Xây dựng mối quan hệ lành mạnh: 5 lời khuyên cho tình cảm dài lâu

Thời gian đọc: 9 phút

Ngày nay, các mối quan hệ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Đã không ít lần chúng mình thầm than thở về những mối quan hệ rắc rối, khó hiểu hay thậm chí là độc hại. Ai cũng biết việc khởi đầu các mối quan hệ trong cuộc sống lúc nào cũng gian nan và vất vả, thế nhưng bạn đã bao giờ nghĩ đến việc làm cách nào để có thể xây dựng một mối quan hệ lành mạnh chưa? Việc ấy có thật sự khó khăn như lâu nay chúng mình vẫn tưởng, và làm thế nào để bắt đầu bây giờ? Nếu bạn vẫn còn nhiều điều đắn đo, hãy cùng VYA khám phá ngay nhé!

Cách xây dựng mối quan hệ lành mạnh

Mọi mối quan hệ lãng mạn đều phải trải qua những lúc thăng trầm sóng gió,. Do đó, sự nỗ lực, tận tâm và sẵn lòng thích ứng, thay đổi cùng người ấy là vô cùng cần thiết. Dù cho bạn mới bắt đầu một mối quan hệ hay đã ở trong một mối quan hệ dài lâu, bạn luôn có thể bắt đầu nuôi dưỡng chúng theo hướng tốt đẹp và lành mạnh. Kể cả khi bạn đã trải qua nhiều mối quan hệ đầy vướng vấp hay đang phải gắng sức để nhen nhóm lại ngọn lửa tình trong mối quan hệ hiện tại, bạn vẫn có thể học cách gắn kết, xây dựng quan hệ tích cực, tìm ra sự thoả mãn đủ đầy và tận hưởng niềm hạnh phúc lâu dài.

Tìm hiểu tất tần tật về các mối quan hệ cùng VYA tại đây nha!

Lời khuyên thứ nhất: Dành nhiều thời gian trực tiếp bên nhau

Bên nhau

Nguồn: Dreamstime

Đôi khi, việc nhìn và lắng nghe đối phương sẽ khiến bạn yêu người ấy nhiều hơn. Nếu cả hai cùng thực hiện điều đó, cảm giác yêu thương nồng nàn sẽ luôn được duy trì. Tuy nhiên, những cử chỉ yêu thương chỉ có thể truyền đạt mặt đối mặt; vì vậy nên dù cuộc sống có bận rộn đến đâu, việc cả hai dành thời gian bên nhau vẫn rất quan trọng để dựng xây mối quan hệ lành mạnh. 

Nhiều cặp đôi nhận thấy rằng sự tương tác trực tiếp trong thời gian đầu dần bị thay thế bằng những dòng tin nhắn vội vã hay email. Dù cho bạn có thật nhiều việc cần giải quyết, hãy bỏ ra vài phút mỗi ngày để đặt những thiết bị điện tử của bạn xuống, dừng suy nghĩ về những chuyện khác và tập trung vào xây dựng mối quan hệ gắn kết với người ấy. 

Hãy cố dành thời gian cho nhau nhiều hơn

Một số điều mà các bạn có thể thử làm để hàn gắn và giữ cho mối quan hệ thú vị như ban đầu có thể bao gồm: tìm việc gì đó mà hai bạn thích làm chung như đi dạo, học múa, cùng uống coffee vào buổi sáng hay thử làm những việc mới mẻ cùng nhau. Đôi khi chỉ những hoạt động đơn giản như việc đi ăn ở một nhà hàng mới hay khám phá nơi bạn chưa từng đến là đủ để “hâm nóng” mối quan hệ rồi.

Tập trung vào niềm vui khi bên nhau

Khiếu hài hước có thể giúp bạn vượt qua những thời gian khó khăn, giảm căng thẳng, giải quyết vấn đề dễ dàng và xây dựng các mối quan hệ tích cực hơn. Hãy sáng tạo ra những bất ngờ nhỏ cho người ấy như mua hoa về nhà hay bất ngờ đặt bàn tại một nhà hàng đối phương yêu thích. 

Lời khuyên thứ hai: Hàn gắn qua giao tiếp

GIao tiếp

Nguồn: mbgrelationship

Giao tiếp tốt là nền tảng của một mối quan hệ lành mạnh

Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng chỉ cần bạn bày tỏ suy nghĩ của mình, bạn gần như có thể giải quyết mọi vấn đề gặp phải. Hãy nói với người ấy những thứ bạn cần, không nên để họ phải đoán. Họ không thể đọc được suy nghĩ của bạn. Thậm chí nếu đối phương hiểu bạn, việc bạn bày tỏ trực tiếp nhu cầu của mình sẽ luôn khiến mọi thứ dễ dàng hơn, tránh được nhiều sự bối rối, đồng thời tạo sự thoải mái và đồng cảm ở người ấy. Hẳn điều đó sẽ làm người ấy vui hơn so với việc phải nghĩ ngợi suốt ngày.

Hãy để ý những tín hiệu phi ngôn ngữ của người ấy

Một số tín hiệu phi ngôn ngữ như giao tiếp bằng mắt, tông giọng, tư thế, và những cử chỉ như nghiêng người về trước, chéo tay hay chạm vào tay ai đó, còn có thể truyền tải nhiều hơn cả lời nói. Một khi bạn nhận ra những tín hiệu phi ngôn ngữ, hay “ngôn ngữ hình thể” của đối phương, bạn sẽ hiểu được tâm trạng của họ và phản ứng một cách thích hợp.

Để xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp, bạn phải lắng nghe 

Mặc dù việc giao tiếp được xem là trọng yếu trong xã hội hiện tại, nhưng nếu bạn biết cách lắng nghe để khiến người khác cảm thấy được tôn trọng và được tiếp nhận, bạn có thể thiết lập một mối quan hệ sâu sắc và bền chắc hơn. Là một người biết lắng nghe không có nghĩa bạn phải đồng tình với người ấy hay thay đổi suy nghĩ của mình, mà đó là cách bạn tìm được những quan điểm chung để cùng giải quyết mâu thuẫn và tạo dựng mối quan hệ lành mạnh. 

Lời khuyên thứ ba: Giữ sự tiếp xúc thân mật cơ thể

Thân mật

Nguồn: Zoosk

Những tiếp xúc qua da thịt là một phần cơ bản của cuộc sống con người. Và có thể bạn chưa biết, sự tiếp xúc thân mật sẽ làm tăng lượng oxytocin một loại nội tiết tố hỗ trợ cho sự gắn kết, gần gũi.

Tính dục là điều quan trọng trong một mối quan hệ, tuy nhiên đừng coi nó là sự tiếp xúc thân mật duy nhất mà bạn có. Những cái chạm nhẹ, đôi lần nắm tay, trao nhau những chiếc ôm ấm áp hay những nụ hôn nồng nàn đều là những cử chỉ không thể thiếu trong quá trình xây dựng mối quan hệ tình cảm. 

Đôi lúc, sự đụng chạm ngoài ý muốn hay những yêu cầu không phù hợp có thể làm đối phương không thoải mái khi tiếp nhận bạn chắc chắn không muốn điều đó.

Kể cả khi bạn có quá nhiều việc cần làm hay phải chăm sóc trẻ nhỏ, bạn luôn có thể giữ sự thân mật thể chất bằng cách giành một chút thời gian riêng tư cho hai người, như một đêm hẹn hò hay chỉ đơn thuần là dành khoảng thời gian cuối ngày để ngồi xuống và nắm tay nhau.

Lời khuyên thứ tư: Biết cho đi và nhận lại trong mối quan hệ của bạn

Cho đi và nhận lại

Nguồn: Oprah

Nếu bạn nghĩ bạn sẽ có được tất cả những gì bạn muốn trong một mối quan hệ, bạn sẽ chẳng nhận được gì ngoài sự thất vọng cả. Những mối quan hệ lành mạnh được xây dựng từ sự chấp nhận và thỏa hiệp. Dù vậy, cả hai bên đều cần bỏ ra công sức để đảm bảo sự cho đi và nhận lại phù hợp khi thiết lập mối quan hệ của mình. 

Hãy để ý những gì quan trọng đối với người ấy và đừng đặt “chiến thắng” làm mục tiêu của bạn

Có sự phán quyết đúng sai là tốt, nhưng người ấy vẫn xứng đáng được lắng nghe. Hãy tôn trọng đối phương và ý kiến của họ để xây dựng tốt hơn mối quan hệ này.

Học cách trân trọng và giải quyết mâu thuẫn

  • Tập trung xử lý vấn đề trước mắt và tôn trọng đối phương. Đừng gây mâu thuẫn từ những điều không thể thay đổi được; 
  • Dừng việc công kích đối phương và hãy xưng hô phù hợp để truyền đạt cảm xúc của bạn. Thay vì nói “Bạn/anh/em/chị đã làm tôi/anh/em/chị tổn thương”, hãy thử thay đổi thành “Tôi/anh/em/chị cảm thấy tổn thương khi bạn/anh/em/chị làm như thế”;
  • Đừng nhắc lại những chuyện đã qua trong lúc mâu thuẫn. Hãy nhớ rằng: sẵn lòng tha thứ là một trong những điều quan trọng để xây dựng mối quan hệ; 
  • Nếu bạn cảm thấy quá tức giận, thử tạm ngưng cuộc trò chuyện. Đôi lúc, học cách bỏ qua sẽ giúp bạn trở nên tích cực hơn.

Lời khuyên thứ năm: Sẵn sàng cho những thăng trầm

Thăng trầm

Nguồn: Max 98.3 FM

Khi xây dựng một mối quan hệ, rất nhiều khó khăn sẽ ập tới. Nhận biết được những sóng gió thăng trầm trong mối quan hệ là một điều quan trọng. Khi bạn gặp quá nhiều chuyện căng thẳng, trút giận lên đối phương có vẻ là một cách dễ dàng và an toàn để giải toả ức chế. Nhưng những cuộc xung đột như vậy sẽ dần “đầu độc” mối quan hệ của bạn. Hãy tìm những cách lành mạnh hơn để kiềm chế hoặc giải tỏa những căng thẳng và tức giận của mình bạn nhé, đừng vì vấn đề bạn gặp phải mà giận dữ với người ấy. Đó mới là hướng đi tốt để xây dựng một mối quan hệ tích cực.

Đôi khi cố gắng quá mức để giải quyết một vấn đề lại có thể sinh ra nhiều vấn đề khác. Mỗi người đều có những cách giải quyết khó khăn riêng. Thế nhưng, đừng quên rằng hai bạn là một đội, mọi vấn đề đều có thể giải quyết khi hai bạn kết hợp cùng nỗ lực với nhau.

Hãy nhìn lại những khoảng khắc ban đầu của mối quan hệ. Chia sẻ những lần làm hai người gần gũi hơn, xem xét lại những lúc khiến cả hai xa cách, và giải quyết bằng sự phối hợp của cả hai bên để nhen nhóm lại cảm giác thân mật thuở ban đầu. Hãy cởi mở với những thay đổi, bạn nhé! 

Ranh giới trong một mối quan hệ

Trong mọi mối quan hệ, đặt ra ranh giới của bản thân là một điều quan trọng và hoàn toàn bình thường. Những ranh giới ấy tồn tại là để bảo vệ cơ thể, tinh thần và tâm lý chúng ta, nên việc tôn trọng những giới hạn của đối phương là việc cần thiết để xây dựng một mối quan hệ lành mạnh. Hơn thế nữa, đặt ra những giới hạn cho chúng ta cảm giác an toàn, thoải mái, được tôn trọng và phát triển bản thân một cách tích cực.

Nhưng nếu bạn không tự đặt ra ranh giới riêng của bản thân trong một mối quan hệ, những nhu cầu, tâm tư, giới hạn chịu đựng của bạn sẽ dễ dàng bị phớt lờ và bỏ qua, khiến mối quan hệ trở nên xấu đi và không còn dấu hiệu tốt đẹp nữa. Vì thế, khi bắt đầu xây dựng một mối quan hệ lành mạnh, hãy tự đặt ra những giới hạn riêng của mình, chia sẻ với đối phương và sẵn sàng lên tiếng phản đối nếu người ấy không tôn trọng ranh giới của mình bạn nhé!

Dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang đổ vỡ

Trước khi một mối quan hệ đổ vỡ, luôn có những dấu hiệu mà bạn có thể nhận thấy rõ ràng. Từ những vấn đề về hành xử vô lý, ép buộc đến sự nghi ngờ vô căn cứ, khác biệt về tư tưởng, kinh tế đều có thể khiến một mối quan hệ khó có thể hạnh phúc lâu dài.

Hãy nhìn nhận những hồi còi báo động cho mối quan hệ sắp đổ vỡ ấy, lắng nghe cảm xúc, suy nghĩ của mình: Liệu bạn có đang thật sự hạnh phúc? Mối quan hệ này có còn lành mạnh không? Cuối cùng, hãy thử dừng lại đôi chút để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn, cùng nhau sửa chữa lỗi lầm và thêm vào đó, dành nhiều thời gian để phát triển tình cảm hơn nếu bạn muốn cứu lấy mối quan hệ trên bờ đổ vỡ và sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ lành mạnh lâu dài. 

Bạn vừa hoàn thành những bước đầu tiên trên hành trình xây dựng một mối quan hệ lành mạnh rồi đó! Đừng quên áp dụng vào những trải nghiệm thực tế và tận hưởng những điều tốt đẹp mà mối quan hệ lành mạnh mang đến nhé. VYA hy vọng bạn sẽ luôn vui vẻ, tích cực với những mối quan hệ của mình. Còn chờ gì mà không chia sẻ ngay bài viết này đến cho mọi người bạn yêu ơi!


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.helpguide.org/articles/relationships-communication/relationship-help.htm

https://honnihaytoncounselling.com.au/boundaries-are-important-for-our-wellbeing/

https://psychcentral.com/blog/why-healthy-relationships-always-have-boundaries-how-to-set-boundaries-in-yours/

https://psychcentral.com/blog/8-early-warning-signs-a-relationship-will-fail/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây