Chắc hẳn bạn đã từng một lần lắng nghe hoặc nhìn thấy những câu chuyện công khai tính dục. Chúng có thể xuất hiện trên các show truyền hình hoặc trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu vậy, hãy tưởng tượng một ngày, người thân của bạn, có thể là anh, chị, em, cô, dì, chú, bác,… đột nhiên công khai tính dục của mình. Lúc đó, bạn sẽ có phản ứng như thế nào đây?
Dù biết rằng họ đã rất dũng cảm và tin tưởng khi công khai với bạn, bạn cũng vẫn cảm thấy hơi bỡ ngỡ và gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận thông tin ấy. Bạn không biết nên làm gì trong trường hợp này? Đừng lo lắng, hãy tìm những câu trả lời phù hợp nhất cho thắc mắc của bạn qua bài viết dưới đây của Vietnam Youth Alliance.
6 lời khuyên về tâm lý
Nếu bạn cảm thấy sốc, bối rối hoặc thậm chí là không chấp nhận được…
… Thì đó cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Khi biết rằng thành viên gia đình bạn là một người thuộc cộng đồng LGBT, hay rộng hơn là LGBTIQ+, bạn có thể trải qua những giai đoạn cảm xúc khác nhau. Ban đầu là nhẹ nhàng chấp nhận đến sốc, phủ nhận, mặc cảm và thậm chí là tức giận. Ở Việt Nam, cứ 5 người công khai tính dục thì có một người chịu bạo lực gia đình (theo Huffpost, 2015). Nhiều gia đình tự giải quyết mâu thuẫn mà không biết đến những tổ chức hỗ trợ cộng đồng LGBT. Những gia đình này thực sự cần tìm những nguồn lực, sự hỗ trợ và giáo dục. Qua đó, không chỉ giúp con cái mà còn để chính họ hiểu và chấp nhận con em mình.
Giám đốc Family Acceptance Project (tạm dịch: Dự án xây dựng sự chấp thuận trong gia đình) của Đại học San Francisco (Mỹ), tiến sĩ Caitlin Ryan cho rằng ban đầu cha mẹ sẽ buồn lòng khi những gì họ mong đợi ở con cái đã không còn. Song, chắc chắn những đứa con vẫn hoàn toàn có thể có một tương lai tốt đẹp. Chúng sẽ đạt được điều mà cha mẹ mong muốn nếu được chấp nhận bởi chính gia đình của mình.
Có thể nói, để hiểu rõ những gì con cái cần sẽ phải mất kha khá thời gian. Vì vậy, hãy bắt đầu ủng hộ con bạn công khai tính dục. Dù việc chấp nhận bản dạng giới của con đôi lúc khiến bạn bối rối thì cũng hãy cố gắng.
Tính dục không phải là một “sự lựa chọn” hay có thể thay đổi được
Những hiệp hội hàng đầu về phúc lợi trẻ em và sức khỏe tinh thần từ lâu đã nhận định rằng đồng tính nữ hoặc đồng tính nam là hoàn toàn bình thường. Cũng tương tự như dị tính, chúng không thể thay đổi theo ý muốn. Vì vậy, không được ép người thuộc cộng đồng LGBT thực hiện các liệu pháp “chuyển đổi” (conversion therapy) hoặc “đền bù” (reparative therapy) nhằm thay đổi xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ. Những liệu pháp như vậy không được các tổ chức tư vấn chuyên nghiệp của Mỹ ủng hộ. Đó là những biện pháp phi đạo đức và chứa đựng mối nguy hiểm tiềm tàng.
Hòa hợp thông tin mới này với niềm tin tôn giáo của bạn
Bạn sẽ cảm thấy khá khó khăn khi người thân công khai tính dục. Lý do có thể là bởi điều đó đang trái ngược với niềm tin tôn giáo của bạn. Tuy nhiên, tôn giáo sẽ không bị ảnh hưởng bởi tính dục của bất cứ một người nào, dù họ là người thuộc cộng đồng LGBT hay không.
Đừng từ chối tiếp nhận sự thật và đừng cố thay đổi suy nghĩ về tính dục của họ
Đừng từ chối tiếp nhận sự thật
Không bao giờ được nói với họ rằng “đây chỉ là tạm thời”. Dù bản thân người đó phải trải qua một quá trình xác định xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ nhưng chúng ta – gia đình họ – nên hiểu rằng những đặc điểm này đều là một phần của mỗi người. Chúng không thể bị thay đổi vì lợi ích của bản thân người đó hay bất kỳ ai khác.
Đừng cố khiến người thân thay đổi suy nghĩ về tính dục của họ
Luôn cảnh giác với những trung tâm “chữa bệnh đồng tính” bằng các liệu pháp “chuyển đổi” hay “đền bù”. Những hoạt động đó có thể xuất phát từ niềm tin mù quáng rằng LGBT là một “căn bệnh”. Theo các tổ chức chuyên nghiệp hàng đầu như Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association), Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (American Psychiatric Association) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association), những liệu pháp đó là hoàn toàn sai trái.
Đặc biệt, các chuyên gia sức khỏe tâm thần khuyến cáo rằng liệu pháp “chuyển đổi” không có hiệu quả và phi đạo đức. Hơn nữa, nó còn là nguyên nhân gia tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng và có hành vi ngược đãi bản thân.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc Family Acceptance Project (tạm dịch: Dự án xây dựng sự đồng thuận trong gia đình), đa số gia đình có con em là người thuộc cộng đồng LGBT tin rằng cách tốt nhất là giúp con hòa nhập với những người bạn khác giới. Do đó, họ cấm con mình gặp gỡ những người bạn LGBT. Họ nghĩ đó là sự quan tâm đúng đắn và sẽ giúp chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, việc đó sẽ khiến con cái cảm thấy cha mẹ không yêu thương. Thậm chí, chúng nghĩ cha mẹ ghét bỏ mình bởi vì họ luôn cố thay đổi bản chất của chúng.
Có thể nói, sự thiếu hiểu biết và hạn chế về giao tiếp giữa người thân với nhau là nguyên nhân gia tăng mâu thuẫn gia đình. Từ đó dẫn đến xung đột, tan vỡ và có thể khiến người thuộc cộng đồng LGBT bị đuổi khỏi nhà.
Sự ủng hộ của bạn đóng một vai trò rất quan trọng
Sự chấp nhận hoặc chối bỏ của bạn ảnh hưởng trực tiếp tới người thân khi họ công khai. Nghiên cứu cho thấy sự chấp thuận của gia đình sẽ là một yếu tố quan trọng quyết định cách hành xử, giải quyết vấn đề của một người thuộc cộng đồng LGBT khi họ trưởng thành.
Luôn nhớ rằng cách bạn chấp nhận xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sau này của họ. Thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT bị cha mẹ chối bỏ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện và tự tử cao hơn đáng kể so với những người được gia đình ủng hộ. Một khi bạn hiểu được sự ủng hộ của mình quan trọng nhường nào, mối quan hệ giữa bạn với người thân thuộc cộng đồng LGBT sẽ trở nên bền chặt và gần gũi hơn bao giờ hết.
Hãy tôn trọng quyền riêng tư, bí mật và đánh giá cao sức mạnh, nỗ lực của họ
Tôn trọng quyền riêng tư và bí mật của họ
Hầu hết người thuộc cộng đồng LGBT nhận thức rõ các bản chất tính dục của mình từ lâu trước khi quyết định công khai. Một số người thuộc cộng đồng LGBT xác định được bản dạng giới của họ từ khi còn nhỏ hoặc từ rất lâu trước khi họ quan hệ tình dục. Có những người khác phải đến tuổi trưởng thành hoặc lâu hơn mới nhận ra điều đó. Hãy hiểu rằng công khai tính dục là một quá trình kéo dài cả đời người. Những người thuộc cộng đồng LGBT không nhất thiết phải công khai trong mọi hoàn cảnh.
Đánh giá cao sức mạnh và nỗ lực công khai tính dục của họ
Trước khi công khai, người thuộc cộng đồng LGBT đã cân nhắc rất nhiều yếu tố. Chắc chắn, họ đã lường trước sự phân biệt đối xử và quấy rối từ xã hội khi tiết lộ thông tin của mình. Vì vậy, hãy tôn trọng quyền riêng tư của họ. Hơn nữa, bạn cần giúp họ quyết định có nên công khai hay không và công khai với ai.
Nếu họ trực tiếp công khai với bạn thì nên nhớ rằng quyết định đó cần rất nhiều quyết tâm và can đảm. Vì vậy, hãy ủng hộ họ bằng sự chân thành, tình yêu thương và sự hỗ trợ. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con em bạn.
Còn nếu bạn chỉ phát hiện một cách gián tiếp thì đừng đề cập đến nó. Hãy tránh xung đột và cãi vã. Thay vào đó, hãy tạo không khí gia đình đầm ấm, ủng hộ và tôn trọng. Như vậy, họ sẽ thoải mái hơn mà chia sẻ, tâm sự với bạn. Hãy làm điều tốt nhất cho người thân mình. Họ có mở lòng công khai tính dục hay không phụ thuộc vào chính bạn.
Bạn không thể ủng hộ hay hành động một cách tích cực nếu vẫn đặt nặng định kiến cổ hủ, lạc hậu. Bạn có thể sẽ gặp vài khó khăn trong việc tìm hiểu về tính dục của người thân mình. Song, chính họ, người thuộc cộng đồng LGBT đã vượt lên chính mình và công khai với bạn. Hãy nói “Gia đình vẫn luôn yêu con/em” hay chỉ một cái ôm cũng đủ họ cảm nhận được tình cảm của bạn.
Làm gì tiếp theo đây? Hãy trở thành một “ally” thực thụ
“Ally” là gì?
“Ally” dùng để chỉ những người đồng minh, luôn kề vai sát cánh bên bạn. Họ hiểu rằng đây là việc đúng đắn và nên làm. Do đó, đây là một từ ẩn chứa sức mạnh vô cùng to lớn. Trong cộng đồng LGBT, “ally” dùng cho những người dù có thể không phải là LGBT, nhưng vẫn ủng hộ và dám lên tiếng chống lại sự phân biệt đối xử đối với cộng đồng.
Những đồng minh có thể là:
- Người bạn dị tính cùng lớp chơi thân với một người đang tìm hiểu bản dạng giới của mình;
- Những giáo viên tìm cách để những người khác trong trường hiểu và tôn trọng sự đa dạng giới;
- Những phụ huynh trong cộng đồng PFLAG;
- Cố vấn viên, bác sĩ đang cố gắng đảm bảo rằng tất cả các vấn đề về LGBT đều được lắng nghe và giải quyết.
Để sự ủng hộ giới trẻ trong cộng đồng LGBT và các quyền lợi hợp pháp của họ, những người đồng minh từng bước đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc chấm dứt và thậm chí là ngăn chặn sự quấy rối và phân biệt đối với cộng đồng giới trẻ LGBT. Họ giúp đảm bảo rằng cộng đồng LGBT luôn được an toàn tuyệt đối ở mọi nơi.
Mặc dù những người dị tính đứng lên bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng LGBT thường sẽ gặp ít rắc rối hơn, họ cũng không tránh khỏi một số vấn đề thường gặp khi trở thành một người đồng minh đúng nghĩa. Những người đồng minh cũng có thể bị quấy rối và phân biệt đối xử.
Làm thế nào để là một ally thực thụ?
Những điều nên làm
Trau dồi kiến thức về những vấn đề liên quan đến LGBT
Xu hướng tính dục là gì? “Song tính” là những người như thế nào? Học các khái niệm và thuật ngữ về tính dục là cách tốt nhất để bắt đầu những cuộc hội thoại quan trọng và mang tính thử thách. Bạn có thể sẽ mắc phải một số sai lầm, nhưng điều này không sao cả. Hãy chấp nhận nó, nhận lỗi, bước qua và hãy khắc phục lỗi lầm này trong những lần tiếp theo.
LGBT nghĩa là gì?
Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người sử dụng cụm từ viết tắt “LGBT”. Thuật ngữ này dùng cho những cá nhân và cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, người chuyển giới hoặc những người vẫn đang hoài nghi về xu hướng tính dục và bản dạng giới của mình. Thực tế, có nhiều cách sắp xếp cho thứ tự các chữ cái của cụm từ này (Ví dụ: GLBTQ). Một số người còn thêm những chữ cái khác vào. Ví dụ như họ thêm chữ “I” đại diện cho từ “intersex” (Liên giới tính).
Tìm hiểu thêm về các chữ viết tắt khác trong “LGBT” và các thuật ngữ liên quan nào!
Hãy để con em công khai bất cứ khi nào chúng cảm thấy thoải mái
Luôn sẵn sàng giúp đỡ là cách tốt nhất để trở thành một người đồng minh tuyệt vời. Hãy ủng hộ người thân LGBT bằng cách để họ tự chọn khoảng thời gian phù hợp cho việc công khai. Nếu bạn nghi ngờ người mà mình biết hoặc mình yêu là LGBT, đừng thẩm vấn họ như tù nhân hay ép họ phải nói ra điều đó. Có lẽ, bạn sẽ nghĩ rằng họ không nói ra là do không đủ tin tưởng hay quan tâm bạn. Tuy nhiên, theo Hội đồng Nhân quyền (Human Rights Council), có thể họ chỉ là chưa sẵn sàng, cảm thấy chưa đủ an toàn hoặc có thể vẫn chưa chắc chắn về xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của mình.
Hãy chú ý đến cách sử dụng ngôn từ và hành vi của mình
Tránh sử dụng những từ ngữ mang tính chất phân biệt giới trong các cuộc thảo luận (“chị”, “anh”, “nhỏ”, “hắn”, “gã”,…). Đặc biệt là khi bạn nói chuyện với những người đã cho bạn biết về sự đa dạng giới của họ. Thay vào đó, hãy sử dụng những từ ngữ và danh xưng trung tính hoặc gọi họ bằng tên (“bạn”, “bồ”, “cậu”, “đằng ấy”, “bác”,…). Ví dụ, thay vì hỏi một người là: “Chị có bạn gái chưa?” thì bạn nên hỏi rằng: “Bạn đã có người ấy chưa?”.
Hãy học cách phân biệt sự khác nhau giữa “giới tính” (nam, nữ), “bản dạng giới” (nam, nữ, vô giới, chuyển giới,…), và “xu hướng tính dục” (đồng tính, dị tính, song tính, toàn tính, vô tính,…). Đừng sử dụng những từ trong những ngữ cảnh không thích hợp.
Bạn không được gọi người chuyển giới bằng cái tên mà họ đã phủ nhận (dead name). Thay vào đó, hãy dành sự tôn trọng cho cái tên mới của họ và đại từ nhân xưng (pronoun) mà họ thấy phù hợp nhất với bản thân. Bằng cách này, bạn đã công nhận danh tính và giúp họ cảm thấy mình đáng được trân trọng. Nếu bạn chưa chắc chắn người mình đang nói chuyện thích sử dụng đại từ nào, đừng tự đoán mò. Thay vào đó, hãy hỏi họ một cách tế nhị. Đừng bao giờ dùng những câu hỏi mang tính xâm phạm đời tư hoặc không thích hợp về cơ thể hay tính dục của họ.
Cho phép những người trẻ thể hiện bản dạng giới của mình thông qua cách ăn mặc, chải chuốt mà họ chọn
Hãy cho phép người trẻ được quyền thể hiện bản dạng giới theo cách mà họ thấy phù hợp nhất. Điều này bao gồm những việc như cho phép những người chuyển giới được ăn mặc theo cách mà họ thích, chăm chút bề ngoài theo cảm giác của mình và dùng những cái tên, đại từ nhân xưng mà họ chọn.
Cho phép họ được thể hiện bản dạng giới qua diện mạo của mình thay vì chế giễu, lên án. Đừng nghĩ rằng họ đang làm quá khi thể hiện bản dạng giới của mình. Cách ăn mặc và phong cách là những khía cạnh quan trọng để họ thể hiện cái riêng của mình. Hãy ủng hộ những lựa chọn riêng của người chuyển giới và đứng lên chống lại những chính sách hạn chế, không cho phép họ hưởng những quyền tự do đó.
Thừa nhận rằng có nhiều điều khác ngoài xu hướng tính dục và bản dạng giới làm nên con người mỗi cá nhân
Xu hướng tính dục và bản dạng giới chỉ là một phần làm nên con người mỗi cá nhân. Tránh đưa ra suy đoán về một người khi chỉ dựa trên những đặc điểm riêng biệt về tính dục. Trên thực tế, có một số người trẻ thuộc cộng đồng LGBT luôn thẳng thắn về bản dạng giới của mình. Họ cảm thấy đây là một phần làm nên con người họ, trong khi những người khác lại không như vậy. Đừng cho rằng những vấn đề mà một người LGBT phải đối mặt đều do những khía cạnh này. Hãy hiểu rằng đa số là do thiếu sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những người thân và bạn bè.
Hãy đứng lên bảo vệ người thân của mình nếu họ đang bị bắt nạt hoặc quấy rối
Bạn cần bảo vệ người thân LGBT của mình khỏi những điều gây tổn hại ở trường học, ở nơi sinh sống hay ở trong cộng đồng. Điều này rất quan trọng nếu họ gần đây mới công khai ở trường hoặc với bạn bè. Các nghiên cứu cho thấy đối tượng chính thường xuyên quấy rối và bạo lực những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT lại chính là bạn bè bằng tuổi của họ. Hãy đảm bảo với người thân rằng bạn luôn đứng về phía họ. Ngoài ra, bạn cần phải giúp họ có được an toàn ở trường học và trong cộng đồng. Đồng thời, luôn ủng hộ và yêu cầu mọi người phải có thái độ tôn trọng nhất định với họ.
Chuẩn bị sẵn tâm lý cho việc mắc một vài sai lầm nhưng đừng dùng nó làm cớ để không đứng lên hành động
Đừng bao giờ quên rằng bạn luôn có thể tìm sự trợ giúp cho bản thân. Việc bối rối hay thậm chí là lo sợ khi con em công khai là hoàn toàn bình thường. Hãy tìm sự trợ giúp cho chính bản thân mình. Từ đó, tự trang bị những công cụ và kiến thức để hỗ trợ con em tốt hơn.
Thấu hiểu những mối nguy hiểm và rủi ro mà người thân LGBT của bạn có thể phải đối mặt
Nghiên cứu cho thấy rằng những người trẻ thuộc cộng đồng LGBT có thể có nguy cơ cao hơn trong việc lạm dụng thuốc, hoạt động tình dục không an toàn, chạy trốn cũng như suy nghĩ và hành động có khuynh hướng tự tử. Nguyên do là từ sự kỳ thị, quấy rối từ bạn bè và người lớn mà họ phải đương đầu. Việc bạn nhận thức được tín hiệu cho thấy họ đang có các hành vi trên là rất quan trọng. Nếu như bạn có thể mang đến một mái ấm an toàn, nơi mà họ được là chính mình, nguy cơ họ vướng phải những hành vi rủi ro trên sẽ được giảm đi đáng kể.
Dù là người trong cộng đồng, nhưng họ tiếp nhận những thông tin về tính dục giống như những người khác. Vì thế, ngay cả những người thuộc cộng đồng LGBT cũng phải đối mặt với sự kỳ thị đến từ chính cộng đồng của mình. Do đó, nhận ra những rủi ro của việc công khai và đương đầu với kỳ thị nội bộ là việc rất cần thiết.
Khuyến khích người thân, đặc biệt là con em mình, trò chuyện với bạn
Có thể nói việc khiến cho người thân, đặc biệt là con em mình, mở lòng là rất khó khăn. Tiến sĩ Renata Sanders và tiến sĩ Errol Lamont Fields – những chuyên gia y khoa vị thành niên – cho biết cách tốt nhất để chuyện trò chính là xây dựng lòng tin và bắt đầu từ những điều nhỏ bé. “Hãy cố gắng hiểu thêm về cuộc đời của các em”, tiến sĩ Sanders khuyên.
Bạn cần tìm hiểu về bạn bè, sở thích của con em. Ngoài ra, hãy hỏi thăm về một ngày ở trường và những điều mới mẻ chúng học được. Nếu chúng không sẵn sàng chia sẻ thì bạn cũng đừng vội bỏ cuộc. Đa số các em nhỏ rất muốn được trò chuyện với người thân về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của chúng.
Những cuộc đối thoại này vô cùng đơn giản. Nhưng chúng sẽ giúp cuộc trò chuyện dần dần đi đến những chủ đề phức tạp hơn, như tình dục. Càng giao tiếp nhiều, con em của bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái khi tâm sự bấy nhiêu.
Khi muốn thảo luận về một điều gì đó, hãy cố đi vào vấn đề chậm rãi nhất có thể. “Trẻ vị thành niên thường cảm thấy không thoải mái khi nói về bản thân mình. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách trò chuyện về bạn bè hoặc những nhân vật trên phim mà chúng đang xem”, tiến sĩ Sanders gợi ý. Đây là cơ hội tuyệt vời để nói về những vấn đề nhạy cảm mà không khiến cho con em mình cảm thấy khó chịu.
Để ý đến những dấu hiệu của việc bị bắt nạt, đặc biệt là ở môi trường học đường
Bạo lực học đường và bắt nạt là một vấn nạn ảnh hưởng đến không ít học sinh. Cụ thể trong trường hợp này là những em nhỏ thuộc cộng đồng LGBT. Nếu bạn thấy những dấu hiệu dưới đây, hãy trao đổi với giáo viên, nhân viên tư vấn hoặc cán bộ nhà trường nơi người thân theo học ngay:
- Sự thay đổi trong hành vi (ví dụ: thay vì hoạt bát như trước, con em trở nên thu mình);
- Vi phạm kỷ luật và có hành vi sai trái trong trường;
- Học lực sa sút;
- Nghỉ học không phép;
- Những mối quan hệ bạn bè có sự thay đổi đột ngột. Ví dụ như đột nhiên không coi ai đó là bạn thân nữa;
- Có những hành vi mang tính rủi ro cao không đúng với tính cách của con em mình. Ví dụ như sử dụng chất kích thích, có bạn tình mới.
Một vài ví dụ khác nữa về cách ủng hộ người thân đúng đắn
- Thể hiện tình yêu thương khi người thân công khai;
- Hỏi người thân của bạn về những trải nghiệm của họ và họ muốn bạn ủng hộ như thế nào;
- Lắng nghe người thân mà không chen ngang hoặc tranh cãi khi họ công khai;
- Nói rằng bạn yêu họ và thể hiện điều đó;
- Ủng hộ thể hiện giới của người thân;
- Tin tưởng rằng người thân của bạn sẽ hạnh phúc khi là một thành viên thuộc cộng đồng LGBT;
- Đứng lên đấu tranh cho người thân khi họ bị đối xử tồi tệ. Kể cả khi điều đó đến từ một thành viên khác trong gia đình;
- Khuyến khích gia đình, bạn bè nói chuyện và thể hiện sự ủng hộ dành cho người thân của bạn;
- Đấu tranh chống lại những bình luận mang tính kỳ thị;
- Tìm hiểu về những mối quan hệ khác của họ. Ví dụ như bạn bè thuộc cộng đồng LGBT hay như người yêu của họ;
- Đưa người thân đến những tổ chức và sự kiện LGBT;
- Cố gắng để khiến cộng đồng tôn giáo của bạn ủng hộ những thành viên thuộc LGBT. Cũng có thể tìm một cộng đồng tôn giáo ủng hộ và chào đón người thân LGBT của bạn;
- Mời họ đi chơi với những người bạn và thành viên gia đình không thuộc LGBT để họ cảm thấy được chào đón;
- Tham gia những sự kiện ủng hộ cộng đồng LGBT ở khu vực bạn sinh sống. Ví dụ như tham gia Lễ diễu hành Tự hào và mang theo một lá cờ lục sắc.
Những điều không nên làm
Đưa ra giả định về tính dục của người thân
Không phải tất cả những người thuộc cộng đồng LGBT sẽ thể hiện giới một cách rõ rệt ra ngoài. Thậm chí, một số người còn che giấu việc họ thuộc cộng đồng LGBT. Họ làm vậy để đảm bảo sự an toàn cũng như riêng tư cho bản thân mình. Ngược lại, cũng có những người thường xuyên bị cho là thuộc cộng đồng LGBT dù thật ra không phải. Vì vậy, bạn không nên giả định về tính dục của ai đó cho tới khi người đó công khai. Đừng dựa trên những giả thuyết hay định kiến cá nhân để quy chụp tính dục của người khác.
Khi người thân bị xúc phạm hoặc đối xử tồi tệ chỉ vì họ “giống người thuộc cộng đồng LGBT”, điều bạn nên làm là hãy hành động đúng đắn và đấu tranh cho người thân của mình. Đừng cố gắng xác nhận xem họ có thật sự thuộc cộng đồng LGBT hay không. Hãy cởi mở và chấp nhận người thân của bạn dẫu cho họ có thuộc cộng đồng LGBT hay không. Chỉ có như vậy bạn mới có thể giúp họ thoát khỏi sự phân biệt đối xử và ngược đãi.
Nói rằng bạn “đã biết từ lâu rồi”
Xã hội đã hình thành những định kiến về cách hành xử, suy nghĩ “dành riêng” cho cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng: mỗi người đều phải trải qua hành trình riêng để thấu hiểu bản thân. Vì thế, khi người thân công khai, đừng nói rằng bạn “đã biết từ lâu rồi”. Nói như thế phần nào đã phủ nhận đi những cố gắng của họ. Thay vào đó, bạn có thể lắng nghe câu chuyện của họ một cách tôn trọng. Từ đó, bạn sẽ tìm thấy một nét mới trong tính cách người thân của mình.
Tiết lộ tính dục của người thân bạn cho người khác
Công khai tính dục là một việc riêng tư và có thể gây nguy hiểm cho họ. Sự phân biệt đối xử và những định kiến về họ phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tiết lộ bản dạng giới hay xu hướng tính dục của người thân có thể gây nguy hiểm cho họ. Vì thế, hãy để cho người thân của bạn tự công khai tính dục khi họ đã sẵn sàng.
Có định kiến với những người thuộc cộng đồng LGBT
Đừng tự nhận rằng bạn “biết” người khác có thuộc cộng đồng LGBT hay không dựa vào tính cách hay phong thái của họ. Ngoài ra, hãy tránh xa những định kiến cho rằng mọi người thuộc cộng đồng LGBT đều cư xử hay suy nghĩ giống nhau. Mặc dù cộng đồng LGBT có mặt ở mọi nơi trên thế giới, thế nhưng tùy vào từng khu vực mà phản ứng đối với những nhóm thiểu số tính dục trong cộng đồng sẽ khác nhau. Sự đa dạng của xã hội nói chung sẽ được phản ánh khá rõ nét trong cộng đồng LGBT.
Gán cho người thân vai trò của người dị tính
Đừng cố nhét những người thuộc cộng đồng LGBT vào khuôn khổ dị tính. Đừng hỏi cặp đôi đồng tính những câu hỏi như “Ai là người nữ/nam trong mối quan hệ này?”. Những cặp đôi thuộc cộng đồng LGBT có thể yêu thương, hỗ trợ và cùng nhau nuôi dạy con trẻ mà không nhất thiết phải tự gán cho bản thân những nhãn dán cũng như trách nhiệm mang tính phân biệt giới tính truyền thống như “nam” hoặc “nữ”.
Nghi ngờ về tính dục của người thân
Trên thực tế, có những người thuộc cộng đồng LGBT không hề đi theo những khuôn mẫu thường thấy. Do đó, đừng bao giờ áp đặt những khuôn mẫu lên người khác. Nếu người thân công khai xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ, hãy tin tưởng họ. Đừng phủ nhận hay nghi ngờ tính dục của họ chỉ vì họ không hành xử như bạn nghĩ. Ví dụ, khi người thân công khai là queer hay song tính, đừng hỏi họ rằng họ có chắc mình không phải “chỉ là gay” hay không. Tương tự, bạn cũng đừng hỏi người chuyển giới rằng họ đã thực hiện phẫu thuật hay chưa. Và nếu như đã có con, hãy nhớ rằng việc bình phẩm về chủng tộc, tôn giáo hay xu hướng tính dục cũng có thể vô tình xúc phạm con của bạn.
Một số hành vi mà bạn nên tránh
- Đánh hoặc đe dọa người thân của bạn;
- Miệt thị, chửi rủa hay cấm người thân nói về xu hướng tính dục hoặc bản dạng giới của họ;
- Nói với họ rằng bạn cảm thấy xấu hổ về họ. Cho rằng các “hành vi” của họ sẽ làm xấu mặt gia đình bạn;
- Ép họ giữ bí mật về tính dục của bản thân với các thành viên khác trong gia đình;
- Không để họ công khai tính dục của mình với người khác;
- Ép người thân của bạn trở nên (ít) nam hoặc nữ tính hơn;
- Nói với người thân bạn rằng họ “sẽ bị Chúa/Thượng đế trừng phạt” vì họ là LGBT;
- Không cho họ tham gia vào những sự kiện gia đình;
- Im lặng và không làm gì nếu những thành viên khác gia đình hoặc người lạ bắt nạt họ;
- Đổ lỗi hoặc trừng phạt người thân của bạn vì tính dục của họ;
- Hạn chế quyền truy cập của người thân tới các thông tin hay sự kiện về LGBT;
- Ép người thân cắt đứt mối quan hệ với những người ủng hộ họ;
- Trừng phạt người thân bằng cách ngưng hỗ trợ tài chính.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để tìm hiểu và tiếp nhận thông tin, bạn đã phần nào trở thành một ally rồi đó! VYA hy vọng qua bài viết vừa rồi, bạn đã biết mình nên làm gì để giúp đỡ người thân vượt qua quãng thời gian khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Hẹn gặp lại bạn trong những bài viết sau nhé!
Tài liệu tham khảo
https://www.lambdalegal.org/know-your-rights/article/youth-info-for-families
https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/tips-for-parents-of-lgbtq-youth
https://www.lambdalegal.org/know-your-rights/article/youth-ally
https://www.lambdalegal.org/know-your-rights/article/youth-trans-family-support
https://lgbtq.unc.edu/resources/qualities-of-an-ally/
https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/tips-for-parents-of-lgbtq-youth
https://optionb.org/articles/why-accepting-your-lgbtq-child-matters-and-how-to-start
https://www.familyequality.org/2018/06/01/what-to-do-and-not-do-when-your-child-comes-out-to-you/
https://nccc.georgetown.edu/documents/LGBT_Brief.pdf
https://www.theactivetimes.com/travel/how-to-be-a-better-lgbtq-ally-pride-month/slide-20