gặp gỡ nhau để nhìn lại những điều mà cộng đồng LGBTQ+ đã đạt được và hướng tới những việc làm, dự định tốt đẹp trong tương lai. Vì vậy, chủ đề của tháng Tự hào chính là sự chấp nhận, bình đẳng, ghi nhận những cống hiến của cộng đồng LGBTQ+ hay của từng cá nhân (người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và queer trên khắp thế giới), đồng thời mở rộng kiến thức giáo dục về lịch sử và những vấn đề cộng đồng LGBTQ+ đang phải đối mặt. Thế nên, cho dù bạn và người bạn yêu thương là ai đi chăng nữa, ngày lễ Tự hào là ngày để chúng ta cùng dành cho nhau sự tự hào về bản thân, về đối phương hay rộng hơn là về cộng đồng LGBTQ+.

Ngày lễ Tự hào là gì?
Nguồn ảnh: Getty Image

Từ cuộc bạo loạn Stonewall và những “bước đi đầu tiên” của ngày lễ Tự hào

Tháng Tự hào thường được tổ chức hàng năm vào tháng sáu để tôn vinh tất cả sự đóng góp và hy sinh của cộng đồng LGBTQ+ trong cuộc bạo loạn Stonewall vào năm 1969. Cụ thể, vào ngày 28 tháng 6 năm 1969, cảnh sát đã ập vào và càn quét một quán rượu dành cho người đồng tính, hỏi cung những người khách trong quán. Nối tiếp sau đó là một tuần đầy bạo lực và biểu tình, cho đến tháng 6 năm 1970. Cuộc diễu hành Tự hào lần đầu tiên được diễn ra tại New York, cũng là một trong những lễ hội lớn và nổi tiếng nhất, thu hút hàng trăm người tham dự trước đại dịch. Năm 1972, ngày lễ Tự hào lần đầu tiên được tổ chức ở vương quốc Anh. Năm 1989, quỹ từ thiện Stonewall cũng được thành lập. Quỹ Stonewall hướng tới việc đẩy lùi sự bất công và kỳ thị đồng tính, vận động hủy bỏ Mục 28 của Luật ngăn cấm việc nhắc tới quan hệ đồng tính ở trường học của Vương quốc Anh. Gần đây nhất, quỹ Stonewall đã đấu tranh cho quyền dành cho người chuyển giới, dù điều này gây nên không ít tranh cãi và chỉ trích.

Những biểu tượng/hoạt động đặc trưng trong lễ Tự hào

Trong tháng Tự hào có rất nhiều sự kiện từ hội tiệc, hòa nhạc, cho tới các buổi workshop và các cơ hội học tập. Trong đó, những buổi diễu hành ở các thành phố lớn sẽ là sự kiện thể hiện rõ nhất tinh thần của Tháng Tự hào LGBTQ+. Tuy vậy, do tình hình dịch bệnh COVID-19 năm 2020, hầu hết các sự kiện trong thành phố được đưa lên nền tảng kỹ thuật số:

  • Boston Pride có các workshop, tọa đàm và sự kiện trực tuyến;
  • “Diễu hành Tự hào trực tuyến” được phát trên khung giờ vàng của kênh địa phương ở Los Angeles;
  • “Diễu hành Chuyến giới trực tuyến” trên khắp thế giới;
  • “Diễu hành Tự hào ảo” ở Thành phố New York;
  • Lễ hội trực tuyến 2 ngày của San Francisco, với các bài phát biểu, workshop, và trình diễn từ các lãnh đạo;
  • Chuỗi sự kiện kéo dài 1 tháng ở Seattle.

Ngày nay, những lễ hội của tháng Tự hào vẫn bao gồm diễu hành tự hào, cắm trại, hội tiệc, workshop, hội nghị chuyên đề và hòa nhạc. Những sự kiện này mỗi năm đều thu hút hàng triệu người tham dự từ khắp các nơi trên thế giới. Các đài tưởng niệm được dựng lên để tưởng nhớ đến những thành viên của cộng đồng đã mất vì sự thù hằn hoặc bệnh HIV/AIDS. Sau cùng, mục đích của tháng tưởng niệm là để ghi nhận ảnh hưởng của cộng đồng LGBTQ+ đối với lịch sử địa phương, đất nước và toàn thế giới.

Những định kiến về tự hào LGBT

Những định kiến về tự hào LGBT
Nguồn ảnh: NBC

“LGBT thì cũng là con người, có gì đâu mà tự hào?”

Trong podcast về chủ đề LGBT “liệu có phải là trend”, Công Ken và Lê Thụy đã thảo luận về khái niệm “pride” – tự hào mà cộng đồng LGBT đang dùng. Trong đó, Công Ken đưa ra quan điểm như sau: “Em nghĩ là cái từ này nó dùng không đúng.Ví dụ như là có ai nói là ‘tôi tự hào vì mình là nam’, ‘tôi tự hào vì mình là nữ’ không? LGBT thì cũng như là nam với nữ thôi”. 

"LGBT thì cũng là con người, có gì đâu mà tự hào?"
Nguồn ảnh: dep.com

“Tự hào” là một khái niệm văn hóa không thể thiếu trong cộng đồng LGBTQ+. Nó đại diện cho sự đoàn kết, thống nhất, bản sắc cũng như chống trả lại bạo lực và sự kỳ thị. Cuộc đấu tranh của cộng đồng LGBTQ+ hiện nay đang được xem như một cuộc chiến “bình thường” để giành lấy những điều “bình thường”, hay thậm chí còn không được một số người xem là một cuộc chiến vì những mục tiêu rất đỗi “bình thường” đó, như là được sống, được yêu, được đối xử và được nhìn nhận một cách bình đẳng. Thế nhưng ngược dòng thời gian, đây lại là một cuộc chiến ngày một leo thang chỉ để giành lấy sự tôn trọng cho cộng đồng và từng cá nhân trong đó.

Vì thế, ngày lễ Tự hào là cần thiết, khi sự tôn trọng đang được thể hiện chỉ ở một số nơi nhất định, khi xã hội vẫn đang ưu ái người dị tính bằng cách này hay cách khác dù không phải lúc nào cũng rõ ràng, khi sự thù hằn kỳ thị cộng đồng LGBTQ+ vẫn đang được thể hiện dù công khai hay âm thầm. Nhất là vào tháng Tự hào, ta có thể thấy được không ít những định kiến nặng nề về cộng đồng LGBTQ+ và những điều tiêu cực khác. “Tự hào” là hướng tới sự quan tâm và trách nhiệm, mong muốn loại bỏ những dị nghị thù ghét và tự hào về các hoạt động cộng đồng, về các mối quan hệ và về bản thân của chính chúng ta.

Tự hào LGBT càng làm cho những người phản đối thêm bài xích cộng đồng

Ngày lễ Tự hào có nghĩa là thêm nhiều tình yêu, sự chấp nhận, nhiều cơ hội và những bước tiến mặc cho xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới, chủng tộc, tuổi tác, tín ngưỡng tôn giáo và xuất thân. Tháng Tự hào không chỉ hướng tới cuộc sống có ý nghĩa, mà còn thật sự mang tới sự bảo vệ, bình đẳng và cộng đồng nơi người ta thuộc về.

Cộng đồng LGBTQIA+, cũng như lễ hội Tự hào và các sự kiện địa phương hướng tới việc tạo ra một môi trường để mọi người có thể chấp nhận chính mình, đồng thời cũng giúp những người khác quen với hình ảnh cộng đồng LGBTQIA+ ở các cộng đồng địa phương. Điều này có thể xúc tiến việc thúc đẩy sự chấp nhận từ cộng đồng.

“Sau 10 năm, thành công lớn nhất mà chúng tôi thấy Hanoi Pride mang tới cho cộng đồng LGBTQIA+ chính là sự hiện diện ngày càng tự tin và đa dạng của họ. Có thể thấy thế hệ LGBTQIA+ trẻ ngày càng cởi mở và tự do hơn. Tiếng nói của họ ngày càng quan trọng và được lắng nghe. Cùng với đó là sự thay đổi thái độ của xã hội với người LGBTQIA+ ở Việt Nam cũng dần cởi mở và bình đẳng hơn. Đặc biệt là trong 10 năm qua, chính phủ đã bỏ việc cấm kết hôn cùng giới. Đồng thời, việc công nhận quyền của người chuyển giới và sự hiện diện của người LGBTQIA+ trong một số chính sách khác là những tín hiệu đáng mừng ở Việt Nam.” Những sự kiện trong lễ Tự hào luôn có cách để tỏa sáng và lan tỏa tình thương yêu gần gũi của riêng mình, giống như cách mà Hanoi Pride đã chia sẻ cùng Vietcetera.

“Muốn xóa đi sự kỳ thị từ xã hội thì trước tiên hãy là những người bình thường như mọi người đi, chứ đừng tự hào vì mình lố lăng khác biệt rồi đòi hỏi sự bình đẳng”

VietPride có phải một sự chơi trội
Nguồn ảnh: Asexual in Vietnam

Chúng ta đã biết rằng việc thuộc về cộng đồng LGBT đã là điều khác biệt so với cộng đồng dị tính từ sớm. Không ít trong chúng ta được dạy rằng khác biệt (so với dị tính) là điều xấu xa, đáng xấu hổ, ghê tởm, chúng ta chỉ có thể cố giấu hay mong nó mất đi. Và dù cho gia đình có chấp nhận như thế nào, thì không phải họ hàng hay xã hội cũng sẽ như vậy. Vì thế, họ không muốn ta thể hiện bản thân, vì sự thể hiện ấy chỉ đem tới sự cười cợt, dè bỉu, phê phán của những người không chấp nhận. Thậm chí, đó còn là nỗi sợ khi có không ít người thuộc cộng đồng LGBTQ+ bị đe dọa, bị tấn công hay bị giết chỉ vì sống đúng với chính con người họ.

Có nhiều người đặt vấn đề: tại sao cộng đồng LGBT lại phải đấu tranh, đòi quyền, hay thể hiện quá khác biệt, trong khi “sống bình thường” thì sẽ không có ai kỳ thị. Đây là một nhận định rất tiêu cực vì có nhiều người cố tình đánh tráo khái niệm rằng “sống bình thường” nghĩa là sống “im lặng” hoặc không nên làm bất cứ điều gì. Chúng tôi thật ra không phải đang “đòi hỏi” quyền lợi mà là đang hoạt động, đấu tranh để nhận lại những quyền vốn dĩ nên có.

Đọc thêm: Làm sao để chống kỳ thị LGBT đúng nghĩa?

Cộng đồng LGBT tự hào về điều gì

Vậy, cộng đồng LGBT tự hào vì điều gì?

Vì quá trình đấu tranh bền bỉ cho nhân quyền

Sự kiện Tự hào hướng tới nhân quyền, tiếp sức thêm cho cộng đồng LGBTQ+ để loại bỏ sự kỳ thị và có được quyền và tự do mà họ xứng đáng, cả vị thế xã hội mà họ đã bị loại trừ. Sự hiện diện của cộng đồng sẽ là một phần quan trọng trong việc đấu tranh việc kỳ thị và những định kiến, cũng như tiến bước mặc cho đe dọa và bạo lực. Sự kiện Tự hào thúc đẩy việc chấp nhận những khác biệt và rằng cộng đồng LGBTQ+ sẽ không sợ hãi và trong cuộc chiến giành lấy sự bình đẳng. 

Vì mục đích gia tăng nhận thức xã hội về những vấn đề liên quan đến cộng đồng LGBTQ+

Những người LGBT không “đòi hỏi muốn được” – đó không phải là món đồ chơi mà một đứa trẻ con nhõng nhẽo muốn, rồi bắt ai đó phải cho cho bằng được. Bình đẳng là quyền mà những người LGBTQ+ có cũng như tất cả nhóm người khác trong xã hội xứng đáng có được. Họ chỉ đơn thuần đang nỗ lực lấy lại thứ vốn thuộc về mình, quyền mà nhiều người tước đi rồi giữ khư khư như đặc quyền của riêng họ.

Tự hào không chỉ ở lễ Tự hào

Chiến dịch “Work with Pride” (Tạm dịch: Tự hào ở nơi làm việc) đã được tổ chức bởi VietPride Hà Nội và Trung tâm ICS – một tổ chức hoạt động nhằm bảo vệ, thúc đẩy và tăng quyền của cộng đồng LGBTI+ hướng tới Tự hào và Bình đẳng. Chiến dịch này hướng tới nâng cao nhận thức về sự đa dạng, tính dục, và bản dạng giới, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp có những hành động tạo ra môi trường làm việc thân thiện với cộng đồng LGBT.

Để thực hiện chiến dịch, Đại sự quán Mỹ ở Hà Nội, VietPride Hà Nội và ICS đã tổ chức một buổi trò chuyện về “Work with Pride” ở Hà Nội để các nhà hoạt động vì LGBT có thể đưa ra các ý kiến và công cụ để nâng cao nhận thức về bình đẳng ở nơi làm việc hơn trước.

Không dừng lại ở đó, phát ngôn của Liên hợp quốc tại Việt Nam chào mừng Hanoi Pride 2022 được biết đến như sau: “Vào ngày 19/09/2022, tại Hà Nội (Việt Nam), Liên hợp quốc tôn vinh sự đa dạng, tự do và quyền của mọi người LGBTQ+ tại Hanoi Pride 2022. Chúng ta đoàn kết với cộng đồng LGBTQ+ ở Việt Nam, thể hiện sự hỗ trợ cho các tổ chức địa phương hoạt động vì cộng đồng, thay đổi các định kiến và thúc đẩy xã hội hòa nhập hơn, tôn trọng và thúc đẩy quyền của người LGBTQI+”.


Bạn thấy đó, lễ Tự hào là một dịp đặc biệt trong năm để ta cất tiếng và tự hào về mình, về người và về cộng đồng, về những điều đã qua và về những giá trị tốt đẹp mà ta đang hướng đến. Nhưng không chỉ thế, lễ Tự hào sẽ không dừng lại ở lễ Tự hào, mà còn là cách ta thể hiện và trân trọng những giá trị ấy ở nhiều nơi khác nhau, dù là nhà ở hay là nơi làm việc. Cuối cùng, một trong những điều cốt lõi, là hãy để ngày lễ Tự hào được đong đầy bằng tất cả sự yêu thương!


Người thực hiện: Lam, Kaduy, Ryder, Nghi, Na

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Xem thêm

https://www.bbc.co.uk/newsround/52872693 

https://www.teamhealth.com/blog/recognizing-lgbtq-pride-month/?r=1

https://sgn.co.uk/news/why-pride-so-important

https://www.globesmart.com/blog/celebrating-lgbt-pride-around-the-world-things-to-know/

https://youth.gov/feature-article/june-lgbt-pride-month

https://www.vox.com/the-goods/22463879/kink-at-pride-discourse-lgbtq

https://lgbt.ucsf.edu/pride-values 

https://www.huffpost.com/entry/why-gay-pride-matters_n_5493379 

https://www.papyrus-uk.org/why-pride-month-is-still-needed/ 

https://www.accenture.com/us-en/blogs/blogs-careers/pride-means-more 

https://vietcetera.com/vn/10-nam-hanoi-pride-nhin-lai-nhung-thay-doi-va-buoc-tien-cua-cong-dong-lgbtiq 

https://case.edu/lgbt/workshops-and-training/safe-zone/sexual-orientation-myths-facts 

https://vietcetera.com/vn/10-nam-hanoi-pride-nhin-lai-nhung-thay-doi-va-buoc-tien-cua-cong-dong-lgbtiq 

https://www.aclu.org/news/lgbtq-rights/its-always-been-about-discrimination-lgbt-people 

https://www.usatoday.com/story/opinion/2018/06/01/why-we-have-lgbtq-pride-not-straight-pride-column/658306002/ 

https://sgn.co.uk/news/why-pride-so-important

http://gtown.vn/dong-tinh-thi-co-gi-ma-phai-tu-hao/

https://vietnamnet.vn/en/campaign-for-lgbt-rights-in-the-workplace-launched-E144065.html

https://vietnam.un.org/en/199889-un-viet-nam-celebrates-diversity-freedom-and-rights-all-lgbtiq-persons-hanoi-pride-2022

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

2 Responses

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây