Giải mã 6 quan niệm sai lầm về tình dục

Giải mã 6 quan niệm sai lầm về tình dục
Thời gian đọc: 13 phút

Chuyện “phòng the” từ xưa đến nay vẫn luôn là chủ đề được nhiều người đặc biệt quan tâm và theo dõi. Mặc dù ngày nay tình dục đã không còn là chủ đề cấm kỵ, nhưng những ấn phẩm sách báo và phim ảnh đã ít nhiều đem đến nhiều quan niệm sai lầm về tình dục nói chung. Có phải sẽ rất đau khi quan hệ tình dục đúng không? Liệu việc chảy máu khi quan hệ có bất thường hay không? Nếu bạn vẫn đang thắc mắc và cần biết thêm những sự thật không ai ngờ về tình dục, hãy theo dõi bài viết này của VYA nhé! 

Quan niệm 1: Đau khi quan hệ tình dục là chuyện thường

 Quan hệ tình dục bị đau có thể tiềm ẩn những nguy cơ
Nguồn ảnh: Lifehacker; Minh họa: Jim Cooke

Cảm thấy đau đớn trong lúc quan hệ có thể xảy ra khá thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân cho điều này, gồm các vấn đề thể chất, tâm lý, và bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, chúng ta không nên xem nhẹ vấn đề này.

Khi bạn chưa thư giãn và được kích thích đủ, việc quan hệ có thể làm bạn khó chịu. Hãy dành thời gian âu yếm và tận hưởng thay vì vội vàng lao về đích. Đồng thời, âm đạo sẽ bị đau khi xâm nhập mà chưa có đủ dịch bôi trơn. Trong trường hợp này, hãy thử sử dụng các sản phẩm bôi trơn để cải thiện tình hình. 

Bao cao su làm từ Polyurethane (PU) có thể được sử dụng chung với mọi loại chất bôi trơn. Nhưng với bao cao su làm từ Latex hoặc Polyisoprene, bạn cần tránh một số sản phẩm nhất định. Chúng bao gồm những chất bôi trơn gốc dầu (lotion, dầu dưỡng, vaseline,…) vì chúng có thể làm rách/hỏng bao.

Quan hệ tình dục khó khăn còn có thể là do tâm lý lo lắng, căng thẳng, không hứng thú. Nếu tình trạng này thường diễn ra, hãy trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với đối phương. Đồng thời, bạn nên tìm hiểu và trò chuyện với các cố vấn hoặc nhà trị liệu tình dục. Điều này sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lý và nhận được lời khuyên hợp lý.

Những cơn đau quan trọng cần lưu tâm

Quan niệm sai lầm về tình dục này có thể khiến bạn bỏ qua những nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn. Một vài bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục cũng gây ra các cơn đau khi quan hệ. Những bệnh thường gặp có thể bao gồm bệnh nấm Candida, nhiễm trùng bàng quang,… Chúng có thể được chữa khỏi với những liệu trình thuốc được kê đơn hợp lý.

Cơn đau lúc quan hệ tình dục có thể xảy đến với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đau sâu bên trong vùng xương chậu (cơn đau dưới vùng rốn) có thể là dấu hiệu của các tình trạng nguy hiểm hơn như viêm màng trong dạ con. Nếu gặp phải tình trạng này, hãy liên hệ ngay các bác sĩ chuyên khoa nhé!

Các nguyên nhân gây đau thường thấy

Không đủ chất bôi trơn

Độ ẩm tự nhiên của dương vật ở mỗi người là khác nhau. Bề mặt dương vật có thể bị kích ứng do ma sát, đặc biệt nếu không có đủ chất bôi trơn. Lực ma sát có thể làm mòn lớp da bề mặt dương vật. Điều này sẽ khiến cho phần dưới lớp da, vốn tập trung nhiều dây thần kinh và mô liên kết, bị lộ ra.

Thiếu chất bôi trơn tự nhiên trong âm đạo cũng có thể là một nguyên nhân gây đau. Điều này thường diễn ra trong quá trình quan hệ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hàm lượng nội tiết tố, chu kỳ kinh nguyệt, sự căng thẳng cũng như các loại thuốc khác nhau đều có thể dẫn đến tình trạng này. Nếu âm đạo gặp phải tình trạng thiếu độ ẩm, hãy thử sử dụng các chất bôi trơn gốc nước. Nếu quá trình mãn kinh là nguyên nhân khiến cho âm đạo bị khô, hãy yêu cầu được tư vấn về kem estrogen và các loại thuốc kê đơn khác.

Hậu môn cũng là một bộ phận cần được bôi trơn đúng cách trong lúc quan hệ. Khác với âm đạo, hậu môn không có khả năng tự tiết dịch bôi trơn. Nếu không có đủ chất bôi trơn, ma sát trong quá trình quan hệ sẽ gây đau đớn. Thậm chí, điều này có thể gây ra những vết xước nhỏ ở vùng da mỏng của hậu môn.

Quan hệ lâu và thô bạo

Trạng thái cương cứng kéo dài có thể sẽ khiến cho dương vật bị căng, tức quá mức. Đồng thời, máu cũng bị ứ lại quá lâu trong thể hang, thể xốp của dương vật. Điều này, đôi khi, sẽ gây tổn thương cho các cơ và mô.

Sự xâm nhập đột ngột của dương vật cũng có thể làm tổn thương các mô trong quá trình quan hệ. Quan hệ tình dục thô bạo/dùng lực mạnh sẽ khiến cho dương vật bị ma sát, kích thích quá mức. Ma sát mạnh cũng có thể gây ra xước dương vật hoặc làm dương vật bị đổi màu. 

Ở cơ quan sinh dục nữ, sự xâm nhập thô bạo có thể sẽ gây đau đớn và khó chịu. Ma sát và áp lực có thể sẽ làm viêm các mô nhạy cảm, gây đau ở trong âm đạo và xung quanh âm hộ. Trong trường hợp dùng đồ chơi tình dục, ngón tay hoặc các vật thể để gia tăng kích thích lên âm đạo, cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn.

Dị ứng với bao cao su, chất bôi trơn hoặc các sản phẩm tình dục khác

Các thành phần nguyên liệu của sản phẩm tình dục là một nguyên nhân gây đau phổ biến. Các chất hóa học dùng trong bao cao su, chất bôi trơn,… có thể gây dị ứng cho người dùng. Đây được gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng, gồm các triệu chứng khác nhau như:

  • Mẩn đỏ hoặc phát ban;
  • Da đóng vảy và bong vảy;
  • Xuất hiện mụn nước;
  • Da khô hoặc nứt nẻ;
  • Ngứa ngáy khó chịu.

Tùy vào mức độ nghiêm trọng, các triệu chứng có thể biến mất sau ​​vài ngày hoặc vài tuần. Các vết sẹo sẽ mờ nhanh hơn khi sử dụng các loại thuốc đặc trị được bán trên thị trường.

Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Trong một số trường hợp, cơ quan sinh dục bị đau có thể là dấu hiệu của các bệnh tình dục. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến có thể gây ra đau đớn gồm:

Cơn đau sẽ chỉ thuyên giảm nếu được điều trị. Bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe nếu nghi ngờ mình nhiễm bệnh tình dục.

Các dấu hiệu của bệnh lây nhiễm qua đường tình dục có thể bao gồm:

  • Ở âm đạo:
    • Chảy máu;
    • Tổn thương bộ phận sinh dục;
    • Kinh không đều;
    • Dịch tiết âm đạo (khí hư) xuất hiện;
    • Co thắt âm đạo bất thường.
  • Ở dương vật:
    • Bề mặt da dương vật căng, bong tróc hoặc xuất hiện vết xước, vết giãn;
    • Dương vật chảy máu bất thường;
    • Dương vật mẩn đỏ hoặc phát ban, hay ngứa ngáy khó chịu.
  • Ở hậu môn:
    • Ngứa ngáy và đau rát sau khi quan hệ;
    • Hậu môn chảy máu bất thường;
    • Cơn đau dữ dội sau khi quan hệ.

Các nguyên nhân khác có thể gây ra đau đớn khi quan hệ

Đau ở âm vật

Các cơn đau có thể xuất phát từ:

  • Các bệnh về âm đạo, tử cung, buồng trứng,…;
  • Bệnh lý liên quan đến tử cung có thể gây đau khi quan hệ tình dục;
  • Các bệnh liên quan đến cổ tử cung (phần lỗ ngoài cổ tử cung): Cổ tử cung, nếu bị thương tổn từ trước, có thể gây đau khi quan hệ;
  • Hội chứng co thắt âm đạo: Các cơ âm đạo co thắt không chủ ý, đôi khi do tâm lý sợ đau;
  • Nhiễm trùng âm đạo: Xảy ra do nhiễm trùng nấm men;
  • Lạc nội mạc tử cung: Các tế bào nội mạc tử cung/ở màng trong tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung;
  • Các vấn đề về buồng trứng, ví dụ như u nang buồng trứng;
  • Bệnh viêm vùng chậu: Các mô bên trong bị viêm nặng, gây đau khi quan hệ mạnh;
  • Hội chứng đau âm hộ mãn tính: Cơn đau mãn tính ảnh hưởng vùng xung quanh cửa âm đạo. Hiện nay, nguyên nhân của hội chứng này chưa được xác định và cũng chưa có phương thuốc điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, tự chăm sóc kết hợp điều trị bằng thuốc sẽ giúp giảm đau trong quan hệ.
  • Thai ngoài tử cung: Trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung;
  • Thời kỳ mãn kinh: Khi mãn kinh, niêm mạc âm đạo có thể bị mất độ ẩm tự nhiên;
  • Quan hệ ngay sau khi phẫu thuật/sinh nở;
  • Tổn thương âm hộ hoặc âm đạo, có thể do sinh nở/vết cắt (rạch tầng sinh môn) ở vùng da giữa âm đạo, hậu môn khi chuyển dạ.

Đau ở dương vật

Đau dương vật sau khi quan hệ thường không phải là điều đáng lo ngại.

Một vài nguyên nhân khách quan có thể kể đến như:

  • Lo âu hoặc căng thẳng;
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc điều trị rụng tóc;
  • Nhiễm trùng tuyến tiền liệt hoặc đường tiết niệu;
  • Mất cân bằng nội tiết tốt;
  • Tổn thương dây thần kinh vùng xương chậu hoặc cột sống.

Xuất tinh chậm cũng có thể gây ra đau đớn khi quan hệ. Đây là hiện tượng khi người có dương vật mất hơn 30 phút để xuất tinh, được tính từ khi bắt đầu quan hệ hoặc thủ dâm. Với một vài người, xuất tinh chậm là hiện tượng bẩm sinh. Không thể xuất tinh có thể khiến dương vật và bìu bị sưng, đau và nhức. Điều này có thể kéo dài vài giờ sau khi quan hệ tình dục. Thậm chí, nó có thể kéo dài lâu hơn, đến khi máu rút hết khỏi các mô dương vật. Nếu đây là lần đầu tiên bạn gặp phải tình trạng xuất tinh chậm, hãy cân nhắc lên lịch hẹn gặp bác sĩ hoặc các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe khác. Họ sẽ chẩn đoán nguyên nhân căn bản và khuyến nghị điều trị nếu cần.

Đau ở hậu môn

Tâm trạng không thư giãn, thoải mái có thể là nguyên nhân gây ra đau. Các cơ ở hậu môn thường có cơ chế co chặt tự nhiên. Do đó, bạn sẽ thấy khó chịu nếu các cơ đó không được thả lỏng trong lúc bị thâm nhập. Cảm giác khó chịu khi hậu môn đang thích ứng dần với sự xâm nhập là điều bình thường. Bạn sẽ quen dần với cảm giác này, miễn là bạn và đối phương cẩn thận, không vội vàng.

Không phải mọi lần quan hệ đường hậu môn đều đau như lần đầu. Tuy nhiên, quan hệ qua hậu môn đều có thể gây đau khi không được thực hiện đúng cách. Điều này cũng tương tự với bất kỳ loại hình quan hệ tình dục nào khác.

Cơn đau thường sẽ biến mất khá nhanh sau khi quan hệ xong. Nếu cơn đau trở nên dữ dội hoặc xuất hiện trở lại sau một vài ngày, hãy tới các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe để được kiểm tra chính xác.

Đọc thêm: Chuẩn bị như thế nào khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Tìm kiếm các biện pháp y tế

Đừng vì tin những quan niệm sai lầm trong việc quan hệ tình dục mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Giải quyết cơn đau khi quan hệ có thể không cần các biện pháp y tế. Ví dụ, đau ở âm đạo khi quan hệ hậu sinh nở có thể được giải quyết bằng cách chờ đợi. Ngừng quan hệ ít nhất 6 tuần sau lần chuyển dạ sẽ cải thiện cơn đau đáng kể. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng việc quan hệ phải thật nhẹ nhàng, kiên nhẫn.

Nếu cơn đau không đến từ nguyên nhân bệnh lý, hãy thử tìm tới các phương pháp trị liệu tình dục. Các vấn đề như cảm giác tội lỗi, mâu thuẫn tâm lý hay việc bị lạm dụng trong quá khứ có thể khiến cho việc quan hệ tình dục gặp khó khăn. Giải quyết những vấn đề trên sẽ giúp bạn có thể thoải mái tận hưởng trải nghiệm tình dục.

Để đảm bảo sức khỏe của mình và đối phương, hãy tìm gặp các chuyên gia tư vấn có chuyên môn nếu như cơ quan sinh dục xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

Quan niệm 2: Âm đạo sẽ chảy máu khi quan hệ lần đầu

Người có giới tính sinh học nữ không nhất thiết sẽ chảy máu khi quan hệ lần đầu
Nguồn ảnh: Flo

Không, quan niệm sai lầm về tình dục này là không đúng. Một số người có thể sẽ chảy máu âm đạo trong lần quan hệ đầu tiên, nhưng với số khác thì không. Chảy máu hay không cũng là những hiện tượng hết sức bình thường.

Người có giới tính sinh học là nữ có thể chảy máu khi quan hệ tình dục lần đầu do màng trinh bị rách. Màng trinh là một lớp màng da mỏng che một phần lối vào âm đạo. Trong lần quan hệ đầu tiên nó có thể bị rách, nếu chưa bị rách do những nguyên nhân khác trước đó.

Một người giới tính sinh học nữ có thể không biết màng trinh của mình đã bị rách hay chưa. Nguyên nhân là vì việc màng trinh bị rách không phải lúc nào cũng gây đau hoặc chảy nhiều máu.

Nếu bạn lo lắng về việc chảy máu sau khi quan hệ, hãy thăm khám tại phòng sức khỏe tình dục gần nhất.

Đọc thêm: Thế nào là màng trinh và trinh tiết? Làm thế nào để chuẩn bị tốt khi quan hệ tình dục lần đầu?

Quan niệm 3: Quan hệ lần đầu khó có thể dẫn đến mang thai

Quan hệ lần đầu khó có thể dẫn đến mang thai là một quan niệm sai lầm về tình dục
Nguồn ảnh: Vecteezy

HOÀN TOÀN SAI, BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ MANG THAI TRONG LẦN QUAN HỆ ĐẦU TIÊN! Dù là lần quan hệ thứ mấy đi chăng nữa, tinh dịch và chất dịch tiền xuất tinh (pre-cum) đều có thể làm bạn mang thai. Nếu tinh dịch hoặc pre-cum ở gần âm hộ của bạn, khả năng mang thai vẫn rất cao. Thậm chí, việc ngón tay dính tinh trùng và pre-cum tiếp xúc với âm hộ, âm đạo cũng có thể khiến bạn mang thai. Điều quan trọng bạn cần nhớ rằng: một tinh trùng bé nhỏ cũng có thể khiến bạn mang thai. Quan niệm sai lầm về tình dục này có thể dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

Đó là lý do tại sao nhiều người sử dụng biện pháp tránh thai (như bao cao su) khi quan hệ tình dục. Sử dụng biện pháp tránh thai là cách bảo vệ tốt nhất khi quan hệ có sự xâm nhập của dương vật vào âm đạo. Đồng thời, quan hệ có sử dụng cũng như bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Quan niệm 4: Vệ sinh âm đạo có thể rửa sạch tinh dịch

Vệ sinh âm đạo khó có thể rửa sạch tinh dịch
Nguồn ảnh: INTIMINA

Đây là một quan niệm sai lầm về tình dục khá phổ biến. Vệ sinh âm đạo bằng nước sạch và xà phòng sau khi quan hệ không bảo vệ không làm giảm khả năng mang thai. Cho dù bạn sử dụng nước, chất thụt rửa hay bất kỳ loại dung dịch nào, câu trả lời vẫn là không. Trên thực tế, việc thụt rửa có thể đưa tinh trùng vào sâu hơn trong cổ tử cung. Vô hình trung, điều này sẽ giúp tinh trùng gặp trứng dễ dàng hơn.

Mang thai có thể xảy ra do xuất tinh trùng hoặc pre-cum vào trong âm đạo. Do đó, nếu bạn có quan hệ tình dục qua đường âm đạo, sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn vẫn là phương án bảo vệ an toàn nhất.

Quan niệm 5: Xuất tinh ngoài âm đạo là cách tránh thai hiệu quả nhất

Xuất tinh ngoài âm đạo không phải là cách hữu hiệu để tránh thai
Nguồn ảnh: Your Life

Những điều sau đây sẽ chứng minh đây lại là một quan niệm sai lầm trong tình dục.

Phương pháp xuất tinh ngoài âm đạo hoặc quan hệ tình dục ngắt quãng (coitus interruptus) là hành động rút dương vật ra khỏi âm đạo trước khi xuất tinh. Về lý thuyết, điều này có thể thành công giúp bạn tránh mang thai nhưng có nhiều rủi ro hơn thế.

Tỷ lệ thất bại của phương pháp là 4% . Có nghĩa là, khi được thực hiện một cách hoàn hảo, phương pháp xuất tinh ngoài sẽ giúp tránh thai tới 96%. Tuy nhiên, ước tính 18 – 28% các cặp vợ chồng sử dụng phương pháp này có thai trong năm đầu tiên vì rất khó để canh thời gian xuất tinh. 

Ngoài ra, việc rút dương vật khỏi âm đạo trong cơn khoái cảm kịp thời cũng là rất khó.

Ngay cả khi bạn kiểm soát được thời gian và rút dương vật trước khi xuất tinh, các chất dịch lỏng khác của cơ thể cũng có thể đưa tinh trùng vào sâu hơn, dẫn đến mang thai. Chất dịch tiền xuất tinh (pre-cum) là chất lỏng trong suốt tiết ra khi dương vật bị kích thích. Chất này thường chỉ được tiết ra một lượng nhỏ và thường không chứa tinh trùng. Nhưng các tế bào tinh trùng của lần xuất tinh gần nhất còn lại trong niệu đạo có thể hòa cùng với chất dịch tiền xuất tinh và gây mang thai khi được xuất vào âm đạo. 

Đọc thêm bài viết này nếu bạn đang muốn tìm phương pháp tránh thai thật sự hiệu quả.

Quan niệm 6: Quan hệ lần đầu không thể nhiễm bệnh tình dục (STDs)

Quan niệm sai lầm về tình dục: Người quan hệ lần đầu không thể mang bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục
Nguồn ảnh: Clue app

Chưa từng tiếp xúc qua bộ phận sinh dục với người khác không có nghĩa là bạn không mắc phải STDs. Dù hầu hết những căn bệnh này thường lây tiếp xúc giữa các cơ quan sinh dục, quan hệ bằng đường miệng cũng có thể lây truyền một số bệnh tình dục khác nhau. Vì vậy, việc quan hệ tình dục bằng miệng mà không sử dụng bao cao su, màng chắn miệng hoặc các biện pháp rào chắn vẫn có thể dẫn đến lây nhiễm. Một số bệnh còn có thể lây qua đường tiêm tĩnh mạch IV hoặc đường truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. 

Bao cao su là lựa chọn tối ưu cho việc quan hệ thoải mái và không lo lắng về STDs. Sử dụng bao cao su là cách duy nhất để bảo vệ bản thân và đối phương khỏi STDs trong lúc quan hệ qua âm đạo hoặc hậu môn. Sử dụng bao cao su cho dương vật hoặc các biện pháp rào chắn (như màng chắn miệng) cũng giúp quan hệ tình dục bằng miệng an toàn hơn.

Đồng thời, hãy chủ động kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế nơi bạn sinh sống nếu bạn có quan hệ tình dục thường xuyên.


Có quan niệm sai lầm về tình dục thường thấy nào bên trên khiến bạn ngạc nhiên không? Hãy kể cho VYA nghe nhé! Chúng mình rất hy vọng bài viết này đã giải đáp và cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về quan hệ tình dục, để bạn luôn sẵn sàng và an toàn với mọi quyết định của mình trong tương lai. 

Người thực hiện: Nhật Hạ, Lê Khánh Tú, N., T.D.


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://www.centreforsexuality.ca/sexual-health-info/sex-myths/

https://au.reachout.com/articles/having-sex-for-the-first-time

https://www.ippf.org/blogs/lube-5-great-reasons#:~:text=Lube%20reduces%20friction%2C%20so%20lessens,protection%20against%20STIs%20including%20HIV.

https://www.webmd.com/sex-relationships/ss/slideshow-love-hurts-common-sex-injuries-and-other-hazards

https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/sex/virginity/what-happens-first-time-you-have-sex#:~:text=Can%20you%20get%20pregnant%20when,your%20hundredth%20time%20having%20sex

https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/ask-experts/can-you-get-an-std-if-you-and-your-partner-are-both-virgins

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4254803/

https://www.healthline.com/health/can-you-get-pregnant-from-the-pull-out-method#ovulation

https://www.plannedparenthood.org/learn/teens/ask-experts/after-sex-without-a-condom-if-the-female-washes-out-her-vagina-with-hot-water-and-soap-can-she-still-get-pregnant

https://www.nhs.uk/common-health-questions/sexual-health/does-a-woman-always-bleed-when-she-has-sex-for-the-first-time/#:~:text=Some%20women%20will%20bleed%20after,the%20entrance%20to%20the%20vagina

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây