Giới hạn khi yêu cần thiết đến mức nào?

Thời gian đọc: 12 phút

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đều muốn có một người để yêu thương trong cuộc đời nhỉ? Nhưng bạn gì đó ơi, khoan vội vàng tìm kiếm “đối phương” nhé! Hãy thử trả lời những câu hỏi này trước nha: Liệu bạn đã sẵn sàng để bắt đầu một mối quan hệ chưa? Bên cạnh đó, bạn đã biết gì về việc đặt ra giới hạn khi yêu? Và, cách xử lý nếu đối phương xâm phạm giới hạn riêng của mình là gì? Nếu bạn vẫn còn mơ hồ không biết giới hạn trong một mối quan hệ là gì, hãy dành chút thời gian để đồng hành cùng VYA trong bài viết ngày hôm nay, và sẵn sàng để “bỏ túi” những thông tin siêu chất lượng, bạn nhé!

Đừng quên tìm hiểu về các mối quan hệ lành mạnh và độc hại cùng VYA!

Tầm quan trọng của những giới hạn riêng trong một mối quan hệ

Tầm quan trọng của những giới hạn riêng trong một mối quan hệ
Nguồn ảnh: mindbodygreen.com

Một mối quan hệ lãng mạn sẽ rất khác so với những mối quan hệ xã hội khác. Vì chỉ sự kết nối đặc biệt giữa những người yêu nhau mới có thể cho mình thấy được những khía cạnh sâu thẳm và riêng tư nhất của đối phương: bao gồm cơ thể và cảm xúc, tâm hồn, và tình dục. Để có những trải nghiệm vẹn tròn nhất, bản thân mỗi người cần ý thức được việc đặt ra những giới hạn riêng trong mối quan hệ là điều cực kỳ quan trọng.

Những lợi ích của giới hạn khi yêu

Nếu bạn biết cách vạch ra những ranh giới đúng đắn và lành mạnh; mối quan hệ của bạn sẽ nhận được những lợi ích to lớn sau đây:

  • Tôn trọng bản thân: Chẳng có gì để bàn cãi về lợi ích này nữa. Khi bạn đặt ra những ranh giới rõ ràng với đối phương, bạn đang tự tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu thầm lặng của bản thân mình. Bên cạnh đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những cảm xúc, mong muốn và khát khao của mình; từ đó những suy nghĩ tiêu cực và lo sợ trong mối quan hệ sẽ biến mất dần;
  • Xin chào sự an toàn và bình yên: Có những giới hạn rõ ràng trong quan hệ của mình đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bị trói buộc, bạo hành hay tấn công về mặt tinh thần và thể chất bởi đối phương nữa. Giờ đây, bạn sẽ cảm thấy an toàn và bình yên vì đã chỉ dẫn đối phương nên đối xử với bạn như thế nào trong mối quan hệ;
  • Yêu thương: Việc vạch ra những giới hạn riêng thì có liên quan gì đến yêu thương nhỉ? Bạn biết không, khi bạn đưa ra những ranh giới của mình với đối phương và nếu đối phương chấp nhận và hoàn toàn tôn trọng nó, chắc chắn rằng tình yêu và thấu hiểu trong mối quan hệ của bạn sẽ ngày càng tăng lên, và hai bạn sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết. 

3 bước để vạch ra một giới hạn lành mạnh trong mối quan hệ

3 bước để vạch ra một giới hạn lành mạnh trong mối quan hệ
Nguồn ảnh: allure.com

Bước 1: Tự xác định những giới hạn riêng của mình trước 

Nếu bạn không biết những giới hạn riêng tư của mình là gì, sẽ rất khó để bạn có một mối quan hệ thoải mái và lành mạnh như mình mong muốn. Để có thể tìm ra được những giới hạn riêng tư của mình, hãy thử để ý tới những cảm xúc và suy nghĩ, những điều khiến bạn không thoải mái hay muốn thay đổi trong mối quan hệ đó nhé!

Thử dành thời gian tự hỏi bản thân những câu như: Đối với mình, điều gì là quan trọng?, Những nhu cầu của mình là gì? Mình muốn giữ những nét cũ/sở thích nào của bản thân?, Mình cần gì để cảm thấy hài lòng và hạnh phúc trong mối quan hệ này?,…

Bước 2: Xác định những giới hạn cần được đặt ra ở đâu

Hơn ai hết, bạn là người hiểu rõ nhất bản thân mình cần gì trong một mối quan hệ. Vì thế, hãy thử trò chuyện về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của bạn và đối phương. Từ đó, hai bạn có thể giải quyết những bất đồng quan điểm sống ngay từ ban đầu. Với những cặp đôi, nên tìm hiểu và đặt những ranh giới thích hợp về tình dục, cảm xúc hoặc cách ứng xử phù hợp với những mối quan hệ xã hội khác.

Những giới hạn về mặt cảm xúc có thể hơi khó khăn để xác định và nói với đối phương. Nhưng thường thì những ranh giới riêng về cảm xúc đó sẽ bao gồm việc đặt giới hạn cho những hành vi của đôi bên trong lúc giận dữ hoặc gây gổ nhau. Hãy nhớ rằng xác định những giới hạn cảm xúc từ trước, để mối quan hệ có thể thoải mái và lành mạnh như ta mong muốn bạn nhé!

Sẽ không ai chỉ có duy nhất một mối quan hệ trong cuộc sống mình cả. Còn có rất nhiều mối quan hệ khác ngoài tình cảm yêu đương. Ví dụ như mối quan hệ với bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp hiện hữu quanh ta. Đôi lúc, việc vạch ra những giới hạn đúng đắn về khía cạnh này sẽ giúp đối phương cảm thấy được tôn trọng, an toàn và sẵn sàng tin tưởng nhiều hơn trong mối quan hệ đó. 

Bước 3: Tâm sự về những ranh giới của bạn

Tổ chức một buổi trò chuyện để trình bày những giới hạn riêng của đôi bên vào thời điểm mọi chuyện đang ổn thoả sẽ là lựa chọn tốt nhất.

Hãy nói: “Cuộc trò chuyện này khiến mình buồn và tổn thương” thay vì “bạn đã làm mình tổn thương và buồn vì cách bạn nói chuyện”. Câu trước chỉ đơn giản là bày tỏ cảm xúc, nhưng câu sau sẽ mang tính đổ lỗi cho đối phương. Sau cùng, điều này sẽ khiến mọi chuyện tồi tệ hơn mà thôi!

Nên đặt những ranh giới lành mạnh thế nào?

Nên đặt những ranh giới lành mạnh thế nào?
Nguồn ảnh: dreamstime

Thử bắt đầu với việc thiết lập một giới hạn riêng tư nhỏ và không mang tính nghiêm trọng. Khi đã trải nghiệm thành công, bạn hãy tiếp tục với những giới hạn lớn và khó khăn hơn. Hãy chậm rãi, rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn thôi!

Những giới hạn nên được thiết lập đầu tiên

  1. Nói “không” với những điều bạn không muốn làm hoặc không có thời gian làm.
  2. Sẵn sàng yêu cầu, đón nhận và biết ơn sự giúp đỡ từ người khác. 
  3. Nói cảm ơn, cũng như đừng xin lỗi, hối hận hay hổ thẹn khi bạn không làm sai.
  4. Đừng dành quá nhiều thời gian quý báu của bản thân cho người khác. 
  5. Dành cho mình một không gian riêng trong mối quan hệ. Chúng ta đều cần một nơi riêng tư cho bản thân mình để thư giãn và phát triển, bạn nhỉ? 
  6. Sẵn sàng phản đối nếu bạn không thoải mái với cách người khác đang đối xử với bạn; hoặc khi những nhu cầu của bạn đang bị xâm phạm.
  7.   Đôi lúc, hãy tôn trọng bản thân và cho mình quyền được đặt bản thân mình lên trước. 
  8. Dừng những cảm giác tội lỗi và chịu trách nhiệm cho người khác.
  9. Đôi bên trong mối quan hệ phải chia sẻ những thông tin cần thiết cho nhau dần dần và theo hai chiều (cho đi và nhận lại).  

Hãy bày tỏ về những giới hạn riêng tư của mình

  • Truyền đạt những suy nghĩ và cảm xúc của bạn chân thành và rõ ràng: Bất cứ lúc nào có thể, hãy thật chân thành và tôn trọng khi chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình với đối phương. Đôi lúc sẽ rất khó để bạn có thể “mở lòng” và chân thật vào một thời điểm nào đó. Vì thế, hãy dành ít thời gian để làm rõ lòng mình, và vượt qua những chướng ngại nhé;
  • Hỏi đối phương đang cảm thấy thế nào thay vì đoán mò: Mỗi người đều có những suy nghĩ và cảm xúc riêng, và cả đôi bên đều có trách nhiệm bày tỏ để người kia có thể thấu hiểu. Vì thế, đừng để đối phương của bạn phải đoán mò bạn đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào – điều này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến mối quan hệ đó.

Đừng quên rằng, việc thiết lập những giới hạn lành mạnh sẽ giúp bạn thoải mái với những hoạt động sau đây: 

  • Dành thời gian cho cuộc tụ họp của bạn bè mà không có đối phương;
  • Tham gia những hoạt động và dự án mà bạn thích;
  • Không cần thiết phải chia sẻ mật khẩu của email, tài khoản xã hội hay điện thoại bạn;
  • Tôn trọng sở thích và nhu cầu cá nhân của người còn lại trong mối quan hệ. 

Bạn có đang xâm phạm những giới hạn riêng của người khác?

Bạn có đang xâm phạm những giới hạn riêng của người khác?
Nguồn ảnh: AnthonyJess/Adobe Stock

Việc những giới hạn riêng bị xâm phạm sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến một mối quan hệ. Niềm tin trao nhau bỗng trở thành vô ích, và tình yêu cũng dần vơi đi. Bên cạnh đó, khi vượt qua giới hạn của đối phương hết lần này đến lần khác, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn bạn nghĩ rất nhiều. 

Không cho đối phương thời gian riêng tư

Khi nửa kia không có được thời gian mà họ cần để phát triển bản thân, mối quan hệ khi đó sẽ trở nên bức bối, tiêu cực. Hãy để ý một chút, nếu “nửa kia” của bạn bắt đầu tỏ ý mình đang không thoải mái trong mối quan hệ này, hay cãi vã vô cớ, họ có thể đang cần chút không gian để suy nghĩ và thư giãn một mình đó.

Xem nhẹ sự thích thú của người khác

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, còn gì tuyệt bằng được “kể khổ” với người yêu. Nhưng, đừng khiến đối phương cảm thấy “lép vế” trước những câu chuyện của bạn. Hãy tránh khiến họ nghĩ: “So với người yêu, ngày của mình chẳng có gì vui và đặc biệt cả”. Đồng thời cũng đừng làm lơ câu chuyện của họ chỉ vì bạn không thích nó. Chúng ta đều không thích người khác phớt lờ sự phấn khích của mình mà. Bạn thấy sao nếu họ ngáp hoặc chẳng thèm nhìn bạn khi bạn đang nói chuyện? Vì vậy, hãy cố gắng tạo một bầu không khí cân bằng, tràn đầy hứng thú để đôi bên có thể giao tiếp với nhau tốt nhất có thể nhé!

Bình luận tiêu cực về cơ thể của người khác

Nhận xét và bình luận về cơ thể của một người không chỉ là hành động thô lỗ, mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lí của người được nhắc đến. Người khác quá gầy, quá lớn, quá cao hay quá thấp hoàn toàn không phải là vấn đề của bạn. Thậm chí cả những lời nhận xét thiện ý cũng khó mà hiểu hoàn toàn theo cách mà bạn muốn. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cách khen ngợi không cần dính dáng tới hình thể của người khác. Hãy thử áp dụng lời góp ý lịch sự và tôn trọng nhé!

Gọi điện và kiểm tra điện thoại của đối phương quá thường xuyên 

Không cho đối phương không gian riêng là biểu hiện của sự thiếu tin tưởng và không tôn trọng quyền riêng tư của nhau. Ví dụ như gọi điện quá nhiều, theo dõi hoạt động online hoặc trộm đọc tin nhắn của họ. Điều này khiến đối phương thấy khó chịu, thậm chí là tổn thương. Nếu bạn lo lắng về điều gì đó đang diễn ra trong chiếc điện thoại của họ, hãy thử trao đổi trực tiếp thay vì cố gắng kiểm tra thường xuyên nhé!

Trở nên quá dựa dẫm vào đối phương

Việc mong muốn và hỏi nhờ sự giúp đỡ của đối phương là chuyện bình thường. Nhưng đôi lúc, khi họ không có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của bạn. Lúc này, đừng tức giận hay đổ lỗi lên người ấy. Bên cạnh đó, đừng dựa dẫm vào đối phương quá vì việc ấy sẽ dễ dàng khiến một mối quan hệ dần đi xuống và trở nên không lành mạnh. 

Liên tục so sánh đối phương với người khác.

Không so sánh sẽ không đau thương. So sánh sẽ làm mất đi sự vui vẻ vốn có và gia tăng sự bất mãn của đôi bên. Mặt khác, việc so sánh người bạn yêu với một đối tượng khác mà bạn nghĩ là tốt hơn, kể cả với những người nổi tiếng sẽ tạo ra cảm giác bạn không tôn trọng họ. Vì thế, hãy cẩn trọng với việc so sánh bạn nhé!

Liên tục thất hứa

“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.”

Thật thế, câu ca dao trên luôn đúng cho hầu hết các quan hệ xã hội, đặc biệt là mối quan hệ yêu thương. Ai có thể thương và tin bạn khi những lời bạn nói ra chỉ là lời đầu môi chót lưỡi? Liệu việc liên tục thất hứa sẽ khiến mối quan hệ của bạn xấu đi không? Mình tin rằng bạn đã biết câu trả lời rồi. Hãy cố đừng khiến họ cảm thấy hụt hẫng và thất vọng vì những lời hứa mỏng manh nhé!

Thường xuyên nhờ vả mà không đền đáp

Dấu biết yêu nhau là sẵn sàng cho đi hết thảy, nhưng một mối quan hệ lành mạnh là mối quan hệ hai chiều, có cho đi cũng sẽ có nhận lại. Thế nên việc thường xuyên hỏi nhờ giúp đỡ, hoặc nhận nhiều nhưng không chịu cho đi cũng sẽ khiến nửa kia cảm thấy thất vọng lắm đó. Hãy lưu ý chuyện này bạn nhé! 

Không lên tiếng phản đối khi một người làm gì đó sai

Những hành vi tiêu cực không chỉ bao gồm cãi vã, gây gổ nhau. Nó còn diễn ra một cách thầm lặng như né tránh vấn đề, nói xấu sau lưng, đổ lỗi cho đối phương hay từ chối nói chuyện thẳng thắn với nhau. Khi bạn nhận thấy đối phương đang có những hành vi tiêu cực, hãy lên tiếng! Nếu bạn im lặng, họ không thể biết mình sai và cũng chẳng thể sửa chữa vấn đề đó. Điều này sẽ khiến mối quan hệ ngày một tồi tệ hơn. Hãy dũng cảm lên tiếng nếu đối phương làm gì khiến mình không thoải mái bạn nhé!

Làm gì khi giới hạn bị xâm phạm?

Làm gì khi giới hạn bị xâm phạm?
Nguồn ảnh: Free Vector

Khi những giới hạn riêng tư của bạn không được tôn trọng và liên tục bị xâm phạm bởi đối phương, trước hết bạn sẽ cần xem xét lại các liệu đây có phải là một mối quan hệ lành mạnh hay không. Việc liên tục xâm phạm giới hạn của nhau  dù biết đối phương khó chịu là một “báo động đỏ”. Khi đó, hãy rời khỏi mối quan hệ độc hại đó và rời đi một cách an toàn nhất có thể.

Nếu việc giới hạn bị xâm phạm là vô tình hoặc vô thức, bạn cần hướng giải quyết thích hợp.

Nhận thức

Trừ khi có sự đồng ý từ một người, việc xâm phạm những giới hạn riêng tư của họ sẽ gây ra những tổn thương sâu sắc cả về mặt thể chất lẫn tinh thần đến họ. Bước đầu tiên để thoát khỏi vấn đề là nhận thức nó. Bạn có thể tữ đặt một số câu hỏi để xác định tình trạng của chính mình. Có phải bạn đã cảm thấy khó chịu khi đối phương làm điều gì nhất định không?; Bạn đã nói với đối phương về giới hạn này của bạn hay chưa?;…

Giao tiếp

Trò chuyện là một yếu tố quan trọng để xây dựng nên mối quan hệ lành mạnh. Đây cũng là bước tiếp theo để xác nhận vấn đề với đối phương. Khi giới hạn vô tình hay cố tình bị xâm phạm, ta buộc phải nói chuyện rõ ràng với nhau.

Hãy nhớ lại tại sao ta hoặc họ lại đặt ra những ranh giới ấy. Điều gì khiến một người xâm phạm ranh giới của đối phương? Hãy xem xét nên giải quyết thế nào cho ổn thỏa. Bạn có thể mở lời bằng: “Cậu có nhớ lần mình đi chơi ở XXX không? Khi đó cậu đã … Mình muốn nói là mình thấy rất không thoải mái khi cậu làm thế”. Nên nhớ, hãy kết thúc cuộc trò chuyện bằng thái độ “Đừng bao giờ lập lại việc xâm phạm một giới hạn riêng tư trong tương lai”.

Xác định lại giới hạn/Giải quyết vấn đề

Một cách để giải quyết vấn đề là cùng nhau xem lại các giới hạn riêng tư của nhau. Trong quá trình trao đổi, hãy nhắc lại cho nhau về những giới hạn của mình. Sau đó, bạn có thể cùng người ấy đánh giá về cách sinh hoạt của nhau. Từ đó, các bạn có thể rút ra được điều gì nên/không nên làm để tôn trọng các giới hạn. Ngoài ra, đây cũng là lúc phù hợp để xem liệu chúng có cần được điều chỉnh lại không. Đừng quên kết thúc vấn đề bằng một lời cam kết sẽ không có lần sau nhé!

Tìm kiếm sự hỗ trợ 

Nếu bạn vừa xâm phạm giới hạn riêng tư của người ấy, và không đủ sức để giải quyết những hậu quả nặng nề, thử tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý hoặc chuyên gia về hôn nhân gia đình. Họ sẽ giúp bạn và đối phương tìm lại, cũng như xây dựng sự tin tưởng trong mối quan hệ của mình, đồng thời cải thiện để mối quan hệ ngày càng tích cực và lành mạnh hơn. 


Qua bài viết ngày hôm nay, chắc rằng chúng mình đều biết tầm quan trọng của những giới hạn riêng tư trong một mối quan hệ, phải không nào? VYA hy vọng bạn sẽ luôn có những mối quan hệ lành mạnh tích cực: đôi bên cùng tôn trọng tất cả giới hạn riêng tư của nhau và sẵn sàng để cùng bước đến tương lai tốt đẹp hạnh phúc. Cuối cùng, VYA xin gửi bạn thật nhiều cái ôm ấm áp để vượt qua mùa mưa bão lạnh lẽo này nhé!


Tài liệu tham khảo

Xem thêm

https://psychcentral.com/blog/why-healthy-relationships-always-have-boundaries-how-to-set-boundaries-in-yours/

https://honnihaytoncounselling.com.au/boundaries-are-important-for-our-wellbeing/

https://www.talkspace.com/blog/guide-setting-healthy-boundaries-relationships/

https://positivepsychology.com/great-self-care-setting-healthy-boundaries/

https://roadtogrowthcounseling.com/importance-boundaries-relationships/

https://www.mentalhelp.net/blogs/the-importance-of-boundaries-in-romantic-relationships/

https://www.loveisrespect.org/healthy-relationships/

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây