Kỳ thị tính dục: Hiểu để thay đổi

Thời gian đọc: 9 phút

Trong những năm gần đây, ta có thấy số lượng người ủng hộ cộng đồng LGBT ngày càng tăng. Điều đó thể hiện sự phát triển của xã hội và tư tưởng tiến bộ của nhiều người. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những luồng ý kiến và quan niệm tiêu cực. Thậm chí, có những trường hợp công khai xúc phạm và miệt thị đến những người thuộc cộng đồng này. Nhằm giúp mọi người hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh cộng đồng LGBT, đồng thời khuyến khích phong trào đấu tranh chống kỳ thị tính dục cũng như phân biệt đối xử, Vietnam Youth Alliance mang đến cho các bạn một bài viết về hành vi kỳ thị tính dục cũng như cách đấu tranh chống lại hiện tượng này.

Kỳ thị tính dục là gì?

Kì thị tính dục là gì?
Nguồn ảnh: SheThePeople

Kỳ thị tính dục là một thuật ngữ chỉ cảm giác thù hận, chán ghét, ghê tởm hoặc có hành vi phân biệt đối xử với cảm xúc hoặc bản dạng giới với những người thuộc cộng đồng LGBT. Vấn đề này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân lớn bao gồm:

  • Sự ảnh hưởng của những người xung quanh về quan niệm với nhóm tính dục thiểu số;
  • Việc thiếu kiến thức hoặc tiếp nhận thông tin sai lệch về tính dục.

Kỳ thị đồng tính là gì?

Kỳ thị đồng tính là gì?
Nguồn ảnh: Freepik

Sự kỳ thị đồng tính (homophobia) là sự sợ hãi, căm ghét, hoặc nghi ngờ hành vi đồng tính đến vô lý. Hiện tượng này được biểu hiện qua thái độ tiêu cực, ác cảm, hoặc định kiến đối với người đồng tính, thậm chí rộng hơn là cộng đồng LGBT vì sự khác biệt về tính dục. Đôi lúc, hành vi kỳ thị có thể xảy ra ngay từ trong suy nghĩ. Một ví dụ điển hình đó chính là những thành kiến, thái độ kỳ thị, hay từ ngữ xúc phạm. Những hành vi này có thể được thực hiện trong vô thức vì người ta thường cho rằng chúng vô hại, hài hước.

Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến sự an toàn của người đồng tính nói riêng và LGBT nói chung, tác động đến sức khỏe tinh thần và thể chất của nạn nhân và thậm chí là đe dọa đến tính mạng của họ. Khi đối diện với sự kỳ thị, người bị hại sẽ có xu hướng che giấu xu hướng tính dục và từ chối tiếp cận các dịch vụ y tế, hỗ trợ cần thiết.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về sự kỳ thị đồng tính.

Chối bỏ song tính là gì?

Chối bỏ song tính là gì?
Nguồn ảnh: Victorian Pride Centre

Chối bỏ song tính là một thuật ngữ chỉ hành vi xa lánh, chối bỏ, hạ thấp, hay phủ nhận sự tồn tại của song tính trong văn hóa, truyền thống, và lịch sử. Hành vi này xuất phát từ vô số nguyên nhân. Hiện trạng này xuất phát chủ yếu từ nhiều định kiến khác nhau, ví dụ như:

  • Người song tính không chung thủy;
  • Người song tính dễ bỏ rơi người yêu đồng giới để kết hôn với người khác giới;

Vấn đề chối bỏ song tính có thể biểu hiện đa dạng trong đời sống. Chúng có thể cố ý hoặc vô ý, bao gồm:

  • Cố ý đưa ra phát ngôn nhạy cảm;
  • Khiêu dâm hóa người song tính;
  • Áp đặt xu hướng tính dục cho người khác bất kể đúng sai;

Tương tự như đồng tính, người song tính cũng gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Chẳng hạn, trong lĩnh vực y tế, người song tính bị chối bỏ sẽ bị từ chối hoặc hạn chế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan. Hiện trạng tiêu cực này khiến họ dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng. Lâu dần, điều này có thể dẫn tới các bệnh tâm lý, ảnh hưởng tới cuộc sống, thậm chí là an nguy của người song tính. 

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về sự chối bỏ song tính.

Kỳ thị chuyển giới là gì?

Kì thị chuyển giới là gì?
Nguồn ảnh: trans.cafe

Kỳ thị chuyển giới là sự ghê sợ, thù ghét, không tin tưởng đối với người chuyển giới. Bên cạnh đó, những người được cho là chuyển giới/không đi theo những vai trò giới thông thường cũng là nạn nhân của sự kỳ thị này.

Kỳ thị chuyển giới bao gồm nhiều hình thức khác nhau. Phổ biến nhất, ta có thể kể đến việc có thái độ ác cảm, định kiến tiêu cực đối với người chuyển giới. Việc sử dụng ngôn ngữ mang tính xúc phạm, thực hiện những hành vi bắt nạt, quấy rối hay thậm chí là bạo lực cũng được coi là một hình thức kỳ thị chuyển giới.

Sự kỳ thị có thể khiến nạn nhân cảm thấy sợ hãi, tuyệt vọng, và thấy mình tách biệt với thế giới. Người bị kỳ thị cũng dễ mắc các vấn đề tâm lí, điển hình như trầm cảm. Trong những trường hợp cực đoan, sự kỳ thị có thể dẫn đến tự tử. 

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về sự kỳ thị chuyển giới.

Kỳ thị người vô tính (Aphobia)

Kì thị người vô tính (Aphobia)
Nguồn ảnh: VICE

Kỳ thị người vô tính là một thuật ngữ chỉ sự sợ hãi, có thành kiến, ác cảm hoặc phân biệt đối xử với những người vô tính. Người vô tính có thể bị xem là bệnh nhân “rối loạn tâm thần” vì không có sự hấp dẫn tình cảm/tình dục với bất kì ai. Hành vi này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một nguyên do chủ yếu là sự thiếu hiểu biết và nhận thức về tính dục vô tính. Người ta có thể nhầm lẫn vô tính với chủ nghĩa độc thân, hay chứng giảm ham muốn tình dục.

Vấn đề này biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau, phần lớn ở thái độ và nhận thức về người vô tính. Những cảm giác hay thái độ tiêu cực với người vô tính bao gồm hạ thấp giá trị con người, khăng khăng vô tính là loại bệnh tâm thần. Người vô tính bị xem như là những người không biết yêu, và vô tính không phải là một xu hướng tính dục. Họ mặc định người vô tính là do chưa gặp “đúng người, chưa tìm thấy đối tượng phù hợp” để bắt đầu một mối quan hệ.

Người vô tính thường phải đối mặt với nhiều vấn đề, cả về thể chất lẫn tinh thần. Nạn nhân thường tự nghi ngờ bản thân và mang tâm lí tự đổ lỗi cho chính mình. Điều này khiến cuộc sống họ căng thẳng, áp lực, và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. 

Tự kỳ thị tính dục là gì?

Tự kì thị tính dục là gì?
Nguồn ảnh: Revel & Riot

Tự kỳ thị tính dục là cảm giác thù hận, chán ghét, ghê tởm hoặc sợ hãi của một người thuộc cộng đồng LGBT vì xu hướng tính dục, bản dạng giới của chính bản thân và/hoặc với những người khác trong cộng đồng LGBT. Điều này có thể hình thành trong tiềm thức. Nạn nhân có thể đã tiếp xúc những tiêu chuẩn về dị tính và định kiến về cộng đồng LGBT.

Ví dụ, những tiêu chuẩn như giới tính nam phải mạnh mẽ, quyết đoán, và làm công việc nặng; giới tính nữ thì nhỏ nhẹ, yếu đuối, làm việc nhẹ nhàng đã trở thành khuôn mẫu lâu dài. Chúng ảnh hưởng tới suy nghĩ và nhận thức của bản thân về tính dục. Khi đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nó sẽ trở thành nỗi xấu hổ, thất vọng về bản thân. Thậm chí, nạn nhân cũng có thể có thái độ chán ghét với chính cộng đồng LGBT nói chung.

Sự kỳ thị có nhiều biểu hiện khác nhau, vô tình lẫn cố ý. Một vài biểu hiện điển hình có thể kể đến như:

  • Ép buộc bản thân “tỏ ra” dị tính/hợp giới;
  • Kìm nén cảm xúc cá nhân;
  • Tránh né và sống tách biệt khỏi cộng đồng LGBT;
  • Cố ý hạ thấp bản thân hoặc những người thuộc cộng đồng LGBT. 

Lưu ý

Do có xu hướng kìm nén bản thân, người tự kỳ thị thường dễ căng thẳng và khủng hoảng. Đồng thời, họ cũng dễ mắc các vấn đề tâm lí như trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD),… do nỗi sợ hãi và hậu quả của việc bị “ghét bỏ” kéo dài. 

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm về sự tự kỳ thị tính dục.

Chúng ta có thể làm gì khi trải qua sự kỳ thị tính dục tại Việt Nam?

Chúng ta có thể làm gì khi trải qua sự kỳ thị tính dục tại Việt Nam?
Nguồn ảnh: GLSEN

Tự nhắc nhở về giá trị của bản thân: Dù ở hình thức nào, sự kỳ thị cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ: chỉ bạn mới định nghĩa được bạn là ai và như thế nào. Không ai có thể áp đặt hay dán nhãn tính dục của bạn. Hãy nhớ về giá trị và điểm mạnh của mình. Điều đó sẽ giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực từ sự kỳ thị mà bạn gặp phải. 

Tìm kiếm sự hỗ trợ từ xung quanh: Hãy ở bên cạnh những người có khả năng thấu hiểu và đồng cảm với vấn đề mà bạn gặp phải. Tuy nhiên, lưu ý rằng, gia đình và bạn bè đôi khi cũng là nhân tố tiêu cực của sự kỳ thị. Chẳng có gì sai khi bạn tránh xa họ để bảo vệ sức khỏe tinh thần của mình cả.

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có điểm chung: Tham gia và liên lạc với hội nhóm, tổ chức của người thuộc cộng đồng và mong muốn bảo vệ cộng đồng LGBT. Chia sẻ, kết nối với người có cùng điểm chung giúp ta bớt cô đơn khi đối mặt với khó khăn.

Chia sẻ, chủ động lên tiếng tìm kiếm sự giúp đỡ: Có rất nhiều các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận và những trang web uy tín về LGBT để bạn có thể tìm đến khi cần nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn hay chia sẻ những tâm sự của bản thân:

Thông tin liên hệ của trung tâm, cơ sở hỗ trợ

Cơ sở lánh nạn, hỗ trợ nạn nhân của nạn bạo hành và kỳ thị tính dục cũng là những địa chỉ đáng tin cậy.

  • CSAGA – Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên
    • Đường dây nóng tư vấn: 024-3333-5599 hoặc 094-1409-119;
    • Facebook: CSAGA;
    • Địa chỉ: Số 35, Ngõ 66, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội.
  • HAGAR VIETNAM 
    • Đường dây nóng tư vấn: 0943111967;
    • Facebook: HAGAR Vietnam;
    • Địa chỉ: Số 152 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.
  • Ngôi Nhà Bình Yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc Hội LHPN Việt Nam)
    • Liên hệ: 1900-969-680 hoặc 0946-833-380/0946-833-384;
    • Địa chỉ: Phòng Tham vấn – Tầng 4 Nhà B – Trung tâm Phụ nữ và Phát triển – Số 20 Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • Ngôi nhà Ánh Dương – Quảng Ninh
    • Tổng đài tư vấn miễn phí: 18001769;
    • Facebook: Ngôi nhà Ánh Dương.
  • Nếu bạn dưới 18 tuổi, hãy gọi tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111.

Làm sao để đấu tranh chống kỳ thị tính dục?

Làm sao để đấu tranh chống kỳ thị tính dục?
Nguồn ảnh: Eating Disorder Solutions

Đấu tranh chống kỳ thị tính dục là một bước ngoặt quan trọng. Bạn có thể góp phần đấu tranh chống lại những định kiến sai lệch, kỳ thị bằng cách:

  • Tự giáo dục bản thân về cộng đồng LGBT qua nguồn thông tin đúng;
  • Đừng vội kết luận về tính dục của người khác;
  • Tìm hiểu kỹ trước khi phát biểu về tính dục của người khác;
  • Là một đồng minh, hãy lên tiếng cho cộng đồng LGBT khi có thể;
  • Quan tâm tới các mối quan hệ của bạn bè, người thân thuộc cộng đồng LGBT;
  • Nếu an toàn và khả thi, hãy lên án những hành động kỳ thị, xúc phạm tính dục người khác;
  • Tôn trọng quyết định “come out” (công khai tính dục) của người khác;
  • Góp ý khi nghe người khác tỏ ý kỳ thị hay quấy rối. Đa số mọi người không biết rằng ngôn từ của mình có thể gây tổn thương. Vì thế, sẽ rất tốt nếu bạn lý giải cho họ vì sao không nên nói như vậy.

Nhấn vào đây để hiểu thêm về đấu tranh chống kỳ thị tính dục.


Như vậy, các bạn đã có một cái nhìn tổng quan hơn về kỳ thị tính dục và cách đấu tranh chống thực trạng tiêu cực này. Mong giờ đây bạn đã có thêm động lực để trở thành một “đồng minh” của cộng đồng LGBT. Hy vọng bạn sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa nhiệt huyết này nhé. VYA xin hẹn gặp các bạn trong những bài viết sau!

Người thực hiện: Hà, Ngô Tố, T.M.T., Vân Khanh, T.N.N.


Tài liệu tham khảo

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

More To Explore

Bạn muốn cùng VYA xây dựng các bài viết?

Hãy xem xét đơn tham gia ngay tại đây